Chuyên gia sông Mekong: Việt Nam đang đi đúng hướng ở đồng bằng Cửu Long

Ông Brian Eyler là một chuyên gia về sông Mekong, có nhiều năm sống và làm việc dọc con sông này để nghiên cứu nó về nhiều mặt.

Ông vừa cho ra đời quyển sách mang tên Ngày Tàn của Mekong vĩ đại.

Ông cho RFA cuộc trò chuyện sau đây về những gì đang xảy ra tại Đồng bằng Cửu Long của Việt Nam cũng như những quan hệ xuyên quốc gia của trên con sông này.

Kính Hòa: Ông đã chứng kiến trận hạn hán lịch sử năm 2016 tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), cái gì làm ông ấn tượng nhất?

Brian Eyler: Tôi có ghi lại chuyện này trong chương cuối của quyển sách. Lúc đó tôi dự một cuộc hội thảo tại Cần Thơ, tháng 4/2016, từ máy bay nhìn xuống vẫn thấy nước khắp nơi, tại sao lại nói là hạn hán?

Thế là một nhóm các nhà khoa học ở Cần Thơ bảo tôi đi xem để biết hạn hán là như thế nào.

Thời điểm đó là vụ lúa đầu tiên trong năm ở ĐBSCL thế mà những cánh đồng nứt nẻ cả, vàng hết, không trồng trọt gì được. Mấy chổ nuôi tôm cũng trống hết, vì không đủ nước ngọt về, mà chỉ có nước mặn thôi.

Điều đáng ngạc nhiên là khi rẽ sang đường đi dọc bờ biển, chúng tôi thấy có những chổ trồng rau xanh um.

Thì ra là những nông dân ở đó sử dụng nước ngầm để trồng rau. Chuyện đó cũng được thôi, nhưng nó rất nguy hiểm vì đất sẽ bị lún, cộng với mực nước biển đang dâng lên, rồi giữa mùa hạn hán như vậy, nước biển sẽ xâm nhập vô.

Chuyện đó cũng như chuyện các đập nước trên thượng nguồn, chuyện đắp các con đê làm khác đi qui trình tự nhiên của con sông.

Kính Hòa: Ông có đề cập trong sách cái chính sách gọi là Gạo trên hết, của chính quyền Việt Nam sau chiến tranh đã có nhiều sai lầm, bây giờ họ đang thay đổi với nghị quyết 120 về nông nghiệp, ông thấy thế nào?

Brian Eyler: Tôi đã học hỏi rất nhiều từ các nhà khoa học Việt Nam ở Cần Thơ về diễn tiến của các chính sách. ĐBSCL là vựa lúa của Việt Nam, đảm bảo an toàn lương thực cho Việt Nam.

Trước kia thì nước được phân bổ một cách tự nhiên cho nông nghiệp. Nhưng sau đó, trong cả chục năm, lại có chính sách khuyến khích sản xuất quá nhiều gạo, với ý nghĩ là càng nhiều gạo thì mọi thứ càng tốt. Nhưng lại không để ý tới chất lượng gạo như thế nào, với chất lượng ngày càng xuống thấp. Và cái hệ thống phân bổ nước một cách tự nhiên và miễn phí trước kia biến mất.

Thế là nông dân bị đặt vào một sự chọn lựa là cứ tiếp tục sống như thế hay bỏ đi lên Thành phố Hồ Chí Minh kiếm sống trong các nhà máy. Và nhiều người đã chọn việc bỏ đi.

Và cách đây vài năm Hà Nội đã nhận ra vấn đề là ĐBSCL đang bị tụt lại đằng sau. Cộng với chuyện thiếu nước do các đập thượng nguồn nữa, họ đã đặt lại vấn đề là làm thế nào sản xuất những loại hàng có giá trị nhiều hơn.

Cách tiếp cận này dựa trên những qui trình tự nhiên của hệ sinh thái Sông Mekong.

Đó là nghị quyết 120 mà anh đã đề cập, và tôi cho rằng đó là một bước đi đúng, không những cho nông dân Việt Nam, những người làm chính sách Việt Nam làm thế nào để thay đổi, mà đó còn là cơ hội cho cả thế giới thấy, và những nước như Mỹ chẳng hạn có thể hợp tác để làm thay đổi.

Cách đây vài năm Hà Nội đã nhận ra vấn đề là ĐBSCL đang bị tụt lại đằng sau.<br/>-Ông Brian Eyler.

Kính Hòa: Khi chúng ta nói về sông Mekong, thì rõ ràng là có những vấn đề liên quốc gia. Và đã có một tổ chức gọi là Ủy ban Sông Mekong (MRC), ông thấy tổ chức này đã làm được gì, có khó khăn gì?

Brian Eyler: Tôi cho là MRC rất quan trọng đối với tương lai của Sông Mekong, dù có những chỉ trích cho rằng MRC đã không dừng lại được những công trình xây đập thủy điện. Nhất là Việt Nam, quốc gia chống lại mạnh nhất chuyện xây đập.

Nhưng tôi cho là tổ chức này đã tạo điều kiện thuận lợi cho những tiến trình của những đồng thuận quốc tế, về các vấn đề như là tư vấn, thiết kế, các con đập trên dòng chính của Mekong.

