Trước và sau Tết Nguyên Đán vừa qua, ngoài củ cải đã có một số vùng trồng rau củ bị thừa ế và giá bán bị giảm mạnh khiến nông dân lại rơi vào tình cảnh điêu đứng. Một số vùng như huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An giá cà chua chỉ có khoảng ba ngàn đồng một ký, hành hoa chỉ khoảng 3000 – 4000 đồng một ký khiến người dân phải đỗ bỏ cho heo ăn.
Tại khu vực huyện Mê Linh, Hà Nội được mùa nên người nông dân thu hoạch được sản lượng lớn củ cải nhưng giá bán tại ruộng chỉ được khoảng 1000 đồng một ký. Do giá xuống thấp, người nông dân đã nhổ bổ và tiêu hủy trên 10 ha trong tổng số 80 ha sản xuất củ cải tại khu vực này.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi: giá dưa leo giảm từ 18.000 đồng/ kg vào thời điểm trước Tết Nguyên Đán xuống còn 2.000 đồng/kg, giá rau muống, xà lách, mồng tơi cũng giảm chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng / kg. Nhiều người dân phải bán lẻ dù biết thua lỗ, thậm chí có người bỏ hết ngoài đồng cho phân hủy để làm phân xanh.
Trong khi giá rau trong nước đang giảm xuống mức thấp được cho là kỷ lục như thế, thì vào trung tuần tháng hai truyền thông Việt Nam lại loan tin có khoảng 3.000 tấn rau cải nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam. Điều này đã dấy lên nhiều ý kiến cho rằng giá rau trong nước rớt thảm hại một phần do rau từ Trung Quốc nhập vào.
<i>Giá rau trong nước giảm mạnh không liên quan đến việc nhập khẩu rau từ Trung Quốc, tôi khẳng định điều này hoàn toàn đúng. <br/>- Ông Hoàng Trung</i> <br/>
Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ Thực Vật Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng việc giá rau tại một số địa phương trong nước giảm là do hai nguyên nhân. Thứ nhất là do sự điều tiết của thị trường, thứ hai là do lượng cung trong nước quá nhiều so với nhu cầu nên thời điểm đó giá bị giảm.
Trả lời trong một buổi phỏng vấn với báo Dân Việt, ông Trung khẳng định rằng "Giá rau trong nước giảm mạnh không liên quan đến việc nhập khẩu rau từ Trung Quốc, tôi khẳng định điều này hoàn toàn đúng. Việc nhập 3.000 tấn rau là không đáng kể so với lượng tiêu thụ trong nước."
Ông Trần Xuân Định, phó cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, Việt Nam đã nhập khẩu rau cải từ Trung Quốc nhưng chỉ nhập các loại rau trái vụ. Việc các loại rau củ ở nhiều địa phương bị rớt giá, ông Định cho rằng nguyên nhân là do nông dân đồng loạt thu hoạch rau màu vụ đông gấp rút sau Tết để giành đất gieo cấy vụ lúa mới nên nguồn cung tăng đột biến, dẫn tới giá giảm.
Còn theo lý giải của ông Nguyễn Hồng Sơn, cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì cho rằng rau củ quả rớt giá có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do quy luật chuyển vụ
"Khi đã lấy nước vào rồi, cây vụ đông khó duy trì được nữa, cho nên nông dân phải dọn vườn. Năm nào vào thời điểm này giá rau củ cũng có 1-2 tuần đi xuống, thậm chí có năm cà chua bỏ không trên ruộng, dân không thu hoạch, hoặc su hào, bắp cải cũng có hiện tượng chặt vứt trên ruộng làm phân xanh. Chuyện này gần như thành quy luật"
Ông Sơn cho biết thêm nguyên nhân thứ hai là do người nông dân trồng trọt tranh thủ giá cao nên ở lứa thứ hai là do nông dân trồng từ tháng 12 chứ không phải tháng một như mọi năm nên đúng thời điểm thu hoạch thì lại trùng với đợt thu hoạch của các loại rau của mùa đông trước, cho nên sản lượng bị tồn đọng rất nhiều.
