44 năm sau cuộc chiến: Nhiều người Việt vẫn phải chọn bỏ nước ra đi

0:00 / 0:00

Cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc đã tròn 44 năm. Thế nhưng trong hơn 4 thập niên qua, những làn sóng người Việt di cư khỏi quê hương vẫn tiếp diễn.

Đài RFA ghi nhận trong phần sau.

Ra đi khi chiến tranh kết thúc

Những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh Việt Nam, những dòng người chen lấn ở Đại sứ quán Mỹ cũng như tại cửa sông Sài Gòn và các cảng biển để di tản, rời bỏ quê hương Việt Nam là nơi với những ký ức tang thương và mất mát.

Thống kê cho thấy sau ngày 30/04/1975, gần một triệu người Việt đánh đổi mạng sống của họ trên những con thuyền bé nhỏ để vượt biển, hay bỏ thây nơi rừng sâu nước độc trong hành trình tìm tự do bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Sau hơn một thập niên đất nước Việt Nam “im” tiếng súng, hàng ngàn người Việt ra đi theo các chương trình đoàn tụ gia đình và nhân đạo như chương trình di dân đến Mỹ dành cho những người con lai và dành cho các cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị đi tù cải tạo cùng thân nhân của họ.

Chính phủ Hà Nội thực hiện chính sách mở cửa, phát triển kinh tế và hội nhập với thế giới bắt đầu từ năm 1986. Từ cột mốc thời gian quan trọng này, những làn sóng di dân mới được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam thời hiện đại.

Xuất khẩu lao động

Việt Nam bắt đầu xuất khẩu lao động từ thập niên 80 của thế kỷ trước cung ứng lao động sang các quốc gia Đông Âu, trong khối Xã hội Chủ nghĩa và Liên Xô khi tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Lao động Việt ra nước ngoài, khắp nơi trên thế giới làm việc gia tăng mạnh kể từ khi cơ chế của đất nước thay đổi vào năm 1991. Theo số liệu Wikipedia, tính đến năm 2011, Việt Nam có tổng cộng khoảng 500.000 lao động làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 30 nhóm ngành nghề khác nhau, nhiều nhất tại các thị trường lao động Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia và Hàn Quốc.

Mới đây nhất, Cục Lao động Ngoài nước, thuộc Bộ Lao Động-Thương Binh & Xã Hội công bố tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2018 gần 143 ngàn người, vượt 30% kế hoạch đề ra. Bộ Lao Động-Thương Binh & Xã Hội cho biết có kế hoạch xuất khẩu 120 ngàn lao động Việt trong năm 2019 này.

Đài RFA ghi nhận trong gần 4 thập niên Việt Nam xuất khẩu lao động, không ít công nhân Việt kêu cứu vì bị chủ lao động ngược đãi, không được trả lương đúng theo hợp đồng lao động hay thậm chí còn bị rơi vào hoàn cảnh trở thành lao động nô lệ, và thường thì họ không được sự trợ giúp nào từ các cơ quan lãnh sự của Chính phủ Việt Nam ở nước ngoài. Mặc dù vậy, công nhân Việt chọn ở lại nước ngoài để lao động bất hợp pháp mà không muốn về nước, vì dẫu sao đồng tiền bấp bênh họ kiếm được vẫn khá hơn cuộc sống khốn khó ở quê nhà tại Việt Nam.

<i>Nói Việt Nam có sự phát triển kinh tế là đúng, bởi vì nền kinh tế rất khá hơn trước đây. Nhưng vấn đề cốt lõi là năng lực trong việc tái phân bổ lại kết quả đó cho số đông được hưởng một cách công bằng thì bị thiếu và bị rơi vào những nhóm lợi ích, những nhóm thiểu số quá giàu, thậm chí nhiều tỷ phú nước ngoài cũng không thể cạnh tranh nỗi được. Trong khi số lượng đời sống của dân chúng bình thường, ví dụ như bao nhiêu triệu người ở nông thôn lên thành thị làm công nhân thì đời sống không khá lên được<br/>-Chuyên gia tư vấn <br/> </i>

