Cuộc chiến Iraq có gì giống và khác so với cuộc chiến Việt Nam?

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Hình ảnh chiếc trực thăng cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ cất cánh từ sân thượng đại sứ quán Mỹ ở Saigon 30 năm trước đây, đối với nhiều người, là biểu tượng nhắc nhớ những người lãnh đạo Nhà Trắng về sự nguy hiểm của chính sách can thiệp quân sự trên thế giới. Mặc dù vậy, đội quân của Ngũ Giác Đài cho đến nay dường như vẫn hiện diện khắp nơi trên chiến trường quốc tế.

0:00 / 0:00

3 thập niên trôi qua, cuộc chiến Iraq ngày nay có gì giống và khác so với cuộc chiến tranh Việt Nam trước kia?

Trà Mi đã đặt câu hỏi này với ông Thomas Schwartz, một sử gia và cũng là giáo sư dạy lịch sử tại đại học Vanderbilt, thuộc bang Tennessee, Hoa Kỳ. Giáo sư Thomas là người chuyên nghiên cứu, giảng dạy, và viết nhiều sách về Việt Nam. Ông cho biết:

Giáo sư Thomas Schwartz: Theo tôi, điểm chung của cả 2 cuộc chiến là quân đội Hoa Kỳ đều đóng vai trò chiến đấu chủ yếu và can thiệp vào 2 mặt trận này.

Tuy nhiên, chiến tranh Việt Nam và chiến cuộc Iraq có rất nhiều điểm khác nhau. Trước tiên, cuộc chiến Việt Nam bắt nguồn từ cuộc chiến tranh lạnh. Khi đó Mỹ nhận thấy rằng miền Bắc Việt Nam và đồng minh Việt Cộng chính là đại diện cho cánh cộng sản âm mưu thôn tính miền Nam.

Thực tế, chiến tranh Việt Nam là 1 phần của mối mâu thuẫn từ chiến tranh lạnh, nhằm mục đích chống lại khối cộng sản Liên Xô và Trung Quốc. Thành ra, xét trên vài phương diện, mặc dù chiến đấu trực tiếp với quân đội Bắc Việt, nhưng đối thủ chính của Hoa Kỳ trong cuộc chiến này không phải là Việt Cộng, mà là kẻ thù lớn hơn, được trang bị tốt hơn.

Còn cuộc chiến Iraq thì hẳn nhiên là chống lại 1 lực lượng nổi dậy cụ thể tại xứ này, hầu hết có liên quan đến thể chế cai trị cũ. Mặc dù đối phương ít nhiều có được sự ủng hộ bên ngoài từ mạng lưới khủng bố Al-Qaeda hay các tổ chức Hồi giáo khác, nhưng khác xa cuộc chiến Việt Nam là đối thủ tại chiến trường này không được 1 quốc gia nào tài trợ hay hỗ trợ để đương đầu với Hoa Kỳ.

Về mặt quân số, Mỹ đưa hơn nửa triệu quân vào chiến trường miền Nam Việt Nam, trong khi số lính Mỹ chiến đấu trên mặt trận Iraq là hơn 150 ngàn binh.

Mặt khác, chiến lược của Mỹ tại Iraq là nhanh chóng lật đổ chế độ độc tài Sadam Hussein, tiến quân vào Baghdad, chiếm đóng xứ này. Ngược lại, ở Việt Nam, đó là 1 cuộc chiến tự vệ, nhằm mục đích bảo vệ miền Nam trước sự tấn công của làn sóng cộng sản.

Trong cuộc chiến này, Mỹ không có ý định tiến quân ra Bắc để đập tan thể chế của Hồ Chí Minh. Cho nên rõ ràng là các hoạt động quân sự trên chiến trường này diễn tiến chậm chạp, mất nhiều thời gian, không đạt hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó nhịp độ chiến đấu của quân Mỹ tại Iraq nhanh và chủ động hơn nhiều.

Trà Mi: Vâng, nhưng nếu so sánh về mục đích và nguyên nhân của 2 cuộc chiến thì sao, thưa ông?

