Sáng ngày 28/1, Chính phủ Việt Nam công bố phát hiện 83 ca COVID-19 lây nhiễm cộng đồng ở 2 tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh. Đợt bùng phát lần này do biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được cho là xuất phát từ một công nhân của Công ty TNHH Điện tử POYUN Việt Nam, khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Đây được đánh giá là ổ dịch cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lập tức ban hành chỉ thị yêu cầu giãn cách xã hội ở thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương 21 ngày, bắt đầu từ trưa ngày 28/1. Mọi người không được tụ tập quá 2 người ở nơi công cộng. Người dân chỉ được ra khỏi nhà cho các nhu cầu thiết yếu như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu.
Ở Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn, vốn là địa điểm thường đón các chuyến bay người Việt hồi hương để làm thủ tục cách ly tập trung, cũng bị tạm ngưng hoạt động trong 21 ngày. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng…
Phong toả đột ngột, coi như không có Tết
Như vậy, nếu thực hiện giãn cách xã hội kể từ trưa 28/1 cho đến hết 21 ngày, thì đã qua Tết Tân Sửu 2021.
Nhiều người dân ở Hải Dương và Quảng Ninh chia sẻ với Đài Á châu Tự do rằng họ khá sốc và bất ngờ khi lệnh giãn cách được ban hành một cách đột ngột và áp dụng luôn.
Chị Huyền, làm công việc kinh doanh thời trang ở thành phố Chí Linh, Hải Dương nói gia đình chị chưa kịp chuẩn bị gì thì đã có lệnh giãn cách. Trong nhà chỉ có vài kí gạo và thực phẩm đủ dùng trong vài ngày.
Ngoài ra, công việc làm ăn của chị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chị Huyền nói dịch bệnh kéo dài cả năm nay, mọi người cũng ít ai mua sắm quần áo, chỉ trông mong dịp Tết để buôn bán nhưng dịch lại bùng phát, tất cả cửa hàng đều phải đóng cửa, coi như là không có Tết:
"Bây giờ bọn em phải đóng cửa hết, không thể bán được. Ảnh hưởng rất nghiêm trọng luôn. Bọn em chỉ bán được mấy ngày cuối năm thôi mà bây giờ phải đóng cửa hết luôn.
Giờ mới có lệnh giãn cách xã hội thôi chứ cũng chưa được hỗ trợ gì, cũng chưa biết như thế nào. Tết này chắc cũng chỉ ở nhà thôi chứ tình hình dịch thế này cũng không đi đâu, làm gì được.”
Chị T.A, ở tỉnh Quảng Ninh cho biết trong gia đình có anh trai đã tiếp xúc trực tiếp với người thuộc diện F2 nên cả gia đình hiện giờ đều bị hạn chế ra đường.
Gia đình chị làm dịch vụ tổ chức chức tiệc di động. Thời điểm cuối năm, có rất nhiều nơi đã đặt tiệc tất niên nhưng giờ đành phải huỷ hết:
"Anh trai em bị cách ly rồi. Ngay cạnh nhà em cũng nhiều người bị cách ly nữa. Rồi mấy người đặt tiệc nhà em làm cũng phải huỷ hết. Tết này chắc ở trong nhà thôi."
Công văn “chấn chỉnh hoạt động thiện nguyện”
Ngày 29/1, tỉnh Hải Dương thành lập các khu cách ly tập trung 21 ngày đối với những người thuộc diện F1. Đồng thời tiếp tục phong toả toàn bộ các xã, huyện khác có người thuộc diện F1, F2.
Đặc biệt, tại thị xã Kinh Môn, có 65 học sinh lớp bốn và 31 học sinh lớp hai thuộc diện F1 cũng phải đi cách ly tập trung do trong các lớp này có học sinh dương tính với SARS-CoV-2. Có 11 giáo viên và một vài phụ huynh được chọn vào khu cách ly để để chăm sóc, hỗ trợ cho các cháu.
Anh Nguyễn Thanh, ở thành phố Chí Linh nói với RFA rằng giờ này cũng không còn kinh doanh buôn bán gì được. Vì vậy, gia đình anh quyết định làm thiện nguyện. Mỗi ngày đều nấu thức ăn tiếp tế vào cho những khu cách ly tập trung:
"Số người đi cách ly nhiều lắm. Bên nhà tôi cũng có người đi cách ly. Nhà tôi đi tình nguyện viên, đi tiếp tế các thứ thôi.
