Doanh nghiệp được phép tự lo nguồn vắc-xin  chống COVID-19, có dễ thực hiện?

Hình minh hoạ. Container chứa vắc-xin ngừa COVID-19 theo chương trình COVAX được chuyển về Việt Nam hôm 1/4/2021
Hình minh hoạ. Container chứa vắc-xin ngừa COVID-19 theo chương trình COVAX được chuyển về Việt Nam hôm 1/4/2021 (AFP)

0:00 / 0:00

Bộ Y tế Việt Nam cho phép doanh nghiệp tự lo nguồn vắc-xin chống COVID 19, mọi loại vắc-xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép đều được nhập khẩu, kể cả khi nhà sản xuất chưa làm thủ tục xin cấp phép, cấp số đăng ký tại Việt Nam.

Đây là tuyên bố của Thứ trưởng Bộ Y Tế Trương Quốc Cường từ hôm 5/6/2021. Ông nói, doanh nghiệp nào muốn nhập vắc-xin COVID-19 về đều phải thông qua Bô Y Tế hoặc nhóm công ty được cấp phép.

Vẫn theo lời ông, tất cả những doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vắc-xin nhập khẩu đều được hướng dẫn, tạo mọi điều kiện để có thuốc chủng sớm nhất.

Thứ trưởng Bộ Y Tế Trương Quốc Cường còn lưu ý các doanh nghiệp nên đàm phán với chính nhà cung cấp vắc-xin hầu đảm bảo nguồn tin cậy. Nguồn tin cậy nhất ở đây, ông nhấn mạnh, là nguồn phải qua giám sát của Chính phủ hoặc Bộ Y Tế của nước sản xuất ra vắc-xin đó.

Trường hợp không đàm phán trực tiếp được với nhà cung cấp, ông nói tiếp, doanh nghiệp nên đàm phán với các công ty đã được nhà sản xuất ủy quyền bằng giấy tờ hợp lệ.

Báo chí trong nước đưa tin, Bộ Y Tế đã cấp phép cho 36 doanh nghiệp đủ điều kiện để nhập khẩu vắc-xin về Việt Nam. Các doanh nghiệp sau khi đàm phán được với nhà cung cấp có thể liên hệ với Bộ Y tế hoặc 36 công ty trên để mua vắc-xin về .

Tin này đã được nhà báo Phạm Bắc, thông tín viên của một hãng thông tấn nước ngoài ở Hà Nội, báo cho biết từ ngày 2/6:

"Cái sợ nhất là khi Bộ Y tế Việt Nam độc quyền nhập vắc xin, nhưng lần này thì họ mở cho doanh nghiệp làm, bất kể doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân, ai cũng được miễn là tìm được nguồn".

Tuy nhiên theo các nhà quan sát, việc tự lo, tự kiếm và tự mua vắc-xin COVID-19 xem ra không dễ dàng trên lý thuyết và lại càng phức tạp hơn về mặt kỹ thuật.

Đã vậy, vào khi Việt Nam ra sức chống đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư với nhiều biện pháp nghiêm ngặt, dư luận cho rằng bàn đến chuyện vắc-xin về như thế nào, chích ngừa ra sao, ưu tiên những ai vân vân…đều là những câu hỏi nhạy cảm.

2021-03-08T062604Z_1741614269_RC2U6M95W9WA_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM-VACCINE.JPG
Hình minh hoạ. Một điểm tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 ở Hải Dương hôm 8/3/2021. Reuters

Ngay cả những doanh nghiệp được cho phép cũng khá là kín tiếng và từ chối bình luận.

Trao đổi với RFA qua điện thư, một chuyên gia y tế thân cận với VNVC - Công ty Cổ phần Vắc Xin Việt Nam ở TP.HCM, cho biết, thực ra Việt Nam đã có được lô AstraZeneca đầu tiên về sân bay Tân Sơn Nhất ngày 24/2/2021:

"Đây là 117.600 liều AstraZeneca đầu tiên mà một nước ASEAN được nhận. Số vắc-xin này sau đó được công ty VNVC chuyển giao lại cho Bộ Y Tế để tiêm cho 11 nhóm đối tượng ưu tiên và người dân tại các vùng dịch thời điểm đó".