Giáo sư Thomas Schwartz: Trong trường hợp cuộc chiến Việt Nam, nguyên nhân bắt nguồn từ cuộc chiến tranh lạnh. Chủ nghĩa cộng sản đại diện bởi Liên Xô và Trung Quốc là 1 hệ thống tư tưởng đối nghịch với chủ nghĩa tư bản dân chủ tự do. Quân Mỹ đến đây để ngăn chặn bước tiến của cộng sản, với quan điểm cho rằng, con cờ Domino miền Nam sụp đổ sẽ kéo theo sự tan rã của các quốc gia khác nữa.

Còn về cuộc chiến Iraq, nguyên do khởi xướng trực tiếp từ sau sự kiện Hoa Kỳ bị quân khủng bố tấn công hồi 11 tháng 9. Từ biến cố này, Mỹ nhận thấy chính quyền Sadam Husein chính là mối đe dọa nguy hiểm, không thể tồn tại, một chế độ bị cáo buộc sở hữu và toan sử dụng vũ khí giết người hàng loạt, một đối tượng thù nghịch chủ yếu chống đối chính sách của Mỹ tại Trung Đông, cũng như triệt để chống lại Israel.

Tóm lại, chiến tranh tại Iraq là một phần trong cuộc chiến chống khủng bố. Còn chiến tranh Việt Nam là một phần của cuộc Chiến tranh lạnh.

Trà Mi: Có người nói rằng thất bại ở chiến trường Việt Nam là một bài học xương máu đối với Hoa Kỳ về sự nguy hiểm của chính sách can thiệp quân sự khắp nơi trên thế giới.

Nhưng cũng có người lại cho rằng sự thất bại này là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như sai lầm của giới lãnh đạo chính trị, lòng dân chia rẽ, và ảnh hưởng đối nghịch của giới truyền thông báo chí. Còn quan điểm cá nhân ông thì sao ạ?

Giáo sư Thomas Schwartz: Đây cũng là một câu hỏi hóc búa. Tôi nghĩ rằng cuộc chiến Việt Nam là 1 bài học về sự can thiệp quân sự. Qủa thật, nó chứng tỏ rằng sự can thiệp này luôn đi kèm với mối nguy hiểm, với những khó khăn và thử thách khi nhúng tay vào mâu thuẫn nội bộ hay nội chiến của các quốc gia khác. Tôi cho rằng Hoa Kỳ rút ra được nhiều bài học từ cuộc chiến Việt Nam.

Một trong những bài học từ chiến tranh Việt Nam là Mỹ đã tốn quá nhiều thời gian để tạo thế chủ động trên bàn cờ chiến lược cho miền Nam. Đợi đến khi mâu thuẫn lên cao thì Hoa Kỳ mới bắt tay đào tạo và trang bị cho quân lực miền Nam để họ đảm nhiệm công tác chiến đấu, mà tới lúc đó thì dân chúng Mỹ đã bắt đầu mất kiên nhẫn. Sau thời gian dây dưa quá lâu, người Mỹ chỉ muốn người thân của họ được sớm được trở về nhà bình yên.

Tôi cho rằng, bài học rút tỉa tại tại chiến trường Việt Nam là Hoa Kỳ cần phải có 1 đồng minh tích cực và hữu hiệu. Cũng có thể là do lúc đó Mỹ đã không tạo đủ áp lực để biến chính phủ miền Nam thành 1 bộ máy dân chủ làm việc tốt. Từ đó, Hoa Kỳ đã không có được thuận lợi do 1 cuộc bầu cử trung thực mang lại như đối với trường hợp của Iraq ngày nay.

Một điều đáng chú ý khác là lúc bấy giờ, Mỹ đã không tập trung thu hẹp chiến trường tại miền Nam, mà lại hao phí binh lực trên cả chiến trường Campuchea và Lào. Trong khi cuộc chiến Iraq hiện nay thì diễn ra trực tiếp, và tập trung trên 1 chiến trường.

