Cuộc chiến Ukraine là vấn đề được nêu đầu tiên trong số 24 vấn đề toàn cầu được thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh các Ngoại trưởng G-7 tại Nhật Bản từ 16-18/4/2023. RFA phỏng vấn Giáo sư Carlyle Thayer về chiến lược của Nhật Bản đối với cuộc chiến này, những "hàm ý" của chiến lược đó của Nhật Bản đối với khu vực châu Á và cách Việt Nam lựa chọn "lập trường" trước sự đối lập gắt gao giữa hai "ông lớn" châu Á là Nhật Bản và Trung Quốc.
RFA. Những tính toán của Việt nam khi nêu "lập trường" đối với cuộc chiến của Nga ở Ukraine có liên quan gì đến quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Á không?
Carlyle A. Thayer: Lợi ích quốc gia của Việt Nam đã được xác định rõ ràng trong nhiều năm và không thay đổi. Việt Nam tìm cách duy trì quyền tự chủ chiến lược bằng cách không đứng về phía nào trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc lớn.
Việt Nam thực hiện điều này bằng chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ giữa mạng lưới 17 đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện. Việt Nam không có lợi ích lâu dài khi chứng kiến Nga suy yếu, bị cô lập và phụ thuộc vào Trung Quốc.
Được biết, Đại diện Thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc đã nói với người đồng cấp Việt Nam rằng việc bỏ phiếu đình chỉ Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc sẽ bị coi là một hành động thù địch. Để ngăn chặn sự trả đũa của Nga, Việt Nam bỏ phiếu trắng trong các cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hoặc bỏ phiếu chống một số nghị quyết chỉ trích Nga.
Việt Nam có lập trường trung dung trong cuộc chiến ở Ukraine, ủng hộ luật pháp quốc tế, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và Hiến chương Liên Hợp Quốc, tất cả đều ở mức trừu tượng. Nói cách khác, chính sách tuyên bố của Việt Nam được cả Trung Quốc và Nhật Bản chấp nhận. Việt Nam tìm cách duy trì những lợi ích của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Điều này giải thích cho chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 10/2022 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để gặp người đồng cấp Tập Cận Bình.
Đồng thời, Việt Nam tìm cách thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Nhật Bản để đảm bảo thương mại, đầu tư, viện trợ phát triển và hỗ trợ an ninh hàng hải thuận lợi. Cả hai đều có sự hội tụ các lợi ích chiến lược trong việc ngăn chặn Trung Quốc trở thành cường quốc bá chủ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Việt Nam bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về các nghị quyết chỉ trích Nga vì Việt Nam không có lợi khi chứng kiến Nga, một trong số ít đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, suy yếu. Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào Nga về vũ khí, thiết bị quân sự và công nghệ.
Tuyên bố ủng hộ của Việt Nam đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia được thiết kế để tạo ra nền tảng trung gian giữa Nga, những người ủng hộ Nga và khối phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo phản đối sự xâm lược của Nga. Nga coi Ukraine là một phần lãnh thổ lịch sử của mình, trong khi khối phía Tây ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Và, tất nhiên, Việt Nam mong muốn cộng đồng quốc tế bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình trước một Trung Quốc hung hăng.
RFA. Những chiến lược này của hai cường quốc châu Á, Nhật Bản và Trung Quốc, đối với cuộc chiến tranh Ukraine có hàm ý gì với khu vực Đông Á hay không?
Carlyle A. Thayer: Thủ tướng Nhật Bản Kishida nhiều lần tuyên bố rằng cuộc chiến Ukraine hôm nay có thể là cuộc chiến ngày mai ở Đông Á. Chính sách của Nhật Bản đối với cuộc chiến ở Ukraine được định hình bởi một đánh giá chiến lược của Nhật Bản, theo đó họ cho rằng Trung Quốc là mối đe dọa chính, và rằng không nên làm cho Trung Quốc cảm thấy họ có thể thoải mái làm những điều hung hăng như Nga.
Nhật Bản đã liên kết chặt chẽ với liên minh phương Tây như NATO, Nhóm G-7 do Hoa Kỳ dẫn đầu, trong khi đó Trung Quốc đã tham gia vào một "mối quan hệ đối tác không giới hạn" với Nga.
Nhật Bản đã và đang định hình một chiến lược nhằm tạo ra một thế trận răn đe mạnh mẽ để ngăn cản Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm Đài Loan. Nhật Bản theo đuổi chiến lược này bằng một sự thay đổi chưa từng có trong chính sách quốc phòng, bao gồm tăng chi tiêu quốc phòng từ 1% GDP lên 2% GDP trong vòng 5 năm tới. Chính sách quốc phòng của Nhật Bản cũng bao gồm dỡ bỏ các hạn chế đối với việc bán vũ khí ra nước ngoài, và xây dựng năng lực tấn công tên lửa tầm xa.
Nhật Bản đang cung cấp hỗ trợ kinh tế và tài chính đáng kể cho Ukraine bao gồm viện trợ không hoàn lại và xóa nợ, chấp nhận người Ukraine sơ tán và cung cấp hỗ trợ quân sự phi sát thương dưới dạng máy bay không người lái, áo giáp (áo khoác và mũ bảo hiểm), ống nhòm, trang phục chiến đấu mùa đông, lều, thiết bị y tế vật tư, xe tải dân sự, và khẩu phần ăn khẩn cấp.
