Tuy nhiên thực sự đặt chân lên hai vùng đất xa xôi của đất nuớc này thì không nhiều người lắm, nhất là Hoàng Sa - vùng đất mẹ bị quân xâm lược Trung Quốc chiếm giữ từ năm 1974. Trường Sa là phần đảo còn lại của tổ quốc tuy bị xâu xé giữa nhiều nước nhưng Việt Nam vẫn kiên cường gìn giữ một phần lãnh thổ thân yêu này.
Chương trình VHNT tuần này Mặc Lâm xin giới thiệu một người đã đến Trường Sa và diễn tả lại phần đất này như một sự đền bù cho những ai chưa có điều kiện thăm đảo.
TS Nguyễn Thị Hậu là một nhà khảo cổ và nghiên cứu biển nổi tiếng hiện công tác tại Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn đặc biệt sau chuyến công tác Trường Sa của bà.
Trước tiên TS Nguyễn Thị Hậu cho biết khoảng cách từ bờ ra đảo cũng như sự sống của người dân và chiến sĩ hải quân trên vùng đất này :
Tôi may mắn được đi theo đoàn công tác của TP.HCM ra thăm đảo Trường Sa vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5. Chuyến công tác của chúng tôi kéo dài 10 ngày, và cũng rất may là vào thời điểm ấy biển khá yên cho nên chuyến đi cũng thuận lợi. Đoàn thuyền chúng tôi đi theo một vòng cung từ cảng ở TP.HCM vòng ra đến đảo xa nhất ở phía Bắc, đấy là đảo Sinh Tồn Đông, sau đó sang đến đảo Song Tử Tây. Đây là một chuyến đi qua được những hòn đảo mà hiện nay Việt Nam chúng ta đang nắm giữ.
Chuyến di của chúng tôi từ trong đất liền ra đến đảo xa nhất là đảo Song Tử Tây mất 3 ngày, đấy là với thời tiết biển rất là lặng, không có sóng.
Trên các đảo chúng tôi ghé đến nói chung đời sống của người lính cũng như một số đảo thì có một số hộ dân, cuộc sống khá tốt đầy đủ tiện nghi tối thiểu, chỉ có điều là họ ở quá xa đất liền.
Nếu thời tiết thuận lợi thì có những đoàn trong đất liền ra để trao đổi hàng hóa cũng như tiếp tế lương thực, hoặc là tiếp tế thêm những vật dụng cho cuộc sống của họ. Còn vào mùa dông bão thì tôi có hỏi thăm những người dân và những người lính đều nói là trong 6 tháng mùa dông bão gần như bị cắt rời khỏi đất liền, cuộc sống rất khó khăn.
Thiêng liêng hai từ Đất Nước
Mặc Lâm : Thưa T S , được biết đây là lần đầu tiên bà có dịp ra thăm Trường Sa, cảm giác đầu tiên của bà ra sao khi đến phần đất rất nổi tiếng này của đất nước, nhất là trong tâm trạng của một nhà nghiên cứu về văn hóa biển như bà?
TS Nguyễn Thị Hậu : Lần đầu tiên tôi được đi biển và đi xa như vậy. Là người nghiên cứu về văn hóa, trong đó có văn hóa biển nhưng quả thật là khi ra đến vùng được gọi là thềm lục địa của Việt Nam thì mới cảm nhận được thực sự thế nào là biển của Việt Nam, hay nói cách khác là cảm nhận một cách máu thịt biển nó cũng giống như là đất liền đối với chúng ta khi chúng ta lên bờ.
Khi ở trên đảo thì mỗi một giọt nước, mỗi một nắm đất được mang từ đất liền ra để trồng rau, những giọt nước mang ra cho người dân để sinh hoạt mới thực sự thấy là quý. Chúng tôi cũng nói với nhau rằng ngôn ngữ của chúng ta rất hay khi để chỉ tổ quốc, quốc gia thì chúng ta có hai từ là “đất nước”. Ra đến biển, đứng giữa biển, đứng giữa đảo thì mới thực sự thấy quý, mới thấy giá trị của hai chữ “đất nước”. Đấy là cái tình cảm có thể nói rằng bất cứ ai mà đi Trường Sa như chúng tôi đều cảm nhận được như vậy.
Cuộc sống của người lính cũng như của người dân trên đảo nói chung cũng còn nhiều khó khăn tuy rằng ở trong đất liền cũng góp sức chăm lo cho những người ở ngoài đảo. Do diện tích của đảo cũng không lớn, ví dụ một số đảo lớn như Sinh Tồn hay đảo Song Tử, hay là ngay cả đảo Trường Sa Lớn là những đảo lớn nhất nhưng cũng chỉ có khoảng năm bảy hộ dân trên đó, còn lại chủ yếu là những người lính trên đó thường xuyên luyện tập nâng cao tinh thần kiểm soát để mà gìn giữ an ninh cho biển đảo.
