Những tai tiếng – nguyên nhân
Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối cao Việt Nam vào ngày 17/12 vừa qua đã trả hồ sơ vụ Trường Đại học Đông Đô để điều tra bổ sung vụ việc Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đào tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Đồng thời yêu cầu nêu danh sách người được cấp.
Đáng chú ý, các trường hợp sử dụng văn bằng giả mạo của Trường đại học Đông Đô đều là những người có uy tín, vị trí chủ chốt trong các cơ quan, ban, ngành; phần lớn đang làm thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Có người là cán bộ chủ chốt của một số cơ quan ở Hà Nội, có người là giảng viên một cơ sở đào tạo đại học ngành tư pháp.
Hiện ông Trần Khắc Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Đông Đô đang bị truy nã.
Vẫn tin liên quan, trong tháng 10, có đến 22 ứng viên Giáo sư, Phó giáo sư bị tố cáo “khai gian bài báo khoa học” để qua mặt Hội đồng xét duyệt, 16 Giáo sư, Phó Giáo sư khác bị tố có vấn đề về các bài đăng báo quốc tế.
Bên cạnh những lùm xùm về chuyện bằng cấp, vụ việc sách giáo khoa lớp 1 vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía dư luận khi Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây cho biết trong số 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới vừa được rà soát, thì có đến 4 bộ sách giáo khoa lớp 1 mới do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn phát hiện có lỗi ở một số môn như tiếng Việt, Giáo dục thể chất, tiếng Anh... nhưng các lỗi được nhà xuất bản này cho là không lớn.
Trước đó, nhiều phụ huynh đã lên tiếng phản đối vì chương trình sau khi đổi sách giáo khoa khá nặng so với các em ở độ tuổi vừa bước vào lớp 1, cộng thêm nhiều sai sót nghiêm trọng về kiến thức và ngôn ngữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ sách Cánh Diều.
Không chỉ vậy, mối quan hệ thầy trò hiện cũng có nhiều vụ việc đáng báo động.
Lương cô giáo không đủ sống, tình trạng các cô giáo hay các giáo chức không đủ điều kiện sinh sống thì từ đấy xảy ra những tệ nạn dạy thêm, thêm điểm… tất cả những tệ đoan đó xảy ra vì chính sách giáo dục không quan trọng vai trò của nhà giáo ở các lớp trung, tiểu học, ngay cả đại học. – GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng
Mới đây, một nữ sinh lớp 10 trường Trung học Phổ thông Vĩnh Xương, thị xã Tân Châu, An Giang đã uống thuốc tự tử trong khu vực nhà vệ sinh của trường để chứng minh em không mắc những lỗi mà nhà trường quy kết, đồng thời cho rằng cách xử phạt của các thầy, cô giáo chưa đúng. Việc tự tử của em cũng còn vì mong các giáo viên liên quan trong vụ việc nên ngưng tạo áp lực tinh thần lên học sinh.
Nguyên nhân được nói do nữ sinh này thường xuyên bị giáo viên chủ nhiệm nói về việc mặc áo dài mỏng để lộ ‘nội y’ và em không tham gia học phụ đạo có thu phí do trường tổ chức.
Hiệu trưởng và Phó Hiệu trưởng nhà trường đã bị tạm đình chỉ công tác trong thời gian 15 ngày, kể từ ngày 6/12. Vụ việc cũng đang được giao cho cơ quan công an điều tra.
Ngoài ra, những vụ việc thầy giáo quan hệ bất chính với học sinh, nữ sinh đánh hội đồng, xé quần áo bạn, tiêu cực thi cử… vẫn thường xuyên được truyền thông trong nước đưa tin.
