Việt Nam vá lỗi chiến lược kinh tế biển

Ngư dân Việt Nam.
Ngư dân Việt Nam. (RFA)

Phát biểu kết thúc Hội nghị Trung ương 8 của Đảng cộng sản, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến vấn đề phát triển kinh tế biển bền vững là vấn đề đầu tiên. Ngày 22/10, ông Trọng đã chính thức ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Phó viện trưởng Viện VIDS, thường sau 10 năm thực hiện một chiến lược, chương trình, đảng cộng sản sẽ tiến hành việc đánh giá, xem xét kết quả thực hiện để có hướng bổ sung hoặc thay đổi.

“Mặc dù đến 2020 mới hết thời hạn thực hiện nghị quyết cũ năm 2007, mà bây giờ đặt vấn đề ra nghị quyết mới. Chứng tỏ việc thực hiện nghị quyết cũ, bên cạnh những cái kết quả đạt được, thì nó có những tồn tại, yếu kém. Trước hết, nghị quyết cũ có những khúc mắc, cản trở việc thực hiện, mặc dù mục tiêu và những biện pháp đề ra hồi bấy giờ cho đến nay vẫn còn giá trị.”

Những vấn đề trong thực hiện Nghị quyết chiến lược biển năm 2007

Mặc dù đến 2020 mới hết thời hạn thực hiện nghị quyết cũ năm 2007, mà bây giờ đặt vấn đề ra nghị quyết mới. Chứng tỏ việc thực hiện nghị quyết cũ, bên cạnh những cái kết quả đạt được, thì nó có những tồn tại, yếu kém. - TS. Đinh Hoàng Thắng

Theo đánh giá của Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, điểm tồn tại đầu tiên trong việc thực hiện nghị quyết chiến lược biển năm 2007 là về mặt nhận thức của các ngành, các cấp về phát triển và vai trò của kinh tế biển.

“Nhưng mà cái chưa được, người ta nói nhiều đến nhận thức về vai trò, vị trí của kinh tế biển ở các ngành, các cấp còn chưa thống nhất và đầy đủ, do đó còn quan niệm khác nhau về kinh tế biển và chưa coi trọng tính liên kết giữa các mảng không gian biển và vùng kinh tế biển đảo. Vấn đề ở đây không phải chỉ có trên bờ biển, mà cả không gian biển, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Ngay cả quy mô của kinh tế biển vẫn còn nhỏ bé, tản mạn, chưa xứng với tiềm năng và cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý.”

Thêm vào đó, theo Giáo sư- Tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, mục tiêu và tầm nhìn trong nghị quyết chiến lược biển năm 2007 là đúng đắn, nhưng cách thức tổ chức thực hiện còn nhiều bất cập, nên kết quả không được như mong đợi.

“Việc nhập Bộ Thủy sản vào Bộ Nông nghiệp đã khiến cho quá trình thực hiện Chiến lược về kinh tế biển bị ảnh hưởng, mà tôi nghĩ rằng ảnh hưởng ngay đến ngành thủy sản – một ngành kinh tế vốn được xem là mũi nhọn. Việc thay đổi đó không chỉ là hành chính, mà còn đẩy lùi ngành thủy sản đi một khoảng rất xa. Cho nên, ngay trong việc thực hiện chiến lược kinh tế biển đó, chúng ta chưa có công cụ mạnh, giải pháp mạnh để có thể thực hiện được những cái đề ra. Cho nên sau 10 năm, nghị quyết ấy vẫn còn nằm trên giấy là chính, vẫn có những mảng đã thực hiện rồi, nhưng mà những mảng đó so với những gì chúng ta mong muốn trong nghị quyết còn rất ít.”

Bên cạnh đó, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trong hơn 10 năm qua, các quốc gia biển xung quanh chúng ta đã đẩy mạnh việc tiến ra biển nhằm khai thác tiềm năng thiên nhiên, củng cố và thực thi chủ quyền trên biển, trong khi đó, Việt Nam chưa đạt được những mong đợi này.

“Chúng ta là cạnh tranh với quốc tế trong việc canh tác biển, sử dụng biển, khai thác biển ngày càng quyết liệt. Cho nên, theo tôi, hai yếu tố bên ngoài, bên trong, cùng thay đổi trên toàn cầu, nó khiến chúng ta phải xem lại chiến lược biển.”

