Sau chuyến thăm Nhật Bản cuối tháng 5/2018 của Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, vấn đề hợp tác an ninh đã được hai bên đặt lên hàng đầu trong tuyên bố chung.
Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan trả lời RFA câu hỏi này.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Trước khi bình luận về bang giao Việt—Nhật vào thời điểm hiện tại, thì cần nói ngay 1 nhận xét mang tính tổng thể như thế này: quan hệ Hà Nội—Tokyo giờ đây nó nổi trội, bao trùm, nó lan toả trên mọi quy mô và ở cường độ cao (nếu như không nói là cao nhất) giống như quan hệ Việt—Xô những năm kháng chiến trước kia. Đây là 1 nhận xét mang tính chủ quan và dĩ nhiên mọi so sánh thì đều khập khiểng.
Nhận xét của nhà báo đúng ở chỗ hợp tác về quốc phòng và an ninh được đặt lên số một, trong bản tuyên bố chung vừa qua, gồm 42 điểm, dài trên 4500 từ. Nên nhớ, Việt Nam và Nhật Bản thường có những tuyên bố chung ngoại giao dài nhân các chuyến thăm của nguyên thủ. Tuyên bố chung Việt-Nhật về thiết lập quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng năm 2014, lúc chủ tịch nước VN thăm Nhật 3/2014 cũng gần 70 điểm, dài hơn 5500 từ.
Tuy nhiên, nội dung an ninh, dù nổi trội nó cũng chỉ được thể hiện một cách khiêm tốn, vừa để tránh bớt sự dòm ngó, tị hiềm không cần thiết, vừa phản ánh tính chất chung của an ninh là làm nhiều hơn nói, nhất là trong bản tính khiêm cung của người Nhật, trong khi kinh tế có 8 nội dung, nhân lực, quản trị 12 nội dung.
Có điều là đặt lên hàng đầu như thế nó cũng nói lên thế lưỡng nan về an ninh của Việt Nam trên Biển Đông và cũng nói lên tình hình căng thẳng trên biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Thật ra, đây cũng không hẳn là vấn đề mới. Cái mới, cái mà vì nó, Việt Nam và Nhật Bản phải đưa hợp tác về quốc phòng lên vị trí ưu tiên, theo tôi, đó là hợp tác để tăng cường sức mạnh của cảnh sát biển (JCG) lên tầm mức ngày càng “sâu rộng”.
Tại sao lại là lúc này? Trung Quốc đã tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Hoa Đông, Trung Quốc sẽ tuyên bố ADIZ trên Biển Đông, nhất là sau họ đã hoàn tất quân sự hóa, và sau khi tung quả bóng thăm dò sẽ xoá đường đứt khúc 9 đoạn bằng một bản đồ, họ nói là mới tìm được từ năm 1951, nối liền các đường ấy lại với nhau. Trung Quốc ngồi xổm lên công pháp quốc tế, mới năm kia luật pháp quốc tế nói rằng các đảo Trung Quốc cưỡng chiếm không có giá trị pháp lý. nếu thấy phản ứng của Việt Nam, của khu vực và quốc tế yếu thì Trung Quốc sẽ làm!
Kính Hòa: Trên thực tế việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước đang ở mức độ nào, có khả năng kềm chế Trung Quốc, đối thủ chung của hai nước, chưa?
Sự hợp tác giữa các đơn vị, theo tôi là cái mới.<br/>-Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Hợp tác quốc phòng thì thường không phải là đề tài để chia sẻ với truyền thông, nên chúng ta cũng chỉ có thể ước đoán trên cơ sở một vài tuyên bố công khai. Ví dụ, chúng ta biết, tháng 4/2018, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam – Nhật Bản đã ký Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt Nam – Nhật Bản hướng đến thập niên tiếp theo nhằm định hướng và thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác quốc phòng song phương giữa hai nước trong thời gian tới.
Lúc bấy giờ Bộ trưởng Onodera nhấn mạnh Nhật Bản mong muốn tăng cường phối hợp với Việt Nam trong các nỗ lực dựa trên “chiến lược Indo—Pacific” (Ấn Thái Dương tự do và rộng mở). Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch cho rằng việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực, tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp tại khu vực trên là vô cùng quan trọng.
Hợp tác hiện ở mức độ nào? Trong tuyên bố giữa chủ tịch Quang và thủ tướng Abe có 2 nội dung nổi bật:
Thứ nhất, hai nhà lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm tăng cường giao lưu giữa các đơn vị, bao gồm việc thăm Việt Nam của tàu biển, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị và công nghệ quốc phòng. Ở đây có cả đa phương lẫn song phương như tìm kiếm, cứu nạn hàng không, quân y, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Sự hợp tác giữa các đơn vị, theo tôi là cái mới.
Thứ hai, hai nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực an ninh biển thông qua các chuyến thăm của tàu Cục Bảo an trên biển Nhật Bản. Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, cung cấp cho Việt Nam các tàu đã qua sử dụng và tàu tuần tra đóng mới, sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chính sách biển tổng thể trên cơ sở đề nghị cụ thể của phía Việt Nam.
