Việt Nam và Hàn Quốc vừa công bố một mối quan hệ đối tác đặc biệt, mối quan hệ đầu tiên thuộc loại này mà quốc gia cộng sản thiết lập với một nước có ký hiệp ước đồng minh với Mỹ.
Cái được gọi là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được công bố hôm thứ hai, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc từ ngày 4-6/12 theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thường được hiểu là mối quan hệ được thiết lập trên cơ sở mức độ tin cậy cao, các lợi ích và các giá trị chung.
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ công nhận ba quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện, đó là: Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Cả ba nước này đều có bề dày lịch sử trong việc hỗ trợ Miền Bắc Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Hàn Quốc đã tham gia vào cuộc chiến này một cách khá chủ động với việc gửi đến hàng trăm ngàn binh lính để chiến đấu sát cánh cùng quân đội Mỹ. Quân đội Hàn Quốc bị buộc tội là có nhiều hành động tàn bạo trong thời gian diễn ra cuộc chiến và các nhóm dân sự của cả hai nước đã liên tục kêu gọi phải có một cuộc điều tra chính thức về những hành động của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.
Hà Nội thiết lập mối quan hệ lâu dài với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) – nơi cung cấp những hỗ trợ về kinh tế và quân sự đáng kể cho Miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Trong khi đó, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn căng thẳng và mất niềm tin vì Bắc Kinh đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu giữa hai nước vào năm 1979. Trung Quốc hiện còn có những tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trong khu vực Biển Đông.
Tầm nhìn chung
Theo các nhà phân tích, bất chấp vấn đề di sản chiến tranh, Seoul và Hà Nội có rất nhiều điểm chung về tầm nhìn chiến lược.
"Là các quốc gia tầm trung đang lớn mạnh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang là mục tiêu lôi kéo của cả Washington và Bắc Kinh" – ông Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên Đại học Quốc gia của Việt Nam nói.
Tuy nhiên, theo ông Sáng, cả hai quốc gia đều muốn tự chủ chiến lược và “tìm kiếm một sự cân bằng tinh tế giữa hai cường quốc”.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại thân cận nhất của Việt Nam và các tập đoàn hàng đầu như Samsung, SK, LG, Lotte và Hyundai của nước này đều đã mở rộng sản xuất kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã rót hơn 80,5 tỷ đô-la Mỹ vào Việt Nam và Seoul hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Phúc hôm thứ Ba, ông Han Jong-hee, Phó Chủ tịch tập đoàn Điện tử Samsung cho biết tập đoàn của ông dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên đạt 20 tỷ đô-la Mỹ.
Samsung hiện đã đầu tư 18 tỷ đô-la vào Việt Nam và đóng góp khoảng 20% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trang t hiết bị quốc phòng
Theo Giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, với việc nâng cấp quan hệ đối tác Việt Nam – Hàn Quốc, hợp tác song phương trong công nghiệp quốc phòng cũng có thể thay đổi vì Việt Nam cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Nga.
Hàn Quốc đã tặng hai tàu hộ vệ lớp Pohang đã loại biên và trong tương lai có thể sẽ chuyển giao thêm nhiều tàu đã thôi phục vụ nữa cho Hải quân Việt Nam – lực lượng hiện đang rất cần hiện đại hóa đội tàu già cỗi của mình.
Theo GS. Abuza, các tàu hộ vệ này đang được nâng cấp để trở thành tàu chiến chống ngầm và Hà Nội cũng đang tìm cách mua máy bay chiến đấu của Seoul.
Lực lượng Không quân Việt Nam cho đến nay cũng phụ thuộc vào trang thiết bị của Liên Xô và Nga.
"Bất chấp giá cả, ngay bây giờ, Nga không thể giao hàng. Hàn Quốc chào bán cho Việt Nam máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, KF-21, với giá khá hợp lý. Và điều này cũng giúp [Việt Nam] đa dạng hóa chuỗi cung ứng vũ khí của mình" –ông Abuza nói.
Mỗi chiếc KF-21 giá từ 80 đến 100 triệu đô la Mỹ, gần như tương đương với giá máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Hiện tại, hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước còn ở mức thấp nhưng nếu Hàn Quốc đồng ý với một số hoạt động chuyển giao công nghệ và sản xuất chung, “có thể có những hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực này” – ông Abuza nói.
Trong tuyên bố chung công bố sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh cam kết của họ trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự - trị an và công nghệ trong đó có công nghệ trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Trong khu vực Đông Á, bên cạnh Hàn quốc, Việt Nam cũng có quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản. Bằng việc nâng cấp quan hệ với Seoul, thay vì với Tokyo, Việt Nam đã muốn "tránh những nghi ngờ không cần thiết từ phía Trung Quốc" – giảng viên Huỳnh Tâm Sáng nói.
"Vì Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với Mỹ trong khi chỉ trích chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc. Việc nâng cấp quan hệ với Tokyo có thể đẩy Hà Nội vào một tình thế khó khăn và không vui vẻ gì" - ông Sáng nói và cho rằng đối với các nhà lãnh đạo Hà Nội "đây là động thái nên tránh".