Houston những ngày trước Tết Quí Tị

Những ngày cuối năm Nhâm Thìn, thời tiết Houston bỗng ấm áp như khí hậu Tết của Sài gòn năm xưa. Nhiều buổi hội chợ tại các chùa với ca nhạc đón mừng Xuân Quí Tị, có rất đông người tham dự.

0:00 / 0:00

Những niềm vui Tết phương xa

Năm nay, đúng ngày 23 tháng Chạp, người Việt Houston còn được thưởng thức hai tuồng cải lương về vua Quang Trung và danh tướng Lý Thường Kiệt do đài truyền hình Tuổi Trẻ Hải Ngoại tổ chức với tên gọi "Việt Nam Trang Sử Hào Hùng".

Ông Quốc Bình, giám đốc đài truyền hình Tuổi Trẻ Hải Ngoại cho biết lý do tổ chức chương trình "Việt Nam Trang Sử Hào Hùng":

Chúng tôi chọn có hai ý nghĩa; một là cải lương cũng rất đậm đặc nét văn hóa Việt Nam, thứ hai là nếu chúng ta để ý những tuồng cải lương thì có rất là nhiều tình tự dân tộc. Đó là những điều chúng tôi muốn chuyển tải đến đồng hương, nhất là người Việt hải ngoại ngày nay

Người dẫn chương trình Hưng Yên đã tóm tắt thời kỳ vua Quang Trung đánh quân Thanh để khán giả tiện theo dõi:

Tết năm đó là năm Kỷ Dậu. Vua Quang Trung cho lính ăn Tết trước, ăn Tết sớm và thêm một chiến thuật thần tốc là cứ 3 người 1 võng, cõng nhau để quân lính có thời gian nghỉ và ngủ. Bánh tét là thức ăn mà vua Quang Trung đã chọn cho binh lính là vừa ngon lại vừa no, vừa bổ lại vừa dễ đem đi. Trước khi ra trận, vua Quang Trung đã nói rằng là: "đánh cho sử tri Nam Quốc Anh Hùng Chi Hữu Chủ" tức là "đánh cho chúng biết Nước Nam anh hùng có chủ"

Cải lương cũng rất đậm đặc nét văn hóa Việt Nam, thứ hai là nếu chúng ta để ý những tuồng cải lương thì có rất là nhiều tình tự dân tộc. Đó là những điều chúng tôi muốn chuyển tải đến đồng hương, nhất là người Việt hải ngoại

Ông Quốc Bình

Nhiều khán giả đã bày tỏ sự xúc động khi được xem cải lương và mong muốn sẽ còn được xem thêm những vở tuồng về lịch sử Việt Nam.

Không khí Tết không chỉ chan hòa tại những nơi có ca nhạc hay cải lương mà tại các chợ Việt Nam, dù lớn hay nhỏ cũng bày bán bánh mứt, hoa tươi và cây cảnh tạo nên khung cảnh rất Tết. Trong khuôn viên rộng lớn của chợ Hồng Kông thuộc khu Tây Nam thành phố, bác Vũ Văn Dần đang ngắm nhìn những chậu Lan với chiếc máy ảnh trên tay:

Tôi đi mua mấy món đồ cho Tết, mua bánh chưng, giò chả, hoa, ... Muốn chụp vài phong cảnh sinh hoạt chợ Tết nhưng mới chụp được vài tấm hình thôi.

Bánh chưng bánh tét bày bán la liệt tại các chợ ở Houston những ngày gần Tết. Photo HienVy, RFA
Bánh chưng bánh tét bày bán la liệt tại các chợ ở Houston những ngày gần Tết. Photo HienVy, RFA (Photo HIenvy, RFA)

Còn cô Jennifer cho biết là phải lái xe 6 giờ đồng hồ để sắm tết:

Em ở McAllen lận, em đi lên đây để mua đồ về ăn Tết. Mua bánh tét, mứt dừa, mứt gừng, những món mứt nào mà ở bên Việt Nam từng ăn qua trong những ngày Tết, mua dưa nón nữa ...