RFA có trao đổi với chị Khánh Vân, một phụ huynh có con học lớp 2 trường tiểu học ở quận 3, thành phố Hồ Chí Minh và được chị cho hay chị cảm thấy may mắn vì trường con chị đang học là trường điểm của quận nên không có những tiêu cực như báo chí đưa tin:
“Giáo dục vẫn bình thường, có nghĩa cô giáo vẫn muốn phụ huynh cho con mình đi học thêm nhưng nếu phụ huynh nói con mình học thêm đâu đó từ trước đó rồi thì mọi thứ vẫn bình thường, không có chuyện kì thị hay chuyện mày không học thêm với tao thì tao không thương mày, chị không thấy cái đó trong trường bao giờ.”
Xác nhận thực trạng vừa nêu, em Thanh Trúc, học sinh cấp 3 trường Phan Đăng Lưu, thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Chuyện chửi học sinh thì cũng không nhiều quá vì bây giờ cha mẹ cứ thương con quá thôi. Con thấy trường con các thầy cô mắng học sinh nhưng là muốn học sinh cải thiện cho tốt thôi chứ không thấy là phân biệt thái quá đâu.”
Từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, Phó Giáo sư Mạc Văn Trang, hiện đang sinh sống tại Sài Gòn nhận định về tình hình giáo dục hiện nay:
“Từ quản lý giáo dục từ trung ương xuống tới trường, giáo viên chủ nhiệm, quan hệ thầy trò, nội dung sách giáo khoa, chất lượng giáo dục như vậy thì người ta thấy ngay chất lượng giáo dục, con người học sinh sinh viên được đào tạo ra sẽ méo mó, lệch lạc. Đấy là vấn đề lo lắng của toàn xã hội đối với vấn đề giáo dục.”
Trao đổi với RFA tối 17/12, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, nguyên là giảng viên đại học Liège – Bỉ, từng trong chương trình đào tạo Thạc sĩ hợp tác giữa Bỉ và Việt Nam cho rằng những vụ tiêu cực giáo dục không chỉ mới xuất hiện gần đây mà đã 10 năm rồi. Ông đưa ra lý do:
“Lương cô giáo không đủ sống, tình trạng các cô giáo hay các giáo chức không đủ điều kiện sinh sống thì từ đấy xảy ra những tệ nạn dạy thêm, thêm điểm… tất cả những tệ đoan đó xảy ra vì chính sách giáo dục không quan trọng vai trò của nhà giáo ở các lớp trung, tiểu học, ngay cả đại học.
Thứ hai là sự lựa chọn giáo viên các trường không theo quy chế nghiêm túc mà thường thường kiểu cơ cấu con ông cháu cha hay bà con, những người không xứng đáng làm nhà giáo vẫn có thể làm nhà giáo được. Bởi vậy họ có những đối xử không chuẩn đối với học sinh.
Tóm lại sự xuống cấp này phát xuất từ tình hình chung của một chính sách giáo dục thất bại, đi lạc đường, không coi trọng tính nhân văn, tính con người mà lại coi trọng yêu cầu cấp quyền, quyền lực.”
Vì vậy, theo GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng, chính những nguyên nhân mà ông vừa nêu đã dẫn đến những tệ đoan, những điều không hay ngày càng trầm trọng mà ông không biết chừng nào mới có thể chấm dứt.
Ảnh hưởng đến giảng dạy và phẩm chất học sinh
Với hơn 20 năm đi dạy, cô giáo H, một giáo viên trường cấp I tại Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do bảo mật danh tính, nêu lên thực tế những áp lực mà người gõ đầu trẻ phải gánh chịu trong việc giảng dạy thời gian gần đây:
“Do chương trình quá nặng, đâm ra giáo viên dạy áp lực phải dạy chương trình, phải làm sao để học sinh hiểu, nói chung là về thành tích, tức phải đạt mức tiêu chuẩn đó, không thì bị trừ điểm giáo viên. Lúc trước khoán cho giáo viên dạy sao dạy, miễn sao đạt chất lượng. Còn bây giờ nào là phương pháp này, phương pháp đổi mới kia, buộc áp lực lên giáo viên.”
Ở trên thì mấy ông nói không thế này, cứ thẳng tay cho bé ngồi lại lớp mới nhưng thực tế lại không như vậy, thực tế là buộc lòng giáo viên phải cho lên lớp. – cô giáo H.
Cô H. cho biết, từ những áp lực mà cô vừa nêu đã dẫn đến nhiều tiêu cực trong công tác giảng dạy của giáo viên:
“Buộc giáo viên khi thi học sinh không được dưới trung bình, nếu học sinh dưới trung bình thì kêu giáo viên xuống hỏi tại sao em này dưới trung bình, trong thời gian qua học thế nào? Giáo viên thấy như vậy rất phiền phức, thế là có tiêu cực, cho lên (lớp) luôn. Tại vì nếu những bé đó ở lại (lớp) sẽ ảnh hưởng đến điểm thi đua, hạ bậc thi đua, tiền thưởng bị cắt… Đó là những tiêu cực mà chị thấy từ phía trên áp đặt xuống phía dưới. Ở trên thì mấy ông nói không thế này, cứ thẳng tay cho bé ngồi lại lớp mới nhưng thực tế lại không như vậy, thực tế là buộc lòng giáo viên phải cho lên lớp.”
Như vậy, vô hình chung, từ áp lực mà Bộ Giáo dục đè nặng lên vai thầy, cô giáo bằng cách nào đã đẩy xuống khiến học sinh là người chịu hậu quả. Từ thực tế giảng dạy bao năm qua, cô H. nhận định:
“Chị thấy càng ngày chất lượng học sinh càng đi xuống tại vì phân bổ chương trình không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của các bé. Ví dụ như các bé mới lớp 1 nhưng cho bài rất nặng, nâng cao như một bài văn, một văn bản dài mà buộc mấy bé phải đọc, phải hiểu, phải trả lời câu hỏi. Trong khi kiến thức lớp 1 ngày xưa là các bé hiểu, biết đọc, biết viết là được tính trong phạm vi căn bản, từ từ khi đã nắm chắc, não bộ phát triển hơn thì kiến thức đi lên từ từ dễ tiếp thu hơn. Đằng này giống như xây nhà mà không đào móng, tức là kiến thức thu góp, buộc mấy bé phải hiểu nhưng căn bản của mấy bé là không có.”
Theo PGS. TS. Mạc Văn Trang, sở dĩ có những tiêu cực gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học của cả giáo viên và học sinh là do vấn đề về quản lý giáo dục từ cấp bộ đến các trường học chưa được giải quyết. Trong đó bao gồm cả những quyết định về giáo dục ban hành gần đây đã đi ngược lại với luật định trước đó. Ông đưa ra ví dụ điển hình:
“Thực hiện phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, tức là trẻ em đi học không mất tiền, không phải đóng học phí, những em khó khăn được nhà nước tạo điều kiện để cho đi học, để mọi trẻ em đều được bình đẳng trong giáo dục. Nhưng chính ông Bộ trưởng lại nêu trước Quốc hội năm tới sẽ tăng học phí mười mấy phần trăm, đi ngược lại với chủ trương Luật Giáo dục. Quản lý giáo dục rất lộn xộn từ trung ương xuống như vậy.”
Theo chị Khánh Vân, với tâm lý của một người công dân bình thường thì những quyết định của nhà nước đưa xuống sẽ không được quan tâm nhiều, đến khi người dân phát hiện những quyết định đó ảnh hưởng tới lợi ích:
“Thực tế mà nói người Việt Nam mình không quan trọng ở trên đưa gì xuống, hàng ngày đưa con đi học kiểm tra bài cho con thấy gì sai mới la lên, còn không có gì sai thì vẫn bình thường.”
Biện pháp khắc phục
PGS. TS. Mạc Văn Trang khẳng định giáo dục của một quốc gia là nền tảng của quốc gia đó. Giáo dục tốt thì gia đình ổn định, xã hội ổn định, đạo đức được duy trì phát triển, tương lai của dân tộc được hưng thịnh và có thể vươn ra thế giới.
