Bốn nước ASEAN ven biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cần phải hợp tác để chống lại chiến thuật “Vùng xám” của Trung Quốc– Giáo sư (GS) Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Australia tại Canberra đã nhận định như vậy trong một trao đổi gần đây với RFA. Mời quý vị cùng theo dõi:
RFA: Được biết ông vừa có một bài thuyết trình về việc các nước ASEAN nên làm gì để đáp trả chiến thuật 'Vùng xám' của Trung Quốc (TQ) tại một hội nghị quốc tế về Biển Đông vào cuối tháng 5 vừa qua. Vậy theo ông, vì sao các quốc gia thành viên ASEAN nên hợp tác để đối phó với chiến thuật này của Trung Quốc? Lời khuyên của ông là gì, đặc biệt với quốc gia tuyên bố chủ quyền như Việt Nam?
GS Carl Thayer: Vì Myanmar đang là vấn đề nóng trong chương trình nghị sự của khối ASEAN và khối này đã có những bất đồng nhất định trong vấn đề Biển Đông nên tôi cho rằng sự hợp tác này nên được thúc đẩy giữa bốn quốc gia ven biển Đông là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia.
Vì sao họ nên ngồi lại với nhau? Một là từ cuối năm 2019 và trong năm 2020, tất cả bốn nước này đều đệ trình công hàm tới Ủy ban Ranh giới về Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc, chia sẻ cùng một quan điểm pháp lý và bác bỏ cơ sở yêu sách chủ quyền của Trung Quốc và khẳng định rằng phán quyết trọng tài năm 2016 nên được xem là là chỉ dẫn cho những gì đang diễn ra.
Hai là, cả bốn quốc gia này trong 18 tháng qua đều đã gặp phải một số hình thức đe dọa và gây áp lực của Trung Quốc. Và đặc biệt, trong năm nay hơn hai trăm tàu cá và dân quân biển của Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực Đá Ba Đầu thuộc khu vực đặc quyền kinh tế của Philippines, gây áp lực lên chính phủ nước này.
Vì vậy, các quốc gia này nên hợp tác với nhau và nên thành lập một nhóm họp không chính thức trong chính khối ASEAN để tư vấn chính sách. Và bởi vì họ đang phải đối mặt với sự đe dọa từ phía Trung Quốc, ASEAN lại không muốn phải chọn giữa Mỹ và Trung Quốc nên bằng cách đến với nhau và để ASEAN hành động với tư cách một tổ chức, các quốc gia này sẽ có cơ hội tốt hơn để duy trì tính trung lập của họ.
Nhìn vào phản ứng của ASEAN đối với vấn đề Myamar, tôi cho rằng hòa bình và an ninh khu vực cũng bị đe dọa tương tự bởi các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc đối với các quốc gia ASEAN và vì vậy ASEAN cần có vai trò ở đây.
Nhìn vào phản ứng của ASEAN đối với vấn đề Myamar, tôi cho rằng hòa bình và an ninh khu vực cũng bị đe dọa tương tự bởi các chiến thuật vùng xám của Trung Quốc đối với các quốc gia ASEAN và vì vậy ASEAN cần có vai trò ở đây. Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận vai trò của ASEAN. ASEAN có Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác mà Trung Quốc ký kết tham gia vào năm 2003, vì thế các nước thành viên ASEAN nên vận động mạnh mẽ cho vấn đề này.
RFA: Từ sự kiện diễn ra tại Đá Ba Đầu gần đây, một số nhà quan sát gợi ý rằng Việt Nam và Philippines nên ngồi lại với nhau trước để có thể thống nhất phương án chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc một cách hiệu quả hơn. Ông có đồng tình?
GS Carl Thayer: Tôi đồng ý với ý kiến này. Việt Nam và Philippines là đối tác chiến lược và mức độ hợp tác hiện tại chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của hai nước. Việt Nam và Philippines và một số nước ASEAN khác có những tranh chấp với nhau về phân định ranh giới hàng hải và vì thế, tôi cũng cho rằng các quốc gia ASEAN nên hợp tác để giải quyết các vấn đề nội bộ của họ cùng lúc với việc đương đầu với TQ.
Cho đến nay, tuy có tuyên bố chồng lấn về chủ quyền nhưng tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Philippines không phải là vấn đề lớn. Thực tế là chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã chiếm đảo Song Tử Tây (Southwest Cay) – một thực thể mà Philippines tuyên bố chủ quyền - nhưng đó không phải là điều mà Chính phủ Việt Nam hiện tại làm. Ngoài ra, những tài liệu nội bộ của khối ASEAN trong những năm gần đây cho thấy trong một số vấn đề, Philippines và Việt Nam có quan điểm khá tương đồng, hai nước thể hiện quan điểm khá mạnh mẽ nhưng rất tiếc là chưa nhận được sự ủng hộ của nhiều nước ASEAN khác.