Chiến lược kinh tế biển mới và những điểm sáng

Trong Nghị quyết 36-NQ/TW, giá trị cốt lõi là đưa Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh về biển” và “giàu từ biển” trong chiến lược biển 2020, được bổ sung thêm các giá trị cốt lõi khác như “dựa vào biển” và “hướng ra biển” trong Chiến lược kinh tế biển bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết thúc Hội nghị Trung ương 8 của Đảng cộng sản.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết thúc Hội nghị Trung ương 8 của Đảng cộng sản. (File photo)

Theo đó, mục tiêu đặt ra là đóng góp của các ngành kinh tế thuần biển chiếm khoảng 10% GDP cả nước; đóng góp của các tỉnh, thành phố ven biển chiếm 65 - 70% GDP cả nước với quy mô GDP của kinh tế biển khoảng 1000 tỷ USD. Chỉ số phát triển con người (HDI) các tỉnh, thành phố ven biển cao hơn mức trung bình cả nước; thu nhập bình quân đầu người của các tỉnh, thành phố ven biển gấp từ 1,2 lần trở lên so với thu nhập bình quân của cả nước. Bên cạnh đó là phát triển khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường biển.

Theo TS. Nguyễn Hữu Dũng, cần phải hiểu rõ các ngành kinh tế biển có nhiều thách thức khác so với kinh tế trên đất liền, nên cần phải có cách thức tiếp cận khác. Mặt khác, việc quản lý các ngành kinh tế biển như nuôi – trồng thủy hải sản, dầu khí, đóng tàu, du lịch, vận tải, ... từ trước đến nay là những mảnh ghép rời rạc trong những bộ ngành khác nhau, không có liên quan mật thiết, không ràng buộc về mặt pháp lý, thể chế.

“Điều quan trọng mà tôi muốn nói ở đây là cần có 1 bộ để quản lý không gian biển và việc phối hợp giữa các bộ phận kinh tế (biển) với nhau. Đó có thể là Bộ Phát triển kinh tế biển, Bộ kinh tế biển, hoặc rộng hơn, bao trùm hơn như Indonesia người ta làm là Bộ các vấn đề về biển và thủy sản. Tức là một bộ quản lý theo không gian biển, bao trùm các hoạt động, lĩnh vực kinh tế (biển) và tạo sự phối hợp giữa các lĩnh vực kinh tế đó, nhưng sức mạnh của nhiều ngành lên để đạt hiệu quả lớn hơn.”

Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới được ban hành, còn cần thời gian thực hiện để đánh giá kết quả và có những điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, những giải pháp để thực hiện thì vẫn không có nhiều sự thay đổi, trong đó hai vấn đề quan trọng là vốn đầu tư và khoa học công nghệ.

Tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ của các quốc gia khác tiên tiến hơn về kinh tế biển, để mà chúng ta làm tốt việc khai thác tiềm năng vùng biển rộng 1 triệu km2 của mình. - TS. Nguyễn Hữu Dũng

“Rõ ràng là kinh tế biển của thế kỷ 21 cần phải có khoa học công nghệ tiên tiến, cao cấp. Do vậy, đầu tư vào khoa học công nghệ để phục vụ cho kinh tế biển cần có những chương trình quốc gia sâu, rộng, mới có thể đạt được những thành tựu về khoa học công nghệ khả dĩ, phục vụ cho phát triển kinh tế biển. Tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ của các quốc gia khác tiên tiến hơn về kinh tế biển, để mà chúng ta làm tốt việc khai thác tiềm năng vùng biển rộng 1 triệu km2 của mình.”

Một điểm sáng là tiền đề để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững là việc Quốc hội Việt Nam ban hành Luật Thủy sản năm 2017, thay thế cho Luật Thủy sản 2003, với sự giúp đỡ và hỗ trợ kinh nghiệm của quốc tế.

Trong Luật Thủy sản 2017, khái niệm nghề cá nhân dân đã được thay thế bằng khái niệm nghề cá thương mại bền vững – TS Dũng đánh giá đây là “bước chuyển lớn về chất”. Quan trọng nhất trong Luật này là xóa bỏ tư duy “điền tư, ngư chung”, tiến hành “giao” vùng biển cho người dân và doanh nghiệp tiến hành sản xuất, khai thác, nhằm thúc đẩy họ gia tăng đầu tư về vốn và công nghệ.

“Như vậy là chủ thể sử dụng vùng biển được xác định. Thứ hai là anh muốn được giao thì anh phải có dự án – tức là phải nằm trong quy hoạch, phải được cơ quan thẩm quyền xét duyệt và thứ ba là dự án của anh phải đạt một số chuẩn mực nhất định. Điều đó tương đương với nghề cá thương mại của thế giới và nó khiến cho trình độ của chúng ta về quản lý cao hơn. Trên những lĩnh vực khác của ngành thủy sản, nó cũng được tiếp cận theo hướng đó, tuy nhiên mức độ có thể khác nhau cho từng lĩnh vực khác nhau. Rõ ràng, với cách tiếp cận mới này, Luật Thủy sản 2017 cách mạng hơn hẳn, hiện đại hơn hẳn luật Thủy sản năm 2003.”

Việc đề ra Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển lần này được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước, tận dụng mọi tiềm năng hiện có để phát triển và quan trọng bậc nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và lợi ích quốc gia tối thượng.