Ngày 19/5/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Bộ trưởng Bộ Công an chưa được phê chuẩn hay bãi nhiệm tại kỳ họp thứ 7 Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng ngay sau đó, ngày 21/5/2024, Quốc hội Việt Nam tuyên bố sẽ miễn nhiệm chức bộ trưởng công an của ông Tô Lâm. Ngày 22/5/2024, ông Tô Lâm được biểu quyết làm chủ tịch nước. Trong cùng ngày, ông Trần Quốc Tỏ, thứ trưởng thường trực Bộ Công an, được phân công "điều hành hoạt động của Bộ Công an cho đến khi cấp có thẩm quyền kiện toàn chức danh Bộ trưởng Bộ Công an theo quy định."
Vị trí bộ trưởng công an bị bỏ trống
Như vậy, sau khi ông Tô Lâm làm Chủ tịch nước và rời khỏi chức vụ Bộ trưởng Công an, vị trí Bộ trưởng Công an vẫn được bỏ trống, dù công việc của cơ quan có nhiều quyền lực này vẫn có lãnh đạo điều hành. TS. Hà Hoàng Hợp ở Viện ISEAS của Singapore giải thích với RFA về sự bỏ trống này là " Chức Bộ trưởng Công an, có nhiều quyền lực, nên có vài người muốn được làm Bộ trưởng sau khi miễn nhiệm ông Lâm. Vì thế, có thể đó là một khó khăn để chọn một người."Cùng góc nhìn với TS. Hà Hoàng Hợp, GS Zachary Abuza ở Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ (National Defense University) cũng cho rằng các nhà quan sát nên chú ý tới một thực tế là Bộ Công an ở Việt Nam rất lớn. Bộ này có một loạt các chức năng và trách nhiệm khác nhau, từ an ninh và hải quan biên giới, kiểm soát nhập cư, đến trị an, chữa cháy, tình báo và phản gián (chống gián điệp). Đó là một bộ máy quan liêu sâu rộng.
Do đó, theo GS. Zachary, câu hỏi đặt ra là nếu nắm một cơ quan lớn như vậy thì người kế nhiệm tương lai có làm được như ông Tô Lâm đã làm không. GS Zachary cho rằng một mặt, ông Tô Lâm đã thất bại, vì Bộ Công an thực sự không thể theo kịp các cuộc điều tra "tội phạm cổ trắng" (white-collar investigations, tức loại tội phạm của những người có địa vị cao trong xã hội và chiếm đoạt tài sản nhờ tận dụng vị trí xã hội này). Mặt khác, chiến dịch chống tham nhũng đã được "vũ khí hóa" rất nhiều. Theo GS Zachary, nó truy đuổi các đối thủ chính trị nhiều hơn là giải quyết nạn tham nhũng. Bất kỳ người kế nhiệm nào cũng sẽ cố gắng làm theo những gì ông Tô Lâm đã làm.
GS Zachary cho rằng ông Tô Lâm đã xây dựng một vương quốc rất hùng mạnh cho mình, và không có lý do gì khiến người kế nhiệm ông lại không cố gắng làm điều tương tự. Bộ Công an không chỉ là lực lượng tấn công của Đảng trong việc truy lùng những người bất đồng chính kiến hoặc cố gắng ngăn chặn các cuộc cách mạng màu, mà nó còn là thứ được sử dụng để tích lũy quyền lực chính trị và của cải kinh tế, theo vị giáo sư đến từ Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ.
GS. TS. Nguyễn Văn Chữ ở Đại học Houston at Downtown cho rằng nếu ông Tô Lâm mất đi ảnh hưởng ở Bộ Chính trị thì vị trí Chủ tịch nước của ông sẽ không kéo dài. Đó là lí do vì sao mà ông Tô Lâm không muốn mất hoàn toàn Bộ Công an. Tuy không còn còn là Bộ trưởng Công an, nhưng ông Tô Lâm hiện vẫn là Bí thư Đảng ủy của bộ này. Tuy nhiên, ông Tô Lâm cũng không thành công trong cố gắng đưa người mình muốn vào vị trí kế nhiệm tại Bộ công an nên hiện nay vị trí này chưa có người chính thức nắm giữ. TS. Nguyễn Văn Chữ nói tiếp:
"Chuyện này tôi nghĩ chỉ ngắn hạn thôi vì trước mắt trên thượng tầng giải quyết chưa xong. Nếu tôi không lầm thì ông Tô Lâm muốn đưa cả hai ông Lương Tam Quang và ông Nguyễn Duy Ngọc để ứng cử vào Bộ trưởng Công an nhưng cả hai ông đều chưa được đồng ý. Như vậy trước mắt họ chưa tìm được người thay thế, nhưng rồi họ sẽ tìm được người thay thế thôi. Vấn đề đặt ra là ông Tô Lâm có đủ sức đưa người thân cận của mình vào bộ trưởng bộ công an hay không."
Trao đổi với RFA, Luật sư Đặng Đình Mạnh lưu ý rằng ông Trần Quốc Tỏ không phải là Bộ trưởng mà chỉ là người điều hành. Nhưng điều đáng chú ý là ông Tỏ không phải là "người ăn cánh" với ông Tô Lâm, theo LS. Đặng Đình Mạnh:
"Giao cho người không ăn cánh với ông Lâm điều hành Bộ công an là dấu hiệu cho thấy phe cánh còn lại đang chống lại những việc ông Lâm làm vừa rồi. Họ đã thành công trong việc đẩy ông Lâm ra khỏi Bộ công an và Bộ công an đang do một người không thuộc cánh ông Lâm quản lý."
