Thanh Trúc, phóng viên đài RFA
Trại Văn Hóa Việt Nam 2005 vừa qua diễn ra ở thành phố Chevy Chase, tiểu bang Maryland, bắt đầu từ thứ Sáu 12 tây và kết thúc ngày Chúa Nhật 14 tây, với 125 gia đình, gồm 160 trẻ Việt đi cùng cha mẹ Mỹ đến tham dự từ nhiều tiểu bang khắp Hoa Kỳ.
Vừa rồi là tiếng nói của Caroline Ticarro Parker, một người Mỹ gốc Việt ở tiểu bang Minnesota. Caroline là trưởng ban tổ chức Trại Văn Hóa Việt Nam hàng năm, mà kỳ này là lần thứ năm và diễn ra lần đầu tiên tại vùng Washington miền Đông Hoa Kỳ.
Sáng Hội Catalyst
Là người đã về Việt Nam nhận hai trẻ sinh đôi không cha mẹ làm con nuôi, trở về nước, Caroline Tacarro Parker cùng chồng đứng ra thành lập Catalyst Foundation, Sáng Hội Catalyst, nhằm giúp đỡ những trẻ em bụi đời, nghèo khổ ở Việt Nam.
Trại Hè Văn Hóa Việt Nam là một trong những mục tiêu chính yếu của Sáng Hội Catalyst ở Hoa Kỳ mà Caroline cho là vô cùng cần thiết để giúp cha mẹ nuôi người Mỹ hiểu biết về quê hương của con họ, cũng như giúp trẻ con Việt Nam có cha mẹ người Hoa Kỳ hiểu biết về cội nguồn để có thể tự hào mình có nguồn gốc Việt Nam.
Tại Trại Hè Văn Hóa Việt Nam 2005 vừa qua, Thanh Trúc gặp một thành viên của Catalyst Foundation đến từ Việt Nam, chị Hạnh Nguyễn, đang phụ trách hai chương trình trợ giúp trẻ nghèo trong nước là dự án Hoa Hồng Nhỏ ở TP Hồ Chí Minh và Dự Án Đồng Tháp ở tỉnh Đồng Tháp.
Những gia đình người Mỹ có con nuôi Việt Nam
Có thể nói khu vực được chú ý nhất trong Trại Văn Hóa Việt Nam là căn phòng trưng bày và bán áo dài Việt Nam cho mẹ và các thiếu nhi bên cạnh những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất xứ từ Việt Nam. Tiền thu được từ Saigon Market sẽ sung vào ngân quĩ của Sáng Hội Catalyst .
Thanh Trúc xin giới thiệu đến quí vị những người ma Thanh Trúc gặp ở đây nhé. Trước hết là bà Ruth, với cô con gái Việt xinh xắn bà xin được từ Lạng Sơn miền Bắc Việt Nam.
Bà Ruth kể sở dĩ bà xin được đứa con gái yêu này là vì thủ tục xin con nuôi ở Việt Nma không phức tạp lằm, chính phủ Việt Nam cho phép người ngoại quốc nhận trẻ Việt làm con nuôi, kể cả những người mẹ độc thân như bà.
Ông Tony Idderlag, có đứa con nuôi Việt Nam 7 tuổi tên Zachary, cho biết Zachary sinh ra tại tỉnh Đồng Nai, thành phố Biên Hoà. Từ lúc chào đời, em bé được đưa vào cô nhi viện Biên Hoà. Khi ông Idderlag qua gặp em là lúc em được một tuổi rưỡi.
Ông nói tôi đưa tay bế và cháu theo tôi một cách tự nhiên như đã biết tôi từ trước, tôi biết cháu sẽ là con trai của tôi, tôi yêu cháu ngay từ giờ phút đó.
Và đây là ông bố Verrari, mà cách đây 5 năm, khi còn ở TP Pittsburgh của Pensylvania, ông và vợ đã có ý định xin con nuôi ngoại quốc. Hai vợ chồng đi dự buổi họp mặt của một số gia đình Mỹ có con nuôi Việt Nam, khi đó họ mới nghe nói đến Việt Nam.
Thông qua tổ chức xin con nuôi Adoption From The Heart ở Philadelphia, đang làm việc tích cực với các tổ chức liên hệ bên Việt Nam, hai người tới TP Hồ Chí Minh và nhận một bé trai ba tháng tuổi mà họ đặt tên là Ravi Vinh Sơn Verrari. Vinh Sơn là tên lót bằng tiếng Việt của bé Ravi.
Nhận thức về nguồn gốc
Ông Verrari cho biết vợ chồng ông mang bé Ravi Vinh Sơn đến Trại Văn Hóa Việt Nam để cháu được cơ hội hiểu biết về Việt nam.
