Bé trai 1 tuổi ở Trường mầm non Sơn Ca, tỉnh Sơn La được đưa đi cấp cứu với kết luận chấn thương não; cô giáo ở Trường mầm non 4 ở quận 3, Sài Gòn túm đầu trẻ, tát trẻ ngã dúi dụi trong giờ ăn trưa; bé trai hai tuổi Trường mầm non Thanh Nê, tỉnh Thái Bình bị cô giáo tát bầm má; bé trai 2 tuổi một trường mầm non ở Biên Hòa, Đồng Nai bị cô giáo tát 31 cái trong bữa ăn; bé trai 17 tháng tuổi tại một cơ sở trông giữ trẻ ở Hà Nội tử vong do bị hai bảo mẫu đạp vào bụng, ngực, đá và giẫm vào đầu…
Đó là một số những bản tin được truyền thông Nhà nước đăng tải liên quan đến nạn bạo hành trẻ mầm non thời gian qua. Tình trạng đó trái ngược với câu thơ “Trẻ em như búp trên cành” trong bài thơ “Trẻ Con” của ông Hồ Chí Minh, được đăng trên báo Việt Nam độc lập, số 106, ngày 21/9/1941.
Chuyện trẻ mầm non, mẫu giáo bị bạo hành đã xảy ra từ mấy chục năm qua khiến xã hội bàng hoàng, phẫn nộ. Theo truyền thông Nhà nước, đa số các vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra ở các nhóm, lớp mầm non tư thục. Người bạo hành trẻ là giáo viên, bảo mẫu được hợp đồng ngắn hạn.
Tuy vậy, ở những nơi có nhiều khu công nghiệp thì trường mầm non công lập không thể đáp ứng được lượng trẻ con của công nhân từ các tỉnh thành khác đến làm việc. Sau mỗi vụ bạo hành dã man thì những bài báo “Thiếu nhà trẻ cho con công nhân” hay “Con công nhân và nỗi lo bị bạo hành ở các nhà trẻ” lại xuất hiện trên báo chí. Nhưng rồi đâu lại vào đó. Giáo sư Mạc Văn Trang nhận định:
“Có tình trạng những trường mầm non công lập hay những trường mầm non chất lượng cao với những giáo viên được đào tạo tử tế thì ít, mà nhu cầu gửi con của những người lao động thì nhiều. Họ không thể vào những trương mầm non chất lượng cao hay trường công lập được mà phải gởi con vào những lớp, những nhóm trẻ. Những người coi sóc trẻ ở đó thường không được đào tạo về giáo dục, về tâm lý giáo dục trẻ em cho nên họ làm bất chấp tất cả.
Cách đây 20 năm tôi đã có những bản kiến nghị gửi Bộ Giáo dục, gửi Quốc hội về việc tổ chức các nhà trẻ, các trường mầm non ở những khu dân cư mới thành lập, hay những khu công nghiệp. Nhưng mà ngành giáo dục có làm gì đâu, chính quyền có làm gì đâu. Họ chỉ lo làm những gì kiếm tiền hơn là chăm lo cho giáo dục, y tế hay đời sống xã hội”.
Theo Giáo sư Mạc Văn Trang, chuyện trẻ con lứa tuổi mầm non bị bạo hành còn gây ra một hệ lụy nguy hại, là nạn bạo lực học đường, rồi bạo lực xã hội sau đó. Ông nói:
"Nó ảnh hưởng tâm lý trẻ con ghê gớm lắm. Thương lắm mà không làm gì được. Chuyện trẻ con bị bạo hành ghi dấu ấn rất sâu đậm vào tiềm thức trẻ. Những đứa trẻ này lớn lên lại bạo hành người khác. Bạo lực lại đẻ ra bạo lực. Một vấn đề rất lớn trong xã hội, đó là luôn nói giáo dục là quốc sách hàng đầu với bao nhiêu nghị quyết rất hay, nhưng ngày càng lụn bại".
Tính từ ngày 1/9/2021 đến ngày 5/11/2023, cả nước xảy ra 699 vụ bạo lực học đường liên quan đến 2.016 học sinh, trong đó có 854 học sinh là nữ. Bình quân, cứ 50 cơ sở giáo dục xảy ra 1 vụ bạo lực học đường. Đó là thông tin được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết tại Quốc hội chiều 7/11/2023, khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Vương Quốc Thắng.
Tiến sĩ tâm lý Phạm Quỳnh Hương thì cho rằng, chuyện cô giáo đánh trẻ mầm non, mẫu giáo ít nhiều liên quan đến truyền thống “thương cho roi cho vọt” của người Việt Nam từ ngàn xưa. Bà nói:
“Truyền thống Việt Nam là “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Đó là chuẩn mực văn hóa từ xưa. Bây giờ đã khác cả về cách hành xử lẫn cách nhìn nhận. Trước đây, khi cha mẹ đánh con hay thầy cô đánh học trò thì xã hội cho điều đó là đúng. Bây giờ cả xã hội lên án. Đó là một sự thay đổi rất lớn trong xã hội. Gọi là thay đổi lớn nhưng chưa phải là 100%. Một số nơi, một số người vẫn quan niệm theo kiểu ngày xưa.
Để thay đổi thì toàn xã hội phải cùng làm. Các bộ ngành cũng phải tham gia vào. Phía ngành giáo dục phai ra những quy định, những tiêu chuẩn về giáo viên. Phải đào tạo thật kỹ. Về phía xã hội thì phải tạo dư luận lớn để cả xã hội nhận thức được. Tôi nghĩ sẽ tốn rất nhiều thời gian. Có khi phải 20, 30 năm nữa.”
Theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, chuyện bạo hành trẻ em, bạo lực học đường đều thuộc trách nhiệm của ngành giáo dục. Cần cải cách giáo dục theo hướng đổi mới quản lý giáo dục, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục, đào tạo. Phải coi trọng cả dạy chữ và dạy làm người.
Tháng 11 năm 2019, Tạp chí tuyengiao.vn có bài: "Thay đổi tư duy trong giáo dục để góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo". Bài viết dẫn ý kiến của GS.TS. Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội: "Để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thành công, phải bắt đầu từ đổi mới đào tạo giáo viên. Để đổi mới đào tạo giáo viên, phải thay đổi tư duy trong giáo dục". "
Tại một hội nghị về giáo dục hôm 13/12/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là quyết tâm chính trị của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ, của đất nước. Do đó, quá trình thực hiện chỉ nhìn về phía trước và chỉ được phép thành công”.
Nhiều chuyên gia giáo dục cũng như những nhà quan sát tình hình xã hội Việt Nam mà RFA có dịp trò chuyện cho rằng, ngành giáo dục không cần phải cải cách tới cải cách lui như mấy mươi năm qua, mà chỉ cần kế thừa triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây là Dân tộc, Nhân bản, Khai phóng nói lên bản chất của giáo dục.