Giữ đất trồng lúa cho đời sau

Quốc hội Việt Nam quyết định duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa cho tới 2020 và hàng năm chính phủ sẽ phải báo cáo kế hoạch sử dụng đất thực hiện theo qui hoạch.

0:00 / 0:00

Như vậy trong 10 năm tới đây đất trồng lúa có thể bị giảm 300.000 ha so với diện tích đất trồng lúa 4,1 triệu ha hiện nay của cả nước. Trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Trí Ngọc cục trưởng Cục Trồng trọt-Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn phát biểu từ Hà Nội:

“Vấn đề an ninh lương thực của Quốc gia và đất lúa là một tư liệu đặc biệt không thể thay thế. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một quyết định sáng suốt và cần thiết cho đất nước Việt Nam.”

Mục tiêu khó khăn

Theo SGGP Online, nghị quyết về qui hoạch sử dụng đất đã được Quốc hội thông qua vào chiều 22/11. Theo đó trong 5 năm từ 2011-2015 Nhà nước phải quản lý chặt chẽ tài nguyên đất đai theo qui hoạch, theo kế họach pháp luật; phải bảo đảm sử dụng đất đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả. Nghị quyết nêu rõ “Việt Nam quyết tâm bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó có kết quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo đảm phát triển bền vững. Phát huy tối đa tiềm năng, nguồn lực về đất đai đáng ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.”

Chẳng lời lãi được bao nhiêu, nhưng cũng phải bám ruộng, nông dân bỏ ruộng biết làm gì mà sống. Bà con nông dân mỗi hộ canh tác ít lắm chừng 1 ha trở lại.

Nông dân ĐBSCL

Nhiều ý kiến cho rằng duy trì 3,8 triệu ha đất trồng lúa là một mục tiêu khó khăn, giữa khi cả nước hăm hở thiết lập nhiều sân golf, xây dựng cụm công nghiệp và khu công nghiệp tràn lan ở các địa phương.

Ông Nguyễn Trí Ngọc nhận định về vấn đề này:

“Phải đặt lợi ích quốc gia lên trên lợi ích cục bộ của từng địa phương. Vì vậy sắp tới chắc chắn chính phủ sẽ ban hành những chính sách có tính chất quyết định để hỗ trợ cho những địa phương mà có nhiều diện tích đất trồng lúa và hỗ trợ cho người dân đầu tư để phát triển sản xuất lúa gạo và giữ được an ninh lương thực cho quốc gia.”

Mục tiêu khó khăn

Phát triển lúa gạo của Việt Nam luôn được gắn chặt với an ninh lương thực, nôm na là giữ cho người dân được no bụng. Trong khi đó nhiều nước làm giàu bằng cách khác và dùng tiền nhập khẩu lương thực cho dân. Những nhà khoa học có tầm nhìn chiến lược cùng có chung nhận định là làm lúa không thể làm giàu, ngay cả khi nền nông nghiệp được thực hiện theo hướng tập trung sử dụng công nghệ hiện đại ở các nước phát triển. Từ Long An, Giáo sư Tiến sĩ Võ Tòng Xuân chuyên gia nông nghiệp có bề dày nửa thế kỷ nghiên cứu và thực hành lúa gạo nhận định:

Nong-dan-trong-lua250.jpg
Một cánh đồng lúa ở ngoại thành Hà Nội hôm 15 tháng 09 năm 2011. RFA PHOTO.

“Làm lúa bằng mọi giá theo tôi là không thông minh cho lắm. Họ không thấy có thể làm giàu bằng cách nào khác ngoài cây lúa, nhưng lúa thì bảo đảm không thể làm giàu được ngoại trừ trường hợp Việt Nam dám nâng cao giá lúa như Thái Lan hoặc cao hơn nữa thì nông dân mới giàu được, chứ cứ giữ giá lúa thấp lè tè thì người nông dân luôn luôn chịu lỗ luôn luôn thiệt thòi mà những người buôn lúa, bán thuốc trừ sâu phân bón, những người đó làm giàu. Tôi lấy thí dụ bên Hà Lan nếu họ chỉ trồng khoai tây với lúa mì cho dân ăn thì làm sao Hà Lan giàu được như thế. Người ta để đất trồng cỏ nuôi bò để làm thức ăn cộng với trồng hoa để xuất khẩu khắp nơi, họ làm giàu đâu chỉ với lương thực.”

Quốc hội Việt Nam quyết định giữ 3,8 triệu ha đất trồng lúa ít nhất đến 2020 cho thấy mục tiêu phát triển của đất nước vẫn đặt nặng trên nông nghiệp. Về vấn đề làm lúa không thể làm giàu, Cục trưởng Nguyễn Trí Ngọc trình bày ý kiến của ông:

Sản xuất lúa gạo vẫn là một lợi thế của Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu 6,5 tới 7 triệu tấn gạo mang về lượng ngoại tệ trên dưới 3 tỷ USD.