Cuộc đua đến vị trí tổng bí thư
Sau khi ông Tô Lâm đăng quang vị trí Chủ tịch nước của Việt Nam, mọi cặp mắt của các nhà quan sát chính trị Việt Nam đều đổ dồn vào vị trí khác: Tổng bí thư. Đây chỉ là vị trí cao nhất của một tổ chức đảng, nhưng theo Hiến pháp 2013 hiện hành thì đó là nguyên thủ quốc gia trên thực tế, là vị trí nắm thực quyền đối với mọi vấn đề trọng yếu của đất nước.
Theo GS. Zachary, ông Tô Lâm là người vẫn là ứng cử viên hàng đầu cho chức vụ Tổng bí thư tại Đại hội 14 vào tháng 1 năm 2026. Ngoài ông Tô Lâm, hiện chỉ còn một ứng cử viên khác theo quy định hiện hành của ĐCSVN, là Thủ tướng Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, GS Zachary lưu ý ông Chính cũng đang có "những cáo buộc tham nhũng đeo bám mình" qua câu chuyện công ty AIC. Như vậy, hai ứng viên này sẽ quyết định chính trị Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Tuy nhiên, theo một số nhà quan sát, không dễ để nhóm lãnh đạo chủ chốt tự ý quyết định điều mình muốn. Theo TS. Bill Hayton ở Chapman House, Anh quốc, cuộc tranh giành quyền lực ở Việt Nam dân chủ hơn ở Trung Quốc. Bởi lẽ những nội dung quan trọng nhất phải được quyết định ở quy mô rộng hơn là Ban chấp hành Trung ương, chứ không phải quyết định trong một phạm vi hẹp như ở Trung Quốc. Đồng tình với quan điểm này, GS. Zachary nói rằng BCH Trung ương ở Việt Nam là cơ quan có quyền lực hơn nhiều so với cơ quan tương đương của Trung Quốc. Ông nói đây thực sự là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc ra quyết định của Việt Nam, bởi lẽ có những cuộc tranh luận căng thẳng trong BCH Trung ương, có những liên minh kết lại thành các phái. Đây là một cơ quan việc tranh luận diễn ra mạnh hơn nhiều so với ở Trung Quốc, nơi nó thực sự là có tiếng nói đối với không chỉ Bộ Chính trị, mà cả Thường vụ Bộ Chính trị. BCH Trung ương đã cân nhắc và bác bỏ một số quyết định của Bộ Chính trị về nhân sự. Theo GS. Zachary, chúng ta nên kỳ vọng rằng BCH Trung ương sẽ cân nhắc rất chắc chắn trước Đại hội 14. Họ sẽ không chấp nhận một đội ngũ nhân sự được chỉ định để họ chỉ việc thông qua.
Bên cạnh vai trò của BCH Trung ương, GS. Zachary còn lưu ý đến các ủy viên mới trong Bộ Chính trị, với năm người xuất thân từ Bộ Công an và ba người từ Bộ Quốc phòng. Đối với các ủy viên xuất thân công an, GS. Carl Thayer ở Đại học Canberra, Úc, cho rằng nhiều người trong số họ đã rời Bộ Công an và chuyển sang lĩnh vực khác từ lâu, do đó, họ quyết định độc lập chứ không còn liên quan tới lãnh đạo công an đương nhiệm. Còn GS. Zachary cho rằng ba vị tướng quân đội trong Bộ Chính trị (Phan Văn Giang, Lương Cường, Nguyễn Trọng Nghĩa) là ba người quan trọng và cần lưu ý.
Theo luật sư Đặng Đình Mạnh, những thành viên mới của Bộ Chính trị, được đưa vào từ hôm 17/5/2014, có thể sẽ "pha loãng" tầm ảnh hưởng của ông Tô Lâm. Mặc khác, theo LS. Mạnh, ông Lâm không đưa được người của Bộ công an vào Bộ Chính trị, nhưng Bộ chính trị có thêm người đến từ Bộ quốc phòng (ông Nguyễn Trọng Nghĩa). Trao đổi với RFA, GS Zachary Abuza cũng cho rằng ba tướng Bộ quốc phòng trong Bộ Chính trị là rất quan trọng. Tướng Giang là bộ trưởng quốc phòng, từng là tổng tham mưu trưởng. Tướng Lương Cường chuyên về chính trị và chưa từng đánh trận. Tướng Nguyễn Trọng Nghĩa là thôi chức vụ bên quân đội từ Đại hội 13 và được bổ nhiệm làm Trưởng ban tuyên giáo Trung ương và nay được đưa vào Bộ chính trị. GS Zachary đặt câu hỏi liệu ông Lương Cường có thôi chức vụ bên quân đội hay sẽ làm Trường trực Ban bí thư trong khi vẫn "mặc quân phục." Theo GS. Zachary, từ trước đến nay chỉ có ông Lê Khả Phiêu là người vừa giữ chức vụ trong quân đội vừa đảm nhiệm chức vụ trong đảng.