Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam trong danh sách 15 nước hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Hiệu quả của các chương trình phổ biến kiến thức về tác hại của thuốc lá tại Việt Nam như thế nào, cũng như nhận thức của cộng đồng ra sao qua các chương trình này?
Nhận thức và Ý thức
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chọn chủ đề “Thuốc lá và bệnh tim mạch” nhân Ngày Thế giới Không Thuốc lá, ngày 31/05/2018.
Trên tinh thần đó, Bộ Y Tế Việt Nam phát động Tuần lễ quốc gia không thuốc lá, từ ngày 25 đến ngày 31 tháng 5, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ở các thành phố và nhiều bộ ngành nhằm kêu gọi chính phủ và người dân có hành động kịp thời để hạn chế nguy cơ về sức khỏe tim mạch do thuốc lá gây ra.
Đài RFA ghi nhận tại Việt Nam, những hoạt động tuyên truyền kiến thức về tác hại của thuốc lá trong nhiều năm rất thường xuyên, có thể nói hàng ngày qua các kênh truyền thông, các băng-rôn và biểu ngữ khắp nơi. Trong vài năm gần đây, một số chương trình mới được phát động, như Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và Bệnh viện Gia Định, thành phố Hồ Chí Minh mở đường dây nóng để hướng dẫn giúp cho những người muốn bỏ thuốc lá. Hồi tháng 11 năm 2017, Bộ Y Tế và Bộ Thông Tin-Truyền Thông cùng phối hợp tổ chức cuộc thi phóng sự truyền hình về chủ đề phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Mặc dù vậy, theo nghiên cứu của WHO, Việt Nam nằm trong danh sách 15 quốc gia có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, với tỷ lệ nam giới hút thuốc khoảng trên 20 triệu người, chiếm hơn 45%. Theo báo cáo của Quỹ phòng chống thuốc lá trong năm 2015, người dân Việt Nam chi số tiền 31 ngàn tỷ đồng để mua thuốc lá và tổng chi phí điều trị cho 5 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra (bao gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa, ung thư hô hấp trên, bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ) lên đến 23 ngàn tỷ đồng.
Một nghiên cứu tại Bệnh viện K cho thấy những ai hút thuốc lá sẽ tử vong sớm hơn người bình thường 20 năm và có khả năng bị ung thư phổi cao hơn 6, 5 lần. Số liệu thống kê còn cho thấy trong tổng số người chết do sử dụng thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá có 30% do các bệnh tim mạch và 20% đột quỵ.
Số liệu đó lớn hơn nhiều. Vô bệnh viện hàng ngày là biết. Chỉ cần vào một bệnh viện, chẳng hạn như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hay Bệnh viện Ung Bướu là thấy hàng ngày chở xác ra ầm ầm. Một bệnh viện đã vậy, thì làm sao 4.000 hay 40.000 được?<br/>-Một người dân
Tại buổi tập huấn thúc đẩy giám sát và truyền thông phòng, chống tác hại của thuốc lá, ở Hà Nội vào ngày 8 tháng 5 vừa qua, đại diện của WHO tại Việt Nam, Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm công bố số liệu mỗi năm Việt Nam có khoảng 40 ngàn người tử vong do hút thuốc lá, trong đó có khoảng 4000 người chết vì hít phải khói thuốc lá; tức là “hút thuốc lá thụ động”.
Chúng tôi liên lạc được với một người ở Sài Gòn, làm việc trong lãnh vực truyền thông và được ông nhận xét số liệu vừa nêu trong thực tế là cao hơn:
“Số liệu đó lớn hơn nhiều. Vô bệnh viện hàng ngày là biết. Chỉ cần vào một bệnh viện, chẳng hạn như Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch hay Bệnh viện Ung Bướu là thấy hàng ngày chở xác ra ầm ầm. Một bệnh viện đã vậy, thì làm sao 4.000 hay 40.000 được?”
Một số những người hút thuốc lá ở Việt Nam mà Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc, cho biết họ nhận thức được đầy đủ thông tin về tác hại nguy hiểm của việc hút thuốc lá; tuy nhiên ý thức bỏ thuốc lá còn tùy thuộc vào ý chí và hoàn cảnh của mỗi người.