Theo tôi, Philippines và Việt Nam có thể cùng khiếu nại lên Hội đồng Cấp cao ASEAN (ASEAN High Council) – một hội đồng có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp được quy định trong Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (ACT) trong khu vực Đông Nam Á mà Trung Quốc cũng là một bên ký kết và phê chuẩn. Thành viên của Hội đồng này bao gồm cả các nước ASEAN không có tranh chấp cũng như các bên ký kết khác ngoài ASEAN. TQ có thể từ chối tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp này và việc giải quyết tranh chấp của hội đồng này có thể bị bế tắc nhưng Hiệp ước này cho phép các bên trong ASEAN đưa ra khuyến nghị và lời khuyên. Và như vậy, đây là một cách nữa để Việt Nam và các quốc gia có liên quan thường xuyên đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc bằng con đường ngoại giao hơn là trên biển nơi Trung Quốc có nhiều lợi thế.
RFA: Các hoạt động gần đây của lực lượng dân quân và cảnh sát biển TQ tại khu vực cụm đảo Sinh Tồn đang gây áp lực cho Việt Nam trong việc kiểm soát các tiền đồn của mình ở đây. Ông có nghĩ rằng lực lượng hải quân, dân quân và cảnh sát biển của Việt Nam đủ mạnh để bảo vệ các tiền đồn của mình và đối phó với chiến thuật Vùng xám của Trung Quốc?
GS Carl Thayer: Câu trả lời của tôi là không. Sách trắng Quốc phòng 2019 của Việt Nam cho thấy Việt Nam muốn tránh bằng mọi giá bất kỳ hành động nào được xem là leo thang hoặc đối đầu với Trung Quốc cũng như liên quan đến cưỡng chế hoặc sử dụng vũ lực. Và chúng ta đã thấy, trong vụ việc Bãi Tư Chính cách đây vài năm, Việt Nam đã không chủ trương làm mạnh. Vì vậy, Việt Nam phải liên tục sử dụng công cụ đấu tranh ngoại giao song phương với Trung Quốc và trên các diễn đàn ASEAN, và quốc tế.
Tất nhiên, Việt Nam nên tiếp tục xây dựng năng lực để đối phó với Trung Quốc – điều mà trong quan hệ quốc tế gọi là “tự giúp mình”.
Việt Nam đã khá mạnh mẽ trong việc nâng cao năng lực hải quân và không quân, đặc biệt là cho các hoạt động trên Biển Đông trong những năm qua. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều quốc gia khác, nguồn lực của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ bé so với Trung Quốc. Có thể nói, lực lượng cảnh sát biển của Trung Quốc lớn hơn lực lượng của Nhật và của tất cả các nước ASEAN cộng lại và tàu của Cảnh sát biển Trung quốc có trọng tải lớn hơn bất kỳ tàu nào của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam vừa nhận bàn giao chiếc tàu cảnh sát biển lớp Hamilton thứ hai từ Hoa Kỳ - một chiếc tàu có trọng tải hơn 3.000 tấn nhưng cũng chỉ thuộc tầm trung, chưa phải cỡ lớn.
Việt Nam cần phải hiện đại hóa hải quân, đặc biệt đối với tàu ngầm đồng thời cần có một lực lượng cảnh sát biển mạnh mẽ. Tất nhiên trên thực tế, không một quốc gia nào kể có thể có nguồn lực ngang hàng với Trung Quốc nhưng những lực lượng này sẽ là một sự răn đe để Trung Quốc biết rằng nếu họ hành vi xâm lược và sử dụng vũ trang, họ có thể sẽ phải trả giá.
Việt Nam cần phải hiện đại hóa hải quân, đặc biệt đối với tàu ngầm đồng thời cần có một lực lượng cảnh sát biển mạnh mẽ. Tất nhiên trên thực tế, không một quốc gia nào kể có thể có nguồn lực ngang hàng với Trung Quốc nhưng những lực lượng này sẽ là một sự răn đe để Trung Quốc biết rằng nếu họ hành vi xâm lược và sử dụng vũ trang, họ có thể sẽ phải trả giá.
