Hôm thứ Bảy, ngày 11/4/2020 Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gởi thư đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài kêu gọi sự đồng lòng, trợ giúp của Việt kiều cho đất nước chống lại dịch bệnh COVID-19.
Thư được đăng lên Cổng Thông Tin điện tử Chính phủ với nội dung lời kêu gọi của người đứng đầu chính phủ Hà Nội “đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng chống dịch bệnh” .
Ông Minh, một tiểu thương ở Hà Nội, nhận xét là người dân trong nước khá thờ ơ với lời kêu gọi này vì nghĩ tác động của nó cũng không có mấy, đọc hàng tin đầu là hiểu hết ý Thủ tướng rồi:
" Không có gì quá to tát cả, chính xác là kêu gọi nguồn lực từ khắp nơi, nói gì thì nói có còn hơn không. Ông ấy nói "đồng bào" theo mình hiểu là bao gồm thành phần cùng ý kiến và thành phần ngược ý kiến. Bây giờ người Việt Nam đi nước ngoài quá nhiều rồi, lao động hay làm việc hay định cư là quá bình thường, không phải chuyện gì to tát như ngày xưa. Nên là khi ông ấy kêu gọi thì bao gồm tất cả, thành phần nào cũng chả quan trọng lắm".
Theo tiến sĩ Nguyễn Quang A, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang làm công việc mà ông phải làm, chỉ tiếc thư của ông gởi đồng bào hay cộng đồng người Việt hải ngoại có ngôn từ sáo rỗng, không lay động được lòng người:
“Họ luôn luôn quen dùng sáo ngữ như vậy với hàm ý bà con người Việt ở nước ngoài là “phần không thể tách rời của dân tộc”. Kêu gọi như thế để khẳng định cho cái tính chính đáng của họ, bởi từ trước đến nay họ vẫn làm như thế một cách rất là nhất quán, và đấy là hành động chính trị có chủ ý của họ”.
“ Tất nhiên những sáo ngữ như thế có thể rất chối tai, nhưng có thể rất bùi tai với một mảng những người mà thực sự muốn giúp đỡ. Tôi nói thí dụ các nhà khoa học, những doanh nghiệp, những người tìm cách hỗ trợ Việt Nam. Với những người Việt đi ra nước ngoài sau 30/4/1975 hay thuyền nhân thì đấy là cái sự nực cười, là chối tai. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nó rất đa dạng, có người nghe thấy chối tai, có người nghe thấy là bùi tai… Triệu đô, vài chục triệu đô phải là cái mục đích…”
Đối với giáo sư Mạc Văn Trang, chuyện gì mà đến phiên Thủ tướng nói thì coi như hỏng chuyện đó:
“ Thủ tướng kêu gọi ai có cái gì thì đóng góp cái đó để cùng với Nhà Nước chống cái đại dịch COVID 19 này. Chủ trương này trong nước cũng được nhiều người hưởng ứng, nhưng cũng có nhiều người phàn nàn đang khó khăn còn bắt đóng góp. Nhà nước này thì quen thế rồi, hễ có chuyện gì thì đều kêu gọi toàn dân. Thế thì chẳng nhẽ kêu gọi dân trong nước mà lại không kêu gọi cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Không hiểu kiều bào ở nước ngoài có hưởng ứng hay không bởi vì kiểu bào ở nước nào thì bây giờ người ta cũng đang khó khăn, tất cả đều giãn cách xã hội, cách ly tại nhà”.
“Thứ hai nữa người ta đang ở các nước không có kêu gọi nhân dân đóng góp mà người ta hỗ trọ nhân dân thôi. Rồi trên Facebook cũng có một ông nói thấy Thủ tướng kêu gọi mình cũng định hưởng ứng nhưng ông lại bảo chống dịch như là giải phóng miền Nam, mà sắp đến ngày 30 tháng Tư nên ông ấy không ủng hộ nữa”.
Thực chất, vẫn lời giáo sư Mạc Văn Trang, không cần kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì dân Việt bên ngoài vẫn cố làm cái gì đó cho người trong nước, có điều thâm tâm họ nghĩ mình sát cánh và chung sức với người bên nhà chứ không phải chung sức sát cánh với chính phủ.
