"Khi du lịch phục hồi sau COVID, các chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng Việt Nam đang trở thành điểm đến ưa thích của du khách khi tới châu Á. Tuy nhiên, Thái Lan có vẻ sẽ vẫn là số một trong tương lai gần," đó là nhận định của kênh truyền thông công cộng Deutsche Welle của CHLB Đức trong chuyên mục về châu Á mới đây.
"Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến phổ biến nhất ở Đông Nam Á, khi khách du lịch tận hưởng những cảnh quan đa dạng, bãi biển, ruộng bậc thang trên núi và các thành phố nhộn nhịp và theo báo cáo của Google Destination Insights, Việt Nam là điểm đến được tìm kiếm nhiều đứng hàng thứ bảy từ tháng ba đến tháng sáu 2023 và là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á lọt vào top 20," bài viết có tựa đề 'Việt Nam nổi lên thành điểm nóng du lịch mới của Đông Nam Á' của tác giả Tommy Walker từ Bangkok nhận định.
Vẫn theo Deutsche Welle, sự nổi lên của Việt Nam được thể hiện qua số lượng khách quốc tế, với việc Tổng cục Du lịch Việt Nam công bố vào tháng sáu rằng cả nước đã đón hơn 5,5 triệu lượt khách nước ngoài trong sáu tháng đầu năm 2023, vượt tổng lượng khách quốc tế trong năm 2022, trong khi ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón tám triệu du khách trong thời gian còn lại của năm 2023, mặc dù Tổng Cục du lịch quốc gia đã dự đoán con số này có thể sẽ tăng lên 10 triệu.
"Tuy nhiên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt mức trước đại dịch. Năm 2019 đón gần 19 triệu lượt khách quốc tế và điều đó có nghĩa rằng Việt Nam vẫn còn một số khoảng cách ở chặng đường phía trước nếu muốn cạnh tranh với du lịch Thái Lan", Deutsche Welle dẫn lời một chủ hãng khách sạn & lữ hành quốc tế (Fuse Hostels & Travel), ông Max Lambert, có cơ sở kinh doanh đặt tại Hội An, Việt Nam từ năm trước, nói.
"Thái Lan vẫn đang tăng trưởng về số lượng nhiều hơn và nước này là một chủ thể lớn ở trong khu vực, và Việt Nam sẽ mất nhiều thời gian để đạt được mức đó," vẫn doanh nhân ngành du lịch & khách sạn này nói với Deutsche Welle.
Thực vậy, Thái Lan kỳ vọng sẽ đạt 20 triệu du khách vào cuối năm 2023, tuy nhiên, ngành du lịch nước này đang đặt mục tiêu trở lại mức của năm 2019, khi nước này đón lượng khách quốc tế với kỷ lục 39 triệu lượt, Deutsche Welle cho biết.
Hôm 11/7/2023, từ Toulouse, Pháp, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Long, chuyên gia về du lịch học, nguyên giảng viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận về bài báo trên Deutsche Welle và luận điểm mà bài báo này đặt ra, ông nói với Đài Á Châu Tự Do:
“Tôi cho rằng nhận định này là đúng, phải còn một khoảng cách xa Việt Nam mới bắt kịp Thái Lan. Còn về lý do, phải nói như thế này, qua bài báo, chúng ta thấy có nhiều tín hiệu tích cực nếu phân tích mang tính thời điểm, nhưng để đưa ra được câu trả lời cho cả một ngành nghề, chúng ta phải nhìn một quá trình. Và phải nói rằng Thái Lan đã đi trước chúng ta rất lâu và bằng rất nhiều việc, họ đã làm được. Những việc đó, để Việt Nam cải thiện và tiến tới được, còn phải một thời gian rất dài.
Cụ thể, đầu tiên phải nói tới chính sách của nhà nước, chính sách của nhà nước Thái Lan đã đặt vấn đề du lịch một cách rất thực tế, và người ta triển khai được việc lớn, đấy là người ta gắn kết được tất cả những ngành nghề, gắn kết được những đơn vị từ quản lý trung ương cho tới các doanh nghiệp du lịch. Và người ta có một chiến lược đào tạo du lịch từ lâu, chính vì vậy, họ đạt được kết quả rất tốt. Nói như vậy không phải là Việt Nam không thể có được một kết quả tốt, vì Việt Nam có đầy đủ các lợi thế, tuy nhiên muốn đạt được những điều đó, Việt Nam cần một quãng thời gian.”
Làm gì để thu hẹp khoảng cách?