Chính phủ Malaysia hồi tháng 7 năm 2018 đã mở một chiến dịch truy quét di dân bất hợp pháp và trong số hàng ngàn người bị bắt giữ, số người Việt Nam đông thứ 4 ở mức xấp xỉ 300 người. Chủ tịch Tổ chức Liên đoàn Lao động Việt Tự do, ông Nguyễn Đình Hùng vào thời điểm đó cho RFA biết:

“Trong thời gian chúng tôi đi thăm trong trại tù, cách đây 3 năm, chúng tôi làm việc với Tổng Nghiệp đoàn Malaysia thì họ cho biết số lượng người Việt ở trong các trại tù trên toàn nước Malaysia có khỏang 400 người, bị bắt do nhiều nguyên nhân. Liên đoàn Lao động Việt Tự do vào thăm tù thời gian đó và nghe số người bị bắt 400 là qua nhiều năm, nên tôi thiết nghĩ số người bị bắt trong năm nay được coi như là đông nhất trong thời gian qua ở Malaysia.”

Tình trạng người Việt ra nước ngoài để lao động bất hợp pháp được các hãng thông tấn thế giới liên tục loan tin thời gian gần đây. Vào đầu tháng 1 năm 2019, Cơ quan Di trú Đài Loan thông báo một nhóm gồm 153 người Việt Nam đi du lịch, nhập cảnh vào thành phố Cao Hùng hồi hạ tuần tháng 12 năm 2018 đã bỏ trốn tại nước này. Thông tin người Việt bị đưa lậu đến các quốc gia Tây Âu lao động bất hợp pháp, đặc biệt đến Anh Quốc đang ở mức được cho là đáng báo động. Một nghiên cứu do Tổ chức Chống Nô lệ Quốc tế, Quỹ Liên kết Thái Bình Dương và Tổ chức Chống Nạn Buôn trẻ em-Anh Quốc vừa công bố trong tháng 3 năm 2019 cho thấy hàng ngàn trẻ em Việt Nam bị buôn sang Anh lao động và tệ nạn này có xu hướng gia tăng.

Một thanh niên Việt Nam trong hành trình di dân lậu đến Anh Quốc, từ nhà tù ở Ba Lan, hồi năm 2016 kể lại cho RFA anh đã trải qua các nhà tù ra sao:

“Em đi đường rừng qua Ba Lan trên một chiếc xe container có 9 người. Sang tới biên giới Belarus thì em bị bắt ở tù 1 tháng 16 ngày. Ở đó khổ lắm. Nói chung ăn uống không bằng chó ăn.”

Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân vẫn cứ tìm cách ra nước ngoài lao động với hy vọng sẽ có một cuộc sống tốt hơn. Điển hình là hình ảnh hàng ngàn người Việt, trong những ngày đầu tháng 4 này, đến văn phòng Lãnh sự Hàn Quốc từ 3 giờ sáng để xếp hàng xin visa, sau khi nước này nới lỏng chính sách cấp thị thực cho người Việt Nam ở 3 thành phố lớn bao gồm Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh.

Phụ nữ Việt Nam ngồi chờ được đàn ông Hàn Quốc xem mắt để kết hôn.
Phụ nữ Việt Nam ngồi chờ được đàn ông Hàn Quốc xem mắt để kết hôn. (Courtesy: Ảnh chụp màn hình video Truyền hình Báo Phụ Nữ đăng tải ngày 11/03/17.)

Cô dâu Việt

Hồi tháng 6 năm 2016, truyền thông trong nước dẫn số liệu công bố chính thức của Việt Nam ghi nhận tính đến thời điểm đó có hơn 81.000 người Việt Nam kết hôn với công dân của 50 quốc gia trên thế giới, trong đó nữ giới chiếm đến 92%.

Cũng tính từ mốc thời gian Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, xã hội Việt Nam xuất hiện cụm từ “cô dâu Việt” để nói đến những phụ nữ trẻ ở nông thôn, đặc biệt tại khu vực miền Tây Nam Bộ lấy chồng nước ngoài, chủ yếu qua Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Hàn chục ngàn cô gái Việt chấp nhận đánh đổi tuổi thanh xuân của họ để lấy một người chồng xa lạ, khác biệt ngôn ngữ và văn hóa cho cuộc đổi đời. Nhiều cô dâu Việt thổ lộ với RFA rằng cuộc sống làm dâu xứ người dù buồn tủi, rủi nhiều may ít nhưng họ không có chọn lựa nào khác hơn. Linh mục Nguyễn Thông, từng phục vụ trong Hội thánh Công giáo tại thành phố biển Busan, Hàn Quốc nói với RFA về hoàn cảnh của hầu hết cô dâu Việt ở nước này:

“Các cô qua với mục đích chính là cố vượt ra ngoài tìm cuộc sống kinh tế để giúp gia đình. Đa số các cô nói rằng ở Việt Nam thì miền sông nước không có gì làm hết, công việc bưng bê cũng không bao nhiêu tiền, trong khi qua đây làm ít nhất một ngày cũng năm bảy chục đô la.”