“ Tôi thấy kiều bào bên Mỹ và bên Ba Lan cũng vậy, dù không kêu gọi người ta vẫn tự đông cứu trợ về trong nước. Thứ hai là người ta làm trách nhiệm công dân ở ngày cộng đồng nước sở tại, làm rất là tốt”.
Cũng như nhà giáo Mạc Văn Trang, nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng kêu gọi người Việt nước ngoài chung lưng sát cánh cùng Nhà Nước và nhân dân trong nước chống dịch là yêu cầu có phần dư thừa trong lúc này:
“ Đang sinh sống ở đâu thì phải cộng đồng ở đấy trước tiên, nên tôi không hình dung được họ có thể đóng góp cái gì trong lúc này”.
"Nói rộng ra thì sự đóng góp của người Việt nước ngoài cho quê hương theo tôi biết thì cũng rất nhiều, nhưng khi họ đóng góp lại có những trục trặc những trở ngại không đáng có khiến cho họ nản lòng. Không phải chỉ đóng góp về tiền bạc hay đóng góp về kỹ thu ật mà đóng góp ý kiến nhiều khi hầu như không được nghe, thậm chí còn bị coi là không tốt. Tôi nghĩ bức thư này gợi cho tôi một số suy nghĩ trái chiều thế thôi".
Đó là ý kiến của người trong nước, còn người nước ngoài cho rằng tâm thư của Thủ tướng Việt Nam mà báo Điện Tử Chính Phủ trân trọng giới thiệu nghe không có sức thuyết phục. Nhà văn, nhà báo Thu Nga ở Texas Hoa Kỳ, bày tỏ cảm tưởng:
" Suy nghĩ đầu tiên của tôi là nó hơi buồn cười. Thật tình nếu ông kêu gọi thế giới giúp đỡ thì không nói, nhưng khi ông nói Việt kiều tức ông gom luôn người Việt tị nạn cộng sản thì không thể nào".
“ Vết thương 30/4 còn trong tâm tư và trong trái tim của người tị nạn cộng sản, tại sao ông Nguyễn Xuân Phúc không nói là chống dịch như chống giặc Tàu mà ông lại nói là chống dịch giống như là giải phóng miền Nam. Điều này với tôi hết sức vô lý, chứng tỏ cái sự tăm tối của lãnh đạo cộng sản Việt Nam”.
Đối với nhà báo tự do, cựu tù chính trị Nguyễn Văn Hải, hiện đang sinh sống tại California, Nhà Nước Việt Nam nên lo lắng cho người Việt đi xuất khẩu lao động trước rồi hãy kêu gọi họ chung sức hay đoàn kết với mình:
“Không cần ông phải kêu gọi nhưng vì ông đã kêu gọi thì tôi nhắc với ông rằng người Việt sống ở nước ngoài hoặc là những công nhân Việt Nam, đang đi lao động nước ngoài và hàng năm gởi tiền về cho Việt Nam, hiện bên Singapore đang kẹt lại 300 công nhân không thể về nước và đang kêu cứu. Gần đây nhất là bên Ả Rập UAE cũng có gần 400 công nhân Việt mắc kẹt lại. Các hãng máy bay bên đó sẵn sàng đưa công nhân Việt về nước nhưng mà phải chờ bên Việt Nam mở cửa cho máy bay vào. Bên này chi phí sinh hoạt cao, mấy hôm nay lây nhiễm lên nhiều nên người ta rất mong sớm được về”.
“ Những lời của ông Nguyễn Xuân Phúc viết trong thư chỉ có tính cách sáo rỗng mà thôi. Ngay từ khi có dịch thì những nhóm bạn bè ở bên này liên thông với trong nước và đã nhận rõ được tình hình trong nước. Họ đã mua khẩu trang, nước rửa tay và gởi nhiều thiết bị y tế về cho anh chị em trong nước rồi. Đương nhiên họ không còn niềm tin vào chính phủ”.
Làm việc âm thầm cho bà con của mình bên nhà, không cần chính phủ Việt Nam phải biết, nhà báo Điều Cày Nguyễn Văn Hải nói. Thêm nữa, có bao giờ Nhà Nước cộng sản coi người đóng góp hay làm việc thiện nguyện cho Việt Nam là đồng hành với họ đâu, vì thế thư kêu gọi chung lưng sát cánh đoàn kết chống dịch của thủ tướng chỉ để đọc cho vui và đừng tin thì tốt hơn.