Chuyến đi của chúng tôi còn ghé qua cả những dàn khoan ở ngoài biển, ở trên những dàn khoan đấy thì vừa là có những công nhân kỹ thuật tập trung để khai thác dầu khí, rồi làm những trạm dịch vụ cho ngư dân ở ngoài biển. Cuộc sống của những công nhân kỹ thuật hay là những người lính trên những dàn khoan này cũng tượng tự như trên đảo, nhưng có phần khó khăn hơn bởi vì những dàn khoan như vậy diện tích rất nhỏ bé. Họ ở cách xa nhau cho nên sự liên lạc với người trong đất liền hay với những người trên các dàn khoan thì cũng hiếm hoi mới có dịp gặp gỡ.
Mặc Lâm : Về phần giáo dục cho trẻ em theo như nhận xét của bà thì bà thấy có tạm ổn hay không ạ?
TS Nguyễn Thị Hậu : Hiện nay theo tôi biết thì trên một số đảo lớn có các hộ dân và các trẻ em trên đó. Lớn nhất là bậc tiểu học tức khoảng lớp 4 – lớp 5, chứ còn sau lớp 5, bắt đầu vào cấp 2 tức lớp 6 các em được chở về đất liền để học cho nó thuận tiện. Gia đình các em cũng gửi các em về đất liền. Còn ở trên đảo hầu như đều có các trường học, có lớp mẫu giáo, lớp nhà trẻ cho đến tiểu học.
Ra đến biển mới thực sự thấy quý, thấy giá trị của hai chữ "đất nước". Đấy là cái tình cảm có thể nói rằng bất cứ ai mà đi Trường Sa như chúng tôi đều cảm nhận được như vậy. <br/>TS Nguyễn Thị Hậu <br/>
Các thầy cô giáo trên các đảo có thể là trong đất liền được cử ra, nhưng cũng có thể là những người lính tham gia giảng dạy cho các em. Về cơ sở vật chất thì đều có trường lớp, rồi vật dụng học tập, sách giáo khoa…nói chung các em không thiếu thốn gì. Khi các em đi học thì cũng mặc đồng phục giống như trẻ em trong đất liền. Chỉ có điều là do học sinh ít, lớp học cũng ít cho nên các em sinh hoạt gần như là chơi chung với nhau từ lớp mẫu giáo cho đến cấp tiểu học. Nếu so với trường trong đất liền thì các em ít bạn hơn.
Đời sống tinh thần, vật chất
Mặc Lâm : Riêng về phương tiện truyền thông giữa họ với nhau hay với đất liền thì có khó khăn lắm hay không, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Hậu : Phải nói là chuyến đi nào cũng mang tặng các anh em chiến sĩ trên đảo nào là tivi, máy vi tính, đặc biệt là những ấn phẩm văn hóa như là sách vở báo chí. Không có chuyến tàu nào là không có cho nên mỗi đảo tôi tới đều thấy đều có thư viện. Nếu nhỏ hơn như các đảo nổi thì cũng có những tủ sách, trong đó sách văn học, báo chí. Đặc biệt là ở trên các đảo cũng có phủ sóng tivi, truyền hình Việt Nam và đặc biệt là truyền hình của tỉnh Khánh Hòa là tỉnh quản lý quần đảo Trường Sa.
Về mặt sinh hoạt tinh thần thì có thể nói về thời sự và các chương trình văn nghệ được phát qua truyền hình thì người dân trên đảo đều được xem hàng ngày, xem thường xuyên, chưa kể là các anh em chiến sĩ có máy vi tính có thể liên lạc nhanh hơn với đất liền cũng như phục vụ cho sinh hoạt tinh thần của anh em.
Mặc Lâm : Đó là sinh hoạt tinh thần, còn vấn đề thực phẩm tươi họ được cung cấp theo ghi nhận của T S thì có tạm đủ dưỡng chất hay không ạ?
TS Nguyễn Thị Hậu : Khi chúng tôi đến cũng được anh em tiếp đón, đặc biệt những đảo chúng tôi được lên ở chơi khoảng chừng nửa ngày bao giờ cũng được mời ở lại ăn bữa cơm, tuy đạm bạc nhưng cũng có thực phẩm tươi, như gà hoặc là heo trên đảo có thể nuôi được. Rau xanh ở một số đảo cũng trồng được. Dĩ nhiên là so với đất liền thì hiếm hoi hơn rất nhiều, vì vậy cho nên được ăn những thức ăn tươi so với đất liền thì ít hơn.
Tôi rất cảm động khi thấy anh em nuôi những con gà, con vịt, chăm sóc chúng rất là chu đáo bởi vì thời tiết trên đảo rất khắc nghiệt đối với con người. Người ta chịu đựng cũng rất khó khăn huống hồ là những con vật quen sống ở trong đất liền. Chỗ nào cũng thấy người lính cũng như dân trồng rau xanh, và bất cứ một vuông đất nào mà hở ra thì anh em cũng đều tận dụng để trồng rau xanh.