Korea Times trích thống kê của Hàn Quốc, từ năm 2014-2016 có gần 73% phụ nữ nước ngoài lấy chồng ở nước này là người Việt Nam. Còn Taiwan News cho hay tính đến tháng 8 năm 2017 có hơn 98.000 phụ nữ Việt lấy chồng ở Đài Loan, chiếm gần 63% tổng số cô dâu nước ngoài ở đảo quốc này, và tỷ lệ vẫn tiếp tục tăng.

Du học sinh

Một xu hướng di dân khác là tình trạng du học sinh Việt Nam không muốn trở về nước sau khi hoàn tất chương trình học tập ở nước ngoài.

Truyền thông quốc nội, trong năm 2018, dẫn lời của ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE), cho biết người Việt chi tiêu gần 2 tỷ đô la Mỹ (USD)/năm cho việc du học. Số học sinh Việt Nam ở nước ngoài trong năm 2017 được ước tính là 80.000 người, và trung bình tăng 8% tính từ năm 2010 đến năm 2017.

Báo Dân Trí, vào ngày 20 tháng 4 dẫn nguồn từ báo cáo của Văn phòng Giáo dục Quốc tế Canada (CBIE) cho biết Việt Nam nằm trong số 5 nước có du học sinh đông nhất, ở mức gần 24 ngàn người trong năm 2018, tăng 46% so với năm trước đó. Tại Hoa Kỳ, trong năm học 2017-2018, du học sinh đến từ Việt Nam tăng 8,4% gần 25 ngàn sinh viên, tiếp tục đứng thứ 6 trong danh sách các nước dẫn đầu về số lượng du học sinh tại Mỹ.

Nhà báo Lê Bình, từ miền Bắc bang California, tiểu bang có cộng đồng người Việt đông nhất Hoa Kỳ nói với RFA về ghi nhận của ông liên quan tình hình du học sinh Việt Nam ở khu vực này:

“Thành phố San Jose thì sinh viên (Việt Nam) xin học nhiều vì dễ xin nhập học và có nhiều trường học tốt ở đây. Thường thì họ học ở các trường Community College là trường Đại học Cộng đồng hoặc những trường đại học lớn có nhiều ngành chuyên môn ở các thành phố San Jose, San Francisco, Sacramento cũng có sinh viên du học Việt Nam. Nói chung các sinh viên đó là bà con, thân nhân của các cán bộ Cộng sản Việt Nam, hay thậm chí họ là con cái của cán bộ và phần lớn là con của những người có tiền. Theo tôi được nghe biết thì các du học sinh Việt Nam có khuynh hướng nếu được thì họ tìm cách ở lại.”

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận rất nhiều du học sinh Việt Nam chia sẻ rằng họ không thể về nước làm việc vì môi trường không thích hợp, đặc biệt trong lãnh vực nghiên cứu khoa học. Và lý do trên hết mà họ chọn ở nước ngoài, như theo ghi nhận của Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học New South Wales, ở Australia, rằng giới trí thức và chuyên gia Việt Nam “cảm thấy tuyệt vọng, bất lực vì không có cách gì để đóng góp giúp đất nước vươn lên.”

