Người Việt bỏ tiền nhập cư trái phép vào Anh để được gì?

0:00 / 0:00

Hôm 28 tháng Mười , Anh đã chuyển cho Việt Nam 4 hồ sơ đầu tiên trong số 39 người chết trong một chiếc xe tải đông lạnh ở vùng Essex của Anh quốc để xác định xem họ có phải là các nạn nhân người Việt Nam hay không. Đây là những người nhập cư trái phép vào Anh. Chiếc xe tải chở theo xác họ được phát hiện vào ngày 23/10/2019.

Hé lộ đường dây buôn người

Sau khi thông tin về những người thiệt mạng khi tìm đường vào Anh được loan tải rộng rãi trên báo chí, một số gia đình tại Hà Tĩnh đã thông báo về con mình cũng đang tìm đường sang Anh và đã mất tích trong khoảng thời gian chiếc xe tải bị phát hiện. Họ được cho biết đã vào Anh theo một đường dây nhập lậu người vào Anh quốc, người đi phải bỏ ra một số tiền không nhỏ, có lúc lên tới 30.000 Bảng Anh, chuyển qua nhiều chặng trước khi vào Anh là nơi họ sẽ trở thành những lao động bất hợp pháp.

Mặc đù đến lúc này giới chức Anh vẫn chưa xác định chính xác có người Việt Nam nào trong số 39 nạn nhân hay không, nhưng đã có những nghi ngờ cho rằng có một số người Việt đến từ các tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An nằm trong số các nạn nhân này.

Theo truyền thông trong nước, cho đến lúc này, đã có 30 gia đình từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Huế thông báo với giới chức về sự mất tích của con cái họ khi đến Anh trong khoảng thời gian trên. Ông Nguyễn Đắc Vinh, bí thư ỉnh ủy Nghệ An, nói với báo giới bên hành lang Quốc Hội ngày 28/10 rằng đây là sự việc đáng tiếc.

Đây cũng không phải lần đầu tiên có thông tin về người Việt Nam nhập cư trái phép vào Anh, nhưng sự việc 39 thi thể phát hiện được trên chiếc xe tải ở Essex hôm 23 tháng Mười đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước.

<i>Đi như thế thì điều chắc chắn là không có giấy tờ hợp pháp. Đối với những người thiệt mạng trong xe container ở Essex, như cô gái đã text về cho cha mẹ, thì thật là thương tâm. Đi một đoạn đường xa như vậy, trả một số tiền lớn như vậy, trả từng chặng một, tới Pháp rồi, tới Đức rồi, tới Bỉ rồi, vậy thì tại sao phải đi qua Anh mới được, cái này là bị gạt.<br/> </i>-Diệp Vương, Pacific Links

Bước sang ngày 29, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Phạm Bình Minh cho hay Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tiếp nhận cũng như trao đổi thông tin về 14 gia đình trình báo để phía Anh kiểm tra xem có trùng khớp với hồ sơ 39 nạn nhân trong chiếc xe thùng đông lạnh ở Essex hay không.

Một cư dân dấu tên ở Nghệ An, cho đài Á Châu Tự Do biết tình hình tại nơi ông ở lúc này:

Tình hình bây giờ coi như là xáo trộn vấn đề của Nghệ An đấy, đặc biệt đông nhất là ở xã Đô Thành, huyện Yên Thành, hiện công an lấy vân tay coi như lấy mẫu AND để cử người sang Anh thống kê số người chết.

Còn tình hình dân coi như rất đáng buồn, ai nấy mong ngóng chờ đợi nghe thông tin của con mà không có hy vọng gì cả. Ai cũng thấy buồn cả vì nghe đó là cái xe bị chết toàn bộ 39 người thì 18, 20 tuổi có cả. Đã có một số nhà lập bàn thờ hương khói đầy đủ cả rồi, bảo là không còn hy vọng gì nữa. Chủ tịch tỉnh Nghệ An đề nghị xác minh lại, giám định cụ thể thông tin những người con của họ, coi như chính quyền cũng có ý hỗ trợ cho vấn đề những người có con bị chết ở nơi đó.