Nguyễn Trí Ngọc

“Chúng ta phải thấy là sản xuất lúa gạo vẫn là một lợi thế của Việt Nam vì vậy xuất khẩu gạo luôn đem lại nguồn ngoại tệ đáng kể, mỗi năm xuất khẩu 6,5 tới 7 triệu tấn gạo mang về lượng ngoại tệ trên dưới 3 tỷ USD. Đó là sự đóng góp rất lớn và là lợi thế của Việt Nam, tuy nhiên trong thực tế thì không phải nhất thiết vùng nào cũng sản xuất lúa gạo mà thể hiện ở chính sách linh hoạt của Việt Nam, khi cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên mảnh đất sản xuất lúa. Chúng tôi cho rằng không có mâu thuẫn gì với việc Việt Nam quyết định và đang phấn đấu trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại hóa vào năm 2020, vì chúng tôi cho rằng sản xuất lúa gạo vẫn là một ngành sản xuất có ưu thế và lợi thế của Việt Nam hiện nay.”

Kế mưu sinh của người nông dân

Quốc hội Việt Nam được tham mưu để tán thành nghị quyết duy trì đất trồng lúa 3,8 triệu ha cho tới 2020, vì đất lúa là kế mưu sinh của hơn 10 triệu hộ nông dân trên cả nước. Trong đó riêng đồng bằng sông Cửu Long có 2 triệu ha đất nông nghiệp, những vụ lúa chính đều canh tác trên diện tích 1,6 triệu ha, miền Tây nam bộ là vựa lúa cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Nông dân vùng sông nước Cửu Long nói rằng sinh kế của họ gắn chặt với mảnh ruộng và cây lúa:

“Chẳng lời lãi được bao nhiêu, nhưng cũng phải bám ruộng, nông dân bỏ ruộng biết làm gì mà sống. Bà con nông dân mỗi hộ canh tác ít lắm chừng 1 ha trở lại.”

DSC_0100-305.jpg
Nông dân đang gặt lúa vụ Đông Xuân 2010 ở ĐBSCL. Photo By Bay Van Tran.

TS Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn được báo Kinh tế Nông thôn trích lời đề xuất nên chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại cây khác hay nuôi thủy sản sẽ góp phần cải thiện đời sống. Khi ấy nông dân có thể tăng thu nhập trên một diện tích canh tác mà với nông dân hiện nay, thu nhập và việc làm là quan trọng nhất. Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, nếu Việt Nam chỉ còn lại 3 triệu ha đất trồng lúa thì vẫn đảm bảo sản lượng 32 triệu tấn lúa, đủ cung cấp tiêu thụ nội địa 13 triệu tấn gạo và xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo.

Theo TS Đặng Kim Sơn nói với chúng tôi, Việt nam là một trong các nước có tỷ lệ canh tác trên đầu người thấp. Không những đất mà nước cũng như các tài nguyên khác trong tương lai cũng trở nên giới hạn. Bởi vậy một mặt phải sử dụng hết quĩ đất đang có, trong đó có một diện tích đất rất lớn đang còn bỏ hoang. Ngoài ra một diện tích đất rất lớn nằm trong tay các nông trường quốc doanh hiệu quả rất thấp, thì phải tìm cách giao lại hoặc đổi lại cách quản lý để trở thành hiệu quả hơn. Mặt khác phải chuyển bớt lao động trực tiếp trồng trọt và thuỷ sản sang các ngành nghề khác, để tăng diện tích bình quân cho nông hộ lên. Bằng cách đó mới tăng hiệu quả sản xuất lên được.

Trước cơn lốc đô thị hóa, trong một thập niên vừa qua diện tích đất trồng lúa đã giảm vài trăm ngàn héc-ta, vùng đồng bằng sông Cửu Long mất đất trồng lúa nhanh nhất và nhiều nhất. Theo báo Kinh tế nông thôn, trung bình mỗi năm Cà Mau giảm 6.200 ha, Bạc Liêu 5.400 ha, TP.HCM 2.700 ha. Vùng đồng bằng sông Hồng mỗi tỉnh cũng giảm đất lúa 1.000 ha/năm. Theo Bộ NN-PTNT hiện nay cả nước còn 4,1 triệu héc-ta đất lúa nhưng dự báo đến 2020 sẽ mất thêm gần 6.000 ha vì biến đổi khí hậu, nước biển dâng xâm nhập mặn.

Vấn đề duy trì diện tích đất lúa đã trở nên cấp thiết chính vì vậy mới có nghị quyết ngày 22/11 của Quốc hội Việt Nam. Nhiều giới chức chính phủ cho rằng phải bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực không chỉ 20, 30 năm mà cả trăm năm nữa cho các thế hệ mai sau.

Theo dòng thời sự: