Hội thảo tham vấn các bên liên quan của Việt Nam và Hà Lan về Chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) vừa được tổ chức vào sáng ngày 2/12/2019 tại thành phố Cần Thơ.
Mục đích của Hội thảo được cho biết nhằm thu thập thông tin quan trọng để hoàn thiện các quyết định của Chương trình chuyển đổi nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (MD-ATP).
Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (IPSARD) và Đại sứ quán Hoàng gia Hà Lan tại Việt Nam.
Hội thảo cũng tập hợp các chuyên gia có kinh nghiệm quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long để đưa ra phản hồi, về các ưu tiên và hoạt động được đưa vào chương trình chuyển đổi và trong giai đoạn khởi đầu.
Trả lời RFA sau khi tham dự Hội thảo ở Cần Thơ, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp và Nông thôn (IPSARD), nói:
“Nhu cầu chuyển đổi kinh tế nông nghiệp ĐBSCL là một nhu cầu bức bách, không chỉ giải quyết kinh tế cho bà con nông dân, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Thật ra quá trình chuyển đổi cũng đã diễn ra suốt một thời gian khá dài, nhất là bảng kế hoạch tổng hợp ĐBSCL năm 2013 mà đoàn chuyên gia Hà Lan đưa ra đã định hướng ĐBSCL nên phát triển các ngành nghề nông nghiệp làm chính, đó là lợi thế của ĐBSCL, nông nghiệp thì nên phát triển đa dạng và phát triển vững bền. Cuộc Hội thảo hôm nay ở Cần Thơ để chuyển đổi là bước định ra cho các địa phương, cho các tác nhân sản xuất và kinh doanh, cùng phối hợp với nhau để thực hiện những chương trình, mà đã đặt ra từ trước đó.”
Nhu cầu chuyển đổi kinh tế nông nghiệp ĐBSCL là một nhu cầu bức bách, không chỉ giải quyết kinh tế cho bà con nông dân, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL.<br/>-TS. Đặng Kim Sơn
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, quá trình chuyển đổi châu thổ không thể diễn ra ngày một ngày hai được, mặc dù trong thời gian gần đây có nhiều thay đổi về kinh tế quốc tế và hội nhập, biến đổi khí hậu quyết liệt hơn, vấn đề nước ở thượng nguồn sông Mekong cũng phức tạp hơn, nhưng định hướng chung từ năm 2013 vẫn được giữ nguyên:
“Định hướng chung đưa ra từ năm 2013 vẫn giữ nguyên, lấy nông nghiệp làm gốc, chia vùng, xây dựng các chuỗi giá trị, xây dựng ngành hàng chiến lược… sẽ được thể hiện dần trong quá trình phát triển. Và nội dung Hội thảo hôm nay là bàn các bước triển khai các định hước đó như thế nào? Ngay đến ngày hôm nay cũng chỉ xác định ra các bước đi đầu tiên.”
Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo về Chương trình Chuyển đổi Nông nghiệp vùng ĐBSCL, giảm dần lúa, tăng thủy sản và trái cây, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, gắn kết nông dân - doanh nghiệp và phát triển nhiều mô hình tốt thích ứng hơn với biến đổi khí hậu là những việc mà ĐBSCL cần triển khai mạnh mẽ.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho biết thêm chi tiết:
“Trong kế hoạch của đoàn chuyên gia Hà Lan, là chia ĐBSCL thành 3 vùng gồm, vùng thượng đồng bằng ngập nước sâu ở An Giang Đồng Tháp, vùng giữa là vùng không ngập nước và không nhiễm mặn, và vùng thứ ba là vùng giáp biển gồm cà mau và các tỉnh ven biển. Sau đó thì có rất nhiều thảo luận phân chia như thế nào cho hợp lý. Trong chương trình hôm nay chúng tôi cũng có thảo luận về cơ bản vẫn chia thành 3 vùng, nhưng về bố trí đầu tư cụ thể thì có thể chia làm 6 vùng, tức là những vùng nhỏ hơn.”
Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, cũng đồng tình việc sẽ phát triển ĐBSCL theo 3 vùng gồm: thượng nguồn, giữa và vùng ven biển theo hướng thích ứng và thuận thiên, xoay trục chiến lược sang thủy sản, trái cây, lúa gạo. Trong đó, lúa sẽ giảm diện tích gần 300.000ha, tăng luân canh, xen canh.
Khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 2/12, Giáo sư Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp đặc biệt là ngành trồng lúa, là Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, nhận định:
“Bây giờ mình phải thay đổi, không thể nào làm theo kiểu cũ được, thay vì suốt 40 năm qua mình toàn vật tư cho trồng lúa, trồng lúa bất cứ giá nào, không hiệu quả, không kinh tế. Nhận định của các nhà khoa học trong nước thì mình cũng thấy rõ ràng… nhưng nói rất khó… cho nên khi Hà Lan họ tiếp mình nói theo, và đúng như thế là trồng lúa không thể nào làm cho nông dân giàu được, thành ra mình phải chuyển đổi cơ cấu.”