Hợp tác như thế đã đủ độ để kiềm chế Trung Quốc chưa? Tôi nghĩ là chưa, vì đơn giản, vấn nạn về Trung Quốc không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam hay Nhật Bản, mà nó là vấn đề của cả thế giới. Đây vừa là cái may, nhưng cũng là cái rủi đối với Việt Nam và Nhật Bản. May là hai nước không chiến đấu một mình, tức là Việt Nam và Nhật Bản không đơn độc. Nhưng rủi là hai dễ bị cuốn vào một cuộc cạnh tranh địa-chính trị của thế kỷ. Nó có thể vừa tăng cường các chất lượng chiến lược của mối quan hệ, nhưng đồng thời nó cũng có thể làm tiêu tán đi một phần sức mạnh mà đáng ra nếu tập trung vào các lĩnh vực kinh tế-thương mại thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Kính Hòa: Đã có mô hình hợp tác tứ giác Mỹ-Nhật-Ấn-Úc, Ấn Thái Dương rộng mở Việt Nam có thể đóng vai trò như thế nào trong sự hợp tác này?
Trong tuyên bố chung Việt Nhật 31/5 vừa qua có một điểm tuy đặt gần cuối nhưng rất quan trọng đó là chính thức đề cập đến thái độ của Việt Nam đối với chiến lược Indo-Pacific. <br/>-Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng: Như đã nói ở trên, Việt—Nhật không đơn độc trong vấn đề bảo vệ sự tôn nghiêm về lãnh hải, về chủ quyền quốc gia đối với các quần đảo và vùng nước liên quan, Việt Nam là Trường Sa Hoàng Sa, còn Nhật Bản là Senkaku. Mô hình "Tứ giác Kim cương", hay còn gọi tắt là "Quad", cũng là "chiến lược Indo—Pacific", chính là một ý tưởng được ra đời để đáp ứng nhu cầu tập hợp lực lượng trong khu vực để đối phó với Con đường vành đai, Belt Road Initiative, của Trung Quốc từ mấy năm nay.
Nghịch lý ở đây là Ấn Thái Dương, tuy nói là chiến lược nhưng thực chất mới mức sáng kiến, đang trong giai đoạn thăm dò và định hình chính sách. Ngược lại Con đường vành đai, thì không còn là sáng kiến nữa mà nó đã được cụ thể hoá thành các dự án, các chương trình làm ăn, ký kết với nhiều nước, nhiều khu vực từ dăm năm trở lại đây rồi.
Vai trò của Việt Nam trong Ấn Thái Dương, hay nói cách khác, trong hợp tác của “Bộ Tứ” là cả một câu chuyện tích cực nhưng cũng nhậy cảm. Tích cực, vì giữa lúc bốn bề thọ địch như hiện nay, Việt Nam lại chưa có được một sự “chống lưng” đa phương nào chắc chắn cả, thì “Quad” có thể là một cơ hội. Tuy nhiên, việc tận dụng được cơ hội “kim cương” ấy như thế nào thì còn tuỳ thuộc vào quá nhiều biến số và luật chơi tới đây giữa các cường quốc, mà đến phút này, còn rất nhiều yếu tố bất định.
Ở đây tôi chỉ nếu ba biến số trong nhiều nhân tố bất toàn chưa tiên liệu được. Thứ nhất, Việt Nam có vượt qua được “bóng đè” của Trung Quốc hay không? Trong các tuyên bố song phương với Ấn Độ, Úc châu hay như với Nhật bản như vừa rồi, Việt Nam khá “mở lòng” trước Ấn Thái Dương, nhưng mỗi lúc như thế Việt Nam không thể không nhớ đến lời cảnh cáo của Trung Quốc, là Việt Nam không được tham gia vào “Quad”. Cái này Trung Quốc đã nói rõ trên Global Times.
Thứ hai, Quad cho đến nay, chưa thành một “cấu trúc an ninh” tập thể. Sự cố kết giữa các thành viên Quad còn rời rạc. Cuối tháng 4/2018, Ấn từ chối mời Úc tham gia diễn tập hải quân Malabar, vì không muốn ảnh hưởng đến những kết quả vừa đạt được trong cuộ gặp với ông Tập hôm 27/4. Thứ ba, các thành viên ASEAN dường như mỗi nước đều có cách tiếp cận riêng của mình với Trung Quốc, với Con đường vành đai, dĩ nhiên cũng chưa thể có cái nhìn nhất quán đối với Ấn Thái dương.
Tuy nhiên trong tuyên bố chung Việt Nhật 31/5 vừa qua có một điểm tuy đặt gần cuối nhưng rất quan trọng đó là chính thức đề cập đến thái độ của Việt Nam đối với chiến lược Indo-Pacific. Tuyên bố nói rằng Thủ tướng Abe đã giải thích về chiến lược Ấn Thái Dương. Thái độ của Việt Nam là ở câu hai nhà lãnh đao nhấn mạnh đến một trật tự tự do và rộng mở, đó chính là Ấn Độ Thái Bình Dương.