Các giải pháp
Những nguời hút thuốc lá này còn chia sẻ với RFA ở Việt Nam ý thức không hút thuốc lá ngày càng được được nâng cao và nhân rộng; chẳn hạn ngày càng có nhiều người cố gắng bỏ hút thuốc vì sức khỏe của bản thân và các thành viên khác trong gia đình, hay càng có nhiều nơi có các khu vực riêng dành cho người hút thuốc trong bệnh viện, các tòa nhà, nhà hàng, các phương tiện xe công cộng…Thậm chí trong một gia đình, người hút thuốc cũng ý thức hơn trong việc hạn chế tác hại của thuốc lá đối với những người xung quanh. Cô Nguyễn Thị Ba, ở Đồng Tháp cho biết:
“Người đàn ông hoặc mình khi hút thì phải bước ra ngoài, tức lá ra ban công, ra ngoài đường hay đứng ngoài cửa hút. Hạn chế bằng cách như vậy. Phải tránh, chứ không phải ngồi trước mặt cứ phì phà điếu thuốc. Bây giờ người ta cũng biết gìn giữ cho gia đình bằng cách như thế.”
Truyền thông trong nước dẫn lời của ông Kidong Park, Trưởng đại diện của WHO tại Việt Nam, nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC rằng WHO khuyến nghị Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá lên ở mức ít nhất 2000 đồng/bao để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Ông Park nhấn mạnh thuế và giá là biện pháp rất hữu hiệu để kiểm soát tỉ lệ người hút thuốc.
Nếu tăng thuế thuốc lá từ bây giờ, thì các loại thuốc lá tăng giá lên sẽ hạn chế được những người hút thuốc mới, như những người trong lứa 10 tuổi bây giờ. Còn người hút thuốc cũ thì tìm đến các loại thuốc rẻ hơn và Việt Nam còn rất nhiều loại thuốc rẻ. Có những loại thuốc 40 ngàn đồng/gói, nhưng cũng có những loại chỉ có 4 ngàn đồng/gói và thậm chí vẫn còn thuốc rê<br/>-Một người hút thuốc lá
Theo ghi nhận của WHO, thuế thuốc lá tại Việt Nam hiện nay là 30% trên giá bán lẻ, thấp hơn một nửa so với mức thuế trung bình trên thế giới là 65%.
Vào đầu tháng 5 năm nay, Bộ Tài Chính đã họp bàn về hai biện pháp tăng thuế thuốc lá. Thứ nhất là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 1000 đồng/bao 20 điếu thuốc lá và 10 ngàn đồng/điếu xì-gà kể từ 2020. Thứ hai là sẽ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ 75 đến 80% trong năm 2020 và 85% trong năm 2021.
Trả lời câu hỏi của RFA rằng biện pháp tăng thuế đối với thuốc lá có thể tạo ra được hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam hay không, một người hút thuốc không muốn nêu tên cho biết ý kiến của ông:
“Đương nhiên sẽ giúp giảm số lượng người hút thuốc xuống, mặc dù không giảm một cách tức thời. Nếu tăng thuế thuốc lá từ bây giờ, thì các loại thuốc lá tăng giá lên sẽ hạn chế được những người hút thuốc mới, như những người trong lứa 10 tuổi bây giờ. Còn người hút thuốc cũ thì tìm đến các loại thuốc rẻ hơn và Việt Nam còn rất nhiều loại thuốc rẻ. Có những loại thuốc 40 ngàn đồng/gói, nhưng cũng có những loại chỉ có 4 ngàn đồng/gói và thậm chí vẫn còn thuốc rê.”
Hầu hết những người hút thuốc còn lại mà Đài RFA trao đổi đều khẳng định mặc dù nhận thức về tác hại của thuốc lá và ý thức không hút thuốc lá sẽ tiếp tục tăng trong tương lai; thế nhưng tỷ lệ hút thuốc ở Việt Nam sẽ không thuyên giảm nhiều trong thời gian gần, mà phải tính bằng cả thế hệ vì văn hóa giao tiếp mọi lúc mọi nơi thường bắt đầu bằng một một điếu thuốc lá.