Giới trí thức và doanh nhân

Đồng quan điểm với Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, một chuyên gia tư vấn hàng đầu ở Việt Nam, không muốn nêu tên nhìn nhận hiện tượng di dân của giới trí thức Việt Nam, còn gọi là tình trạng “chảy máu chất xám” là do giới tinh hoa trong xã hội Việt Nam nhìn thấy được hậu quả của việc thiếu năng lực quản lý, điều hành của Nhà nước đã dẫn đến hiện trạng xã hội gần như bế tắc và họ không nhìn thấy chính quyền có giải pháp để xử lý các vấn đề đó nên bị mất lòng tin hay lòng tin bị suy giảm. Chuyên gia này nhấn mạnh:

“Bởi vì một lý do rất quan trọng để người ta yêu nước và cống hiến, xây dựng thì người ta phải tin và yêu người lãnh đạo của họ. Nên khi người ta không còn lòng tin cao như ban đầu nữa thì họ buộc phải tìm một nơi chốn khác. Nhiều người kêu gọi một sự yêu nước như một chân lý cao cả, nhưng nó phải gắn liền với quyền lợi của những người yêu nước. Người ta có thể hy sinh quyền lợi cá nhân để phục vụ cho đất nước khi người ta nhìn thấy điểm đích cuối cùng là đạt được sự thịnh vượng nào đó thì người ta trong giai đoạn buộc phải sẵn sàng hy sinh.”

Vị chuyên gia ẩn danh là người được tiếp xúc và làm việc với rất nhiều người trong giới trí thức, doanh nhân tại Việt Nam và ông ghi nhận phần phần đông trong số họ chọn đầu tư ra nước ngoài hay di dân là vì họ bị chán chường và mất lòng tin đối với chính quyền Việt Nam. Ông lý giải nguyên nhân:

“Nói Việt Nam có sự phát triển kinh tế là đúng, bởi vì nền kinh tế rất khá hơn trước đây. Nhưng vấn đề cốt lõi là năng lực trong việc tái phân bổ lại kết quả đó cho số đông được hưởng một cách công bằng thì bị thiếu và bị rơi vào những nhóm lợi ích, những nhóm thiểu số quá giàu, thậm chí nhiều tỷ phú nước ngoài cũng không thể cạnh tranh nỗi được. Trong khi số lượng đời sống của dân chúng bình thường, ví dụ như bao nhiêu triệu người ở nông thôn lên thành thị làm công nhân thì đời sống không khá lên được.”

<i>Em đi đường rừng qua Ba Lan trên một chiếc xe container có 9 người. Sang tới biên giới Belarus thì em bị bắt ở tù 1 tháng 16 ngày. Ở đó khổ lắm. Nói chung ăn uống không bằng chó ăn<br/>-Một thanh niên Việt Nam</i>

Hoa Kỳ vẫn là quốc gia được số đông doanh nhân Việt Nam chọn lựa để đầu tư kinh doanh và qua đó họ cùng gia đình có thể di dân đến sinh sống và làm ăn ở xứ cờ hoa. Bà An Nguyễn, làm việc trong ngành buôn bán địa ốc ở miền Nam bang Califonia cho RFA biết những khách hàng của bà đến từ Việt Nam đều có cùng quan điểm khi họ chọn đầu tư ở Mỹ là họ đều muốn định cư ở lại:

“Nhiều người nói rằng tại vì đầu tư ở đây thì mình biết là tài sản của mình, còn ở Việt Nam làm ăn bấp bênh lắm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ví dụ như Trung Quốc tràn qua xâm lăng nước mình thì mất hết, còn hai bàn tay trắng. Và ở trong nước khi (chính quyền) muốn bắt bớ ai thì gán tội ‘có âm mưu chống chính phủ’ rồi bắt vô tù, lấy hết tài sản. Họ nói rằng có tiền và giữ được tiền mới là quan trọng, còn có tiền mà sống trong hồi hộp, lo âu thì có đứt mạch máu mà chết. Ở Mỹ mà mua nhà cửa thì biết là sẽ có lời vì số lượng người nhập cư vào nước Mỹ càng ngày càng đông và kinh tế Mỹ cũng mạnh nhất, cho nên người ta không sợ mất. Bên kia có thể người ta đầu tư, làm càng ngày càng nhiều tiền nhưng lại ăn không ngon, ngủ không yên.”

Bà An Nguyễn cho biết thêm theo số liệu của Hiệp hội Địa ốc Quốc gia Mỹ công bố hồi năm 2017, Việt Nam xếp thứ 8 trong số 10 nước mua bất động sản nhiều nhất tại Hoa Kỳ, ở mức hơn 3 tỷ USD.

