Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, dịch viêm phổi do virus corona sẽ tác động nặng nề nhất đối với du lịch, lưu trú, và hàng không tại Việt Nam. Nguyên nhân được đưa ra là do nhu cầu du lịch, đi lại của người Trung Quốc lẫn cả khu vực Châu Á chịu ảnh hưởng vì người dân có tâm lý hạn chế di chuyển trong thời gian diễn ra dịch.
Tác động gia tăng
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, anh Phong, một hướng dẫn viên du lịch với kinh nghiệm nhiều năm cho biết lượng du khách tới Việt Nam chắc chắn sẽ giảm trong đợt dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra.
“Độ giảm thế nào chưa đánh giá được vì còn mới. Có một số tour, đặc biệt khách thị trường Trung Quốc đã hủy hết, không dám đi nữa nhưng những thị trường khác vẫn còn, vẫn chưa thấy ảnh hưởng, khách vẫn đến nhưng trên đà có thể hủy tiếp vì Việt Nam bây giờ nằm trong vùng dịch rồi.”
Tất cả địa điểm, hoạt động tham quan, vui chơi giải trí gần như đóng cửa nên khách không đi (du lịch) vì có đi cũng không thể tham quan, tham gia các hoạt động tập thể, gây ra hàng loạt vấn đề. - Nguyễn Văn Mỹ
Dưới góc nhìn chuyên môn, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ Tịch Hội Đồng Thành Viên công ty TNHH Dã ngoại Lửa Việt cho rằng đây là những ảnh hưởng trầm trọng, đặc biệt đối với những công ty chuyên tổ chức tour đi Trung Quốc hoặc đón khách Trung Quốc đi Việt Nam.
“Tất cả địa điểm, hoạt động tham quan, vui chơi giải trí gần như đóng cửa nên khách không đi (du lịch) vì có đi cũng không thể tham quan, tham gia các hoạt động tập thể, gây ra hàng loạt vấn đề. Hễ phát hiện du khách nào sốt trên 37oC bất kể lý do gì đều bị cách ly nên nhiều người mới bị sổ mũi, nhức đầu, cảm là hoảng lên không dám đi, sợ qua bên kia bị cách ly là rất rắc rối nên họ khựng lại. Một số khách muốn lùi chuyến đi, một số thì hủy chuyến.
Có một điều tác động rất mạnh mẽ là những khách sạn tập trung đón khách Trung Quốc bây giờ không ai muốn vô, ‘chết đứng’. Các doanh nghiệp đang điên đầu trước thực tế này, nhiều biện pháp được đặt ra, nói chung là chuẩn bị tinh thần ứng phó vì dịch bệnh này không thể kết thúc trong 1-2 tháng tới.”
Xác nhận thực tế này, nhân viên một số khách sạn tại Đà Nẵng và Nha Trang cho biết lượng khách đặt phòng thời gian gần đây sụt giảm thấy rõ, không phải chỉ riêng những khách sạn được hỏi mà đây là tình hình chung của cả thành phố.
Trước khi dịch corona bùng phát, Đà Nẵng và Nha Trang là hai thành phố thu hút đông đảo lượng khách du lịch Trung Quốc đổ về. Hiện tại, đa số khách sạn tại Đà Nẵng và Nha Trang đã ngưng đón khách mang quốc tịch Trung Quốc nhằm hạn chế sự lây lan.
Tuy nhiên, một nhân viên khách sạn 3 sao ở Đà Nẵng cho biết khách sạn hiện vẫn đang có khách Trung Quốc lưu trú. Dù nhận cả khách Trung Quốc nhưng tình hình doanh số vẫn giảm, mà theo chị nhân viên là giảm hơn 50%.
Khó phòng tránh
Tính đến sáng ngày 4/2/2020, số người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra trên toàn cầu đã lên đến con số 20.627 trường hợp và 426 người chết, hầu hết là ở Trung Quốc đại lục.
Riêng tại Việt Nam, theo số liệu từ chính phủ Hà Nội, cả nước đã có 10 ca nhiễm nCoV.

Trước dịch bệnh đang lan tràn nhanh chóng, biện pháp đeo khẩu trang và thường xuyên rửa tay luôn là giải pháp tạm thời hàng đầu để người dân tự phòng ngừa cho bản thân.
Với kinh nghiệm dẫn đoàn lâu năm, anh Phong cho biết trong lúc virus corona đang lây lan như hiện nay, những hướng dẫn viên cũng rất sợ bị nhiễm từ những du khách do không biết khách đã quá cảnh nước nào và tiếp xúc với ai, tuy nhiên, dù sợ nhưng họ vẫn phải hoàn thành công tác. Anh lý giải:
“Bản thân người hướng dẫn viên khi đi làm người ta giao tour thì phải đi vì nếu không lần sau sẽ không được giao.”
