Một trong những chiến lược phát triển quân đội thời gian tới được cho biết là bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, đó là nhiệm vụ ‘trên một vùng lãnh thổ mới’. Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, phát biểu như vừa nêu khi trả lời báo chí bên lề Đại hội Đảng XIII, hôm 26/1.
Theo ông Nghĩa, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, thời gian qua, quân đội còn phải có chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược về an ninh mạng. Tướng Nghĩa còn dẫn chứng lực lượng chuyên trách của quân đội là Bộ tư lệnh 86.
Trả lời RFA hôm 27/1 từ Sài Gòn, Nhà hoạt động Trần Bang nhận định:
“Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói Quân đội sẽ tham gia hoạt động mạnh trên không gian mạng để bảo vệ Tổ quốc... nếu đúng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, chống hacker, bảo vệ thông tin chỉ huy tác chiến của quân đội, bảo mật thông tin chống kẻ thù xâm lược như Trung Quốc hoặc các thế lực có thể xâm phạm chủ quyền biển đảo, ăn cắp công nghệ, gây nguy hiểm cho hàng không, hàng hải... thì qua tốt.”
Theo Nhà hoạt động Trần Bang, nếu đúng như vậy thì phải sử dụng cả hai cơ quan quân đội và công an, vì thật sự cần thiết. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Thế còn nếu ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói Quân đội sẽ tham gia hoạt động mạnh trên không gian mạng để trấn áp các tiếng nói đối lập, thì đó là hại nhân dân, hại đất nước... chứ không phải tốt. Bởi vì chính các tiếng nói đối lập mới tốt cho chủ quyền đất nước, tốt cho lợi ích của người dân. Mà lợi ích của người dân trong đó có tự do ngôn luận, tự do về học thuật, tự do về thư tín cá nhân... tức là bảo vệ quyền thư tín cá nhân của người dân.”
Nếu ông Nguyễn Trọng Nghĩa nói Quân đội sẽ tham gia hoạt động mạnh trên không gian mạng để trấn áp các tiếng nói đối lập, thì đó là hại nhân dân, hại đất nước... chứ không phải tốt.
-Nhà hoạt động Trần Bang
Tuy không nhìn nhận việc kiểm soát các tiếng nói đối lập, nhưng Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa cũng cho biết, khi đỉnh điểm đại dịch Covid-19 xảy ra ở Việt Nam, quân đội đã kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp bị cho là xuyên tạc thông tin về đại dịch.
Trả lời RFA từ Việt Nam hôm 27/1, ông Vũ Minh Trí, trước khi về hưu mang quân hàm Trung tá tại Tổng cục 2, nhận định:
“Tôi nghĩ ở Việt Nam có hai cơ quan là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an với hai chức năng hoàn toàn riêng biệt, về cơ bản là chồng chéo nhau, cho nên nếu đã có Luật An Ninh Mạng và Bộ Công an có lực lượng chuyên trách, thì nên để Bộ Công an làm toàn bộ. Còn quân đội chỉ nên thực hiện trong phạm vi của mình, tức là bảo vệ an ninh cho mạng của quân đội, chứ không phải bảo vệ mạng cả nước. Cũng như chúng tôi là công dân bình thường, chúng tôi bảo vệ mạng cho cá nhân mình, chứ không phải mạng của hàng xóm.”
Giải thích về việc chồng lấn với Bộ Công an, Tướng Nghĩa cho rằng, bản chất của việc thực hiện nhiệm vụ này là xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Trong đó, lực lượng vũ trang, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông... đều tham gia.
Liệu sau Luật An Ninh Mạng, sau khi Bộ Công An bắt bớ bỏ tù các tiếng nói bất đồng trên không gian mạng, thì việc quân đội tham gia bảo vệ an ninh mạng có phải là bước tăng cường đàn áp tự do ngôn luận? Người dân nói gì về việc này?
Anh Trần Đình Thu ở Sài Gòn, khi nói với RFA hôm 27/1, cho rằng:
“Về việc quân đội kiểm soát an ninh mạng, nói thì nghe nghiêm trọng vậy chứ thực tế họ chỉ cho vài chục ngàn ông bộ đội đi chửi nhau với dân mạng là chủ yếu. Họ lập ra một số trang rồi đăng theo kiểu của họ, họ nói họ nghe thôi. Lâu lâu có ai đăng status nào mà họ thấy nhột thì chừng vài chục anh kéo nhau vào chửi lộn với dân mạng, hai bên chửi qua chửi lại như hàng tôm hàng cá vậy thôi. Nên theo tôi cũng là vô hại, không ảnh hưởng gì đến tự do ngôn luận khi quân đội tham gia. Dĩ nhiên tình hình tự do ngôn luận đang khá tệ nhưng việc quân đội tham gia vào thì không có ý nghĩa gì mấy. Chỉ có bên công an thì mới có ý nghĩa.”