Nhật Bản cũng đã áp đặt một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính và liên quan mạnh mẽ và toàn diện đối với Nga.
Chiến lược của Nhật Bản nhằm truyền đạt tới Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ nếu họ quyết định sử dụng vũ lực chống lại Đài Loan.
Chiến lược của Trung Quốc là ngăn Nga đầu hàng để làm suy yếu quyết tâm của khối liên minh phương Tây hiện cung cấp sự hỗ trợ ngày càng tăng cho Ukraine. Trung Quốc không muốn bị cô lập và cắt đứt với châu Âu nên đã tung ra cái gọi là "sáng kiến hòa bình", nhằm phá hoại sự ủng hộ của người các nước châu Âu và Hoa Kỳ dành cho Ukraine.
Trung Quốc tiếp tục giao dịch thương mại với Nga, bao gồm cả công nghệ lưỡng dụng và cung cấp thị trường cho xuất khẩu năng lượng của Nga nói riêng. Trung Quốc cũng ủng hộ Nga về chính trị-ngoại giao tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương khác.
RFA. Hiện nay, Nga đang có những dự án hợp tác dầu khí nào ở Biển Đông? Điều đó có ảnh hưởng gì đến lập trường của Việt Nam đối với cuộc chiến Ukraine, và cũng là đối với Nhật Bản và Trung Quốc?
Carlyle A. Thayer: Công ty Zarubezhneft của Nga có lợi ích lớn trong lô Cá ngừ của Indonesia và đã tiết lộ kế hoạch dẫn khí đốt đến dự án Nam Côn Sơn của Việt Nam gần Bãi Tư Chính nơi họ có lợi ích trong Lô 06-1. Hiện tại, Zarubezhneft dường như không chịu áp lực từ phía Trung Quốc trong việc từ bỏ dự án tại Việt Nam.
Các cuộc tuần tra của Trung Quốc trong khu vực dường như nhằm mục đích khẳng định yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc bằng cách giám sát thường xuyên các hoạt động trong khu vực.
Áp lực của Trung Quốc đối với Zarubezhneft trong giai đoạn này sẽ phản tác dụng vì nó sẽ gây tổn hại đến lợi ích tài chính của Nga và tạo ra căng thẳng trong "mối quan hệ đối tác không giới hạn" Nga - Trung.
Nếu Nga bị gây áp lực phải rút lui, điều này sẽ thể hiện một bước thụt lùi đáng kể trong nỗ lực của Việt Nam nhằm đa dạng hóa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình. Khi đó, Việt Nam sẽ phải đối mặt với việc cố gắng đối đầu với Cảnh sát biển Trung Quốc, lực lượng có số lượng tàu lớn hơn và đông hơn Cảnh sát biển Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam sẽ buộc phải tạm dừng hoạt động như đã làm vào năm 2018.
Khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tiếp Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko vào ngày 6 tháng 4 năm 2023 tại Hà Nội, ông đã lặp lại tuyên bố của mình vào năm 2022 khi thăm Hoa Kỳ, "Việt Nam không chọn phe, mà chọn công lý và lẽ phải." Câu nói của Thủ tướng Chính rất có thể ám chỉ đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine, nhưng về bề ngoài, Phó Thủ tướng Nga lại có thể coi tuyên bố đó theo bề ngoài là ủng hộ Nga. Nói cách khác, Thủ tướng Chính đang phát đi tín hiệu với Nga rằng Việt Nam sẽ không thay đổi lập trường trung dung về cuộc chiến ở Ukraine hoặc có những hành động gây phương hại đến quan hệ với Nga.
RFA. Ông nhận xét thế nào về việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát vào hoạt động dài ngày trong khu vực Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, từ 6/3 đến nay. Đó cũng là khoảng thời gian Chủ tịch Tập Cận Bình thăm Nga (20/3/2023), Thủ tướng Kishida Fumio thăm Ukraine (22/3/2023), và Ngoại trưởng Antony Blinken thăm Việt Nam (14-16/4/2023).
Carlyle A. Thayer: Những sự kiện này rất có thể là ngẫu nhiên. Kể từ tháng 1/2023, Cảnh sát biển Trung Quốc đã thực hiện ít nhất 40 cuộc tuần tra ở lưu vực Nam Côn Sơn. Một số cuộc tuần tra này đã đi qua vùng biển nơi Zarubezhneft hoạt động hoặc nơi Gazprom là cổ đông. Zarubezhneft và Gazzprome là công ty Nga.
Trung Quốc đã tăng cường tuần tra và Việt Nam đã đáp trả bằng cách cử Lực lượng Kiểm ngư và tàu Cảnh sát biển Việt Nam theo dõi sát sao Trung Quốc. Dường như có một "động lực cục bộ" đang diễn ra. (RFA chú thích: "động lực cục bộ" hay "local dynamic", chỉ trạng thái các bên tùy theo nhu cầu an ninh của mình và tình huống cụ thể mà quyết định chiến lược an ninh phù hợp.)