Freedom House: VN tiếp tục đàn áp tự do báo chí và các tổ chức XHDS

0:00 / 0:00

Tổ chức Freedom House có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ, hôm 27 tháng 1 lên tiếng chỉ trích chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp tự do báo chí và hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự, cũng như hạn chế việc truy cập internet để tìm kiếm thông tin. Đây là những thông tin được Freedom House đưa ra nhân dịp công bố báo cáo về tự do toàn cầu 2016 của tổ chức này, nhằm nhìn lại tình hình tự do ở các nước trong suốt năm 2015.

VN còn giam giữ ít nhất 130 tù chính trị

Với điểm số trung bình là 20 trong thang điểm từ 1 đến 100, Việt Nam được xếp vào 1 trong số 50 nước bị coi là hoàn toàn không có tự do trong bản báo cáo về tự do toàn cầu 2016 được Freedom House công bố vào ngày 27 tháng 1. Bản báo cáo đánh giá tình hình tự do ở 195 quốc gia, trong đó con số những nước bị coi là không có tự do chiếm khoảng 26%.

Trong năm qua chúng tôi thấy là VN vẫn tiếp tục cho thấy xu hướng tiêu cực mà chúng tôi đã chứng kiến trong các năm trước đó. Ví dụ như một loạt các bloggers, những người viết trên mạng bị bắt giữ. <br/> -Bà Jennifer Dunham

Bà Jennifer Dunham, Giám đốc nghiên cứu về Tự do báo chí và Tự Do Thế giới của Freedom House cho biết tự do trong nhiều mặt tại Việt Nam vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ:

“Trong năm qua chúng tôi thấy là Việt Nam vẫn tiếp tục cho thấy xu hướng tiêu cực mà chúng tôi đã chứng kiến trong các năm trước đó. Ví dụ như một loạt các bloggers, những người viết trên mạng bị bắt giữ, những phiên tòa xử các nhà hoạt động xã hội được tiến hành bất chấp những áp lực từ quốc tế. Chúng tôi đã thấy Việt Nam trả tự do cho một số những nhà hoạt động xã hội có tên tuổi ngay trước chuyến thăm của ông Tổng Bí thư đảng cộng sản sang Mỹ nhưng theo chúng tôi đây chỉ là những bước đi mang tính hình thức để làm dịu quan hệ Mỹ Việt trước chuyến thăm mà thôi. Do đó chúng tôi không cho rằng đây là những bước tiến bộ chắc chắn từ Việt Nam.”

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch), trong giai đoạn từ 2014 đến 2015, khi Việt Nam vẫn trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 nước khác bao gồm Hoa Kỳ, Việt Nam đã trả tự do cho 14 bloggers và các nhà hoạt động xã hội do sức ép từ phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên, theo Human Rights Watch, nhiều nhà hoạt động xã hội có tên tuổi khác vẫn bị giam giữ, thậm chí có người không được đưa ra xét xử. Theo Human Rights Watch, Việt Nam đã gia tăng việc đàn áp các nhà hoạt động xã hội, các bloggers trong năm 2015 và hiện vẫn còn giam giữ ít nhất 130 tù chính trị.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón tiếp Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc hôm 7/7/2015.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón tiếp Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tại Tòa Bạch Ốc hôm 7/7/2015. (Courtesy WhiteHouse)

Ngay trước chuyến thăm của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ vào tháng 7 năm ngoái, Việt Nam đã trả tự do cho ông Lê Thanh Tùng, một người viết tự do, thành viên của nhóm 8406, một nhóm dân sự đòi dân chủ cho Việt Nam. Sau đó, với sức ép từ phía Hoa Kỳ, Hà Nội trả tự do cho blogger Tạ Phong Tần, thành viên của của Câu lạc bộ nhà báo tự do. Vào tháng 12 năm ngoái, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ blogger, luật sư Nguyễn Văn Đài với cáo buộc tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Vụ bắt giữ này đã khiến Liên Minh châu Âu và Hoa Kỳ lên tiếng phản đối.

VN có điểm tự do chính trị thấp nhất

Bản báo cáo mới của Freedom House cũng cho điểm đối với tự do chính trị và tự do dân sự với thang điểm từ 1 đến 7, trong đó 1 là tự do nhất và 7 là ít tự do nhất. Việt Nam có điểm tự do chính trị là 7 tức là mức thấp nhất, trong khi đó tự do dân sự là 5. Theo bà Jennifer Dunham, với những điểm số này, Việt Nam vẫn hoàn toàn dậm chân tại chỗ. Đại diện Freedom House cũng bày tỏ lo ngại tình hình sẽ không có biến chuyển với kết quả của đại hội đảng 12 và việc bầu chọn vị Tổng Bí thư là ông Nguyễn Phú Trọng:

Chúng tôi cũng thấy với một Tổng Bí Thư mới được bầu sau đại hội lần này thì tất cả nhưng hy vọng về đổi mới có thể sẽ không xảy ra vì ông ta là một trong những người thủ cựu và ông ta sẽ có nhiều khả năng tiếp tục chính sách cũ. <br/> -Bà Jennifer Dunham

“Việt Nam vẫn dậm chận tại chỗ. Việt Nam vẫn tiếp tục duy duy trì mức độ đàn áp với báo chí, xã hội dân sự và hạn chế trên internet. Chúng tôi cũng thấy với một Tổng Bí Thư mới được bầu sau đại hội lần này thì tất cả nhưng hy vọng về đổi mới có thể sẽ không xảy ra vì ông ta là một trong những người thủ cựu và ông ta sẽ có nhiều khả năng tiếp tục chính sách cũ.”

Người đại diện của Freedom House cũng cho rằng quan hệ đang được cải thiện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã không giúp ích được gì trong việc gây sức ép lên chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền:

“Chúng tôi chưa thấy sức ép đủ mạnh từ phía chính phủ Mỹ lên Việt Nam để cải thiện tình trạng nhân quyền. Họ có trả tự do cho một số người viết tự do trước chuyến thăm của ông Tổng Bí thư, nhưng vẫn còn nhiều người khác bị đàn áp, bị bắt và kết án tù. Cho nên điều chúng tôi muốn thấy là Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây nhiều sức ép lên Việt Nam hơn nữa để đảm bảo tự do báo chí hơn nữa và chấm dứt việc bắt giữ các blogger và các người viết tự do.”

Bản áo cáo mới của Freedom House trong năm nay với tựa Anxious Dictators, Wavering Democracies, tạm dịch là “Các nhà độc tài lo lắng, Các nền dân chủ lung lay”, cũng cho thấy sự sụt giảm về tự do toàn cầu trong suốt 10 năm liên tục. Theo báo cáo mới, trong suốt 10 năm qua, đã có đến 105 quốc gia có sụt giảm về tự do, trong đó chỉ có 61 quốc gia có nhũng tiến bộ. Hoa Kỳ được đánh giá là quốc gia có tự do nhất về chính trị và dân sự. Trong khi đó 12 nước ít tự do nhất nằm chủ yếu ở Châu Á, Trung Đông và Châu Phi.