Được hỏi trong quá trình nuôi dạy Ravi, điều gì làm ông bà chú ý nhất, ông bố Verrari cho biết đó là khi Ravi được 5 tuổi, dù được cha mẹ giải thích là họ xin được em ở Việt Nam, nhưng Ravi bắt đầu hỏi là tại sao mình không giống đứa em trai, cũng là con nuôi của ông bà Verrari nhưng là một em bé da trắng.
Từ đó ông bà Verrari nhận thức là càng lớn Ravi sẽ càng thắc mắc nhiều hơn, càng muốn hiểu biết nhiều hơn về nguồn gốc của mình, vả lại chính cha mẹ người Mỹ cũng cần học hỏi về nền văn hóa Việt Nam để giúp giao dục con. Lý do họ đến với Trại Văn Hóa Việt Nam mỗi năm là vì vậy.
Ông Varrari còn muốn bày tỏ ở đây là ông cảm thấy buổi hội thảo của Trại Văn Hóa Việt Nam về phương cách dạy trẻ ứng xử ra sao khi bị bạn bè trêu chọc chế giễu thật là hữu ích. Theo ông, cả Ravi Vinh Sơn và bố mẹ đều phải học hỏi những điều như thế .
Thưa quí vị, vì số phụ huynh tham dự lên đến 125 người nên Thanh Trúc được dịp tiếp xúc với nhiều cha mẹ khác ở nhiều tiểu bang khác. Điển hình như bà Barbara Hall ở Philadelphia và con tari Elijia xin được từ Saigon cách đây 3 năm.
Bà Jen Foreigner, đến từ New York, có con nuôi là một bé gái xin từ cô nhi viện ở Đà Nẵng.
Bây giờ Thanh Trúc giới thiếu đến quí vị 3 em gái đi với cha mẹ nuôi người Mỹ đến Trại Văn Hóa Việt Nam nhé, đó là Christina, Eleanor và Annie. Các em có biết gì về nguồn cội của mình không? Xin mời quí vị nghe: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Chương trình Babylift Operations
Thưa quí thính giả, tại Trại Văn Hóa Việt Nam 2005 ở Wsahington DC, ngoài tổ chức trụ cột là Sáng Hội Catalyst, ngoài những tổ chức xin và nhận con nuôi khác ở Hoa Kỳ, Thanh Trúc còn nhận thấy một số bạn Mỹ gốc Việt thuộc chương trình Babylift Operations, kế hoạch di tản trẻ mồ côi Việt ra khỏi nước trước khi Saigon sụp đổ ngày 30 tháng Tư 1975.
Bên cạnh đó, khoảng 40 thiện nguyện viên Mỹ gốc Việt, phần lớn là học sinh sinh viên, tự nguyện ghi tên tham gia trại hè trong công tác Junior Counseling, Thanh Trúc tạm dịch là cố vấn trẻ tuổi.
Công việc của các bạn trẻ này là nói chuyện, tiếp xúc, tập đọc tập nói tiếng Việt cho gần 160 trẻ con nuôi Việt Nam từ 3 đến 10 tuổi, chăm sóc các em vào khi cha mẹ bận tham dự những seminar, những workshop về văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam, thức ăn ba miền của Việt Nam, nghệ thuật Việt Nam, nói chung là tất cả những gì liên quan đến nền văn minh và con người của đất nước mà con cái họ ra đời. Gặp Thanh Trúc trong vài phút giải lao, Hân Nguyễn, đến từ Minnesota, và Hương Trần, Washington DC, tâm sự: (Xin theo dõi trong phần âm thanh bên trên)
Tại Trại Văn Hóa Việt Nam năm nay, cha mẹ nuôi người Mỹ và con trẻ việt Nam của họ còn được thưởng thức những màn văn nghệ do cha mẹ con cái đóng góp, màn trình diễn áo dài do các cô thiếu nữ Mỹ gốc Việt ở vùng Washington đóng góp cùng với màn hoạt cảnh Trăm Trứng Trăm Con trong huyền thoại Việt Nam, mục biểu diễn Water Puppet, múa rối nước, do các du học sinh Việt Nam phụ trách.
Thanh Trúc cũng xin tạm kết thúc Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi ở đây. Trong những chương trình tới, Thanh Trúc mong có dịp trình bày rõ hơn cùng quí vị về những hoạt động ở Việt Nam của Sáng Hội Catalyst. Thanh Trúc cũng mong được tường trình đến quí vị về từng khía cạnh cuộc sống của những gia đình hoặc của thế hệ trẻ được bốc đi khỏi Việt Nam trước ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Thanh Trúc sẽ gặp lại quí vị trong chương trình tới.