Việt Nam có đang ỷ lại quá mức vào "ngoại giao cây tre"?

0:00 / 0:00

Trung Quốc tăng cường đầu tư cho hải quân nói riêng và hàng hải nói chung tới mức Hoa Kỳ phải lo ngại và thừa nhận mình bị tụt hậu so với Trung Quốc về công suất đóng tàu. Cùng với một tầm nhìn dài hạn và một sức mạnh trên biển không ngừng mở rộng, Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn với hai láng giềng phía nam là Việt Nam và Philippines. Trong bối cảnh đó, Philippines tăng cường hợp tác với nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, còn Việt Nam thì dường như…vô lo.

Việt Nam “bình chân như vại”

Mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa Ấn Độ với Philippines đã khiến Trung Quốc vừa "nổi đóa" cảnh cáo Ấn Độ phải tôn trọng "chủ quyền" của họ trên Biển Đông. Trung Quốc đang muốn chiếm lấy bãi cạn Second Thomas Shoal hiện do Philippines quản lý. Ấn Độ đã tích cực ủng hộ Philippines chống lại hoạt động cưỡng bách của Trung Quốc. Một bài viết mới đây trên tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã gọi Ấn Độ là kẻ "ngây thơ" khi "can thiệp" vào Biển Đông. Nội dung bài viết có đưa ra cảnh cáo Ấn Độ "nếu New Delhi tiếp tục đánh giá sai tình hình và đánh giá thấp quyết tâm, ý chí của Trung Quốc thì sẽ chỉ dẫn đến nhiều rủi ro và tổn thất hơn cho Ấn Độ trong tương lai."

Ngược với Philippines, Việt Nam, với phương châm "ngoại giao tự chủ" và ngả về tất cả các bên ("ngoại giao cây tre"), dường như đang tự tin với chiến lược của mình. Trong năm 2023, Việt Nam không mua thêm vũ khí mới từ phương Tây mặc dù nước này có nhu cầu phải đa dạng hóa vũ khí, khi nguồn cung vũ khí từ Nga đã bị khóa lại vì nước Nga mắc kẹt trong cuộc chiến Ukraine.

Năm 2023, Nga không cung cấp cho Việt Nam thêm khí tài nào nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục thắt chặt quan hệ với Nga. Hôm 26/3/2024, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi điện cho Tổng thống Putin, chúc mừng Putin "tái đắc cử" và mời Putin sang thăm Việt Nam.

Đối với Ấn Độ, một "đối tác chiến lược toàn diện" của Việt Nam, hoạt động gần đây nhất của Việt Nam liên quan đến khí tài quân sự là Ấn Độ tặng nước này một con tàu cũ cách đây một năm.

Các xưởng đóng tàu Trung Quốc: hoạt động theo cơ chế thời chiến

Trong khi Việt Nam đang “bình chân như vại” trước các chuyển động quân sự của Trung Quốc thì các xưởng đóng tàu chiến của Trung Quốc chưa từng “nghỉ ngơi”.

Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) mới ra Báo cáo tháng ba về Trung Quốc, trong đó có những cảnh báo.

Theo CSIS, trong khi các nền công nghiệp quốc phòng của Mỹ vẫn đang hoạt động trên cơ sở thời bình, toàn bộ nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc đang hoạt động trên cơ sở thời chiến.

Trung Quốc đầu tư lớn đến mức có công suất đóng tàu lớn hơn Mỹ khoảng 230 lần. Chỉ riêng Nhà máy đóng tàu Giang Nam (Jiangnan Shipyard) có công suất đóng tàu lớn hơn tất cả các nhà máy đóng tàu của Mỹ cộng lại. Đó là chưa kể các loại vũ khí tiên tiến. Trung Quốc đang đầu tư vào vũ khí và mua các hệ thống tiên tiến nhanh hơn Hoa Kỳ từ năm đến sáu lần.

Về lý do Trung Quốc đầu tư cho hàng hải và hải quân lớn như vậy, theo ông Hồ Như Ý, một nhà nghiên cứu Trung Quốc hiện ở Ba Lan, người đã từng dịch năm cuốn sách nghiên cứu về Trung Quốc, thì một trong những lí do quan trọng liên quan đến chiến lược phát triển hải quân của Trung Quốc là mục tiêu Đài Loan.

