Mạng Mongabay, chuyên đưa tin trong lĩnh vực bảo tồn và môi trường trên thế giới, hôm 2/2/2022, có phóng sự của tác giả Carolyn Conwan với nhận định rằng bất chấp các quy định mới nhằm ‘làm trong sạch’ ngành gỗ của Việt Nam, các nhà nhập khẩu VN vẫn tiếp tục nhập khối lượng lớn gỗ cứng từ các điểm nóng về phá rừng trên thế giới.
Vẫn theo mạng Mongabay, Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác Tự nguyện với Liên minh Châu Âu (EU) năm 2018, cam kết loại bỏ việc sử dụng gỗ bất hợp pháp khỏi chuỗi cung ứng của mình, đồng thời tăng cường tiếp cận các thị trường Châu Âu được quản lý chặt chẽ.
Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu cho biết các yêu cầu mới được đưa ra vào năm 2020 về việc xác minh tính hợp pháp của gỗ đưa vào VN vẫn là “chuyện khó hiểu”. Do vậy, theo số liệu Hải quan, lượng gỗ nhập khẩu có thể bị coi là vi phạm từ các quốc gia như Campuchia, Lào, Cameroon, Gabon, Papua New Guinea...
Nói một cách cụ thể thì số lượng lớn gỗ cứng nhiệt đới từ các điểm nóng về phá rừng trên thế giới tiếp tục được tuồn vào các cửa khẩu Việt Nam, bất chấp quy định mới mà Hà Nội đã ký với EU năm 2018 và được đưa vào áp dụng năm 2020.
Về cơ bản thì không có gì thay đổi, là nhận định của ông Tô Xuân Phúc, nhà phân tích chính sách cấp cao của Forest Trends, được Mongabay dẫn lại. Ông Tô Xuân Phúc nói nhà chức trách Việt Nam vẫn cho các công ty gỗ trong nước nhập hàng loạt gỗ có thể bị cho là vi phạm y như họ đã từng cho phép trước đây.
Hàng nghìn doanh nghiệp VN, vẫn lời ông Tô Xuân Phúc, đã nhập từ năm triệu đến sáu triệu mét khối gỗ/năm từ hơn 100 quốc gia. Ít nhất 1/3 trong số này là gỗ cứng nhiệt đới (hardwood) từ các nước Campuchia, Lào, Papua New Guinea và khoảng 20 quốc gia ở Châu Phi. Phần lớn các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ các xứ nhiệt đới này này được coi là "rủi ro cao" về tính hợp pháp của nguồn gốc.
Với nhiều nguồn và tác nhân khác nhau, việc thực hiện để đáp ứng các yêu cầu mới của pháp luật Việt Nam-EU luôn là một thách thức, ôngTô Xuân Phúc khẳn định.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên- Môi trường, hiện là cố vấn giai đoạn cho World Bank ở Việt Nam, nói rằng về mặt nào đó thực thi pháp luật không đúng, không nghiêm cũng có nghĩa là nuôi dưỡng tình trạng gỗ không có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch:
"Cam kết của Việt Nam với EU là cương quyết quản lý chặt nguồn gốc của gỗ, và trên nguyên tắc gỗ có nguồn gốc rõ ràng, việc khai thác rừng của Việt Nam cũng là khai thác bền vững. Rừng tự nhiên chẳng hạn cũng được khai thác theo kiểu bền vững, tức là từng vòng từng khoảnh một, chờ khoảnh đó lên thì mới khai thác tiếp khoảnh khác. Tất cả những cái đó được đặt ra khá rõ trong Luật Lâm Nghiệp".
Thế nhưng giữa thực tế và qui định pháp luật vẫn có những khoảng gây tranh luận, thí dụ cho chuyển đổi rừng sang mục đích khác, tức được phép phá cây lấy gỗ
"Có thể là do các dự án phi nông nghiệp, đô thị hoặc khu công nghiệp. Mặc dù pháp luật rất chặt chẽ trong việc phê duyệt, thậm chí là có phân tầng. Những dự án rộng phải đến Quốc Hội thông qua, hẹp hơn là Thủ tướng Chính phủ, hẹp hơn nữa là Hội đồng Ủy ban Nhân dân các huyện."
"Thế nhưng thực tế, dù Quốc Hội, Thủ tướng Chính phủ hay Hội đồng Nhân dân cấp Tỉnh thì trình tự thủ tục rồi việc làm trên thực tế đôi khi là nó giản đơn đi rất nhiều bước. Vẫn có những câu chuyện gọi là lợi dụng chính sách này để khai thác gỗ. Điều này báo đã nói, đã bình luận rất nhiều mà thực tế không giảm".

Một nguồn rất thiếu minh bạch là gỗ do lâm tặc khai thác:
“Cái này là hoàn toàn phi pháp, và lâm tặc hiện nay ở Việt Nam thì cũng còn khá nhiều”.
Ông Đặng Hùng Võ cũng có nhận định về nguồn gỗ từ các nơi gọi là điểm nóng:
“Những nguồn gỗ ấy trên những cánh rừng mà Campuchia và Lào phải có trách nhiệm bảo vệ. Đây thậm chí là những cam kết mang tính địa phương, ví dụ các tỉnh miền Trung Lào cho Quân Khu 4 tức lực lượng quân đội ở miền Trung Việt Nam, sang khai thác khá mạnh”
“Nguồn thứ tư đến từ những nước như Nam Phi rồi một số nước Châu Phi, trong đó có nhiều cây rất quí, rất to. Nguồn này thì tính chất của nó hơi khác nguồn từ Lào và Campuchia. Tức là người bản xứ khai thác, sau đó thuê tàu thủy chuyển về Việt Nam, tức là dựa trên các hợp đồng thương mại, nguồn gỗ khai thác cũng không đúng theo qui luật quốc tế và chủ trương bảo vệ rửng cho môi trường mà các nước Châu Âu đang làm.”
