Bản Hiến pháp 1992 sửa đổi được Quốc hội VN thông qua hôm 28/11/2013 vẫn gây nhiều tranh cãi trong dư luận giữa tiếng nói của Đảng CSVN (Đảng) với nguyện vọng của người dân.
Hiến pháp hay cương lĩnh đảng?
“Nhìn nhận một cách thực tế, chủ quan thì đây là một bản Hiến pháp thực chất do một cộng đồng của đại bộ phận đảng viên vì quyền lợi của chính họ, về bản thân của họ và vì miếng cơm manh áo của họ. Trong một vài cuộc họp chi bộ đảng của bọn em thì rất nhiều đảng viên cũng không đồng tình mấy nhưng họ đành chấp nhận vì nếu như họ phản đối thì họ cũng sẽ không được một cái gì cả. Nếu nói đúng ra thì bản Hiến pháp này không được một chút gì hay nói khác đi chỉ là 1% rất nhỏ về lòng dân, vì dân thôi. Thực tế, bản Hiến pháp này vì quyền lợi của Đảng”.
Vừa rồi là chia sẻ của 1 đảng viên gia nhập và sinh hoạt trong Đảng CSVN được 10 năm, từng giữ chức vụ Phó Bí thư Chi bộ xã. Người đảng viên không muốn nêu tên này cất lên tiếng nói thật lòng của mình và của những đảng viên quen biết khác rằng nếu Hiến pháp sửa đổi theo ý nguyện lòng dân thì quyền lợi của ĐCS sẽ không còn. Do đó, dù thấy nhiều điều không đúng nhưng vẫn ''ngậm miệng ăn tiền'' bởi nếu các đảng viên phản đối có nghĩa là họ từ bỏ miếng cơm manh áo và quyền lợi của chính họ.
Nếu nói đúng ra thì bản Hiến pháp này không được một chút gì hay nói khác đi chỉ là 1% rất nhỏ về lòng dân, vì dân thôi. Thực tế, bản Hiến pháp này vì quyền lợi của Đảng
Một đảng viên
Người đứng đầu đại diện cho ĐCS, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố ngay sau khi Quốc hội thông qua bản Hiến pháp sửa đổi rằng “Hiến pháp được thông qua với đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý ý Đảng lòng dân”. Trong khi đó, người đảng viên giấu tên lại cho là bản Hiến pháp sửa đổi vừa được thông qua chỉ phản ánh 1% rất nhỏ về lòng dân mà thôi. Dư luận sẽ tin vào ai, tin vào lời khẳng định của người lãnh đạo quyền uy cao nhất ĐCS hay tin vào tiếng nói trung thực của một đảng viên trẻ về cả tuổi đời lẫn “tuổi Đảng”?
Bản hiến pháp mới của Việt Nam gồm 11 chương, 120 điều, giảm bớt 1 chương và 27 điều so với bản Hiến pháp cũ được ban hành năm 1992, với điểm được chú ý nhất vẫn giữ nguyên Điều 4, quy định vai trò lãnh đạo của ĐCS là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, nắm vai trò chủ đạo kinh tế quốc gia. Ngoài ra, bản Hiến pháp mới quy định Chủ tịch nước là tổng tư lệnh quân đội đồng thời kiêm nhiệm vai trò chủ tịch Hội Đồng Quốc phòng và An ninh. Mục đích của việc sửa đổi Hiến pháp 1992 này được đánh giá nhằm thêm một lần nữa hợp thức hóa cương lĩnh của Đảng CSVN. Dựa vào những điều khoản trong bản Hiến pháp sửa đổi mới được thông qua có thể nói ý kiến đóng góp và nguyện vọng của người dân đã không được lắng nghe.