Ở những đảo chìm, hoàn toàn không có đất, nhà xây trên cọc sắt trên thềm san hô thì anh em trồng rau được với đất từ trong đất liền được mang ra trong những thau gỗ nho nhỏ, có khi chừng nửa mét vuông thôi, anh em cũng tận dụng trồng đủ các loại rau thơm, gia vị như hành ngò. Các loại rau xanh như là bầu bí, rau muống, rau dền, rau mồng tơi. Hình ảnh những ngọn rau xanh như trong đất liền ở quê nhà nhưng vươn lên trên mặt biển phải nói rằng những hình ảnh đấy làm chúng tôi rất là cảm động. Nó vừa mang sự gần gũi đến cho những người lính, đồng thời cũng làm cho những người trong đất liền cảm thấy mình có trách nhiệm nhiều hơn với những người đã thay mặt mình hy sinh mà bảo vệ mảnh đất của tổ quốc.
Có thể nói sau chuyến đi này, không biết những người khác được đi có cảm tưởng như thế nào, nhưng riêng bản thân tôi thì ý thức về biển đảo Việt Nam phải nói là rõ hơn rất nhiều. Nếu chúng ta đã từng quen với cái cảm giác đất liền là máu thịt của Việt Nam thì sau chuyến đi này ý thức về biển đảo, tình cảm của tôi đối với biển đảo nó rõ ràng hơn rất nhiều.
Mặc Lâm : Chúng tôi được biết trong chuyến đi này thì Tiến Sĩ đã có cơ hội qua rất nhiều đảo lớn nhỏ, kể cả những đảo như là Len Đao, Cô Lin, và đặc biệt là Gạc Ma. Cảm tưởng của bà ra sao khi đi ngang Gạc Ma vì nơi đã có cuộc chiến giữa ta và Trung Quốc vào năm 1988 ạ?
TS Nguyễn Thị Hậu : Vâng. Có lẽ ấn tượng sâu sắc nhất đối với tôi trong chuyến đi, khi đi qua vùng biển Len Đao, Cô Lin, Gạc Ma, nơi mà đã có trận chiến rất là ác liệt giữa quân đội Việt Nam với quân Trung Quốc vào thời kỳ đó, tất cả các con tàu đều có tổ chức lễ tưởng niệm những người lính đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền của tổ quốc. Buổi lễ cũng giản dị thôi nhưng mà rất là trang trọng, và phải nói không khí của buổi lễ làm cho mọi người đều có chung một ý nghĩ, một tình cảm không thể nào để cho sự hy sinh của những người lính ở đây trở nên vô nghĩa.
Nếu chúng ta đã từng quen với cái cảm giác đất liền là máu thịt của Việt Nam thì sau chuyến đi này ý thức về biển đảo, tình cảm của tôi đối với biển đảo nó rõ ràng hơn rất nhiều.<br/>TS Nguyễn Thị Hậu <br/> <br/>
Khi chúng tôi được lên đảo Lendao là một trong 3 đảo mà đã xảy ra trận chiến rất ác liệt thì chỉ cần nhìn qua ống nhòm thì cũng nhìn thấy rất gần với đảo Gạc Ma mà hiện nay không còn nằm trong quyền quản lý của chúng ta nữa. Phải nói rằng nghe được những gương hy sinh của người lính thì chúng tôi rất xúc động. Cũng giống như cảm giác của tôi khi đi lên vùng biên giới phía Bắc chứng kiến những nghĩa trang của người lính của chúng ta hy sinh trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc những năm 1978-1979. Đối với lứa tuổi của tôi cũng đã trải qua chiến tranh rồi nên không ai muốn có chiến tranh nữa, thực sự là như vậy.
Với những người lính rất trẻ đã nằm xuống ở đây vì chủ quyền của tổ quốc, mà chủ quyền của tổ quốc lúc này nó hiện hữu rất là cụ thể. Vùng biển, vùng trời của mình, có những người lính còn nằm lại ở ngoài biển như vậy chắc chắn là chúng ta không thể nào để đánh mất chủ quyền của tổ quốc.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn TS Nguyễn Thị Hậu đã chia sẻ chuyến đi Trường Sa với thính giả của Đài Á Châu Tự Do.
Hy vọng rằng câu chuyện mà quý vị vừa nghe sẽ làm cho tình yêu quê hương biển đảo của chúng ta càng sâu đậm hơn, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay phía Trung Quốc luôn có những động thái muốn thôn tính toàn bộ Biển Đông, trong đó có cả Trường Sa thân yêu của chúng ta.
Theo dòng thời sự:
- Những hòn vọng phu
- Những bài thơ về Trường Sa
- Câu chuyện của người lính VNCH trấn giữ Trường Sa đến ngày cuối cùng
- 'Hoàng Sa, nỗi đau mất mát' sẽ được chiếu ở Quảng Ngãi?
- Những kỷ lục của Hoàng Sa, Trường Sa
- "Sói biển" – Người bám biển Hoàng Sa
- Những bài thơ viết vội từ hai cuộc biểu tình chống Trung Quốc
- Những bài thơ yêu nước
- Nhà thơ Trần Vàng Sao và "Bài Thơ của Một Người Yêu Nước Mình"
- Những vần thơ chống Trung Quốc