Vấn đề đặt ra không phải là khối lượng gỗ nhập khẩu tăng hay giảm, vấn đề là nguồn gốc gỗ ở đâu, tại sao nhu cầu về gỗ lại tăng cao khắp mọi nơi chứ không riêng Việt Nam, là câu hỏi của chuyên gia thuộc Trung tâm Công nghiệp và Môi trườn Việt Nam, phó Giáo sư Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, nêu ra và giải đáp:
"Đầu tiên phải nói do từ biến đổi khí hậu, do nhu cầu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, Việt Nam nói riêng và các khu vực nói chung tập trung vào hướng sử dụng những vật liệu tái tạo, những vật liệu có nguồn gốc tự nhiên để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt."
“Đấy là xu hướng đang thịnh hành, đang phát triển. Thế thì thay vì dùng bàn ghế bằng nhựa, bằng sắt thép… là những loại mà trong quá trình sản xuất đã gây ô nhiễm, gây phát thải nhà kính, thì người ta muốn dùng gỗ, tre, nứa tức những nguyên liệu có thể tái tạo được. Vì vậy rất rõ là tại sao nhập khẩu gỗ lại tăng mặc dù có nhiều chính sách muốn giảm. Đấy là vấn đề thứ nhất”.
Vấn đề thứ hai, quan trọng hơn và gây mâu thuẫn hơn, là nguồn gốc gỗ ở đâu. Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ phân tích rằng trong môi trường thì những khu bảo tồn, những khu rừng tự nhiên cần phải được bảo vệ, và người ta vẫn khuyến khích việc trồng rừng:
"Những khu rừng trồng vê mặt môi trường vẫn tạo mảng xanh, vẫn hấp thụ CO2 khí nhà kính, giảm tác động đến biến đổi khí hậu. Cho nên việc trồng rừng để khai thác, để bán… thì người ta vẫn khuyến khích. Việc phá rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên thì người ta cấm. Lượng gỗ tăng lên phản ánh đúng xu thế không dùng đồ nhựa mà dùng đồ gỗ thôi".
Về thị trường sản xuất và xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam, Thỏa thuận Việt Nam-EU là bản Thỏa thuận Đối tác Tự nguyện trong Kế hoạch Hành động Thực thi Luật Lâm Nghiệp, Quản trị và Thương mại Lâm sản (FLEGT) của EU.
Luật thể hiện cam kết cùng nhau làm sạch thị trường gỗ nội địa của Việt Nam hầu đảm bảo hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam tuân thủ các quy định về gỗ của EU
Đúng là Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn trong chính sách kiểm soát và bảo vệ rừng, là lời Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ:
“Việt Nam bây giờ có hai chiều hướng. Một là đóng cửa rừng, cấm hẳn việc phá rừng tự nhiên. Thứ hai là nguồn gốc, gỗ không rõ xuất xứ là bị bắt, bị phạt. Việc chuyển đổi mục đích của rừng tự nhiên thì Việt Nam hầu như là không cho phép. Còn nguồn gốc do người ta trồng ra và bán thì được khuyến khích, được sử dụng”
“Thậm chí đã có Nghị Quyết của Ban Chấp hành Trung ương về việc quản lý chặc chẽ rừng tự nhiên. Những dụ án nào dính đến rừng tự nhiên thì phải Thủ Tướng cho phép mới được chuyển đổi”.
Thế nhưng, vẫn lời chuyên gia Trung tâm Công nghiệp Môi trường, Tiến sĩ Phùng Chí Sỹ, nạn khai thác gỗ trái phép, đặc biết là lâm tặc, vẫn là vấn đề Việt Nam chưa thể giải quyết:
"Tất nhiên trong quá trình quản lý thì vẫn có lâm tặc thông đồng với nhau, bao che cho nhau vào chặt phá rừng rồi vận chuyển gỗ trái phép ra ngoài"
“Thứ hai là những sản phẩm xuất khẩu hiện nay thì được yêu cầu phải rất rõ về nguồn gốc, xuất xứ…giống như thủy sản trước đây vậy”
“Về chính sách thì gỗ không rõ nguồn gốc và xuất xứ thì không được phép nhập vào Việt Nam đâu. Ngay cả chuyện Việt Nam xưa kia sang Lào và Campuchia chặt phá rừng mang về thì dễ chứ còn bây giờ không dễ chút nào. Những vụ nhỏ lẽ nhập về chẳng qua chỉ bán trong nội địa thôi. Từ hơn chục năm nay vấn đề quả lý thị trường gỗ, thị trường xuất khẩu gỗ của Việt Nam cực kỳ chặc chẽ”.
Theo các nhà hoạt động trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam, yêu cầu được giấu tên, số lượng gỗ nhập năm đến sáu triệu mét khối/năm từ hơn 100 quốc gia, và ít nhất 1/3 trong số này là gỗ cứng nhiệt đới (hardwood) từ các điểm nóng về phá rừng chặt cây như Campuchia, Lào, Papua New Guinea, chưa kể chừng 100 nước ở Châu Phi, thì chuyện ‘rủi ro cao’ hay ‘khó hiểu’ mà Mongabay đặt ra cho Việt Nam không phải là vô cớ.
Nhiều người trong giới hoạt động còn tin rằng thị trường gỗ của Việt Nam, nội địa lẫn nhập khẩu, chưa thực sự trong sạch theo đúng qui định và yêu cầu của EU, kể cả trong thời gian tới.