Trái thanh long Việt Nam gặp khó!

Thực tế

Trung Quốc lâu nay là nước nhập khẩu từ 80 đến 90% sản lượng trái thanh long từ Việt Nam. Tuy nhiên gần đây nước này đưa ra yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn đối với sản phẩm này.

Bện cạnh đó tin cho hay diện tích canh tác trái thanh long ngay tại Hoa Lục đang được mở rộng. Cụ thể Cục Bảo Vệ Thực Vật Việt Nam thông báo rõ là hiện có 20 ngàn héc ta cây thanh long tại Quảng Tây và Hải Nam, Trung Quốc. Diện tích này được dự kiến mở rộng ra 30 ngàn héc ta vào năm tới.

Vào trung tuần tháng 10, truyền thông Việt Nam loan tin giá thanh long trong nước có nơi chỉ còn từ 1 ngàn rưỡi đến 2 ngàn đồng và nhiều nhà vườn phải đổ bỏ.

Ngay sau đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt nam phải lên tiếng cải chính cho rằng mọi hoạt động xuất khẩu thanh long Việt tại các cửa khẩu phía Bắc Việt Nam qua Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.

Chúng tôi liên lạc với một số chủ cơ sở thu mua thanh long tại Bình Thuận, nơi có diện tích thanh long xuất khẩu chủ yếu tại Việt Nam, để tìm hiểu thêm thông tin sự việc và được Anh Tình chủ cơ sở thu mua thanh long Xuân Tình tại Hàm Thuận Nam, Bình thuận trình bày.

“Anh có thể chia sẻ với em như thế này, do một thời điểm người dân Trung Quốc người ta tiêu thụ không được do người dân không ăn chứ không phải do Trung Quốc trồng, mà người ta đã trồng từ 10 năm nay rồi chứ không phải bây giờ mới trồng.”

Anh Hậu, người đại diện cho công ty thanh long Hoàng Hậu tại Hàm Thuận Nam, Bình Thuận cho chúng tôi biết:

“Đâu có Trung Quốc nó nhập luôn cả năm đó chứ nó ngày nào không nhập đâu 365 ngày đủ luôn. Chỉ lúc Việt Nam mình nhiều hàng quá thì nó hơi bị dội hàng tí nên mấy ngày giá nó thấp rồi nó cũng lên lại rồi.”

Ngoài ra, anh Hậu còn cho biết tình trạng báo chí loan tin việc nông dân đem đổ bỏ thanh long và chặt hết cây trồng:

“Chỉ có hàng thưa hàng thúi thì hiển nhiên người ta bỏ, bởi vì quá trình rồi số lượng nó nhiều, công tác thu mua nó bị trục trặc thì có một số hư thì hư người ta phải bỏ chứ làm gì có thanh long nào bỏ. Cái đó thì không đáng kể đâu nhưng mà nhà báo thì viết giựt tít lên cho nó vui vậy thôi, thấy hay hay cho người ta đọc chứ ai đâu bỏ gì đâu.”

Đồng ý với ý kiến của anh Hậu, một chủ cơ sở khác là anh Bé Dũng cũng có ý kiến cho rằng việc giá cả lên xuống là chuyện bình thường:

Nông dân trồng Thanh long.(Ảnh minh họa)
Nông dân trồng Thanh long.(Ảnh minh họa) (AFP)

“Hiện tại giá thấp của đợt vừa rồi đó, đợt vừa xảy ra cách đây khoảng 10 ngày đó là do trái thanh long của Việt Nam lứa này được ưu đãi nên ra rất là nhiều. Thứ nhất là do nhiều và thứ hai là do bên Trung Quốc không còn trong dịp lễ tết nào hết nên người ta ăn không được nhiều nên giá bị xuống thấp nhưng nó chỉ qua lứa đó thôi và hiện tại lứa hàng đó đã hết thì nó bắt đầu chuyển qua hàng chông đèn, ai mà có chong đèn nghịch vụ thì lúc này vẫn có giá 12.000 – 13.000 ngàn/kg bình thường.”

Vấn đề cạnh tranh

Đối với thông tin, Trung Quốc đang có chính sách trợ giá cho nông dân phát triển trồng thanh long nhiều ở các nơi như Quảng Tây, Hải Nam và diện tích càng ngày càng mở rộng khiến nhiều thương lái Trung Quốc không còn quan tâm nhiều đến nhập khẩu thanh long của Việt Nam.

Giới trồng cũng như buôn bán trái thanh long tại Việt Nam nói rõ thanh long là cây nhiệt đới và nó chỉ chịu nóng chứ không chịu lạnh, nếu quá lạnh thì chắc chắn cây sẽ chết nên Trung Quốc chỉ có thể trồng mùa thuận mà thôi.

Anh Bé Dũng chia sẻ :"Theo kinh nghiệm của anh thì trước nhất là theo những gì anh nghe được là khoảng hai mươi mấy ngàn ha rồi nhưng chỉ trồng được ruột đỏ thôi em, nhưng hàng ruột đỏ của Trung Quốc so với hàng ruột đỏ Việt Nam mình thì lại không bằng nên nó chỉ trồng được trong mấy tháng mùa thuận thôi, mùa mưa là nó có trái còn mấy mùa nghịch của nó thì nó lạnh dữ lắm nên nó không ra trái trong mùa đó."

Thị trường & chính sách

Có ý kiến cho rằng, sản phẩm thanh long dù ruột trắng hay đỏ” của Việt Nam cũng nên nghiên cứu và tìm kiếm nguồn tiêu thụ khác để giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc từ 80 đến 90% như vừa qua.

Anh Hậu chủ cơ sở sản xuất Hoàng Hậu giải thích với chúng tôi:

“Ngoài thị trường TQ thì hiện nay VN cũng đang nghiên cưu và phát triển thêm nhiều thị trường khác nhưng hiện nay vẫn chưa đủ số lượng để thay thế thị trường TQ nên thị trưởng TQ vẫn là chiếm ưu thế. Nói chung tất cả thị trường khác đều là nhỏ ngày cả thị trường Hoa Kỳ, nó có tăng trưởng nhưng nhìn chung thì nó vẫn rất ít so với thị trường TQ. Do đó mình nên xúc tiến thương mại quảng bá thanh long cho khắp thế giới người ta biết, tăng cái nhu cầu lên thì mới ok được. TÌnh trạng hiện nay là nó như vậy.”

Không chỉ trái thanh long mà nhiều loại trái cây khác của Việt Nam trong thời gian qua cũng gặp tình trạng tương tự. Cứ đến mùa thì sản lượng dư thừa, khiến giá giảm mà người dân thường dùng câu ‘được mùa, mất giá’ để mô tả. Người nông dân một khi thấy loại nào có giá thì đổ xô vào trồng và dẫn đến tình trạng dư thừa.

Bên cạnh đó chất lượng sản phẩm của các loại trái cây của Việt Nam còn bị cho không được bảo đảm, thiếu đồng đều và dư lượng thuốc bảo vệ vượt chuẩn cho phép…

Nhiều quan chức ngành nông nghiệp Việt Nam đề cập đến chủ trương phát triển bền vững cho vật nuôi, cây trồng trên cả nước. Thế nhưng đến nay hầu hết các biện pháp vẫn chưa đi vào thực chất để hỗ trợ cho người nông dân không bi tác động bất lợi của thương lái, bảo đảm sản phẩm làm ra được tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu qui định...