Trong bảng xếp hạng về Chỉ số Chuyển đổi Năng lượng năm 2020 của các quốc gia trên thế giới do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum) phát hành, Việt Nam đứng thứ 65 trên tổng số 115 nước, giảm 9 bậc so với năm ngoái và đứng sau các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Brunei và Singapore.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định về nguyên nhân xu hướng phát triển xanh trong việc sử dụng năng lượng tái tạo ở Việt Nam chưa cao:
“Cái xu hướng phát triển nó cũng chưa được cao do một số cái ách tắc, ví dụ như câu chuyện giá, vì vậy những người muốn đầu tư vào năng lượng tái tạo thấy ngại vì giá thành do chính phủ Việt Nam xác định là thấp, chính vì vậy mà không khuyến khích đầu tư.”
Theo GS Đặng Hùng Võ, trong khi các quốc gia đã cương quyết bỏ sử dụng năng lượng than hoặc chuyển đổi khai thác năng lượng cho nhiệt điện bằng việc chuyển từ than sang khí, Việt Nam vẫn chưa làm được những việc này. Vì vậy, ông Đặng Hùng Võ cho rằng tầm nhìn về năng lượng sạch của Việt Nam vẫn còn tương đối ngắn—chưa thấy được cái lợi ích dài hạn, tức là lợi ích của phát triển xanh. Lợi ích này nhiều hơn là câu chuyện chi phí, lợi ích trực tiếp vào chuyện sản xuất năng lượng:
“Đấy là những cái mà Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục thay đổi tư duy nữa trong câu chuyện lợi ích dài hạn và lợi ích ngắn hạn đối với chuyện chuyển đổi năng lượng từ những nguồn năng lượng có thể gây ô nhiễm môi trường, gây phát thải khí nhà kính sang năng lượng sạch theo xu hướng phát triển xanh.”
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang cho biết, gia đình ông rất mong muốn có thể tham gia chương trình áp dụng năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, hiện tại các chính sách vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực thi điều này:
“Tôi thất vọng vô cùng bởi vì mới gần đây, cũng có một thông báo mới nhận được rằng họ sẽ bắt đầu chú trọng từ tỉnh Ninh Thuận trở vào trong; gia đình tôi ở Khánh Hòa, Nha Trang có ý kiến thì họ nói rằng phía Bắc của Ninh Thuận thì không hợp với chương trình đó. Tôi nghĩ rằng họ tính thế này, ngành điện lực họ cho rằng từ Ninh Thuận vào thì cường độ ánh sáng nó mạnh, đồng đều quanh năm. Thế nhưng mà ở ngay Khánh Hòa tôi thấy nó cũng chẳng kém là bao nhiêu…, thậm chí từ Huế cường độ mọi năm cũng cao, thế thì Việt Nam tại sao không tận dụng những cái đó?”

Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng dự án chuyển đổi năng lượng sạch là điều tốt, nhưng việc triển khai của ban quản lý vẫn còn rất hạn chế. Khi so sánh với những quốc gia văn minh, Việt Nam vẫn chưa triển khai các nguồn năng lượng tái tạo từ mặt trời một cách triệt để.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biển đổi khí hậu thuộc ĐH Cần Thơ, nhận định rằng trong vài năm vừa qua, Việt Nam đã áp dụng nhiều công nghệ liên quan đến năng lượng sạch như năng lượng gió, mặt trời và năng lượng sinh khối. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn còn nhỏ so với nhu cầu năng lượng cả nước vì thiếu những nhà đầu tư có nguồn vốn mạnh mẽ. Đồng thời, những cơ chế chính sách khuyến khích cho các nhà phát triển năng lượng sạch ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.
Dù vậy, TS Lê Anh Tuấn cho rằng Việt Nam vẫn là một quốc gia có tiềm năng chuyển đổi và áp dụng năng lượng sạch do vị trí địa lý tốt:
“Tôi nhận xét về mặt tư nhân, các gia đình đã chủ động lắp đặt những pin mặt trời, các thiết bị tiết kiệm điện ở quy mô gia đình thì càng ngày càng nhiều. Tôi hi vọng trong vài năm tới Việt Nam sẽ thay đổi vị trí áp dụng năng lượng sạch, bởi vì dù sao đi nữa Việt Nam cũng là một quốc gia nằm trong khu vực cận nhiệt đới và có một bờ biển rất dài, nên khả năng áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, gió biển và năng lượng sinh khối sản xuất nông nghiệp lớn lắm, nó rất triển vọng.”
TS Lê Anh Tuấn cho rằng, để thúc đầy các hộ gia đình tư nhân sử dụng năng lượng sạch lắp đặt tại nhà cần có sự hỗ trợ của chính phủ, như việc tạo ra các điều kiện để cho những nguồn năng lượng đó được hòa vào tổng nguồn năng lượng quốc gia cùng giá cả hợp lý. Ông Tuấn nhận định:
"Hiện nay cái khó khăn nhất là cái đường truyền tải điện nó có hạn chế. Chính sách ở đây của Chính phủ cho khối tư nhân, tức là các công ty tư nhân có thể xây dựng ra cái đường truyền đó để có thể khai thác. Tôi nghĩ rằng nó sẽ có tỉ lệ sử dụng năng lượng sạch gia tăng lên."
TS Tuấn cho rằng với công nghệ ngày càng phát triển, giá lắp đặt pin mặt trời đang có khuynh hướng ngày càng giảm. Đặc biệt, trong tình hình biến đổi khí hậu, nắng sẽ mạnh hơn, bức xạ nhiều hơn và gió mạnh hơn, ông Tuấn cho đây là lợi thế về mặt tự nhiên và mặt kỹ thuật. Từ đó sẽ có những phát triển lợi thế về mặt chính sách để hỗ trợ cho sự phát triển năng lượng sạch và tăng tính bền vững của nguồn năng lượng trong nước:
"Trong cái Quy hoạch điện sắp tới của Chính phủ ban hành, thì tỉ lệ điện tái tạo sẽ tăng lên so với nguồn điện khác. Đồng thời, các tỉnh thành họ cũng nhận định là phát triển những nguồn năng lượng như năng lượng than hay là thủy điện nó sẽ không bền vững. Nếu có chính sách thúc đẩy, thì năng lượng tái tạo bền vựng hơn. Nếu chúng ta có nhiều nguồn năng lượng tái tạo bổ sung vào nhau, thì tính bền vững càng gia tăng lên. Về phát triển năng lượng mặt trời, khi mặt trời tắt nắng, thì lượng gió sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nguồn điện vào ban đêm, vì vào ban đêm gió sẽ mạnh hơn ban ngày."
GS Đặng Hùng Võ cho rằng các quốc gia khai thác năng lượng từ các đập nước trên sông Mê Kông nên thống nhất với nhau trong việc gia giảm khai thác thủy điện, mà thay vào đó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để hoản cảnh thiên nhiên của con sông này vẫn được giữ nguyên và không bị ảnh hưởng từ tác động của con người.
Đồng tình, TS Tuấn cho rằng năng lượng thủy điện sẽ tiếp tục tạo ra một số vấn đề đáng quan tâm trong xã hội. Ngoài ra, TS Tuấn nhận định, năng lượng tái tạo lấy từ mặt trời, gió, thủy triều luôn có ích cho môi trường hơn những nguồn năng lượng nhiệt điện hoặc những nguồn năng lượng mang lại nhiều rủi ro như năng lượng hạt nhân.