Tin cho hay tại Nghệ An đến lúc này đã có 18 người được gia đình trình báo với chính quyền từ hôm 26 tháng Mười.

Theo truyền thông trong nước thì Tổng Đài Bảo Hộ Công Dân thuộc Cục Lãnh Sự, Bộ Ngoại Giao Việt Nam, đã tiếp nhận thông tin vừa nêu.

Tuy nhiên theo phó thủ tướng kiêm bộ trường ngoại giao Phạm Bình Minh thì hiện vẫn chưa thể khẳng định điều gì mà phải gởi qua Anh các mẫu vật cần thiết để đối chiếu. Điều này có nghĩa khi các dữ kiện và mẫu vật hai phía đưa ra trùng khớp với nhau thì mới xác định được danh tính nạn nhân và việc này cần rất nhiều thời gian. Cũng vậy, ông nói tiếp, đối với hồ sơ về 4 trường hợp đầu tiên mà phía Anh chuyển cho cơ quan chức năng Việt Nam hôm 28/10 thì cũng cần phải kiểm chứng, đối chứng.

Sở dĩ vẫn còn sự thấp thỏm mong ngóng của thân nhân từ Nghệ An là vì trước đó có tin là không chỉ một mà tới 3 chiếc xe tải đưa người nhập lậu vào Anh trong thời điểm đó. Nhà báo Lê Trung Khoa từ Đức cho biết:

Ba chiếc xe tải sang tới Bỉ và chạy sang Anh, 2 chiếc kia dường như đã thoát, chỉ chiếc này cả 39 người bị đóng băng kinh khủng như vậy. cho đến nay cũng chưa có thông tin chi tiết 39 người đấy là toàn bộ người Việt Nam, nhưng qua báo chí Anh và một số nước chung quanh thì có người Việt Nam trong số đó.

Rõ ràng đường đi của họ như vậy là bất hợp pháp, theo như ở Đức và Châu Âu người ta vẫn nói đây là những di dân lậu. Trong quá trình tìm hiểu, điều tra về vụ 39 người chết, mà rất nhiều được cho là từ Việt Nam sang Anh, thì con đường đi của các bạn thực sự quá nguy hiểm, quá may rủi. Nếu được thì xin gia đình, thân nhân và cả những bạn trẻ đang có ý định nhập cư lậu vào Đức vào Châu Âu hãy suy nghĩ lại, tìm một cách đầu tư khác có thể cho mình cuộc sống bền vững ổn định hơn.

Nhà báo Lê Trung Khoa cũng xác nhận nguồn tin là ngoài 39 người chết trên chiếc xe tải thứ ba thì cảnh sát Anh cũng phát hiện thêm 10 người nhập lậu trên một chiếc xe tải khác.

Một số người Việt mất tích trên đường sang Anh mà gia đình nghi ngờ liên quan đến vụ 39 người chết trong xe tải hôm 23/10/2019.
Một số người Việt mất tích trên đường sang Anh mà gia đình nghi ngờ liên quan đến vụ 39 người chết trong xe tải hôm 23/10/2019. (Ảnh: RFA edited)

Đánh cược cuộc đời

Thực tế chưa có con số chính xác về số lượng người Việt nhập cư trái phép vào Anh bao năm qua. Tuy nhiên, theo ước tính của Salvation Army UK, tổ chức thiện nguyện chi nhánh Anh Quốc, số liệu mới nhất về người Việt nhập cư trái phép vào Anh từ tháng Bảy 2018 đến tháng Bảy 2019, mà Salvation Army tiếp cận được, đã tăng kỷ lục ở mức 248% so với những năm trước đó.

Về phía ECPAT UK, tổ chức hỗ trợ làm việc với nạn nhân bị buôn bán, nhất là trẻ em, thì số nạn nhân Việt từ 135 trường hợp năm 2012 tăng lên thành 740 ca năm 2018.

