Vi phạm xây dựng ở Tràng An: liệu có bị UNESCO thu hồi danh hiệu?

Vừa qua tại Khu di tích lịch sử Tràng An tại tỉnh Ninh Bình, một công trình xây dựng hình thành ngay tại vùng lõi và cơ quan chức năng nói không biết gì.

Hoạt động này bị cho là vi phạm luật khu di sản của Việt Nam cũng như của UNESCO vì tổ chức này công nhận Khu di tích lịch sử Tràng An là di sản thế giới vào ngày 23 tháng 6 năm 2014.

Liệu có biện pháp gì đối với công trình vi phạm đó?

Vi phạm Luật di sản Văn hóa

Trước hết, trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế định nghĩa về di sản thế giới như sau:

Tất cả những cái này đều có văn bản đình chỉ, nhưng tất cả chỉ là hình thức, và có sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. <br/> - PGS - TS. Lương Hồng Quang

“Những di tích thuộc về di sản cấp quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là di sản quốc tế được UNESCO công nhận, về nguyên tắc phải giữ nguyên trạng khi nó được công nhận là di tích.”

Trong buổi trả lời phỏng vấn truyền thông trong nước, ông Phạm Xuân Phúc, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định rằng việc Công ty Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc tự ý xây dựng dựng công trình đường lên núi Huyền Vũ thuộc khu di tích lịch sử Tràng An với chiều dài hơn 1km, gồm cổng và hơn 2.000 bậc lên xuống là vi phạm hết sức nghiêm trọng điều 13 của Luật Di sản.

Theo đó, trong Luật di sản Văn hóa do Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương ký vào ngày 12 tháng 7 năm 2001 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2002, khoản 3 điều 13 có ghi rõ nghiêm cấm xây dựng trái phép trong phạm vi thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho rằng vi phạm của Công ty Du lịch Tràng An là điều rất rõ ràng:

“Trong Luật di sản có quy định rõ những di tích quốc gia đặc biệt thì tất cả các công trình trong lõi di tích khu vực 1 lúc làm không được xâm phạm, và khi làm bất cứ điều gì đều phải xin phép, luận chứng kinh tế kỹ thuật. Ngoài ra phải được các cấp có thẩm quyền phê duyệt về mặt văn hóa, vấn đề môi trường và rất nhiều các vấn đề khác.”

Trách nhiệm thuộc về ai?

Dưới sự chỉ đạo của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình và Ủy ban Nhân dân huyện Hoa Lư, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2017, Ủy ban Nhân dân xã Trường Yên đã gửi tổng cộng 5 văn bản đến Công ty Du lịch Tràng An đề nghị ngưng thi công, thu dọn nguyên liệu và trả lại nguyên trạng di tích Tràng An. Tuy nhiên đơn vị thi công đã phớt lờ, tiếp tục thực hiện công trình và đưa vào sử dụng.

Quản lý về mặt chính quyền cũng như cơ quan văn hóa có trách nhiệm rất lớn trong việc này, không thể đổ thừa chỉ có một công ty xây dựng. <br/> - TS. Nguyễn Thị Hậu

Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, công trình này đã được chính quyền địa phương làm ngơ:

“Tất cả những cái này đều có văn bản đình chỉ, nhưng tất cả chỉ là hình thức, và có sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Không thì một công trình sờ sờ như thế làm từ năm 2017 đến giờ mới phát hiện ra. Theo tôi nghĩ không phải làm lén lút.”

Ngoài ra, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kết luận thanh tra, ý kiến, nhưng việc này thuộc thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh trong vấn đề ra quyết định thanh tra:

"Phải ra lệnh và thi hành cưỡng chế chứ không thể để người ta kéo dài xong cản như vậy. Đứng về phương diện xã hội mất vào đấy rất nhiều tiền, phí nguồn lực xã hội.

Nếu được ngăn cản ngay từ đầu thì nguồn lực không bị tiêu tán.”

Tuy nhiên, theo khoản 3 điều 33 Luật di sản Văn hóa có ghi rằng: Bộ Văn hóa - Thông tin khi nhận được thông báo về di tích bị hủy hoại hoặc có nguy cơ bị hủy hoại phải kịp thời chỉ đạo và hướng dẫn cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương, chủ sở hữu di tích áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ; đối với di tích quốc gia đặc biệt phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Nói rõ thêm về vấn đề này, Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu cho rằng trách nhiệm không chỉ thuộc về mỗi Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình:

"Quản lý về mặt chính quyền cũng như cơ quan văn hóa có trách nhiệm rất lớn trong việc này, không thể đổ thừa chỉ có một công ty xây dựng. Việc quản lý nhà nước của Việt Nam sai phạm rất lớn."