Tin cũng cho biết, các điều khoản tham chiếu của chương trình hiện đang được xây dựng bởi một nhóm chỉ đạo chung Việt Nam - Hà Lan. Dự kiến trong giai đoạn đầu tiên của chương trình này, từ 2020-2023, MD-ATP sẽ hoạt động để xúc tác cho sự phát triển của các chuỗi giá trị nông nghiệp được lựa chọn trên sáu vùng sinh thái nông nghiệp. Trong giai đoạn sau, bài học kinh nghiệm trong quá trình phát triển các chuỗi giá trị này sẽ được áp dụng cho các chuỗi khác ở các tỉnh mới và sẽ mở rộng chương trình để bao gồm cả các đối tác mới. Chương trình sẽ hoàn thành vào năm 2030 sau khi đã phát triển và hiện đại hóa một loạt các lĩnh vực kinh doanh nông sản ở sông Mê Kông.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, cho biết thêm:
“Tôi thấy việc phối hợp giữa các bộ ngành với chính quyền địa phương và chuyên gia nước ngoài càng ngày càng tương đối tốt hơn. Trước đây thì cũng có mâu thuẫn về việc sử dụng nước và các giải pháp thủy lợi, nhưng càng ngày càng phối hợp tốt hơn. Lần này thì chính là Bộ nông nghiệp chuẩn bị cho chính phủ những văn bản 120 phát triển ĐBSCL, vì thế cán bộ nông nghiệp hiểu rất rõ nội dung công việc này, lần này thì tôi thấy tin cậy hơn, phấn khởi hơn, và tôi nghĩ đây cũng là cảm giác chung của những người tham gia thảo luận ngày hôm nay.”
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Willem Schoustra, Tham tán Nông nghiệp của Đại sứ quán Hoàng gia Hà Lan tại Hà Nội cho biết, Hà Lan có thể cung cấp kiến thức độc đáo về quản lý nước và kinh doanh nông nghiệp.
Thời gian qua, chính phủ không hỗ trợ gì nhiều, chủ yếu do Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp, thì họ làm rất chậm, phần lớn là thụ động, ngồi chờ khi thương lái quốc tế đến đặt hàng rồi mới đi gom, thì bây giờ phải thay đổi cách làm.<br/>-GS. Võ Tòng Xuân
Bản ghi nhớ hợp tác Hà Lan - Việt Nam về MD-ATP đã được Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ký ngày 9 tháng 4 năm 2019. Đây là chương trình tiếp tục hợp tác song phương, gia đoạn đầu trong quá trình thực hiện Kế hoạch đồng bằng sông Cửu Long năm 2013, nhằm phát triển đầy đủ các chuỗi giá trị nông nghiệp quan trọng, thành các ngành cạnh tranh và bền vững cao.
Mặc dù vui mừng, nhưng Giáo sư Võ Tòng Xuân vẫn quan ngại cung cách làm việc của các cơ quan chức năng:
“Thời gian qua, chính phủ không hỗ trợ gì nhiều, chủ yếu do Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp, thì họ làm rất chậm, phần lớn là thụ động, ngồi chờ khi thương lái quốc tế đến đặt hàng rồi mới đi gom, thì bây giờ phải thay đổi cách làm. Lúc trước nông dân trồng theo ý lãnh đạo thôi, duy ý chí, ổng biểu trồng vậy như không ai mua, cuối cùng thương lái hoành hành. Bây giờ đổi lại mình chỉ tổ chức nông dân trồng khi có ông doanh nghiệp tới hợp đồng, khi đó chính quyền mới tạo điều kiện cho nông dân sản xuất trong chuỗi này. Nó sẽ khác trước kia, khi bàn tính trồng gì nuôi gì thì hoàn toàn không có doanh nghiệp, chỉ có ông lãnh đạo đảng ở trên, với mấy ông cán bộ ở địa phương.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, việc chuyển đổi này chỉ thành công khi đối tượng cuối cùng là người nông dân, vì họ là người được hưởng lợi và chính họ là người thực hiện chuyển đổi. Ông cho rằng, để chuyển đổi thì vốn nhà nước là không thể đủ, và không thể mang tính quyết định, nhưng những chính sách cho phép nông dân giảm đất lúa, hay xây dựng các công trình thủy lợi để chuyển từ tưới lúa sang tưới cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản là rất quan trọng. Quá trình chuyển đổi này không phải một sớm một chiều, mà là câu chuyện hàng chục năm, vì vậy theo ông, chính sách làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân có vốn, có thị trường, có công nghệ… là trọng trách rất lớn mà Việt Nam phải tiếp tục làm trong thời gian tới.