Giám đốc ECPAT UK, Debbie Biddle, cho biết phần lớn người Việt nhập cư bất hợp pháp được chuyển sang Anh trên những xe tải tương tự như chiếc xe thùng với 39 người chết cóng hôm 23 tháng Mười .

Hầu hết những người nhập lậu theo kiểu này, giám đốc Debbie Biddle của ECPAT nói tiếp, đều nói rằng đó là trải nghiệm kinh khủng nhất trong cuộc đời họ.

Tháng Ba năm nay, một bản phúc trình có tên Precarious Journey, Hành Trình Hiểm Nghèo, được công bố cho thấy số phận bi thảm của những người tìm đường sang Anh và Âu Châu, bên cạnh những bấp bênh gian khổ của người lao động bất hợp pháp ở nước ngoài như thế nào.

<i>Tổng quan thì đây là bằng chứng cho thấy đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam chưa làm đủ cho công dân của mình, chưa thể giữ chân thế hệ trẻ lại để họ có thể phục vụ quê hương mà cuối cùng phải bỏ rất nhiều tiền thậm chí cả tính mạng để tìm cuộc sống với hy vọng có thu nhập tốt hơn cho mình và gia đình mình.<br/> </i>-Nhà báo Lê Trung Khoa

Đây là phúc trình có sự đóng góp phối hợp giữa ECPAT với Anti Slavery International và Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, là tổ chức hoạt động phòng chống và hỗ trợ nạn nhân buôn người ở Việt Nam gần 2 thập niên qua. Bà Diệp Vương, chủ tịch Pacific Links Vòng Tay Thái Bình, cho biết phúc trình thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính phủ Anh trước tệ trạng người Việt nhập cư trái phép vào lãnh thổ Anh:

Trong vòng 2 năm chúng tôi hợp tác với 2 tổ chức, Anti Slavery International là tổ chức chống buôn người lâu đời nhất của thế giới, có mặt tại Anh 130 năm nay. Tổ chức thứ hai là ECPAT UK, chúng tôi đã được sự hỗ trợ của Home Office UK tức Bộ Nội Vụ Anh quốc, để nghiên cứu và hoàn tất bản phúc trình này.

Thực sự con số mình biết được là vì mình giúp người ở bên Anh như thế nào, rồi mình đã gặp rất nhiều người trong các trung tâm giam giữ bên Pháp, mình cũng gặp những người đi dọc đường trong Vietnam City (ở Pháp, đã bị giải tỏa) vân vân… nói chuyện với những người ở Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức là những nước trên đường họ đi đó.

Tại Việt Nam, chúng tôi thu thập thông tin về những người bị trả trở lại Việt Nam, hoặc về những người đang suy nghĩ là họ nên đi như thế nào. Đây là lần đầu tiên có một bản phúc trình gọi là end to end mapping đến đầu đến đũa về câu chuyện và bối cảnh khiến người ta ra đi cho tới khi đến Anh quốc và những chuyện gì sẽ xảy ra.

Trở lại những vụ người Việt nhập cư lậu vào Anh mà chừng như chính phủ Anh ý thức rất rõ tệ trạng này, điển hình qua bài viết hồi tháng Chín 2019 của đại sứ đặc mệnh toàn quyền Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, cảnh báo về nạn mua bán người sang Anh quốc, rằng đừng đánh cược tương lai vào những cuộc phiêu lưu bất trắc, biến mình thành tội phạm trên xứ người. Bà Diệp Vương nhận định:

Bài chia sẻ của ông đại sứ Anh đã có nhưng đương nhiên tới tai ai, để dân của mình có thể hiểu được, để những người trẻ muốn đi có thể biết được thì đòi hỏi phải có những chương trình, những sự vận động, những công tác truyền thông mạnh hơn nữa thì mới tới tai những người quyết định đánh cược đời của họ như thế này.

Đi như thế thì điều chắc chắn là không có giấy tờ hợp pháp. Đối với những người thiệt mạng trong xe container ở Essex, như cô gái đã text về cho cha mẹ, thì thật là thương tâm. Đi một đoạn đường xa như vậy, trả một số tiền lớn như vậy, trả từng chặng một, tới Pháp rồi, tới Đức rồi, tới Bỉ rồi, vậy thì tại sao phải đi qua Anh mới được, cái này là bị gạt.