Hàng ngàn người Việt, trong những ngày đầu tháng 4/2019 xếp hàng bên ngoài văn phòng Lãnh sự Hàn Quốc để xin visa.
Hàng ngàn người Việt, trong những ngày đầu tháng 4/2019 xếp hàng bên ngoài văn phòng Lãnh sự Hàn Quốc để xin visa. (Courtesy: Ảnh chụp màn hình vnexpress.net)

Tị nạn chính trị

Trong những năm gần đây, Việt Nam còn được biết đến như là một quốc gia có chính sách gia tăng cầm tù và tống xuất những tiếng nói của người dân phản biện ôn hòa đối với Chính phủ. Theo số liệu ghi nhận từ các tổ chức nhân quyền thế giới, Việt Nam trong năm 2018 có hơn 100 tù nhân chính trị và tôn giáo. Các trường hợp tống xuất tù nhân chính trị được dư luận toàn cầu quan tâm như Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải, Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài…

Nhiều nhà hoạt động trong nước, mạnh mẽ lên tiếng về các vấn đề xã hội, tệ nạn tham nhũng, kêu gọi cải cách thể chế… để đất nước bắt kịp với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, họ bị sách nhiễu, truy bức đến mức phải trốn ra nước ngoài lánh nạn.

Chúng tôi xin kết thúc bài ghi nhận những làn sóng người Việt di dân vẫn tiếp diễn sau hơn 4 thập niên qua với câu chuyện của ông Hồ Văn Dương, một người Việt Nam hiếm hoi sinh sống tại thành phố Dakar, đất nước Senegal miền Trung Châu Phi.

Ông Dương, qua kênh youtube của Kyle Le Dot Net và một vài báo, đài chia sẻ rằng nhiều năm trước tưởng mình may mắn khi được một người đàn ông dẫn qua Pháp làm việc. Thế nhưng, ông Dương lại bị đưa đến vùng Ivory Coast, Bắc Phi. Sau đó, nơi này xảy ra chiến sự và ông đã trôi dạt đến thành phố Dakar, Senegal, sinh sống bằng nghề chiên chả giò bán. Ông Dương tâm tình rằng một thân một mình ở đó rất buồn và rất nhớ vợ con ở Việt Nam, nhưng ông vẫn chọn lựa ở lại quốc gia nghèo hơn cả Việt Nam vì người dân địa phương tốt bụng, đã giúp đỡ ông những ngày đầu bơ vơ và cũng để kiếm tiền cho cuộc sống mưu sinh của bản thân và gia đình.

<i>Nhiều người nói rằng tại vì đầu tư ở Mỹ thì mình biết là tài sản của mình, còn ở Việt Nam làm ăn bấp bênh lắm, không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Ví dụ như Trung Quốc tràn qua xâm lăng nước mình thì mất hết, còn hai bàn tay trắng. Và ở trong nước khi (chính quyền) muốn bắt bớ ai thì gán tội 'có âm mưu chống chính phủ' rồi bắt vô tù, lấy hết tài sản. Họ nói rằng có tiền và giữ được tiền mới là quan trọng, còn có tiền mà sống trong hồi hộp, lo âu thì có đứt mạch máu mà chết<br/>-Bà An Nguyễn</i>

Tình cảnh của ông Hồ Văn Dương, một người Việt ở Senegal “về không nỡ mà ở không đành”, trong khi tại quê nhà hàng trăm người dân không biết đi đâu về đâu, họ buộc phải sống cảnh tha phương cầu thực ngay trên đất nước Việt Nam với khẩu hiệu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc”, trong danh xưng “dân oan” vì chính sách “đất đai sở hữu toàn dân”. Theo nhận định của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc thì chính sách này đã biến Việt Nam thành “một cường quốc dân oan”, có thể nhìn thấy qua vụ việc cưỡng chế mới nhất ở vườn rau Lộc Hưng, đã khiến hơn 100 hộ dân mất nhà cửa, đất đai chỉ vài ngày trước thềm Tết Nguyên đán.

Còn rất nhiều nữa dân chúng từ Bắc đến Nam chia sẻ với RFA rằng số lượng người chết vì tai nạn giao thông và bệnh ung thư hàng năm chẳng khác mấy số người bị thiệt mạng do bom đạn thời chiến tranh, và họ nói rằng nếu có cơ hội ra đi, có lẽ họ sẽ chọn lựa cuộc sống nơi “đất khách, quê người” hơn là ở lại Việt Nam.