Thủ tướng yêu cầu khẩn trương truy bắt
Trong Công văn số 1044/VPCP-NC, được ký và ban hành ngày 14/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương truy bắt ông Trần Khắc Hùng, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Đại học Đông Đô.
Theo kết luận điều tra của Cơ quan Công an, Trường Đại học Đông Đô đã cấp bằng cử nhân giả cho 193 người không qua tuyển sinh, đào tạo. Trong đó, có 55 trường hợp sử dụng bằng giả này để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ và 2 trường hợp được ghi nhận thi nâng ngạch thanh tra viên và công chức.
Ông Trần Khắc Hùng, 48 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Đại học Đông Đô, bị xác định là chủ mưu trong vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại trường Đại học Đông Đô. Tuy nhiên, ông Trần Khắc Hùng được cho biết là đã bỏ trốn.
Hồi tháng 11/2020, Cơ quan an ninh Điều tra, thuộc Bộ Công an đã đề nghị truy tố bị can đối với 10 cựu lãnh đạo và cán bộ của Đại học Đông Đô bị cho là liên quan trong vụ án.
Công văn của Văn phòng Chính phủ nêu rõ việc khẩn trương bắt giữ ông Trần Khắc Hùng là để xác minh, làm rõ những sai phạm liên quan của các đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục-Đào tạo trong vụ án “Giả mạo trong công tác”. Đồng thời, vụ án được mở rộng điều tra để tìm ra những cá nhân được Đại học Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng, để thu hồi và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét xử lý.
Bộ Công an được giao trách nhiệm báo cáo kết quả vụ việc lên Thủ tướng Chính phủ trong Quý I/2021.
Tôi đón nhận tin này với đánh giá tốt đối với phía nhà nước. Ít nhất, nhà nước cũng nhận ra đây là điều cần phải làm. Nhà nước xử lý Đại học Đông Đô một cách triệt để thì đưa đến cho người dân một thông điệp rằng từ đây về sau tất cả những gì giống như Đại học Đông Đô làm đều bị xử lý tương tự như vậy. Như thế thì rõ ràng có tác dụng răn đe-Tiến sĩ Hoàng Dũng
Một biện pháp nghiêm trị?
Một cựu cán bộ từng làm việc nhiều năm tại Sở Giáo dục tỉnh Lâm Đồng, không muốn nêu tên, vào tối ngày 16/12, nói với RFA về thông tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu truy bắt nhân vật chủ mưu vụ án “Gỉa mạo trong công tác” tại Đại học Đông Đô.
“Nếu Thủ tướng không có động thái gì hết thì dân chúng sẽ có tâm lý là thiếu tin tưởng vào năng lực của cán bộ. Thủ tướng chẳng qua phải làm như vậy để cho lòng dân được yên, chứ không thì họ thiếu tin tưởng. Thành ra phải có động thái gì đó, chứ bây giờ đã có bằng chứng rõ ràng trường Đông Đô cấp bằng lung tung hết mà.”
Là một người rất quan tâm đến vụ án xảy ra tại Đại học Đông Đô, PGS-TS Hoàng Dũng, thuộc Đại học Sư phạm TP.HCM, trong cùng tối hôm 16/12 bày tỏ với RFA:
“Tôi đón nhận tin này với đánh giá tốt đối với phía nhà nước. Ít nhất, nhà nước cũng nhận ra đây là điều cần phải làm. Nhà nước xử lý Đại học Đông Đô một cách triệt để thì đưa đến cho người dân một thông điệp rằng từ đây về sau tất cả những gì giống như Đại học Đông Đô làm đều bị xử lý tương tự như vậy. Như thế thì rõ ràng có tác dụng răn đe.”
Tiến sĩ Hoàng Dũng nhấn mạnh rằng một trong những biện pháp làm cho hiện tượng Đông Đô không tái diễn là việc xử lý sai phạm của trường Đông Đô một cách nghiêm khắc.
“Người ta tin rằng nhà nước thực lòng giải quyết vụ việc này với tất cả mức độ nghiêm khắc tối đa thì đó là một đòn có tác dụng răn đe. Chứ bây giờ chỉ bắt ông hiệu trưởng và một vài người nào đó có trách nhiệm rồi trừng phạt thì chưa đủ. Bởi vì, 55 cán bộ sử dụng bằng giả hiện nay người ta cũng chưa biết họ là ai. Như thế thì giải quyết được đến cùng đâu?”
Trường Đông Đô là một trong những trường nổi tiếng, cho nên vụ việc đó được chú ý trong xã hội. Thực tế thỉnh thoảng tôi cũng thấy một số cán bộ bị phạt tù, mà không được hưởng án treo. Đối với cán bộ sử dụng giấy tờ không hợp pháp, khi đã được tuyển vào trong một cơ quan hay tổ chức thì họ bị buộc thôi việc. Đó là quy định pháp luật. Và, theo Nghị định 138 của Chính phủ thì ngoài phạt tiền còn tịch thụ bằng giả. Trong trường hợp mua bán văn bằng, chứng chỉ mà đủ yếu tố cấu thành về tội làm giả con dấu tại những cơ quan, tổ chức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015-Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Về góc độ pháp luật, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hồ Chí Minh cho RFA biết theo ghi nhận của ông, những trường hợp liên quan mua bán và sử dụng giấy tờ không hợp pháp được quy định rõ ràng trong luật và được xử lý nghiêm minh.
“Trường Đông Đô là một trong những trường nổi tiếng, cho nên vụ việc đó được chú ý trong xã hội. Thực tế thỉnh thoảng tôi cũng thấy một số cán bộ bị phạt tù, mà không được hưởng án treo. Đối với cán bộ sử dụng giấy tờ không hợp pháp, khi đã được tuyển vào trong một cơ quan hay tổ chức thì họ bị buộc thôi việc. Đó là quy định pháp luật. Và, theo Nghị định 138 của Chính phủ thì ngoài phạt tiền còn tịch thụ bằng giả. Trong trường hợp mua bán văn bằng, chứng chỉ mà đủ yếu tố cấu thành về tội làm giả con dấu tại những cơ quan, tổ chức thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2015.”
Việc sử dụng và mua bán bằng giả được báo giới quốc nội ghi nhận xảy ra khá phổ biến ở Việt Nam. Người bị quy kết phạm tội đối với việc làm này, theo Bộ luật Hình sự 2015, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù giam và có thể bị phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
RFA nêu vấn đề liệu rằng tình trạng mua bán bằng cấp giả sẽ được giảm bớt sau khi vụ án “Giả mạo trong công tác” tại Đại học Đông Đô được xử lý một cách nghiêm minh hay không. Chúng tôi được nghe tiến sĩ Hoàng Dũng chia sẻ ông và một số đồng nghiệp trong ngành giáo dục có sự lạc quan, nếu vụ án “Đại học Đông Đô” được xử lý đến nơi đến chốn. Còn vị cựu cán bộ thuộc Sở Giáo dục tỉnh Lâm Đồng lại e dè rằng với nền giáo dục hiện nay của Việt Nam, dù bằng thật hay bằng giả thì người sở hữu tấm bằng cũng chưa đạt chuẩn đào tạo để có đủ thực lực về chuyên môn cho việc đóng góp vào sự vận hành và phát triển của xã hội.