Quốc hội thảo luận về phòng, chống tham nhũng
Tại nghị trường Quốc hội, vào ngày 26/10, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ghi nhận ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đánh giá cao về sự đồng bộ của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam được đẩy mạnh và bài bản hơn.
Ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh nhiều vụ án tham nhũng lớn và nghiêm trọng được xét xử nghiêm minh và việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng kinh tế đạt nhiều tiến bộ hơn.
Tuy nhiên, các Đại biểu Quốc hội cũng phản ánh công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều bất cập như công tác hoàn thiện thể chế, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực…
Đơn cử, Đại biểu Quốc hội thuộc tỉnh Nghệ An, ông Trần Văn Mão cho rằng tội phạm tham nhũng đã và đang diễn ra tinh vi, nghiêm trọng ở nhiều lĩnh vực. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Mão đề nghị Chính phủ Việt Nam cần phải nhận diện và đánh giá sát với tình hình tham nhũng thực tế, đồng thời đề ra những giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
<i>Luật Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là một bộ luật rất tốt vì được chép lại theo bộ luật của phương Tây. Trước khi ban hành bộ luật đấy thì người ta đã có 8 văn bản hướng dẫn, và gọi là 8 nghị định. Đã có được 7 nghị định rồi và còn thêm một nghị định nữa về 'bảo vệ nhân chứng và những người tố cáo' thì chưa có. Nếu như áp dụng tất cả Luật và 7 nghị định về phòng, chống tham nhũng là rất tốt rồi. Người ta cứ bảo làm tốt hơn nếu như sửa đổi chỗ này, chỗ kia thì thực ra người ta không hiểu thế nào là chống tham nhũng và thế nào là chống được hay không chống được<br/>-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp</i>
Một số Đại biểu Quốc hội đưa ra các ý kiến về những biệp pháp nhằm hỗ trợ cho công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả hơn. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Thủy, đến từ Hậu Giang, đề xuất cần sớm triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ tốt, kịp thời các dịch vụ hành chính công, đẩy mạnh dịch vụ mua sắm bằng giao dịch điện tử, nhằm hạn chế tiêu dùng tiền mặt, tăng cường công khai, minh bạch trong lĩnh vực mua sắm tài chính công, định giá, đấu thầu đất đai, tài nguyên, đấu thầu xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước, kể cả việc chi trả đền bù giải tỏa đất cho người dân…Còn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Sơn, đại diện cử tri đoàn tỉnh Tiền Giang, đưa ra ý kiến các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng chính sách, pháp luật nhằm ngăn ngừa nảy sinh tham nhũng ngay từ khi xây dựng chính sách pháp luật…
Nhận định về các biện pháp được Đại biểu Quốc hội đề xuất
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á - ISEAS, Singapore, vào tối hôm 28/10 nhấn mạnh với RFA liên quan những quy định luật pháp về phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam:
“Luật Phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là một bộ luật rất tốt vì được chép lại theo bộ luật của phương Tây. Trước khi ban hành bộ luật đấy thì người ta đã có 8 văn bản hướng dẫn, và gọi là 8 nghị định. Đã có được 7 nghị định rồi và còn thêm một nghị định nữa về ‘bảo vệ nhân chứng và những người tố cáo’ thì chưa có. Nếu như áp dụng tất cả Luật và 7 nghị định về phòng, chống tham nhũng là rất tốt rồi. Người ta cứ bảo làm tốt hơn nếu như sửa đổi chỗ này, chỗ kia thì thực ra người ta không hiểu thế nào là chống tham nhũng và thế nào là chống được hay không chống được.”
Nhà quan sát tình hình Việt Nam - Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng Nhà nước Việt Nam cần phải tách bạch rõ ràng 2 khái niệm của vấn đề tham nhũng:
“Tham nhũng là liên quan đến chuyện hối lộ, nhận hối lộ và sử dụng tiền bạc vào những việc phi pháp; một quá trình gì đó mà có xảy ra biển thủ công quỹ hoặc là liên quan đến hành động làm hư hỏng những người tham gia đấy, đặc biệt là những người có quyền. Việc gì là tham nhũng thì phải nói rõ là tham nhũng. Còn những việc gì làm sai trái mà gây ra thiệt hại thì đừng gọi đó là tham nhũng. Có phải bao giờ người ta cũng làm đúng đâu. Ví dụ như hoạt động theo quy luật kinh tế thị trường, chẳng hạn, thì sẽ có rủi ro. Người ta làm rất đúng, nhưng có rủi ro thì người ta vẫn thua, vẫn hỏng. Thế thì lại căn cứ theo đó mà quy định tội để xử lý người ta về mặt hình sự như bỏ tù. Như thế thì không đúng.”
Chuyên gia của Viện ISEAS trưng dẫn trường hợp thương vụ MobiFone mua lại 95% cổ phần của AVG với số tiền 8.900 tỷ đồng. Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định rằng thương vụ đó diễn ra đúng theo quy luật của kinh tế thị trường, thuận mua vừa bán nên tòa án Việt Nam xét xử thương vụ này sai phạm là không đúng. Về vụ việc hai ông cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn nhận hối lộ thì xét xử riêng chỉ hai cán bộ cấp cao này tham nhũng mà thôi.
