Trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 của Quốc hội Việt Nam Khóa XIV vào ngày 20/5, ông phó thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt chính phủ báo cáo trước Quốc hội rằng tình hình kinh tế xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, tình trạng lạm phát đã được kiểm soát, chỉ số tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng lên 2,71% và thấp nhất trong ba năm qua.
Ngoải ra, ông Trương Hòa Bình còn khẳng định trong năm 2018 Việt Nam có tốc độ tăng trưởng được xem thuộc trong nhóm cao nhất khu vực và thế giới.
Chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, đây cũng có thể xem là tốc độ phát triển cao nhưng cao nhất thì cần phải xem xét.
“Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018 đạt được khoảng 7,08% là thuộc dạng cao so với khu vực nhưng trong năm 2019 này thì tốc độ tăng trưởng của Việt Nam đạt 6,7% – 6,8% mà thôi vì yếu tố khu vực cũng như trên thê giới có nhiều yếu tố bất lợi. Tôi nghĩ đây cũng được xem là tốc độ cao nhưng có phải cao nhất hay không thì cần phải được xem xét bởi vì ngay cả Campuchia hay Myanmar cũng có tốc độ tăng trưởng được xem là khá cao.”
Còn đối với chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thì tốc độ tăng trưởng cao như báo cáo của chính phủ Việt Nam là chuyện bình thường vì nền kinh tế Việt Nam vẫn còn ở dạng quy mô nhỏ.
Ông giải thích "Có thể tốc độ tăng trưởng cao đối với các nước trong khu vực, tuy nhiên để tốc đô tăng trưởng của Việt Nam cao thì cũng là chuyện bình thường vì nền kinh tế Việt Nam vẫn trong một quy mô nhỏ, giống như một đứa trẻ khi mà còn nhỏ sẽ lớn nhanh hơn người trưởng thành. Tất nhiên đối với nền kinh tế non trẻ như Việt Nam thì tốc độ tăng trưởng phải nhanh hơn những nền kinh tế đã có bề dày kinh nghiệm về kinh tế. Nên thành ra điều đó không có gì là lạ cả."
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định với chúng tôi rằng, vấn đề chính của Việt Nam không phải tăng trưởng cao hay thấp mà quan trọng là chất lượng của tăng trưởng đó có mang lại lợi ích cho quốc gia hay không.
“Không chỉ tăng trưởng về số mà còn về chất lượng, tăng trưởng đó nó phải giúp cho toàn thể các thành phần kinh tế trong các vấn đề về dân sinh, môi trường. Tóm lại điều quan trọng là tăng được chất lượng cuộc sống thì đó mới là điều chính. Nếu ở tỉ lệ cao thì nó cũng có sự tích cực nhưng không thể xem cái tỉ lệ đó như là một hình thức để khích lệ và đi ngược với chất lượng sự phát triển tăng trưởng.”
Báo cáo của phó thủ tướng Trương Hòa Bình còn nêu ra tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm hẳn, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu thừa nhận những ai từng sống ở Việt Nam hơn 20 năm qua đều thấy được những thay đổi thuộc mọi lĩnh vực tại các thành phố lớn, đô thị hay trong sinh hoạt của người dân; thế nhưng sự phân bố nguồn lợi không đều và khoảng cách giàu- nghèo là vấn đề phải quan tâm:

“Hiện tại GDP bình quân đầu người đâu đó khoảng 2580 USD một đầu người đã tăng gấp đôi trong vòng hơn 10 năm qua. Tôi khẳng định là tốc độ tăng trưởng của Việt Nam khá tích cực. Còn tỉ lệ tăng trưởng đứng thứ nhất nhìn thế giới hay trong khu vực thì cái đó chỉ là một phần trong những cái mà chúng ta cần quân tâm nhưng cái cần quan tâm hơn về chất lượng để nâng cao đời sống chất lượng của người dân và đặc biệt trong sự ổn định và bền vững.”
Nền kinh tế Việt Nam lâu nay dựa vào xuất khẩu là chủ yếu. Hai thị trường lớn nhất của nhiều hàng hóa xuất đi từ Việt Nam là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Cả hai nước này đang vướng vào cuộc thương chiến và giới sản xuất như Việt Nam tất nhiên phải chịu tác động.
Vấn đề là Việt Nam ứng phó ra sao để có thể tận dụng cơ hội như trình bày của TS Nguyễn Trí Hiếu:
“Cuộc chiến tranh thương mại này nó cũng mở ra cho Việt Nam một số những cơ hội đặc biệt là về đầu tư. Như chúng ta cũng biết là một số nhà đầu tư từ Trung Quốc, họ đã và đang đi tìm những cơ hội để dịch chuyển các cơ sở sản xuất kinh doanh của họ sang những nước lân cận và trong đó có Việt Nam nên tôi nghĩ rằng thời gian sắp tới Việt Nam sẽ nhận được những nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nếu Việt Nam tận dụng việc đó để chuyển giao công nghệ thì sẽ thành lợi thế lớn cho Việt Nam.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh chỉ ra những biện pháp mà Việt Nam cần thực hiện:
“Điều quan trọng nhất là tiếp tục cải cách về thể chế để làm sao có khung pháp luật, giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc. Có bộ máy và có một đội ngũ cán bộ thật sự kiến tạo sự phát triển cho doanh nghiệp chứ không phải là một đội ngũ chỉ ngồi quản lý và xem xét các doanh nghiệp, điều thứ hai là phải cải thiện kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, bến cảng, điện và công nghệ thông tin, thì đó là những yếu tố mà ta có thể cải thiện được.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhắc lại lợi thế lâu nay của Việt Nam là nguồn lao động giá rẻ và lương thấp nhưng lợi thế đó ngày nay đã dần phai nhạt bởi vì cách mạng công nghiệp 4.0 cần những lao động có tay nghề và được đào tạo bài bản chuyên môn cao. Do đó, cần cải cách chất lượng đào tạo, giáo dục để đáp ứng được nền kinh tế thị trường trong tương lai.
Những biện pháp mà Tiến sĩ Lê Đăng Doanh đưa ra không hề mới; tuy nhiên qua thời gian những điều được nói đến như thế vẫn chưa được thực hiện.
Thực tế trì trệ không tiến hành cải cách theo những đề nghị nêu ra làm chậm lại bước phát triển chung của cả nước mà lẽ ra tăng trưởng còn phải nhanh hơn và mang lại phúc lợi cho nhiều tầng lớp dân chúng hơn nữa; chứ không chỉ một nhóm người được hưởng lợi như bấy lâu nay.