Tha phương cầu thực

Đó là chưa nói tới cái hệ lụy đeo đẳng những người bỏ tiền ra khỏi nước và nhập cư bất hợp pháp vào một nước khác, bà Diệp Vương phân tích tiếp:

Ở nước ngoài mình sẽ là bất hợp pháp suốt đời cho tới khi nào mình mua một tờ giấy giả để mà trở về Việt Nam. Như vậy thì suốt đời mình chỉ có chơi được với những người làm việc bất hợp pháp thôi. Đây là một điều rất kinh khủng.

Theo nhà báo Lê Trung Khoa, trước giờ đã có nhiều người Việt đi Nga, Cộng Hòa Séc, nói chung một số nước Đông Âu và cả Đức, để đi làm thuê, buôn bán và đã chứng tỏ có thu nhập cao hơn bên nhà.

Tuy nhiên do kinh tế khó khăn và công việc trở nên ít ỏi tại những nước này, người Việt nhập cư lậu nhắm vào Anh quốc như mảnh đất hứa hẹn. Nhiều người sang Anh làm trong nghề nails tức nghề làm móng tay, nhiều người khác đi làm thuê. Một số khác nữa được thuê hoặc tự đứng ra trồng cần sa khiến ảnh hưởng ít nhiều đến bộ mặt của cộng đồng người Việt ở vương quốc này.

Linh mục Nguyễn Văn Hùng, thường trợ giúp pháp lý cho công nhân Việt tại Đài Loan, cho biết người nhập cư lậu và làm việc trái phép ở Đài Loan phần nhiều đi từ miền Trung. Vì là lao động bất hợp pháp nên đời sống của họ ở Đài Loan cũng rất là vất vả:

Họ ở trên những vùng núi, chừng 8 người trong không phải là cái nhà mà là cái chòi, đời sống rất kham khổ. Nếu có khả năng làm việc thì có tiền gởi về. Nếu trời mưa lạnh không đi làm thì không có tiền và họ phải đi vô rừng. Tôi đã đi thăm các trại tù, tôi gặp rất nhiều lao động Việt đi chặt cây bất hợp pháp trên rừng, có người bị tù tới 11, 12 năm vì đi làm những công việc vừa nguy hiểm vừa vi phạm pháp luật của Đài Loan như vậy.

Những người đi đánh cá xa bờ mà khi có cơ hội vào bờ thì họ bơi vào và trốn lên những khu trồng rau hoặc trồng trà trên núi. Họ ở đó họ làm và không dám đi đâu cả vì sợ bị bắt.

Người Việt ở nông thôn Việt Nam tìm đủ cách vay tiền để đi nước ngoài vì không tìm được việc làm trong nước mà cũng không được chính phủ cung cấp hỗ trợ công ăn việc làm, là nhận định của linh mục Nguyễn Văn Hùng ở Đài Loan.

Còn theo Nhà báo Lê Trung Khoa thì ông cho rằng:

Tổng quan chung thì đây là bằng chứng cho thấy đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ Việt Nam chưa làm đủ cho công dân của mình, chưa thể giữ chân thế hệ trẻ lại để có thể phục vụ quê hương mà cuối cùng phải bỏ rất nhiều tiền thậm chí cả tính mạng để tìm cuộc sống với hy vọng có thu nhập tốt hơn cho mình và gia đình mình.

Sau vụ việc 39 thi thể chết cóng trong xe tải ở Anh mà trong đó có người Việt Nam, thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, ủy viên thường trực Ủy Ban Quốc Phòng An Ninh nói với báo chí ngày 28/10 vừa qua rằng người có hành động đi nước ngoài “chui” sẽ mất hết quyền công dân, không được ra ngoài xã hội cũng không được làm việc trong các công xưởng.

Một điểm quan trọng được ông tướng này nhấn mạnh ở đây, là người đi chui sẽ khó có điều kiện quay trở lại Việt Nam.