Về điều gì du lịch Việt Nam cần làm để khắc phục các nhược điểm và qua đó thu hẹp khoảng cách, chuyên gia du lịch học Nguyễn Đỗ Long nói với RFA Tiếng Việt:
“Như tôi vừa nói, Thái Lan có một tầm nhìn từ lâu dài rồi, chính vì thế sự gắn kết từ ngành hàng không để đưa khách du lịch từ nước ngoài về và khách du lịch từ trong nước ra, cộng với việc chính quyền địa phương tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp, các cơ sở du lịch, những người dân làm du lịch, thì đấy là điểm mạnh của du lịch Thái Lan. Còn điểm mạnh của du lịch Việt Nam chúng ta có không ít đâu, chúng ta có rất nhiều, tài nguyên du lịch đa dạng, doanh nghiệp và con người năng động.
Nhưng nhược điểm của Việt Nam chính là vấn đề kết nối, mà ở đây chúng ta có thể phân tích ở hai khía cạnh: một là kết nối của Việt Nam với nước ngoài, mà kênh kết nối chính là ngành hàng không. Mà ngành hàng không của Việt Nam phải nói thật rằng hiện nay giá vé đang rất cao. Kết nối thứ hai là giữa các đơn vị làm du lịch cùng với các cơ sở, đơn vị quản lý về du lịch, Việt Nam yếu chỗ này.
Hiện nay, chúng ta mỗi người làm du lịch một kiểu, mỗi đơn vị du lịch phát triển một hệ thống sản phẩm riêng của mình, và lại chưa xây dựng nên một chiến lược du lịch. Tôi lấy ví dụ, Việt Nam hiện nay có không ít các cơ sở du lịch hạng cao cấp, có rất nhiều cơ sở du lịch dạng homestay, nhưng để liên kết ra một loại hình du lịch đặc thù, mang tính chiến lược thì Việt Nam chưa có.”
Trên đây là một vài điểm mạnh và điểm yếu được cho là của du lịch Việt Nam, trong so sánh với Thái Lan, còn về một vấn đề có quan hệ ảnh hưởng trực tiếp tới du lịch là môi trường, nhất là tại Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Đỗ Long nói tiếp:
"Môi trường của Việt Nam hiện nay đúng là đang có vấn đề rất lớn, ví dụ vừa rồi, rất nhiều các bài báo ở Việt Nam cũng đã nói, vấn đề ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, đặc biệt ở các đô thị là rất lớn, sự xung đột giữa các lợi ích kinh tế, phát triển kinh tế với du lịch là có , nhưng dần dần chúng ta nhận thấy rằng để phát triển và có một cuộc sống bền vững, thì môi trường phải là một yếu tố cơ bản.
Chúng ta cứ nhìn tỉnh Quảng Ninh làm một ví dụ, cho đến bây giờ tỉnh Quảng Ninh đang trở thành một địa phương mà đang dần dần hài hòa các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường rất lớn, bởi vì trước đây Quảng Ninh phát triển về than, nhưng bây giờ du lịch cũng phát triển và buộc phải có yếu tố hài hòa.”
Theo chuyên gia du lịch học này, để đạt được sự hài hóa đó, ý thức của người dân là yếu tố rất quan trọng, và một lần nữa, việc có được một chính sách tốt là hết sức quan trọng, ông Nguyễn Đỗ Long nói:
“Chúng ta thấy ở Ý có một loại hình du lịch mà người ta gọi là Agritourismo, tức là người ta phát triển những trang trại ở các địa phương… Nước Ý có thể nói là một trong những quốc gia phát triển du lịch hàng đầu trên thế giới, ngoài những công trình cổ đại và ngoài các thành phố lớn ra, việc phát triển du lịch địa phương do chính người dân bản địa thực tế làm du lịch là điều vô cùng quan trọng. Về điều này, chúng ta, ai đã từng đi du lịch ở vùng Tuscany của Ý biết rằng họ có rất nhiều những trang trại kiểu như homestay. Thế thì việc hiện nay đưa người dân mà thực sự là những người bản địa ở đấy, chứ không phải là những cơ sở du lịch được đầu tư vào đó, sau đó lại là người ngoài quản lý đâu. Khi nào người ta thực sự làm du lịch, người ta mới thấy quý giá trị của môi trường nơi mà người ta sinh sống, và người ta tự có ý thức để bảo vệ điều đó.
Cho nên tôi vẫn mong muốn Việt Nam cần xây dựng một sản phẩm du lịch, một chiến lược phát triển du lịch, đấy là đưa về cho người dân địa phương phát huy và người ta khai thác du lịch trực tiếp.”