Giới chuyên gia: Việt Nam nên yêu cầu Campuchia trì hoãn dự án kênh đào

Các tác động môi trường, kinh tế và những thách thức về an ninh được viện dẫn là những lý do chính cho việc việc cần phải có thêm các cuộc đối thoại.

Các đại biểu tham dự một cuộc họp tham vấn do Việt Nam tài trợ đã gợi ý rằng Hà Nội nên yêu cầu Phnom Pênh trì hoãn dự án kênh đào mà nước này đề xuất để tiếp tục các cuộc thảo luận. Gợi ý này được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam có những lo ngại về những tác động môi trường và kinh tế của dự án.

Theo kế hoạch của Campuchia, kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) dài 180km nối thủ đô Phnom Pênh của Campuchia với vịnh Thái Lan sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm nay và hoàn thành trong vòng 4 năm.

Dự án kênh đào được đề xuất sẽ bao gồm một đoạn của sông Mekong, do đó khiến Việt Nam quan ngại về những ảnh hưởng của nó đối với vùng hạ lưu, đặc biệt là vùng vựa lúa Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Kênh đào này có thể “làm giảm tới 50% lưu lượng dòng chảy của sông [Mekong] khi về đến Việt Nam” - ông Lê Anh Tuấn, một nhà khoa học có tiếng của Việt Nam cho biết.

Việt Nam cần có thêm thời gian tham vấn để có thể bảo vệ ĐBSCL, nơi sinh sống của 17,4 triệu người - ông Tuấn nói tại cuộc họp tham vấn ở thành phố Cần Thơ.

Một chuyên gia khác, ông Đặng Thanh Lâm từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cho rằng Việt Nam cần phải yêu cầu Campuchia cung cấp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Phnom Pênh cũng lên tiếng kêu gọi cần có thêm thông tin về dự án. Phái đoàn ngoại giao này nói rằng mặc dù Hoa Kỳ tôn trọng “chủ quyền của Campuchia trong việc đưa ra các quyết định phát triển và quản trị nội bộ”, người dân Campuchia và người dân tại các quốc gia láng giềng “sẽ được hưởng lợi từ sự minh bạch về bất cứ dự án quan trọng nào có tiềm năng ảnh hưởng tới sự bền vững của nguồn nước và nông nghiệp trong khu vực”.

"Chúng tôi kêu gọi các cơ quan hữu trách [của Campuchia] phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mekong (MRC) để cung cấp thêm thông tin chi tiết về dự án đồng thời tham gia đầy đủ vào bất kỳ nghiên cứu tác động môi trường thích hợp nào để giúp Ủy hội và các quốc gia thành viên hiểu, đánh giá và chuẩn bị đầy đủ cho bất kỳ tác động nào có thể xảy ra của dự án" - một phát ngôn viên của Đại sứ quán nói.

Ph2.jpeg
Chủ một lồng cá ở đoạn sông Mekong bị ảnh hưởng của trầm tích chỉ cho khách xem cá da trơn đuôi đỏ nuôi lồng ở Cần Thơ. Ảnh chụp ngày 25/5/2022. Nguồn ảnh: Reuters/Athit Perawongmetha

Về phần mình, Campuchia nói rằng nước này đã có được sự ủng hộ dành cho dự án của Chủ tịch Ủy hội sông Mekong đồng thời là Chủ tịch nước Lào, ông Thongloun Sisoulith.

Ông Sisoulith vừa thăm Phnom Pênh và trong một cuộc họp với ông Hun Sen, cựu Thủ tướng Campuchia và hiện là Chủ tịch Thượng viện, ông này đã được yêu cầu thể hiện sự ủng hộ đối với dự án kênh đào Phù Nam Techo.

"Đáp lại, Chủ tịch nước Lào đã tuyên bố ủng hộ một cách không do dự" – mạng báo Fresh News của Campuchia, một cơ quan báo chí ủng hộ chính phủ, đưa tin.

Không có nghĩa vụ

Lào và Campuchia đều là đồng minh lâu năm của Việt Nam nhưng trong những năm gần đây, cả hai đều ngả nhiều hơn về phía Trung Quốc.

Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những tác động tiêu cực về kinh tế và môi trường có thể xảy đến của dự án.

Chính trong tháng này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã thúc giục Campuchia cung cấp thông tin và đánh giá tác động của dự án đối với tài nguyên nước và cân bằng sinh thái của khu vực ĐBSCL.