Đảng Cộng Sản nói một đường nhưng thực ra có bao giờ làm như thế đâu. Bây giờ nói 'quyền sở hữu là toàn dân' nhưng thực ra dân có quyền sở hữu đâu. Quyền toàn dân thì làm gì có chuyện Nhà nước quản lý? Như vậy thì quá vô lý
Bạn Sep Pham
Mất niềm tin
Những thanh niên trẻ, không phải là đảng viên, nói với đài ACTD chẳng có hy vọng gì đối với bản Hiến pháp này vì thực chất bản Hiến pháp đã có sự sắp xếp trước. Việc thông qua hay không cũng chẳng có ý nghĩa gì với dân tộc VN. Họ cho rằng ĐCS bây giờ là 1 nhóm lợi ích, không như lúc trước đấu tranh giải phóng dân tộc nữa. Vì vậy, bản Hiến pháp thông qua chỉ cho một số nhóm lợi ích thậm chí còn thụt lùi. Bạn Sep Pham nêu ra quy định về sở hữu đất đai toàn dân để lý giải vì sao lại thụt lùi:
“Đảng Cộng Sản nói một đường nhưng thực ra có bao giờ làm như thế đâu. Bây giờ nói ‘quyền sở hữu là toàn dân’ nhưng thực ra dân có quyền sở hữu đâu. Quyền toàn dân thì làm gì có chuyện Nhà nước quản lý? Như vậy thì quá vô lý, không thực tế chút nào. Hai điều này chồng chéo với nhau, không được thống nhất cho nên vấn đề như cưỡng chế hay thu hồi đất là quá sai lầm. Đất đai thuộc toàn dân mà lại thu hồi là quá vớ vẩn”.
Trả lời câu hỏi của Hòa Ái về hy vọng 1 bản Hiến pháp của VN phải như thế nào, bạn Sep Pham nói tiếp:
Các bạn trẻ thanh niên VN dẫn chứng từ năm 1945 đến nay, VN chưa bao giờ có trưng cầu dân ý kể từ khi ĐCS lên nắm chính quyền và họ cho rằng chỉ khi nào Điều 4 Hiến pháp được xóa bỏ thì việc trưng cầu dân ý mới thành hiện thực
“Ước vọng của thanh niên hoặc sinh viên như bọn chúng em là thay đổi Điều 4 Hiến pháp, đa nguyên đa đảng, tam quyền phân lập. Quân đội phải trung lập chứ không thể bảo vệ cho Đảng. Nếu một Nhà nước mà quân đội luôn trung thành, bảo vệ cho Đảng cầm quyền như thế thì quá nguy hiểm cho nhân dân”.
Câu hỏi đặt ra đối với các bạn thanh niên có đủ niềm tin vào đội ngũ đảng viên trẻ sẽ trở thành lực lượng duy nhất lãnh đạo đất nước VN trong tương lai hay không thì hầu hết trong các bạn thanh niên mà đài ACTD tiếp xúc đều cho rằng niềm tin này không tồn tại. Bạn Khoa, một sinh viên bày tỏ:
“Giống như chương trình ‘Sinh viên tình nguyện’ em thấy đi cho vui chứ đâu có đóng góp gì nhiều cho dân ở đó đâu mà tốn kém nhiều, chi phí bỏ ra nhiều hay như mấy chương trình như ‘Hỗ trợ cho học sinh đi thi Đại học’..Em thấy mấy hoạt động đó chỉ theo hình thức phong trào chứ không có tác dụng tích cực nhiều. Tại vì họ bị giới hạn bởi chỉ đạo ở trên rồi. Họ không được làm những việc khác”.
Các bạn trẻ thanh niên VN không có niềm tin vào 1 thế hệ đảng viên tiếp nối có đủ bản lĩnh và thực tài để lãnh đạo quốc gia khi thế hệ các đảng viên trẻ cũng chỉ sẽ tiếp tục trở thành các ông nghị, bà nghị “gật” ở chính trường Quốc hội. Các bạn trẻ thanh niên VN dẫn chứng từ năm 1945 đến nay, VN chưa bao giờ có trưng cầu dân ý kể từ khi ĐCS lên nắm chính quyền và họ cho rằng chỉ khi nào Điều 4 Hiến pháp được xóa bỏ thì việc trưng cầu dân ý mới thành hiện thực và khi đó người dân VN mới có được một bản Hiến pháp “hợp lòng dân” đúng nghĩa.
Thế hệ thanh niên hiện nay sẽ là thế hệ làm chủ đất nước VN trong tương lai đều khẳng định như người đảng viên không muốn nêu tên "Nếu được tự do ứng cử hoặc tự do bầu cử theo đúng nghĩa của nó thì điều đó là một điều rất tốt", bằng không viễn ảnh của quốc gia sẽ là một bức tranh không tươi sáng.