Làm rõ về dự báo qui mô kinh tế Việt Nam vượt Singapore vào 2029

0:00 / 0:00

Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng DBS Bank thuộc Singapore dự báo qui mô nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua Singapore vào năm 2029.

Cụ thể, DBS Bank dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng khoảng từ 6% đến 6,5% trong 10 năm tới, nhờ tăng năng suất lao động và nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh thời gian gần đây.

Cũng trong báo cáo của ngân hàng DBS Bank, chuyên gia kinh tế Irvin Seah cho rằng, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng này, nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn quy mô nền kinh tế Singapore sau 10 năm nữa.

Trao đổi với RFA từ Hà Nội hôm 29/5, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam nhận định:

“Theo tôi, dự báo đó có một nét tương đối sáng với nền kinh tế Việt Nam. Và trong thời gian vừa qua chúng ta cũng thấy kinh tế Việt Nam đã vượt lên với một tốc độ phát triển tương đối nhanh chóng. Và đặc biệt từ một nền kinh tế phát triển đơn thuần theo chiều rộng, nay đã có một độ bền vững nhất định, mặc dù có nhiều biến động trên trường quốc tế, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển tốt. Và với tốc độ như thế thì đến năm 2029 hay có thể sớm hơn, GDP(tổng sản phẩm quốc nội) Việt Nam vượt Singapore cũng là điều bình thường thôi. ”

So sánh đó không có ý nghĩa gì cả, vì phải so sánh với nhau dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GDP per Capital).<br/>-Tiến sĩ Cấn Văn Lực

Tin cho biết, Chính phủ Việt Nam dự báo tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng ít nhất 6,8% trong năm nay.

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Irvin Seah cho rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong tương lai sẽ được thúc đẩy bởi lợi thế về cơ cấu dân số, lực lượng lao động, cơ sở hạ tầng ngày càng được cải thiện, và nền chính trị ổn định giúp thu hút dòng vốn nước ngoài.

“Không có ý nghĩa gì cả”

Tuy nhiên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, khi trao đổi với RFA hôm 29/5 từ Hà Nội cho rằng, so sánh theo GDP của DBS Bank không có ý nghĩa gì cả:

“Trước hết chúng ta cần phải hiểu chính xác hơn, tức là đến thời điểm 2029 thì quy mô GDP của Singapore và Việt Nam tương ứng nhau, và đến năm 2030 GDP của Việt Nam sẽ vượt Singapore. Có nghĩa là khi đó GDP của Singapore dự tính tương đương 445 tỷ đô, và đến năm 2030 GDP của Việt Nam sẽ là 465 tỷ đô. Tuy nhiên, so sánh đó không có ý nghĩa gì cả, vì phải so sánh với nhau dựa trên thu nhập bình quân đầu người (GDP per Capital).”

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn từ Sài Gòn khi trả lời RFA, cũng cho rằng, sau 10 năm thì dân số Singapore nếu có tăng thì cũng chỉ khoảng 1/20 dân số của Việt Nam. Tất nhiên khi đó GDP của Việt Nam có thể lớn hơn Singapore, nhưng GDP (per capital) tính theo đầu người của Việt Nam chắc sẽ còn thấp hơn Singapore rất là nhiều. Cho nên theo ông, sự so sánh của các chuyên viên kinh tế Singapore cũng cho thấy sự tăng đáng kể của GDP Việt Nam, nhưng nếu so GDP tính theo đầu người thì còn thấp hơn Singapore rất nhiều.

Ảnh minh họa chụp tại một công ty may ở Hà Nội hôm 24/5/2019.
Ảnh minh họa chụp tại một công ty may ở Hà Nội hôm 24/5/2019. (AFP)

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, nếu tính theo giá thực thể thì thu nhập bình quân đầu người của Singapore đang gấp 25 lần Việt Nam, và đến 2029 vẫn gấp khoảng 17 lần so với Việt Nam. Khi đó theo ông, Việt Nam vẫn là nước thu nhập trung bình, trong khi Singapore là nước thu nhập cao và phát triển.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy cho rằng, nền kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế của 90 triệu người, còn nền kinh tế của Singapore là nền kinh tế của hơn 5 triệu người. Nếu nền kinh tế Việt Nam có mức phát triển ngang bằng với Singapore thì đúng ra nền kinh tế Việt Nam phải lớn gấp 20 lần nền kinh tế của Singapore. Ông nói tiếp:

“Dự báo cho rằng phải 10 năm nữa nền kinh tế Việt Nam mới ngang bằng của Singapore nó cho thấy một sự thật rằng nếu Việt Nam tiếp tục mô hình hiện nay thì 10 năm nữa vẫn mãi là một nước nghèo, rất nghèo của khu vực.”

Nếu so sánh GDP trên đầu người thì hiện nay của Việt Nam là khoảng 2.500 đô la Mỹ trong khi của Singapore là 64 ngàn đô la Mỹ, gấp 25 lần. Tức hiện nay thu nhập trung bình của 25 người Việt Nam mới bằng một người Singapore. Và giả sử 10 năm tới khi hai nước có nền kinh tế bằng nhau và dân số Việt Nam tăng lên khoảng 100 triệu trong khi dân số Singapore chỉ khoảng hơn 5 triệu người thì sự phát triển của Việt Nam cũng chỉ đạt đến mức là thu nhập của 20 người Việt mới bằng thu nhập của một người Singapore. Đó là nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ.

Dự báo cho rằng phải 10 năm nữa nền kinh tế Việt Nam mới ngang bằng của Singapore nó cho thấy một sự thật rằng nếu Việt Nam tiếp tục mô hình hiện nay thì 10 năm nữa vẫn mãi là một nước nghèo, rất nghèo của khu vực.<br/>-Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ

Báo cáo của Ngân hàng DBS đưa ra số liệu, trong 4 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc đại lục và Hồng Kông vào Việt Nam đạt 2 tỷ USD, nên DBS dự báo nhiều khả năng năm nay sẽ là năm mà Việt Nam đón lượng vốn FDI lớn nhất từ hai nhà đầu tư này. Các chuyên viên của ngân hàng DBS cũng cho rằng Việt Nam đang hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lo ngại ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trong khi đó, vào ngày 28/5/2019, IMD World của Thụy Sỹ công bố bảng xếp hạng 63 nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới 2019, thì không hề có Việt Nam. Ngược lại, Singapore vượt 3 bậc so với năm 2018, vượt cả Mỹ và Hong Kong, Singapore trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2019.

Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ nhận định:

“So sánh về mức độ sáng tạo và sự cạnh tranh, thì nếu tiếp tục với thể chế và mô hình hiện nay Việt Nam khó có thể bắt kịp được Singapore trong vài chục năm nữa. Singapore có một thể chế tốt, mặc dù tương đối khắc khe về chính trị. Hệ thống luật và áp dụng luật rõ ràng, minh bạch. Chính quyền ít tham nhũng, nhỏ gọn, thích nghi nhanh với các thay đổi của thế giới. Hệ thống giáo dục theo tiêu chuẩn Âu Mỹ, đứng hàng đầu châu Á. Chính quyền khuyến khích tư bản và kinh doanh. Họ trọng dụng nhân tài.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, tất cả những điều vừa nêu sẽ hình thành nên một văn hóa và một môi trường kinh doanh cạnh tranh, từ đó đưa Singapore trở thành nước hàng đầu trên thế giới về sáng tạo lẫn năng lực cạnh tranh.

Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, GDP của Việt Nam dự kiến đạt 260,3 tỷ USD trong năm 2019, còn GDP của Singapore dự kiến đạt 372,8 tỷ USD.