Hiện tại, chuyên gia cho biết tiếp, toàn bộ các nhà sản xuất vắc-xin trên thế giới, ngoại trừ Moderna, chỉ bán cho Chính phủ trong giai đoạn dịch COVID đang hoành hành. Trường hợp AstraZeneca bán cho VNVC là thông qua thỏa thuận ba bên, có sự tham gia của Chính phủ với một số điều khoản ràng buộc.

Vì kinh doanh vắc-xin, cụ thể nhập khẩu, phân phối và thực hiện tiêm chủng, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nên có rất nhiều giấy phép con và những đòi hỏi ngặt nghèo cần đáp ứng, chuyên gia trình bày tiếp:

“Cũng như đội hình tiêm thì không chỉ tiêm không mà phải có bác sĩ khám sàng lọc. Tức là để thực hiện được công việc tiêm chủng thì đơn vị làm việc đấy phải đảm bảo hai yếu tố và điều kiện thực hiện giống như một công ty dược, phải am hiểu khâu logistics (hậu cần),phân phối, phòng bệnh, phải có kiến thức y khoa giống như bệnh viện, có đội ngũ điều dưỡng tốt vân vân…Chính vì thế doanh nghiệp muốn có vắc xin cho cơ sở mình thì phải thông qua đơn vị có ngành nghề có giấy phép kinh doanh là thế”.

Với dự kiến nhiều loại vắc-xin chống COVID-19 như Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson&Johnson… nhập vào trong thời gian tới, Việt Nam đã sẵn sàng chưa, sự chuẩn bị có chu đáo không, là câu hỏi được chuyên gia trả lời:

"Đây là câu hỏi mà rất nhiều người đặt ra. Trong hệ thống tiêm chủng Nhà nước, tức hệ thống CDC trực thuộc Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, thì với lượng vắc-xin nhỏ giọt vài trăm ngàn và một triệu liều trở xuống thì đáp ứng được. Nhưng nếu về ào ạt, ví dụ như hợp đồng 30 triệu liều của AstraZeneca mà mỗi tháng họ về 5 triệu, 7 triệu, rồi Pfizer (31 triệu) họ về 5 triệu, 7 triệu, tức là cứ trung bình 5 đến 10 triệu liều/tháng thì không thể đáp ứng được".

Thứ nhất là vì trước nay vấn đề tiêm phòng đại chúng, còn gọi là y tế dự phòng, chưa được quan tâm đúng ở Việt Nam, thế nên các trung tâm CDC cũng như các trung tâm tiêm chủng khó đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

2021-06-03T182702Z_1635230638_RC26TN9MVC08_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-CHILE.JPG
Hình minh hoạ. Vắc-xin của hãng AstraZeneca. Reuters

Thứ hai nữa là cơ sở hạ tầng của các trung tâm đó cũng không thể đáp ứng được việc lưu trữ và bảo quản :

“Khi vắc-xin về họ phải nhập vào kho tổng, bắt đầu từ đó mới mang ra kiểm định cũng như xin giấy phép quota để xem chuyến đấy có được nhập hay không, rồi dán nhãn. Tức là cái khâu quản lý hiện nay tương đối xa lạ nếu số lượng nhập về lớn”

“Tuy nhiên một trung tâm mới là VNVC đã nổi lên như một nhà phân phối, nhà thực hiện việc tiêm chủng, được coi là lớn nhất ở Việt Nam. Đã có khoảng 60 trung tâm khắp các tỉnh thành, thì việc mà Chính phủ muốn VNVC tham gia hỗ trợ cùng với CDC Viện Vệ Sinh Dịch Tể, là việc đang được bàn”.

Theo vị chuyên gia, vì VNVC là công ty tư nhân có cơ chế quản lý điều hành linh hoạt, có hệ thống xe lạnh đảm bảo tiêu chuẩn DGP phân phối, và hệ thống kho lạnh GSP:

“Công ty cũng có ba kho lạnh với tổng đạt mức độ âm sâu là -75 độ, có thể chứa những loại vắc-xin như Pfizer chẳng hạn. Ngoài ra họ có những kho giả lạnh -2 đến -8, rồi kho lạnh thường 2 đến 8... thì việc kết hợp với các đơn vị tư nhân rất khả thi”.