ASEAN cũng đã từng thảo luận về diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN từ năm 2015 – một cơ chế đối thoại và hợp tác giữa cơ quan thực thi pháp luật hàng hải các nước ASEAN nhằm đảm bảo một môi trường biển an toàn an ninh và hòa bình cho cộng đồng ASEAN. Trong khuôn khổ diễn đàn này cảnh sát biển các nước ASEAN cũng có thể tăng cường trao đổi và hợp tác với các đối thoại, trong đó có cả Trung Quốc. Tôi cho bây giờ chính là lúc thúc đẩy việc tổ chức diễn đàn này. Cảnh sát biển không phải là quân đội nên có thể giảm căng thẳng. Trong quan hệ ASEAN và Trung Quốc, diễn đàn này sẽ là nơi mà việc duy trì một trật tự tốt ở trên biển sẽ là vấn đề chung của cả hai bên. Trung Quốc cần được liên tục nhận được sức ép để phải hạn chế số lượng tàu cá, số lượng dân quân biển và cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
RFA: Với nguồn lực hạn chế, theo ông, trong thời gian tới, Việt Nam cần cân nhắc những bước đi quan trọng nào để bảo vệ tốt hơn chủ quyền của mình trên Biển Đông?
Tôi cho rằng Việt Nam phải luôn để ngỏ cánh cửa với Trung Quốc để tiếp tục phản đối, tiếp tục đưa ra quan điểm về chủ quyền, và cố gắng đạt được các thỏa thuận để giữ cho căng thẳng không gia tăng.
Nếu có thể gặp gỡ không chính thức với Malaysia, Philippines, Indonesia, Việt Nam và các quốc gia này nên bắt đầu xem xét có thể sử dụng trọng tài quốc tế thêm như thế nào để chống lại Trung Quốc nếu nước này tiếp tục đưa một số lượng lớn tàu vào vùng đặc quyền kinh tế của mình. Họ có thể không thành công trong cuộc chiến pháp lý nhưng sẽ dành được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế do Mỹ dẫn dắt, trong đó có nhóm QUAD, một số nước châu Âu và một số khác, từ đó gây áp lực đối với Trung Quốc.
Tóm lại, Việt Nam phải sử dụng ngoại giao quốc tế, trực tiếp với Trung Quốc, trong chính ASEAN và với các đối tác đối thoại. Quan hệ với các cường quốc là rất quan trọng đối với Việt Nam.
RFA: Liên quan tới quan hệ quốc phòng Mỹ và Việt Nam, theo ông Việt Nam và Mỹ có thể đẩy mạnh hợp tác như thế nào trong vấn đề Biển Đông?
GS Carl Thayer: Đối thoại Shangri-La vừa qua đã bị hủy vì tình hình bệnh dịch COVID. Trước đó, đã có khá nhiều tin đồn rằng nếu đối thoại này được tổ chức vào tháng 6 thì Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin sẽ đến thăm Việt Nam trong hai hoặc ba ngày đầu tháng 6 trước sự kiện này bắt đầu.
Và cũng có tin đồn rằng người đứng đầu CIA sẽ đến thăm Việt Nam ngay sau chuyến thăm của ông Austin. Đây đều là những điều đồn đoán và chúng cần phải được xác nhận, nhưng rõ ràng từ quan điểm của chính quyền Biden rằng Mỹ muốn hợp tác với một mạng lưới các đồng minh và đối tác và Việt Nam đứng đầu danh sách đối tác tiềm năng. Hai nước chưa chính thức là đối tác chiến lược. Vì vậy, điều này có thể xảy ra.
Gần đây, tôi có tham dự một hội thảo trực tuyến kéo dài ba ngày về các vấn đề an ninh giữa Việt Nam và Mỹ do Viện nghiên cứu chính sách đối ngoại Diễn đàn Thái Bình Dương tổ chức. Tôi không thể cung cấp các thông tin chi tiết về những thảo luận này nhưng có thể nói là cả hai bên đang xem xét các cơ hội hợp tác trong vấn đề nâng cao năng lực, cả đào tạo và giáo dục quân sự chuyên nghiệp cũng như vấn đề trang thiết bị, tuy không nhất thiết phải các hệ thống vũ khí tiên tiến, nhưng cũng giúp cải thiện nhận thức về lĩnh vực hàng hải.
Tôi cho rằng Việt Nam và Mỹ có nhiều cơ hội hợp tác và cả hai bên đều có thiện chí. Vấn đề nằm ở chỗ sẽ hợp tác như thế nào để Việt Nam duy trì được độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh mà vẫn giữ được lập trường “không đứng về phía nào chống lại Trung Quốc”.
Tôi cho rằng Việt Nam và Mỹ có nhiều cơ hội hợp tác và cả hai bên đều có thiện chí. Vấn đề nằm ở chỗ sẽ hợp tác như thế nào để Việt Nam duy trì được độc lập, tự chủ, nâng cao sức mạnh mà vẫn giữ được lập trường “không đứng về phía nào chống lại Trung Quốc”.
RFA: Xin cảm ơn ông!