Tóm lại, mặc dù có rất nhiều yếu tố dẫn đến thất bại của quân đội Hoa Kỳ tại chiến trường Việt Nam, nhưng tôi nghĩ rằng từ đó Mỹ đã rút ra được những bài học quân sự đắt giá, giúp cho cuộc chiến Iraq ngày nay đạt được những thành công mà cuộc chiến 30 năm trước đây không có được.

Trà Mi: Ông có nghĩ là kết cục của chiến tranh Iraq sẽ khác với chiến tranh Việt Nam không?

Giáo sư Thomas Schwartz: Vâng, tôi nghĩ thế. Tôi rất tin là nó sẽ khác. Mặc dù không có gì trên đời có thể chắc chắn 100% cả, nhưng căn cứ vào tình thế và điều kiện của 2 cuộc chiến, tôi tin tưởng kết quả chắc chắn sẽ khác.

Quân nổi dậy tại chiến trường Iraq ngày nay không được 1 lực lượng cộng sản hùng mạnh như Liên Xô trợ giúp hay cung cấp võ khí và trang thiết bị quân sự như quân đội Bắc Việt trước kia.

Trong tương lai, nếu chính quyền Iraq có khả năng gầy dựng được quyền lực, quân đội xứ này có thể đứng vững trên đôi chân của họ. Lúc đó thì quân Mỹ sẽ không phải nhúng tay nữa, mà có thể rút quân, chuyển giao nhiệm vụ cho người bản xứ. Có lẽ những điều này không thể diễn ra một sớm một chiều, nhưng tôi tin chắc rằng quân nổi dậy sẽ bị đánh bại.

Trà Mi: Nhìn lại 2 cuộc chiến Việt Nam và Iraq, nhiều người cho rằng đó là những bằng chứng cho thấy Mỹ rất hiếu chiến và ưa nhúng tay vào chiến sự quốc tế, vì quyền lợi và mục đích riêng của mình. Ông nghĩ sao về nhận xét này?

Giáo sư Thomas Schwartz: Tôi nghĩ, trên vài phương diện, nhận xét đó đúng, nhưng quan điểm cá nhân tôi không đồng tình với đánh giá ấy. Theo tôi, sự tham dự của Mỹ trên chiến trường Việt Nam là đáp ứng lời kêu gọi và yêu cầu của chính phủ miền Nam lúc bấy giờ.

Mặc dù bộ máy đó không phải là 1 chính quyền hoàn toàn độc lập, nhưng rất nhiều dân tại miền Nam lúc đó không muốn bị cai trị hay sống dưới chế độ cộng sản. Cộng sản Bắc Việt không bao giờ đồng ý việc tuyển cử tự do để dân miền Nam có thể quýêt định chế độ đại diện cho mình.

Cho nên, nếu nói rằng cuộc chiến Việt Nam chứng tỏ tính ưa gây hấn của quân lực Hoa Kỳ là không công bằng.

Còn trong trường hợp Iraq, tôi nghĩ vị trí của Mỹ trong cuộc chiến này rất cương trực và đầy khó khăn. Cá nhân tôi thực sự cho rằng chế độ cai trị của Sadam Hussein đã tỏ rõ là một khối ung nhọt trong hệ thống quốc tế, một thể chế độc tài đàn áp dân chúng.

Theo tôi, việc lật đổ chính quyền chuyên chế đó mang lại lợi ích cho cả thế giới nói chung, mặc dù tôi vẫn ước gì Hoa Kỳ đã đủ kiên nhẫn chờ đợi sự ủng hộ đa phương cũng như sự chuẩn thuận của Liên Hiệp Quốc trước khi quyết định xoá sổ bộ máy này.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian ông đã dành cho cuộc phỏng vấn hôm nay.

Quý vị vừa nghe quan điểm so sánh về 2 cuộc chiến Việt Nam và Iraq của sử gia Thomas Schwartz, người có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu sâu rộng liên quan đến Việt Nam.