Theo Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Lương Hồng Quang, vai trò quản lý nhà nước rất quan trọng. Đồng thời đưa ra một góc nhìn khác:

“Ở đây, có sự thỏa hiệp để ngầm ẩn bên trong chia sẻ lợi ích hay không thì phải đặt vấn đề như vậy.”

Phục hồi nguyên trạng

Hiện tại, công trình đường lên núi Cái Hạ được yêu cầu tháo dỡ khẩn cấp dướisự giám sát, thanh tra của Ủy ban nhân dân tỉnh và thanh tra của Sở Văn hóa Du lịch, quản lý nhà nước vì theo Luật Luật di sản Văn hóa có quy định rõ bên nào làm ra thì bên đó phải chịu trách nhiệm dỡ bỏ. Đồng thời đơn vị thi công phải di dời tất cả các thứ và trả lại gần như nguyên vẹn hiện trạng cũ.

Tuy vậy để khu di tích Tràng An trở lại trạng thái ban đầu một cách hoàn toàn là điều không thể. Theo Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lương Hồng Quang, cây cối đã bị chặt, phần đá bị phạt đi để làm cự cho cầu đều không thể phục hồi. Ông nói thêm:

Mức độ trầm trọng hoặc khuyến cáo nhiều lần không được phía quản lý nhà nước Việt Nam coi trọng và nguy hại nhiều đến cảnh quan thì có thể bị tước danh hiệu di sản văn hóa của Thế giới.<br/> - TS. Nguyễn Thị Hậu

"Theo tôi nghĩ sau khi dỡ xong phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chứ không phải dỡ xong rồi bỏ đấy được."

Liệu Tràng An sẽ bị UNESCO thu hồi danh hiệu?

Nói với truyền thông trong nước, Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết Tràng An là di sản được UNESCO công nhận, nên về mặt quản lý còn phải chịu sự điều tiết của công ước quốc tế. Nếu không xử lý triệt để, khả năng UNESCO có ý kiến và xem xét lại danh hiệu đã công nhận với Tràng An là khó tránh khỏi.

Nhận định trên được bà Bích Liên đưa ra hoàn toàn có căn cứ vì trước đây, Ủy ban Di sản Thế giới đã quyết định bỏ tên thung lũng Dresden Elbe của Đức khỏi danh sách Di sản thế giới của UNESCO vào năm 2008. Lý do được đưa ra vì một tòa án Đức cho phép xây dựng cây cầu bốn làn xe nằm ngay trung tâm của Thung lũng Dresden Elbe. Việc này có khả năng dẫn đến việc xóa bỏ cảnh quan văn hoá của Dresden.

Liên hệ vấn đề này với tình trạng của khu di tích Tràng An hiện nay, câu hỏi đặt ra là liệu Tràng An sẽ bị UNESCO thu hồi danh hiệu như thung lũng Dresden Elbe của Đức?

Tiến sĩ Khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu giải thích rằng việc này tùy thuộc mức độ vi phạm về diện tích bao nhiêu, ảnh hưởng đến môi trường văn hóa, sinh thái thế nào... Sau khi có thẩm định thì UNESCO sẽ đưa ra các hình thức đối với Việt Nam. Trong đó, bà đưa ra trường hợp tệ nhất:

“Mức độ trầm trọng hoặc khuyến cáo nhiều lần không được phía quản lý nhà nước Việt Nam coi trọng và nguy hại nhiều đến cảnh quan thì có thể bị tước danh hiệu di sản văn hóa của Thế giới.”

Trên thực tế, tiếng nói của UNESCO đối với chính quyền Việt Nam sẽ có giá trị giúp đẩy nhanh tiến độ ngăn chặn những công trình ảnh hưởng đến các di tích lịch sử hay du lịch sinh thái. Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thuật nêu ra những ví dụ trong trường hợp này:

“UNESCO đã đề nghị chính thức với chính phủ dừng lại dự án cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng, hay không cho thực hiện cáp treo ở động Sơn Doong . Đó là những tín hiệu rất đáng mừng.”

Những du khách đã từng tham quan Tràng An trước khi công trình đường lên núi Huyền Vũ được khởi công đều bày tỏ mong muốn chính quyền các cấp sẽ phối hợp cùng nhau để trả lại một di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam một cách sớm nhất và hoàn thiện nhất.