Tất cả đều là tình nguyện viên, tôi là đứng đầu. Người ta gởi cho mình làm, còn mình chỉ có công sức. Có xe chở đi thì không tính tiền xăng dầu, nấu nướng không lấy tiền, bỏ công sức thôi. Còn tiền bạc thì người từ ngoài nước, trong nước người ta gởi về.
Nhiều nơi thiện nguyện lắm, có tới 4-5 chỗ. Vì số người cách ly trên mấy ngàn người.
Người tài trợ giò chả, người tài trợ thịt, người cho gạo, nước ngoài thì cho tiền… Còn mình thì chung góp công sức, tình nguyện viên. Nhà mình là chủ chốt, nấu nướng gom hết về đây.
Chắc là không có Tết đâu. Bây giờ cách ly phong toả hết rồi. Trên Hà Nội người ta tài trợ cho chăn gối nệm nhưng người ta cũng không cho vào.”
Đảng bộ thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày 30/1/2021 ra công văn về việc “Chấn chỉnh các hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19”.
Nội dung yêu cầu các phường xã dừng việc vận động quyên góp, hỗ trợ cho địa phương mình trong công tác phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 31/1. Thay vào đó, đề nghị thực hiện tuyên truyền, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ tập trung về thành phố thông qua Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc của thành phố Chí Linh. Từ đó, mọi nguồn lực sẽ được sử dụng phòng, chống dịch hiệu quả, tiết kiệm và tổng thể.
Đồng thời, công văn cũng yêu cầu xử lí nghiêm các trường hợp trục lợi thông qua việc vận động, quyên góp, hỗ trợ phòng chống dịch.
Facebooker Trần Trường, ở thành phố Chí Linh, viết trên trang cá nhân nêu quan điểm của ông về công văn này:
"Những ngày đầu dịch bùng phát nhanh, số ca nhiễm tăng cao, số người cách ly tăng đột biến, trời rét, nhân lực, vật lực thiếu. Nếu không có các nhóm thiện nguyện, các nhà hảo tâm thử hỏi các khu cách ly thế nào, ăn ở sinh hoạt ra sao.
Các nhóm họ đâu cần được vinh danh, đâu cần được khen thưởng mà họ làm vì cái tâm, sẵn sàng nhảy vào nơi nguy hiểm đến tính mạng để cứu trợ, để chia sẻ khó khăn... Họ không chọn rụt đầu như con rùa.
Sau 3-4 ngày, cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm đã hòm hòm thì giờ họ nhận được “gáo nước”… Có nản không???”
Các nhóm họ đâu cần được vinh danh, đâu cần được khen thưởng mà họ làm vì cái tâm, sẵn sàng nhảy vào nơi nguy hiểm đến tính mạng để cứu trợ, để chia sẻ khó khăn... Họ không chọn rụt đầu như con rùa. - Facebooker Trần Trường
Theo trang Thông tin Chính phủ, tính từ ngày 27/1 đến chiều tối ngày 1/2/2021, số ca nhiễm COVID-19 do lây nhiễm trong cộng đồng là 270 ca. Trong đó, Hải Dương nhiều nhất với 205 ca, kế tiếp là Quảng Ninh 30 ca, Hà Nội 19, Gia Lai 4, Bắc Ninh 3, Hoà Bình 2. Các tỉnh thành khác như Bình Dương, Hải Phòng, TPHCM, mỗi nơi một ca.
Tỉnh Hải Dương đã xây dựng xong 2 bệnh viện dã chiến và đang tiến hành xây dựng bệnh viện thứ 3. Bệnh viện dã chiến số 1 đóng tại Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, có 150 giường. Trung tâm Y tế thành phố Chí Linh là bệnh viện dã chiến số 2, đáp ứng điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân. Bệnh viện dã chiến số 3 đang thi công sẽ trang bị thêm 200 giường bệnh.
Ông Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Chính phủ phát biểu hôm 31/1, khi đang đi kiểm tra “ổ dịch” ở thành phố Chí Linh, rằng 6 ngày nữa sẽ khoanh được ổ dịch ở Hải Dương, Quảng Ninh, giữ đúng cam kết dập dịch trong 10 ngày.
Vào ngày đầu tháng 2, gần 20 tỉnh, thành tại Việt Nam thông báo cho học sinh nghỉ tết âm lịch sớm vì tình hình dịch bệnh lây lan nhanh trên cả nước.
Tính đến chiều tối ngày 1 tháng 2, chín tỉnh, thành phố trên cả nước thông báo có ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.