Nhà nghiên cứu Hồ Như Ý cho rằng, với Trung Quốc, từ hai chục năm nay, khi Đài Loan chuyển đổi thành nền dân chủ tiến bộ ở Châu Á, sức hấp dẫn về ý thức hệ chủ nghĩa dân tộc hay kinh tế mà Trung Quốc mang lại không còn đủ sức níu kéo người Đài nữa. Do đó, cách duy nhất với Trung Quốc nếu muốn thu hồi Đài Loan phục vụ bá nghiệp Trung Hoa vĩ đại, là đánh chiếm. Nhưng, muốn chiếm được Đài Loan thì Trung Quốc phải có lực lượng hải quân đủ mạnh để vượt qua trở ngại địa lý, đưa quân đổ bộ lên được đảo này. Nhà nghiên cứu này nói thêm, Trung Quốc cần một năng lực hải quân cực mạnh để chuyên chở binh lính, vật tư chiến tranh, phục vụ đổ bộ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần tạo ra ưu thế để ngăn chặn sự tiếp viện của Hoa Kỳ và đồng minh dành cho Đài Loan.

Bên cạnh đó, trong cuộc cạnh tranh để dành ngôi bá chủ với Hoa Kỳ, Trung Quốc chọn hải quân nói riêng và hàng hải nói chung vì đây là con đường dễ nhất để vượt Hoa Kỳ về số lượng. Ông Hồ Như Ý giải thích:

“Đối với Trung Quốc thì đóng tàu là cách nhanh nhất để Trung Quốc đuổi kịp Hoa Kỳ về mặt số lượng. Còn với lục quân, không quân thì Trung Quốc biết là họ không có cửa để có thể đuổi kịp Hoa Kỳ trong mười năm, mười lăm năm. Thậm chí ngành hàng không quốc nội của Trung Quốc vẫn chưa chế tạo được động cơ máy bay đủ tin cậy cho không quân của họ dùng. Còn về động cơ cho tàu chiến hạng nặng thì Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu từ Ukraine và Đức. Ngay cả tàu sân bay Liêu Ninh mà Trung Quốc mua lại từ Nga thì họ vẫn phải mua các thiết bị như nồi hơi từ Ukraine.”

Các quốc gia khác không ngừng hợp tác

Theo nhà nghiên cứu Greg Poling, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), chắc chắn sẽ đến một ngày lực lượng hải quân của Trung Quốc làm chủ các vùng biển gần, như Biển Đông, Hoàng Hải, và làm chủ các vùng biển xa, như Ấn Độ Dương. Ngay từ bây giờ, các quốc gia khác phải chuẩn bị thích nghi với bối cảnh mới này.

Trong khi Việt Nam “bình thản”, những quốc gia có tiềm lực lớn hơn Việt Nam nhiều lần đã không ngừng tăng cường hợp tác lẫn nhau để bảo đảm an ninh và chủ quyền quốc gia trong tương lai.

Trao đổi với RFA, ông Greg Poling nhấn mạnh nếu không có những liên kết an ninh Hoa Kỳ - Ấn Độ, bạo lực có thể sẽ ngày càng xuất hiện thường xuyên dọc biên giới Himalaya giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Vì vậy, Ấn Độ có lý do chính đáng để tin rằng hoạt động của Trung Quốc trên cả đất liền và trên biển là mối đe dọa đối với lợi ích quốc gia của mình. Mỹ có những lý do rất chính đáng để giúp Ấn Độ tăng cường năng lực hàng hải và giám sát hành vi của Trung Quốc. Ông nói:

“Ấn Độ ngày càng lo ngại hơn về hoạt động của Hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương trong hơn một thập kỷ qua. Việc Trung Quốc hoàn thành các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa cùng với việc tăng cường lực lượng Hải quân và Cảnh sát biển, phát triển những cơ sở giám sát và nghiên cứu hải dương học khổng lồ thuộc sở hữu nhà nước.

Những năng lực mới này giúp đưa Trung Quốc tiến ngày càng xa về phía nam. Các tàu Trung Quốc ngày càng hiện diện nhiều hơn ở phía bên kia Eo biển Malacca và hoạt động ở Ấn Độ Dương.

Ấn Độ có mối quan ngại là điều dễ hiểu. Điều đó đã thúc đẩy một số liên kết chiến lược giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ. Nó làm cho mối quan hệ an ninh và chính trị giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc.”