Tuy nhiên để làm được những bước vừa nêu thì Việt Nam phải đấu thầu:

"Chính phủ rất muốn VNVC tham gia nhưng phải trải qua quá trình tuyển lựa các nhà thầu, đấy là việc phải làm và có thể mất thời gian nhiều hơn".

Nếu VNVC và Chính phủ hợp tác được với nhau thì khả năng giải quyết lượng vắc-xin về nhiều để tiêm chủng được cho đông đảo người dân là chuyện có thể xảy ra.

Hiện tại, vắc-xin ngừa COVID-19 tại Việt Nam có hai nguồn: thứ nhất là thông qua số lượng mua của VNVC rồi chuyển giao lại cho Bộ Y Tế; nguồn thứ hai là quĩ vắc-xin COVAX Facility và loại thuốc chủng đang sử dụng đều là của hãng AstraZeneca.

Nhà báo Phạm Bắc cho biết:

"Việt Nam đã thành công trong việc đàm phán với một đơn vị đầu tư, nghiên cứu và sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga"

"Nga sẽ cung cấp cho Việt Nam năm 2021 này 20 triệu liều vắc xin Sputnik V, đồng thời chuyển giao, nhượng quyền sản xuất cho Việt Nam".

Đây là thỏa thuận đạt được chiều ngày 2/6 giữa bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thanh Long và đại diện Quỹ Đầu tư trực tiếp, tức đơn vị đầu tư, nghiên cứu, sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga. Nhà báo Phạm Bắc nói tiếp:

"Cuộc đàm phán này không chỉ là đàm phán mua. Nếu chỉ mua thì quá đơn giản và chắc là quyết được nhanh chóng, thế nhưng nó liên quan đến việc thuyết phục đối tác đồng ý cho chuyển giao công nghệ để Việt Nam có thể sản xuất năm triệu liền Sputnik V/tháng, và 60 triệu liều/năm để có thể tiêm hai mũi cho một người, đạt 30 triệu người tức khoảng 1/3 dân số được tiêm chủng".

Bộ Y Tế Việt Nam sẽ cấp phép nhập vắc xin ngừa COVID-19 trong vòng năm đến 10 ngày làm việc, tùy từng loại vắc-xin và nếu đủ hồ sơ hợp lệ, là thông báo của Cục trưởng Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y Tế, ông Vũ Tuấn Cường, hôm 8/6 vừa qua.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc với đại sứ các nước Úc, Pháp và Thụy Sĩ để bàn về hợp tác phòng chống dịch.

Báo chí trong nước đưa tin đại sứ Úc loan báo chính phủ Canberra sẽ hỗ trợ cho Hà Nội 40 triệu Úc kim trong ba năm để mua vắc xin phòng COVID-19, đồng thời triển khai tiêm chủng, tư vấn chuyên môn- kỹ thuật cho Việt Nam thông qua UNICEF.

2021-06-02T162138Z_2015043330_RC2GSN96IIYZ_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-ARGENTINA-RUSSIA.JPG
Vắc-xin SputnikV của Nga. Reuters

Với Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Long bày tỏ mong muốn hai công ty dược Thụy sĩ là DKSH và Zuellig Pharma đẩy nhanh việc cung cấp vắc-xin cho Việt Nam. Công ty Zuellig Pharma là đơn vị được Moderna ủy quyền chuyển 5 triệu liều vắc xin về Việt Nam.

Đại sứ Pháp thì đề nghị Việt Nam nhập khẩu Johnson& Johnson và triển khai tiêm vắc xin này cho cộng đồng Pháp kiều ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Long cũng mong muốn hợp tác với Công ty Sanofi và một số công ty dược khác của Pháp, để được chuyển giao công nghệ cho Việt Nam phát triển, sản xuất thuốc chủng ngừa COVID-19.

Từ hôm 3/6, Hoa Kỳ công bố kế hoạch chia sẻ ít nhất 80 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 với các nước khác cho đến cuối tháng 6/2021. Gói đầu tiên sẽ gồm 25 triệu liều và 75% sẽ được chia sẽ thông qua cơ chế COVAX. Trong số này có 7 triệu liều được chuyển đến cho các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Vẫn tin từ các báo hôm 8/6, Nga vẫn đang xem xét chuyển giao công nghệ để Việt Nam tiến tới sản xuất Sputnik V chống lại COVID-19.