Tuy nhiên, PGS. TS. Mạc Văn Trang lại cho rằng giáo dục bấy lâu vẫn đang là một trong những vấn đề dân ta rất lo lắng, rất nhiều bức xúc, mà hiện nay chính phủ Hà Nội vẫn chưa có chủ trương, đường lối, biện pháp nào để khắc phục những việc nói trên. Theo ông, đấy mới là điều lo nhất. Vì vậy, ông đưa ra đề xuất:
“Một là quản lý giáo dục phải rất nghiêm từ cấp chính phủ trở xuống, đối với những người không đạt tiêu chuẩn phải loại ra. Hai là phải đảm bảo đời sống giáo viên đủ sống. Nghiêm cấm việc dạy thêm, bắt chẹt học trò, bắt chẹt cha mẹ học sinh phải đóng tiền. Tôi nghĩ có hai việc ấy là cấp bách và làm được sẽ có tác dụng chuyển biến sự sa sút của giáo dục.”
Bên cạnh đó, PGS. TS. Mạc Văn Trang cũng cho rằng kể cả ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cần được thay vì Bộ trưởng mà nói ngọng.
“Giáo dục phải đảm bảo chân, thiện, mỹ, những gì trái với cái đó thì phải kiên quyết, nếu không thì giáo dục cứ lằng nhằng mãi thôi.”
Còn theo GS. TS. Nguyễn Đăng Hưng, trước tình hình giáo dục hiện nay ở Việt Nam, nếu cần biện pháp để thay đổi thì đó phải là biện pháp sâu sắc và rộng rãi hơn:
“Thay đổi một ông Bộ trưởng không ăn thua, thay đổi thêm một Thứ trưởng chả ăn thua, viết thêm một vài quyển sách giáo khoa chả ăn thua mà phải có một sự thay đổi sâu đậm, chứ không thể làm bên ngoài được.”
Em Thanh Trúc cho rằng không chỉ cần thay đổi chính sách, mà ngay cả giáo viên cũng cần về đúng bản chất nhà giáo, kiên định trước mọi sai phạm của học sinh:
“Con thấy giáo viên bây giờ không như hồi xưa, kiểu như sợ phụ huynh nói này nói kia nhưng đã gọi là giáo viên dạy chữ thì phải dạy cho con em hiệu quả, giỏi hơn chứ không cần sợ này sợ nọ.”
Một là quản lý giáo dục phải rất nghiêm từ cấp chính phủ trở xuống, đối với những người không đạt tiêu chuẩn phải loại ra. Hai là phải đảm bảo đời sống giáo viên đủ sống. Nghiêm cấm việc dạy thêm, bắt chẹt họ trò, bắt chẹt cha mẹ học sinh phải đóng tiền. – PGS. TS. Mạc Văn Trang
Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vào ngày 31/10 vừa qua đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 nhằm tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và giai đoạn 2016-2020.
Theo nội dung hội thảo được Báo điện tử Chính phủ đăng tải, bên cạnh những sai phạm gây bức xúc dư luận, ngành Giáo dục năm qua đã triển khai nhiều nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Trong đó có 6 kết quả nổi bật bao gồm: hoàn thành mục tiêu vừa đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên trong mùa dịch COVID-19, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020; tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn đều được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến RFA ghi nhận cho rằng những đánh giá vừa nêu của ngành giáo dục cũng tương tự bao ngành khác tại Việt Nam; hoàn thành mục tiêu đề ra, tồn tại là tạm thời… Nhiều người trăn trở với vận mệnh đất nước lo rằng với một thế hệ trẻ được giáo dục như hiện nay thì Việt Nam khó có thể tạo ra được những bứt phá để trở thành một nước giàu, mạnh ‘sánh vai với các cường quốc’ như mong mước. Trái lại, trong một số lĩnh vực, Việt Nam đang thụt hậu so với hai nước bên cạnh là Campuchia và Lào.