Còn Anh Đinh Văn Hải, một người dân ở Sài Gòn, khi trả lời RFA hôm 27/1 cho rằng việc huy động quân đội tham gia bảo vệ Tổ Quốc trên không gian mạng, thật ra là một việc làm vô bổ:
“Trước đây, đã có Cục C50 phòng chống tội phạm công nghệ cao, bảo đảm an ninh mạng. Kết quả là: Nguyên ekip tướng Vĩnh, tướng Hóa và các thuộc cấp khác đã sử dụng phương tiện, thiết bị để tổ chức cờ bạc online, thu lợi số tiền khủng khiếp, đến mức phải cân ký. Bây giờ, việc huy động quân đội tham gia bảo vệ Tổ Quốc trên không gian mạng, thật ra là một việc làm vô bổ. Mục đích của nó là gia tăng kiểm soát tư tưởng, nhồi sọ những quan điểm, nhận thức sai trái, nhằm nô lệ tư tưởng người lính.”
Vào ngày 30/11/2018, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ tuyên 9 năm tù đối với Cựu trung tướng công an Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và 10 năm tù đối với cựu thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên cục trưởng Cục Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao C50, vì những liên can đến đường dây đánh bạc ngàn tỷ trên mạng.
Cựu Đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam Võ Minh Đức, khi trả lời RFA từ thành phố Hồ Chí Minh hôm 27/1, nhận định:
“Họ đàn áp tự do trên không gian mạng là rất rõ ràng, từ khi có Luật An Ninh Mạng, thậm chí trước đó, họ đã tung ra lực lượng đấu tranh trên không gian mạng đối với các thông tin xấu độc với nhà nước. Thế nhưng lực lượng này nói đấu tranh cũng không đúng, họ lên làm những trò rất thiếu văn hóa. Dư luận viên của họ vào chửi bới các nhà trí thức bất đồng chính kiến, phản biện xã hội... rất thô lỗ tục tiễu...
Họ đàn áp tự do trên không gian mạng là rất rõ ràng, từ khi có Luật An Ninh Mạng, thậm chí trước đó, họ đã tung ra lực lượng đấu tranh trên không gian mạng đối với các thông tin xấu độc với nhà nước.
-Anh Võ Minh Đức
Nhưng thực tế theo anh Võ Minh Đức, người dân hay những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho tự do dân chủ ở Việt Nam hiện nay, họ chỉ nói sự thật, những gì đang diễn ra trong cuộc sống. Ông đưa ra ví dụ:
“Ví dụ như họ nói việc chính cơ quan phap luật không tôn trọng luật pháp, những nỗi oan ức của người dân, những tiêu cực hay thói hư tật xấu của quan chức... họ nói sự thật có căn cứ bằng chứng đưa ra cả, những ai chơi Facebook đều đọc được những thông tin đó cả, chứ còn quan điểm bịt miệng của nhà nước có từ lâu nay rồi. Những phát ngôn hay ý đồ của những người đứng đầu trong công an hay quân đội, họ đều muốn lấy lòng những người chóp bu, họ luôn muốn thể hiện mình luôn là thanh bảo kiếm, là lá chắn tốt nhất của đảng. Thế nhưng chức năng của hai cơ quan đó là bảo vệ tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ an toàn trật tự xã hôi chứ không phải là làm việc đó. Theo tôi chủ trương đó không chỉ vi phạm tự do ngôn luận, vừa không đúng chức năng của lực lượng vũ trang, mà còn rất phản cảm.”
Chính ông tướng Nguyễn Trọng Nghĩa vào tháng 12 năm 2017 cho biết “Quân ủy trung ương hết sức quan tâm, xây dựng lực lượng thường trực phản bác các quan điểm sai trái. Lực lượng bảo vệ an ninh tư tưởng trong quân đội cũng phát triển và tới đây sẽ có lực lượng chuyên trách làm nhiệm vụ tác chiến không gian mạng". Đó là ‘Lực lượng 47’ có hơn 10 ngàn người đấu tranh trên không gian mạng ‘vừa hồng, vừa chuyên’.
Luật an ninh mạng của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, bất chấp những phản đối của nhiều người dân và quốc tế vì những điều khoản bị cho là sẽ hạn chế hơn nữa quyền tự do biểu đạt của người dân.
Theo trang The Project 88, trong năm 2020 đã có 20 người bị chính quyền Việt Nam bắt giam và kết án tù chỉ vì bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà trên mạng về các vấn đề kinh tế và xã hội. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đánh giá năm 2020 là năm nhân quyền tại Việt Nam xuống cấp trầm trọng.
Trong Báo cáo 2019 về các tù chính trị và nhà hoạt động có nguy cơ ở Việt Nam, do Dự án 88 công bố hôm 23/6/2020, trong năm 2019 có 41 người ở Việt Nam bị bắt giữ vì các hoạt động ôn hoà của họ.
Ông Vũ Minh Trí cho rằng, về cơ bản chính quyền không thể khủng bố hay bịt được miệng tất cả mọi người dân, đặc biệt khi hệ thống mạng phát triển mạnh như bây giờ thì đấy là điều không tưởng. Bởi vì không thể nào bắt hết được những người như ông Phạm Chí Dũng hay Nguyễn Tường Thụy, hay Phạm Thành... nếu có hàng trăm hàng nghìn người như vậy. Cho nên theo ông, nếu chính quyền càng cố kiểm soát người dân như vậy, thì càng thể hiện bộ mặt nhem nhuốc, phản dân chủ, chống tự do ngôn luận của chính quyền mà thôi.