Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Kính chào quí vị. Mục Đời Sống người Việt Khắp Nơi tuần này sẽ không mời quí vị đi đâu xa. Hôm nay chúng ta đến Saigon, đến đường Nguyễn Tri Phương nhé. Ở đó có một ngôi nhà nhỏ, có 55 thành viên đang cư trú. Cứ sáng đến thì các em dắt díu nhau tới trường, kẻ đi đại học, người đi trung học, em đi tiểu học.
Quí vị có thể tưởng tượng các em đi với nhau, quờ quạng tìm lối đến trường. Cô bé người Việt gốc Hoa, Cố Gia Dinh, bị mù từ lúc lọt lòng mẹ, đang học lớp 6 trường ngoài. Nhờ được chỉ dẫn, Cố Gia Dinh biết đàn dương cầm.
Em rất mê nhạc cổ điển, em mơ được làm cô giáo dạy nhạc cho trẻ khiếm thị sau này. Cố Gia Dinh tả cảnh em đi học cho Thanh Trúc nghe: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tấm lòng nhân hậu
Rồi chiều tan lớp các em lại dẫn nhau về, bắt đầu buổi học ở nhà. Em thì học nhạc học đàn, thôi thì đủ cả, dương cầm, vĩ cầm, guitar, đàn tranh. Em thì học vi tính, em học thủ công, em học đấm bóp. Thầy dạy trò, đưa lớn chỉ bảo đứa nhỏ. Một gia đình năm mươi lăm người, cộng với thầy nữa là năm mươi sáu người mù. Tất cả tụ lại trong một môi trường nhỏ, một không gian hẹp, vậy mà lúc nào cũng vang vẵng tiếng đàn.
Trong gian nhà của người khiếm thị ấy, ngày là nơi học, đêm là chổ ngã lưng. Ăn uống thì đạm bạc, vậy mà có em ở đây từ tiểu học cho đến đại học. Thanh Trúc đang giới thiệu đến quí vị ngôi nhà của người khiếm thị ở Saigon đây, có tên là Nhà Bừng Sáng, và người sáng lập, ông Đào Khánh Trường.
Ông Đào Khánh Trường sanh năm 1940, quê ở Tiền Giang. Thuở nhỏ, bị bệnh đầu mùa, ông mất đi ánh sáng quí giá nhất của cuộc đời. Năm 14 tuổi, ông vào trường Nam Sinh Mù ở Saigon. Tốt nghiệp trung học, ông lên đại học văn khoa của thành phố. Được học bổng do chính phủ bấy giờ cấp, ông vào trường Quốc Gia Âm Nhạc Và Kịch Nghệ Saigon.
Mời các bạn tham gia mục Người Việt Khắp Nơi do Thanh Trúc phụ trách. Mọi email xin gửi về Vietnamese@www.rfa.org
Cảm nhận thân phận thiệt thòi của một người không may phải sống trong bóng tối, ông Đào Khánh Trường miệt mài học tập, những mong vươn lên khỏi số phận nghiệt ngã: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Đó là người thầy khiếm thị Đào Khánh Trường mà tình thương dành cho những trẻ khuyết tật như ông chan hoà trong ngôi nhà Bừng Sáng.
Sự cố gắng không ngừng
Đến đây Thanh Trúc xin mời Dương Chí Hùng, cậu sinh viên tân khoa môn xã hội nhân văn, rất khá Anh ngữ, mà vừa nãy được ông Đào Khánh Trường hãnh diện nói đến. Chứng bệnh ban sởi hồi tuổi nhỏ đã cướp đi nhãn quan của Hùng, năm 6 tuổi Hùng đến Nhà Bừng Sáng.
Được thầy Đào Khánh Trường tạo điều kiện cho học ngọai ngữ, học nhạc, học vi tính, Hùng trở thành một sinh viên sáng lán, có khả năng, tự tin, biết chơi đàn dương cầm, vĩ cầm. Tiếng đàn thánh thót ma quí vị đang nghe là tiếng đàn của chính Hùng. Công việc của Hùng bây giờ là luyện cho các em nhỏ trong nhà sử dụng vi tính: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Có thật nhiều những trường hợp khiếm thị khác nhau ở trong Nhà Bừng Sáng, mẫu số chung của các em là con nhà nghèo, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. Cô Trần Thúy Phượng, người mà từ lúc sinh ra thì khuôn mặt hoàn toàn thiếu hẳn một đôi mắt: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tiếng đàn tranh mà quí vị đang nghe là nhạc phẩm Tiếng Xưa của Dương Thiệu Tước, được trình bày dưới những ngón tay lã lướt của Trần Thúy Phượng. Thúy Phượng tới Nhà Bừng Sáng từ năm 6 tuổi, năm nay cô 20 tuổi, đang học lớp 12 bổ túc để chuẩn bị thi đại học năm tới.
Giấc mơ bình dị
Giấc mơ của cô thật bình dị, cô đã hạnh phúc trong Nhà Bừng Sáng, cô sẽ là thầy dạy đàn tranh cho những em khiếm thị đến với đại gia đình này: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Thưa quí vị, hầu như ai người sinh ra đều có một giấc mơ, biến giấc mộng riêng của mình thành đời thực cho bao người đồng cảnh nghộ như người khiếm thị Đào Khánh Trường quả không phải dể. Nhưng cũng không thật là khó khi có một tấm lòng luôn muốn thắp sáng những mãnh đời tăm tối hẩm hiu trong mái Nhà Bừng Sáng của ông.
Khi Thanh Trúc hỏi ông Đào Khánh Trường là động lực nào thúc đẩy ông chịu thương chịu khó với trẻ mù loà nghèo khổ nhường ấy, ông chỉ trả lời một cách dung dị là: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Trong âm thanh thánh thót của tiếng đàn tranh dưới những ngón tay lã lướt của cô thiếu nữ không có đôi mắt Trần Thúy Phượng, Thanh Trúc kính chào tạm biệt quí vị. Xin hẹn lại chương trình tới.