Không chỉ riêng mặt hàng rau củ bị ảnh hưởng mà nhiều mặt hàng khác cũng bị ảnh hưởng; tuy nhiên mặt hàng rau củ là chịu thiệt hại nặng nhất. Một người dân trồng rau củ tại huyện Mê Linh, Hà Nội cho rằng, sự ảnh hưởng do nhập khẩu rau cải từ Trung Quốc thì cũng chỉ một phần, anh cho biết thêm:
“Sản xuất hiện nay gặp nhiều khó khắn lắm là do thuốc bảo vệ thực vật nó không có tác dụng hiệu nghiệm như xưa, phun ra sâu bọ nó không chết mà giờ đầu tư ra thêm thì mất rất nhiều tiền, chi phí lên tới mấy trăm ngàn cho một xào.”
Thời tiết năm nay nắng nóng hơn mọi năm, để kịp thời gian thu hoạch và sản xuất thì người dân phải bắt đầu làm việc từ lúc 2g sáng, cho ra các sản phẩm đạt chất lượng tốt nhưng giá bán thì lại không được cao, nguyên nhân là do người tiêu thụ thấy củ cải to khỏe và chất lượng thì nghĩ là nhập của Trung Quốc không ai mua nên giá giảm.
Anh này cho biết thêm: "Sự ảnh hưởng do mặt hàng nhập từ Trung Quốc thì cũng là một vấn đề, thu hoạch tốt mà không nhờ các anh chị báo chí truyền hình giúp thì mọi người mới biết đến khu vực này chứ người dân cứ nghĩ củ cải to đây là hàng trung quốc.
Một người nông dân khác cũng cho biết do thời tiết thuận lợi nên thu hoạch tốt nhưng gia bán thì không được bao nhiêu: "Cũng may nhờ có trợ giá nên giá bán cũng được 2000-2500 coi như huề vốn chứ mà bán như mọi lần là lỗ to."
<i>Sự ảnh hưởng do mặt hàng nhập từ Trung Quốc thì cũng là một vấn đề, thu hoạch tốt mà không nhờ các anh chị báo chí truyền hình giúp thì mọi người mới biết đến khu vực này chứ người dân cứ nghĩ củ cải to đây là hàng trung quốc.<br/>- Người dân</i>
Việc thời tiết thuận lợi, người dân thu hoạch tốt nhưng lại không bán được giá. Người dân cũng mong muốn có được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương nhưng vẫn không nhận được điều gì:
“Nhà nước không có hỗ trợ gì cho người dân cả, người dân tự làm, tự cung cấp, tự tiêu thụ. Nếu có xin giấy thì người ta chỉ cho cái giấy chứng nhận của thành phố gọi là rau sạch mà thôi.”
Người dân trồng trọt tại huyện Mê Linh, Hà Nội còn cho chúng tôi biết, sau đợt lũ vừa qua thì khu vực trồng trọt của gia đình anh bị mất trắng và anh đã làm đơn kê khai gửi lên chính quyền địa phương để xin giúp đỡ nhưng từ đó đến này vẫn không nghe thêm thông tin gì nữa.
Nhiều công ty nông sản có nhiều chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng tiêu thụ nên đã xuống thu mua lại của người dân với mức giá ưu đãi. Người dân cho biết nhiều công ty cho nhiều xe tải xuống để thu gom sản lượng nhưng không lấy thêm bất cứ tiền công hay tiền xăng gì cả. Với mức giá thu mua này thì người dân cho biết cũng coi như huề vốn hoặc là lời được một chút:
“Em có nhiều công ty của bạn bè thì họ có chương trình khuyến mãi này nọ nên họ thu mua của gia đình em khoảng 3000-4000/kg. Với mức giá này thì coi như là cũng có lời được một chút, chứ mà như hồi đầu năm mà với sản lượng bỏ đi kiểu đó thì thôi xong.”
Đến ngày 21 tháng 3, truyền thông trong nước dẫn nguồn tin từ Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kêu gọi giải cứu nông sản dư thừa. Đây có thể được coi là mở màn cho cuộc giải cứu nông sản của năm 2018.
Trước đó vào ngày 20 tháng 3, ông Nguyễn Hồng Sơn cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xác nhận với người dân huyện Mê Linh, Hà Nội việc chặt bỏ 10 ha củ cải và su hào. Cục Trồng trọt cũng kêu gọi các doanh nghiệp cần giải cứu nông sản bằng cách tiêu thụ rau cho nông dân, hỗ trợ nông dân về công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch.
Hiện tại, nhiều hệ thống siêu thị trên khắp Việt Nam và nhiều doanh nghiệp khác cùng với các nhóm thiện nguyện đã tiến hành thu mua và phân phối rau củ quả dư thừa cho người dân tại một số địa phương.