Cá heo nước ngọt, động vật chỉ có ở sông Mekong, Cam Pu Chia. 2012.
Cá heo nước ngọt, động vật chỉ có ở sông Mekong, Cam Pu Chia. 2012. (AFP)

Ví dụ như ở khu vực xây đập Xayburi bên Lào, người ta phải nghĩ đến chuyện đường đi cho cá. Ngay phía trên thượng nguồn có một dự án của Trung Quốc không hề đề đề cập đến đường di cho cá. MRC không có liên quan gì đến tiến trình ở đây. Cũng như bên Trung Quốc, họ xây đập cũng không theo những qui trình của MRC.

Kính Hòa; Đấy là điểm quan trọng. Trung Quốc là nước sở hữu một đoạn dài Sông Mekong, mà họ không tham gia vào MRC, mà lại tạo ra một tổ chức mới là Hợp tác Lancang Mekong (LMC), ông thấy thế nào?

Brian Eyler: Có những sự so sánh hai tổ chức này, và có người cũng nói LMC sẽ thay thế MRC.

Đối với MRC, đó là tổ chức quốc tế minh bạch về sông Mekong, thúc đẩy cho việc phát triển vùng lưu vực Mekong, có Trung Quốc hay không có Trung Quốc.

LMC thì là một trung tâm tạo điều kiện hợp tác với nhau, trên những chuyện như là khả năng xây dựng, chia sẻ thông tin, đầu tư,… kết quả hoạt động của nó phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo chứ không phụ thuộc vào luật pháp. Thành ra cũng khó lường hiệu quả của LMC. Nếu kinh tế Trung Quốc bị suy thoái nó sẽ ảnh hưởng đến LMC. Lúc đó vẫn còn có MRC cho các nước hạ lưu Mekong.

Nhưng dù sao thì LMC cũng bắt đầu chia sẻ thông tin về những con đập của Trung Quốc, cũng như chống lũ, chống hạn,… Nó chưa được như mong muốn, nhưng nó cũng làm cho Trung Quốc quan tâm đến Mekong.

Kính Hòa: Trong sách ông có nói đến việc hồi hạn hán 2016, Việt Nam đã yêu cầu Trung Quốc xả nước trên thượng nguồn và được đáp ứng. Ông thấy đó có phải là một tín hiệu tốt? Có nghĩa Bắc Kinh đã lắng nghe các đối tác, chứng không có không thèm đếm xỉa tới như trước kia?

Brian Eyler: Tôi cho là vậy. Đó là một hành động ngoại giao tích cực. Mặc dù là cho tới hiện nay việc xả nước như vậy có ảnh hưởng gì lớn không vẫn chưa được chứng minh một cách khoa học, mặc dù là càng ngày người ta càng thấy các đập thượng nguồn của Trung Quốc điều khiển rất mạnh dòng sông Mekong.

Kết quả hoạt động của nó (Tổ chức hợp tác Lan Thương Mekong) phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo chứ không phụ thuộc vào luật pháp.<br/>-Ông Brian Eyler.

Vấn đề là con sông Mekong phải được điều tiết, những vấn đề về lũ lụt, những việc quá cực đoan, phải điều tiết những cực đoan để có thể có một năng lực sản xuất mạnh mẽ của hệ sinh thái. Vấn đề nước của các đập thượng nguồn cần phải được bàn tới.

Kính Hòa: Câu hỏi cuối cùng là với quyển sách này ông dùng những từ như là những ngày cuối cùng, rồi đồng bằng tàn tạ,.. như vậy có bi quan quá không?

Brian Eyler: Nếu anh đọc quyển sách thì sẽ thấy rằng nó hướng tới tương lai, như chuyện Việt Nam đang làm với nghị quyết 120 chẳng hạn, dựa trên hệ sinh thái, trở lại việc dân chúng sống chung với lũ, như họ đã từng sống như vậy cả trăm năm qua.

Tôi nghĩ là chuyện Việt Nam đang làm đang chứng minh cho cả khu vực là chúng ta nên hướng tới tương lai như thế nào.

Có phải chúng ta ở những ngày tàn của sông Mekong hay không? Có thể lắm. Việc đó tùy thuộc vào các nhà qui hoạch, những người khác nữa. Đây là cơ hội để thay thế những con đập tệ hại bằng điện mặt trời, điện gió,… Rồi cũng phụ thuộc vào chuyện chúng ta nhìn lũ như thế nào, nó ảnh hưởng đến nghề cá bên Cam Pu Chia, nông nghiệp ở Việt Nam.

Bên Cam Pu Chia chẳng hạn có thể là nghề cá không còn quan trọng nữa mà người ta sẽ ăn thịt gà KFC,… điều đó dẫn tới chuyện sinh thái của Mekong không được tôn trọng. Thì đó đúng là ngày tàn.

Nhưng tôi cũng nghĩ tới việc tiến về phía trước, cách hay nhất là nói chuyện với người dân, xem họ nghĩ thế nào về một cuộc sống bền vững,… như vậy chúng ta sẽ kéo dài những ngày tàn của sông Mekong ra xa hơn.