Còn trong lĩnh vực lưu trú, chị nhân viên khách sạn 3 sao ở Đà Nẵng cho biết công việc lễ tân phải tiếp xúc với khách hàng thường xuyên cũng nơm nớp lo sợ, nhưng vẫn chưa có giải pháp nào phòng ngừa tốt hơn:
“Nhân viên bịt khẩu trang và vệ sinh tay thường xuyên. Chưa thấy quản lý nhắc nhở hay nói biện pháp nào.”
Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, trước những số liệu thống kê mà truyền thông trong nước đưa tin, ông cho rằng chính phủ Hà Nội đã có những biện pháp ngăn ngừa rất kịp thời:
“Chính phủ Việt Nam có những biện pháp rất đồng bộ và quyết liệt, có lẽ có kinh nghiệm từ dịch SARS năm 2003. Một loạt các biện pháp được đưa ra như ngưng chuyến bay đến Trung Quốc, Hong Kong và Đài Loan, đóng cửa các biên giới với Trung Quốc, tuyên bố tình trạng dịch bệnh, cho học sinh và sinh viên nghỉ học.”
Tuy nhiên, anh Phong cho rằng những biện pháp được nói tới chỉ mang tính hình thức vì điều tiên quyết nhất là đóng cửa biên giới với Trung Quốc thì nhà nước Việt Nam lại không đóng.
“Lượng khách Trung Quốc vẫn tràn qua đường bộ và đường hàng không. Đường hàng không đóng cửa mấy ngày xong lặp lại. Đường bộ vẫn mở cửa nên khách Trung Quốc vẫn tràn qua cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu Lạng Sơn. Anh nghĩ đến bây giờ vẫn chưa khống chế, vẫn còn bùng phát mà nhà nước thật ra chưa rõ ràng, có vẻ như vẫn còn giấu. Nhà nước phải minh bạch số ca nhiễm để người dân biết. hiện họ không giấu nên phải bắt buộc công bố nhưng số lượng người mắc bệnh vẫn chưa phải là số thực vì lượng người mắc bệnh ở Việt Nam vẫn còn quá thấp, không chính xác so với việc mình sát biên giới Trung Quốc.”
Tác động cải tổ
Dưới góc nhìn lạc quan hơn, ông Nguyễn Văn Mỹ cho rằng bên cạnh những thiệt hại mà virus corona gây ra cho ngành du lịch Việt Nam, ở một khía cạnh nào đó thì cũng có những tích cực của nó. Ông đưa ra ví dụ:
Lượng khách Trung Quốc vẫn tràn qua đường bộ và đường hàng không. Đường hàng không đóng cửa mấy ngày xong lặp lại. Đường bộ vẫn mở cửa nên khách Trung Quốc vẫn tràn qua cửa khẩu Móng Cái, cửa khẩu Lạng Sơn. - Phong
“Đây là dịp để các công ty nhìn lại mình, lâu nay lo làm ăn không có thời gian nhìn lại lâu nay kinh doanh đã đúng chưa, chỉ tập trung một vài thị phần tới lúc bùng nổ mình sẽ rối ren hay mình phải rải đều ra nhiều hướng để mất chỗ này còn chỗ khác. Thời điểm này công việc không căng thẳng nên một số công ty sẽ tranh thủ huấn luyện, đào tạo, sàng lọc, bên cạnh đó cắt giảm các chi phí không cần thiết.”
Vẫn theo ông Nguyễn Văn Mỹ, dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona đem đến những khó khăn không chỉ đối với ngành du lịch mà của cả nước nên phải chuẩn bị nhiều phương án. Nếu vài ba tháng có thể hồi phục được thì khác, nếu kéo dài 5-6 tháng thì phải có phương án khác. Ông Mỹ cho rằng nếu mọi người cùng chủ động thì thiệt hại sẽ giảm thiểu đáng kể.
Cho đến lúc này, Bộ chủ quản Văn hóa - Thể thao - Du lịch chưa có số liệu hay thông báo gì về những tác động đối với ngành du lịch của Việt Nam do dịch cúm virus corona như Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn. Điểm chung mà một số chuyên gia trong ngành nêu ra vào lúc này là thực tế tập trung vào một thị trường nên khi có biến trở nên khá bị động, lúng túng trước tác hại khá bất ngờ.
Số liệu thống kê tính đến hết năm 2019 cho thấy Việt Nam xếp thứ 63 trong các quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới và đứng vị trí thứ 4 về lượng khách quốc tế đến trong khu vực ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 23/1 cũng đã phê duyệt mục tiêu ‘Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030, thu được 130-135 tỷ USD từ du khách, đóng góp trực tiếp vào GDP đạt 15-17%’.