Hôm nay, ngày 12/5/2018, nhân kỷ niệm 24 năm ngày Nhân quyền cho Việt Nam, cộng đồng người Việt từ Canada và nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đã tề tựu về trước tòa đại sứ Việt Nam tại thủ đô Washington DC để biểu tình phản đối nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền.
Tất cả mọi người có mặt tại công viên Sheridan với cờ vàng ba sọc và cờ Mỹ cùng nhiều băng rôn phản đối chính quyền Việt Nam đàn áp nhân quyền, cũng như kêu gọi chính quyền Hà Nội trả tự do ngay lập tức cho các thành viên Hội Anh Em dân Chủ đang bị cầm tù và giam giữ tại Việt Nam. Trong cái nắng nóng gay gắt giữa trưa hè, nhưng tất cả mọi người đều đồng lòng chung sức đấu tranh cho nhân quyền của người dân trong nước.
Ông Đinh Hùng Cường, Chủ tịch cộng đồng Việt Nam vùng Washignton D.C, Maryland và Virginia cho chúng tôi biết thành quả đạt được của cộng đồng người Việt trong những năm qua:
“Những thành quả chúng ta đạt được là đã biến những hành động giết người vô cớ của nhà cầm quyền đã bị dư luận lên tiếng và họ phải dè dặt với những hành động tàn ác đó. Việc chúng ta tranh đấu cho nhân quyền hôm nay thì kết quả chưa thể nhìn thấy rõ nhưng chính quyền đã phải thay đổi bằng cách thả bớt tù nhân lương tâm, chẳng hạn như Việt Khang. Và một điều quan trọng là người dân trong nước họ biết mình được hỗ trợ nên họ đứng lên đấu tranh không sợ hãi.”
Không chỉ những người Việt tị nạn ở Hoa Kỳ tham gia biểu tình, mà ông Chương, một cư dân Canada đã không ngại đường xa cũng có mặt tại đây hôm nay bởi nhân quyền trong nước ngày càng tồi tệ. Ông cho biết điều ông quan ngại nhất hiện nay:
“Nhân quyền trong nước bây giờ rất tệ. Người dân biểu tình chống Tàu thì bị khủng bố, bị đánh đập, bị bắt. Nếu ở đây mình không lên tiếng thì ở bên đó không có con đường sống. Bởi vậy cuộc biểu tình nào tôi cũng có mặt hết. Họ dùng côn đồ đánh đập dân để dập tắt mọi tiếng nói chống đối trong nước. Nhưng càng đàn áp thì dân càng đứng lên vì họ không có sự lựa chọn. Chúng ta ở đây phải hậu thuẫn cho họ bằng mọi cách, từ vật chất đến tinh thần.
Một phụ nữ trẻ tên Mai, đến từ North Carolina cùng với một đứa con nhỏ với chiếc áo đen trong đoàn Hậu Duệ Việt Nam Cộng Hòa cho chúng tôi biết lý do chị có mặt ở đây hôm nay:
"Đây là lần đầu tiên tôi tới đây để đấu tranh cho tự do của những người đang bị tù đày ở Việt Nam. Chỉ vì đứng lên đấu tranh mà họ bị tù mười mấy năm. Tôi muốn đất nước Việt Nam thay đổi thể chế chính trị để một ngày gần đây chúng ta có thể quay về một đất nước tự do."
Anh Thái Hoàng đến từ New Jersey cùng vợ là chị Thanh Hằng cho rằng họ là những người trẻ nên cần phải có tiếng nói của mình thay cho những người quá bận rộn với mưu sinh mà không có điều kiện tham gia, cũng như những bạn trẻ cùng thế hệ trong nước không thể lên tiếng. Anh nói:
“Mình cùng tất cả các cô chú thế hệ trước đến đây để cùng nêu cao tinh thần yêu quê hương đất nước và cũng là dịp cho thế giới biết là cộng đồng Việt Nam cần thế giới chú ý đến nhân quyền Việt Nam cho các thế hệ sau nữa.”
Cộng đồng Việt Nam kiên trì đấu tranh phản đối sự đàn áp nhân quyền trong nước bằng nhiều cách. Ông Lê Minh đến từ miền Nam California cho biết ông đeo logo Đức Trần Hưng đạo lên ngực áo để nhắc nhở ông về lòng yêu nước của Đức Trần Hưng Đạo đã giúp dân tộc thoát khỏi giặc phương Bắc. Ông nói thêm:
“Vì thế tôi kêu gọi đồng bào của chúng ta trên toàn thế giới hãy đoàn kết. Tôi đặc biệt kêu gọi chính quyền cộng sản Hà Nội đừng vì cái tôi của mình, đừng vì cái chủ nghĩa đã lỗi thời đã tiêu diệt gần 200 triệu con người. Mong chế độ cộng sản hãy học gương của cựu Hoàng Bảo Đại. Phải từ bỏ để làm người Việt Nam độc lập. Vì thế tôi có mặt tại đây để gióng lên tiếng nói cùng với đồng bào kêu gọi người lãnh đạo ở Việt Nam hãy vì dân tộc mà trả lại họ quyền tự quyết.”
Chính quyền Việt Nam thường bác bỏ đánh giá của các tổ chức nhân quyền quốc tế về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng thụt lùi. Vậy cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại cần làm gì để thay đổi thực trạng nhân quyền ở VN hiện nay, ông Tùng, một cư dân Virginia đã tham gia biểu tình đủ 24 năm cho rằng không thể im lặng, bởi "Nếu chúng ta im lặng thì cộng sản sẽ tàn sát những người đấu tranh dân chủ tại Việt Nam.Tiếng nói của chúng ta rất quan trọng. Biểu tình hôm nay không phải cho chúng ta ở đây mà là cho những người đang ở Việt Nam. Một lời nhắn nhủ rằng đây không phải là quá khích, không phải là phản động. Đây là nghĩa vụ và bổn phận của chúng ta. Tôi không tranh cử cho một chức vụ nào hết."
Ngày 11/5/1990, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người sáng lập Cao trào Nhân Bản và cũng là nhân vật bất đồng chính kiến nổi tiếng của Việt Nam, đưa ra lời kêu gọi yêu cầu chính quyền Hà Nội tôn trọng nhân quyền căn bản của người dân, chấp nhận chính trị đa nguyên, và trả lại cho người dân quyền lựa chọn một thể chế chính trị qua các cuộc bầu cử tự do công bằng, dưới sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.
Bốn năm sau đó, năm 1994, Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ thông qua nghị quyết số SJ 168 ấn định ngày 11 tháng Năm thường niên là Ngày Nhân quyền cho Việt Nam. Nghị quyết này được Tổng thống Bill Clinton chuẩn y và ban hành thành sắc luật số 103-258.