Với bó hoa màu đỏ rực rỡ trong tay, bác Nguyễn chia sẻ rằng ngày Tết phải có hoa quả, bánh mứt:

Ngày 30 Tết là ngày mà phong tục của Việt Nam là cúng ông bà thì phải mua mứt, bánh, trái cây ngũ quả để chưng trên bàn thờ. Hoa này là hoa lai ơn (glaieul) Đà lạt.

Cô Nhi thì đang lựa những trái cây cho mâm ngũ quả cúng Tết:

Em mua dừa để cúng ngũ quả, gồm có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài ...

Trong khi đó bác Tú cho biết là đi chợ mua vật liệu để về làm cỗ cúng Tết:

Ngày 30 Tết là ngày mà phong tục của Việt Nam là cúng ông bà thì phải mua mứt, bánh, trái cây ngũ quả để chưng trên bàn thờ. Hoa này là hoa glaieul Đà lạt

bác Nguyễn

Đi chợ Hồng Kông mua đồ chay để nấu chay cúng ngày mùng Một, còn 30 thì cúng mặn. Cúng tới ba bữa Tết luôn

Người Việt tha hương vẫn luôn nhớ về quê mẹ

Và bác Tú nói rằng Tết ở Mỹ không vui như ở Việt Nam

Ở Việt Nam mình thì ngày Tết vui hơn ở đây nhiều

Khu vực bán bánh mứt tại chợ Hông Kông ở Houston những ngày Tết 2013.
Khu vực bán bánh mứt tại chợ Hông Kông ở Houston những ngày Tết 2013. (Photo Hien Vy, RFA)

Nhưng bác Nguyễn thì không đồng quan điểm với bác Tú:

Tết ở Việt Nam và ở đây khác nhau. Ở đây thật ra mình không lo cái ăn cái uống nên không chật vật. Còn ở Việt Nam thì mình đã qua những giai đoạn rất là khổ, nhất là sau 1975 chẳng hạn, thì mỗi lần Tết đến rất là khổ, đến nổi như tụi tui đến ngày 30 Tết, mới có thể có đồng tiền để mua áo, mua quần cho con. Ở Việt Nam người ta khổ vì cuộc sống chật vật. Những người nghèo thì họ lo ghê lắm.

Thí dụ ít nhất thì Tết cũng phải có một cái gì như cái hoa trên bàn thờ hay cái bánh để cúng ông bà tổ tiên. Thành ra dù nghèo thế nào cũng phải cố gắng để mà có. Cho nên Tết ở Việt Nam nhân tình thế thái nó khổ, còn ở đây thì không có lo gì cả vì cuộc sống đầy đủ quá

Thấy mọi người nôn nức đi mua bán, lo tổ chức Tết làm mình nhớ lại. Quanh đi quẩn lại thì ở tại Houston này thì chỉ có chỗ này là có nhiều phong cảnh, sinh hoạt nhắc nhở mình đến những cái Tết ngày xưa thôi

bác Dần

Còn bác Dần thì chia sẻ rằng vì muốn nhớ lại khung cảnh Tết ở quê nhà nên bác đi chợ Tết với ba người con gái của Bác:

Chắc chắn là có rồi. Muốn gợi lại cái đó nên mới đi. Thấy mọi người nôn nức đi mua bán, lo tổ chức Tết làm mình nhớ lại. Quanh đi quẩn lại thì ở tại Houston này thì chỉ có chỗ này là có nhiều phong cảnh, sinh hoạt nhắc nhở mình đến những cái Tết ngày xưa thôi.

Năm hết Tết đến, người Việt tha hương luôn nhớ về quê mẹ. Trong những sinh hoạt đón mừng năm Quí Tị, có người nhớ lại những mùa Xuân không vui tại quê nhà, có người thì cảm nhận sự trống vắng dù vật chất không thiếu nơi đất nước tạm dung.

Trong cảnh Xuân tha hương có người lại mang nặng trong lòng nỗi lo âu cho một quê mẹ không vẹn toàn, trước sự xâm lấn biển đảo của phương Bắc nên đưa con cháu đến xem "Việt Nam Trang Sử Hào Hùng".

Có lẽ không ít người tự hỏi đến bao giờ tất cả những người xa xứ sẽ cảm thấy an toàn để trở về "ăn Tết" trên đất nước Việt Nam?

Theo dòng thời sự: