Việt Nam không biết thông tin Trung Quốc đặt tên lửa phòng không gần biên giới?

0:00 / 0:00

Cập nhật ngày 8/2/2021

“Chúng tôi sẽ xác minh thông tin như bạn hỏi”.

Đó là câu trả lời của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, tại cuộc họp báo trực tuyến vào chiều 4 tháng 2 về câu hỏi liên quan một số hình ảnh, thông tin cho thấy có một căn cứ tên lửa đất đối không đang được Trung Quốc hoàn tất chỉ cách biên giới Việt Nam chừng 20 km.

Nhiều người Việt Nam bày tỏ bất bình trên mạng xã hội về câu trả lời của bà Hằng. Một nhà báo viết trên facebook cá nhân rằng, cả một trận địa tên lửa phòng không, cả một sân bay… xây bao nhiêu ngày mới xong chứ có phải cái túp lều từ đâu mới xuất hiện mà không thấy, mà còn phải đi xác minh?

Với cái nhìn của một nhà nghiên cứu Biển Đông, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng, câu trả lời của người phát ngôn Bộ ngoại Giao Việt Nam là hợp lý trong tư cách ngoại giao. Ông giải thích thêm:

“Theo tôi, thông tin này chỉ được đưa ra từ một nguồn là Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. Đây chỉ là một tổ chức phi chính phủ. Một số báo chí có gửi email cho nơi này để hỏi về thông tin, tọa độ trận địa này nhưng Dự án Đại Sự Ký Biển Đông chưa trả lời. Bởi vậy tôi nghĩ chính phủ Việt Nam cũng cần phải xác minh rõ ràng xem có dự án quân sự này không và nó như thế nào. Hiện nay chưa có thông tin từ các hãng thông tấn lớn.”

Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc, tác giả của nhiều nghiên cứu về chủ quyền biển, đảo Việt Nam, nhận định:

“Khi nghe bà Lê Thị Thu Hằng trả lời báo chí như vậy thì tôi nảy ra một câu hỏi rằng, Việt Nam đã phóng vệ tinh Vinasat 1, Vinasat 2. Và lúc bấy giờ nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rằng, kể từ đây Việt Nam làm chủ không gian. Thì những hình ảnh, tin tức để phòng thủ đối với đất nước mà vệ tinh của Việt Nam thu được như thế nào? Vai trò của vệ tinh Việt Nam ra sao?

Nhìn lại trước đây, bản đồ những căn cứ quân sự của Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa cũng như Hoàng Sa được chụp bằng vệ tinh, đều từ những trang tin nước ngoài. Phải chăng Việt Nam không đủ phương tiện hay là vì quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt - Trung hiện nay mà Việt Nam lờ đi những thông tin này?”

abcc22ca-6b3b-4a26-8d39-8bb80d145c00.jpeg
Tàu USS John McCain ở Biển Đông hôm 28/6/2014. Reuters

Hôm 3 tháng 2 năm 2021, trên trang mạng Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, một dự án nghiên cứu được sự tài trợ từ một số quốc gia Tây Phương, đăng hình ảnh vệ tinh cho thấy một căn cứ tên lửa đất đối không đang được xây dựng ở huyện Ninh Minh của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, cách biên giới Việt Nam khoảng 20 km. Một công trình khác bị nghi là sân bay trực thăng cũng đang được xây dựng cách biên giới Việt Nam khoảng 60 km. Dữ liệu cũng chỉ ra căn cứ đã được bắt đầu xây dựng từ khoảng giữa năm 2019.

Căn cứ tên lửa đất đối không như thế cho phép Trung Quốc khai triển những hoạt động quân sự trong điều kiện địa hình và thời tiết khắc nghiệt. Theo phân tích của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, vị trí phòng không bằng tên lửa đất đối không cũng cho phép đánh chặn các cuộc tấn công trên không.

Trung tá Quân Đội Đinh Đức Long đánh giá về thông tin này cũng như câu trả lời của người phát ngôn Bộ ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng:

"Về mặt ngoại giao thì người ta nói thế là khôn ngoan. Dại gì mà khẳng định. Họ phải nói sao cho họ còn đường rút nữa chứ.

Còn về mặt kỹ thuật, không chắc đây là trận địa thật hay trận địa giả. Về nguyên tắc, mình muốn khẳng định thì mình phải có những bằng chứng khác nữa ngoài cái mình nghe. Đấy chỉ là bằng chứng gián tiếp thôi. Chưa nói kỹ thuật có thể làm photoshop rất giỏi nữa. Còn nếu cho đó là thật thì đây chủ yếu là dọa, là nắn gân nhau thôi. Bởi với kỹ thuật tên lửa hiện nay thì họ bắn tới bất cứ đâu trên thế giới, 20km chẳng nói lên được cái gì.”

Dọa dẫm, nắn gân nước khác là cách Trung Quốc thường làm mỗi khi Hoa Kỳ có Tổng thống mới. Đây là điều Giáo sư Carl Thayer thuộc học viện Quốc phòng Úc từng nhiều lần nói với RFA.

Cuối năm 2020 ông Carl Thayer đưa ra dự đoán rằng, năm 2021 Trung Quốc vẫn tiếp tục có những hành động như thường lệ để khẳng định chủ quyền của mình và một số các quốc gia ven biển vẫn giữ thái độ im lặng. Một điểm đáng chú ý là liệu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có bày ra hành động khiêu khích nào để ‘thử’ Chính quyền của ông Biden trước khi ông Biden chính thức nhậm chức năm tới hay không.

Với dự án trận địa tên lửa phòng không của Trung Quốc sắp hoàn thành ở huyện Ninh Minh của tỉnh Quảng Tây nước này, Dự án Đại Ký Sự Biển Đông cho rằng mô hình ở gần biên giới Việt Nam nhỏ hơn nhiều so với mô hình mà Trung Quốc triển khai dọc biên giới với Ấn Độ và cao nguyên Tây Tạng trước đây.

bordermislevnchina11.jpeg
Hình chụp vệ tinh địa điểm được cho là có căn cứ tên lửa của Trung Quốc gần biên giới với Việt Nam đầu năm 2021. Hình South China Sea News

Ông Đinh Kim Phúc cho rằng căn cứ này chỉ mang tính chiến thuật, nhằm mục đích đe dọa Việt Nam. Ông phân tích:

“Hiện nay với lực lượng tên lửa chiến lược và chiến thuật của Trung Quốc cũng đứng hàng nhất, nhì trên thế giới thì họ đặt sâu trong lục địa nước họ. Đó là khu vực tỉnh Sơn Đông cũng như khu vực sa mạc giáp vùng Tân Cương.

Không ai đặt một căn cứ tên lửa chiến lược cạnh một quốc gia cựu thù cho dù hiện nay gọi là đồng chí. Do đó, tôi đánh giá cái căn cứ tên lửa ở huyện Ninh Minh thuộc tỉnh Quảng Tây chỉ là căn cứ chiến thuật.

Trung Quốc lập căn cứ tên lửa này nhằm mục đích răn đe Việt Nam, răn đe thái độ của Việt Nam trong thời gian gần đây, nhất là trên vấn đề Biển Đông. Việt Nam ngày càng cứng rắn hơn trong quan điểm của mình đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các điểm nóng trên Biển Đông. Việt Nam đang đa dạng hóa, đa phương hóa với tất cả các nước để bảo đảm an ninh khu vực ở Biển Đông, ở Đông Nam Á và châu Á Thái Bình Dương.”

Những năm gần đây, Hoa Kỳ có những động thái mạnh tay với Trung Quốc ở Biển Đông để cảnh cáo Trung Quốc trong việc bắt nạt các nước nhỏ trong khu vực.

Tháng 12 năm 2020, tàu khu trục Mỹ USS John S. McCain vào gần Trường Sa để thực hiện hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Thông cáo báo chí của hải quân Mỹ nêu rõ, các yêu sách hàng hải bất hợp pháp và sâu rộng ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở, và cơ hội tự do kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông.

Mới hôm 5 tháng 2 năm 2021, khu trục hạm USS John McCain tiếp tục đi vào vùng biển quần đảo Hoàng Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế. Đây là chuyến thực hiện quyền tự do hàng hải của Hải quân Hoa Kỳ đầu tiên ở Biển Đông dưới thời tân tổng thống Joe Biden.

Mới đây nhất, trong cuộc điện đàm giữa tân bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony J. Blinken và người tương nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh, hai vị bộ trưởng cũng thảo luận về cam kết chung đối với hòa bình, thịnh vượng cho vùng Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở; cũng như bảo vệ và duy trì một khu vực Biển Đông dựa trên căn bản pháp luật.

Đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ Hà Nội đưa những thông tin quốc phòng vào dạng tuyệt mật, tối mật. Hầu như sau khi truyền thông quốc tế loan đi, nhiều tin tức mới được báo giới trong nước loan tải nhưng cũng phải theo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương. Nếu có công dân nào lên tiếng chất vấn hoặc muốn tham gia bày tỏ chính kiến thì cơ quan chức năng yêu cầu họ ‘hãy để Đảng và nhà nước lo’.

_____________

Thông tin bổ sung: Đài RFA đã liên hệ với trang Đại Ký Sự Biển Đông và nhận được phản hồi như sau:

Các hình ảnh vệ tinh được Đại Ký Sự Biển Đông thu thập được cho thấy một căn cứ cho tên sửa đất đối không (SAM) đã được hoàn tất ở huyện Ninh Minh, thuộc khu tự trị Quảng Tây. Đây là khu vực cách biên giới Việt Nam với Trung Quốc khoảng 20 km. Cách đó khoảng 40 km là một địa điểm khác dường như là một bãi đáp trực thăng quân sự đang được xây dựng.

Tên lửa SAM được sử dụng để bảo vệ các địa điểm trên mặt đất khỏi các tấn công từ trên không, đặc biệt là với các máy bay ném bom tầm cao bay vượt qua tầm với của đạn pháo phòng không thông thường.