Đáp lại, một quan chức cấp cao của Campuchia nói rằng Phnom Pênh không có nghĩa vụ phải làm việc này.

Ông So Naro, Đặc phái viên của Thủ tướng Campuchia phụ trách các vấn đề ASEAN nói với tờ Thời báo Khmer rằng về mặt pháp lý, Campuchia không có nghĩa vụ phải gửi bất cứ tài liệu nào liên quan tới việc nghiên cứu và xây dựng kênh đào Phù Nam Techo cho Việt Nam.

Campuchia đã đệ trình "tất cả các tài liệu nghiên cứu liên quan đến các tác động của kênh đào đối với môi trường và tài nguyên nước" lên Ủy hội Sông Mekong – ông So Naro nói.

Ủy hội Sông Mekong là một tổ chức liên chính phủ chịu trách nhiệm quản lý bền vững lưu vực sông Mekong.

“Các nhà chức trách Việt Nam có thể yêu cầu được tiếp cận các tài liệu đó” – ông So Naro nói.

Campuchia nhiều lần quả quyết rằng dự án kênh đào này không làm gián đoạn dòng chảy của sông Mekong.

Ph3.jpeg
Nguồn ảnh: Ủy ban Mekong Quốc gia Campuchia

Với tên gọi chính thức là “Dự án Đường thủy và Hậu cần Tonle Bassac”, kênh đào Phù Nam Techo trị giá 1,7 tỷ USD sẽ được một công ty Trung Quốc triển khai thực hiện.

Việc xây dựng kênh đào này có nghĩa là sẽ có thêm dòng hàng hóa thương mại đến trực tiếp tại các cảng của Campuchia mà không phải đi qua Việt Nam. Chính phủ Campuchia cho biết dự án này sẽ giúp cắt giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cũng như giảm sự phụ thuộc vào các cảng của Việt Nam.

Chính phủ nước này cũng nói rằng dự án sẽ mang lại những lợi ích kinh tế và xã hội to lớn cho 1,6 triệu người dân Campuchia sống dọc kênh đào.

Các câu hỏi về an ninh

Bên cạnh các tác động về môi trường và kinh tế, các nhà phân tích cho hay Việt Nam cũng lo lắng về những vấn đề an ninh mà kênh đào này có thể gây nên.

Có những ý kiến cho rằng kênh đào này có thể giúp tàu hải quân Trung Quốc di chuyển từ phía Vịnh Thái Lan và căn cứ hải quân Ream do Trung Quốc xây dựng trên bờ biển của Campuchia gần biên giới với Việt Nam, đi lên về phía thượng nguồn.

Campuchia đã bác bỏ suy đoán này với việc ông Hun Sen một mực quả quyết rằng Campuchia và Việt Nam "là láng giềng tốt và có quan hệ hợp tác tốt trong tất cả các lĩnh vực".

Nhưng Việt Nam và Trung Quốc đã và đang tranh chấp một chuỗi đảo ở Biển Đông và vì vậy nước này thường nhìn những can dự của Trung Quốc trong khu vực với ánh mắt hoài nghi.

Việt Nam có chung đường biên giới khá dài với Campuchia. Trong những năm 1977-1978, đã có các cuộc giao tranh giữa lực lượng Khmer Đỏ của Campuchia và quân đội Việt Nam trong cuộc chiến thường được gọi là Chiến tranh Biên giới Tây Nam. Cuộc chiến này đã dẫn đến cuộc xâm lược của Việt Nam và việc thành lập một chính phủ thân Hà Nội ở Campuchia.

Cần phải quan tâm hơn tới tính hình ở biên giới phía Tây của Việt Nam vì “các mối đe dọa về những thách thức an ninh phi truyền thống, chủ yếu ở vùng đồng bằng sông Mekong” – ông Nguyễn Thế Phương, một nhà nghiên cứu chính trị của Việt Nam tại Đại học News South Wales của Australia phát biểu.

“Việc mất đi khả năng duy trì sản xuất lương thực trên quy mô lớn ở ĐBSCL sẽ có ảnh hưởng to lớn tới an ninh của Việt Nam ở khu vực phía Nam” – ông Phương nói.

“Theo tôi, mặt trận phía Tây đang trở nên quan trọng hơn từng ngày nhưng Việt Nam đang bị quá phân tâm bởi các vấn đề hàng hải ở mặt trận phía đông, nghĩa là ở Biển Đông” – nhà nghiên cứu này nhận định.