“Xử về nhận hối lộ là đúng. Thế nhưng, xử rằng người ta làm sai là không đúng bởi vì người ta làm đúng. Yếu tố pháp quyền là nằm ở chỗ đấy. Cái gì đúng thì phải bảo là đúng và cái gì sai thì phải bảo là sai. Sai đến đâu thì xử lý đến đó. Nhưng đây thì cái đúng bảo thành sai, còn cái sai lại bảo thành đúng. Đấy gọi là không có pháp quyền.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định rằng chống tham nhũng tại Việt Nam được đánh giá đạt kết quả qua việc bắt người để xử lý hình sự và bỏ tù như những gì đang diễn ra trong thực tiễn thì không thể khiến cho tham nhũng giảm bớt, mà thậm chí còn tăng lên, bởi do Việt Nam chống tham nhũng không hoàn toàn dựa vào pháp quyền.
Trả lời câu hỏi của RFA liệu rằng với một số biện pháp được Đại biểu Quốc hội đề xuất tại phiên họp ngày 26/10 sẽ góp phần tăng cường hiệu quả cho công tác phòng, chống tham nhũng hay không, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nêu quan điểm của ông:
“Chống tham nhũng thì điều trước hết là phải đề phòng nó, đừng để nó xảy ra. Và, nguyên tắc thứ hai là chống tham nhũng bằng cách giảm bớt nó đi thì không thể một lúc mà chống hết được. Nguyên tắc thứ ba là chống tham nhũng không phải bằng việc chống tham nhũng, mà chống tham nhũng bằng cách xây dựng những hệ thống công quyền, hệ thống công việc làm sao để các hoạt động ở bất kỳ một lĩnh vực nào từ chính trị, xã hội cho đến hành chính, tư pháp…tất cả đều được minh bạch. Từ đấy, tham nhũng mới có thể được giảm đi.”
<i>Tất cả mọi hành động xử lý kỷ luật vừa qua đều là thanh trừng lẫn nhau, răn đe cho nhau. Nhưng dù sao chúng ta cũng thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước Cộng sản rằng, nếu một người có quyền cầm bút ký là có thể tham nhũng, từ xã cho đến Trung ương. Quan trọng là người thế lực mạnh sẽ lấn át người thế lực yếu. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là thứ vũ khí để họ trị nhau, chứ không phải vì dân vì nước<br/>-Nhà báo Trần Quang Thành</i>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hồi trung tuần tháng 8, tại sự kiện khai trương Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, đã tuyên bố Chính phủ Việt Nam với sứ mệnh hướng tới “Chính phủ số” là con đường đúng đắn để phát triển một đất nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đồng thời khẳng định việc xây dựng và phát triển Chính phủ số là xu thế tất yếu, nhằm nâng cao tính công khai, minh bạch của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội.
Mặc dù Đảng Cộng sản và Chính phủ Việt Nam luôn thể hiện quyết tâm phòng, chống tham nhũng một cách quyết liệt, nhưng hầu hết những nhà quan sát tình hình Việt Nam đều khẳng định công cuộc chống tham nhũng do Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động thực chất không đạt hiệu quả.
Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, trong một lần trao đổi với RFA hồi tháng 9/2019, đã nhận định rằng việc chống tham nhũng hay dẹp bỏ các “nhóm lợi ích” thật sự không nhằm vào đúng mục đích mà chỉ là hô hào qua các khẩu hiệu của ông Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng:
“Tôi đồ rằng tiến độ được coi là chống tham nhũng của Đảng do ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì gần như chưa đạt được một kết quả lớn nào cả. Trong khi đó lại xuất hiện dư luận cho rằng chiến dịch đốt lò của ông Trọng tập trung chủ yếu tấn công vào các đối thủ chính trị, những người không phe cánh với ông Trọng chứ không phải tiêu diệt hoàn toàn nạn tham nhũng.”
Nhà báo Trần Quang Thành, một nạn nhân bị tạt acid vào khoảng 3 thập niên trước bởi các bài viết chống tiêu cực và phơi bày tham nhũng tại Việt Nam, cũng từng khẳng định với RFA trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 7/2019 rằng:
“Tất cả mọi hành động xử lý kỷ luật vừa qua đều là thanh trừng lẫn nhau, răn đe cho nhau. Nhưng dù sao chúng ta cũng thấy rõ bộ mặt thật của Nhà nước Cộng sản rằng, nếu một người có quyền cầm bút ký là có thể tham nhũng, từ xã cho đến Trung ương. Quan trọng là người thế lực mạnh sẽ lấn át người thế lực yếu. Ở Việt Nam, chống tham nhũng là thứ vũ khí để họ trị nhau, chứ không phải vì dân vì nước.”
Ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Ban Dân vận Trung ương quả quyết bởi do Đảng CSVN độc quyền lãnh đạo và không có lực lượng đối trọng giám sát và kiểm soát, vì thế quan chức, cán bộ tham nhũng là “thói quen và quy luật”.
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đồng quan điểm với ông Nguyễn Khắc Mai, nói với RFA rằng nếu Đảng CSVN vẫn duy trì như thế thì cho dù bất cứ biện pháp hay giải pháp nào chăng nữa cũng không thể khiến cho mục tiêu phòng, chống tham nhũng của Nhà nước Việt Nam đề ra đạt được kết quả như mong muốn.