"Chất xúc tác" Trung Quốc
Mở đầu, bài báo này cập tới tân Ngoại trưởng Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, con của cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, và nhận định rằng Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đang nỗ lực tối đa nhằm tranh thủ thêm sự quan tâm và can dự của nước cựu thù – tức Hoa Kỳ. Theo tác giả thì Việt Nam cần sự hiện diện của Hoa Kỳ vì lý do kinh tế cũng như nhằm đối trọng Trung Quốc.
Qua bài “Việt Nam chào đón cựu thù”, tác giả là bình luận gia Albert R. Hunt trích dẫn lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh, 52 tuổi, lên tiếng tại Hà Nội mới đây rằng người ta không thể tưởng tượng được là mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã phát triển nhanh chóng. Sau 16 năm bình thường hóa bang giao, hai nước đã đi đến giai đọan phát triển quan hệ hầu như trong mọi lãnh vực.
Lời tuyên bố của tân Ngoại trưởng Việt Nam được đưa ra giữa lúc Trung Quốc ngày càng gây hấn đáng ngại chủ quyền Việt Nam và người dân Việt, nhất là ngư dân. Nhận xét về tuyên bố đó của ông Phạm Bình Minh, cựu Tổng lãnh Sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, ông Dương Danh Dy cho biết:
“Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh. Kể từ khi Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa bang giao hơn 15 năm nay, thì hai nước có những bước phát triển rất đáng hoan nghênh. Nhưng trong tình hình mới thì tôi nghĩ rằng còn cần phải tăng nhanh hơn nữa việc phát triển về nhiều mặt giữa 2 nước.”
Về vấn đề này, GS Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy môn Bang giao Quốc tế tại Đại học George Mason, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, nhận xét:
“Tôi nghĩ hành động của Trung Quốc từ năm 2009 đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là lãnh vực quốc phòng, đi nhanh hơn. Và hiện nay nó tiếp tục đi nhanh. Vấn đề Trung Quốc đặt ra cho hai nước Mỹ-Việt, khiến cho quan hệ quốc phòng của họ ngày càng thắt chặt hơn.”
Tôi nghĩ hành động của Trung Quốc từ năm 2009 đã làm cho quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là lãnh vực quốc phòng, đi nhanh hơn.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
Bài “Việt Nam chào đón cựu thù” vừa nói nhân tiện cũng nhắc tới thân phụ của tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh là cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch - nhân vật mà người ta tin là có lập trường mạnh mẽ chống Trung Quốc trong giai đọan Việt Nam và Trung Quốc không còn “môi hở răng lạnh” với nhau. Nhắc tới Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Cựu Tổng Lãnh Sự Dương Danh Dy nhận xét:
“Tôi cũng đã làm việc với một số bộ trưởng ngoại giao và sau này với một số bộ trưởng nữa và hiện tôi về hưu rồi. Nhưng phải nói thẳng rằng ông Nguyễn Cơ Thạch là 1 trong những ngoại trưởng rất xuất sắc của Việt Nam. Trung Quốc biết ông này rất tài cho nên họ cố tình hạ bệ ông ấy, tìm cách để ông ấy không tiếp tục công tác được nữa. Nếu ông Nguyễn Cơ Thạch tiếp tục tại chức thì, theo cái nhìn của tôi, nếu năm 1991 Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc thì chính năm 91 ấy, Việt Nam cũng đã phải bình thường quan hệ với Mỹ rồi, chứ không phải đợi tới năm 1995 đâu.”
Đẩy mạnh quan hệ với Hoa Kỳ
Nếu so với các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam thì có lẽ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao chưa hẳn là đủ mạnh để có tác động đáng kể đến chính sách, chủ trương của Việt Nam đối với Bắc Kinh. Như vậy liệu tân Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh có thể gặp khó khăn ra sao vào lúc mối quan hệ Việt-Trung, trên thực tế chứ không phải trên lý thuyết “núi liền núi sông liền sông”, ngày càng phức tạp ? Và có thể có ý kiến nêu lên là liệu tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh có “theo gương cha” mà không hài lòng với xứ đàn anh Phương Bắc không ? Chuyên gia về Trung Quốc Dương Danh Dy phân tích:
“Tôi thấy trong tình hình hiện nay, khi lên nhậm chức, tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở trong một tình hình rất thuận lợi. Sau Đại hội Đảng, sau Quốc hội mới thì anh ấy chính thức là đại biểu Quốc hội, Ủy viên Trung ương khóa 2 trong khi ở tuổi ngòai 50 - ở tuổi mà theo tôi có thể phát huy được tài năng. Và anh ấy cũng chẳng cần đứng dưới cái bóng của ai cả, không cần núp dưới cái bóng của bố anh.
Vấn đề không phải vì anh Phạm Bình Minh là con trai của Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Bởi vì là con trai của lãnh đạo thì có khối anh là con trai của ông Tổng bí thư này, con trai của Tổng bí thư kia mà tại sao không làm gì được cả ? Bên ngoài, như bên báo Mỹ, cứ thường hay có chuyện suy diễn cá nhân thôi chứ tôi nói thật, họ không thấy tình hình thực tế Việt Nam.
Không phải anh Phạm Bình Minh, mà bất cứ anh nào khác, khi lên làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam thì cũng phải đẩy mạnh quan hệ với Mỹ, đẩy mạnh quan hệ với tất cả các nước khác trên thế giới theo đúng chủ trương của Đảng CSVN, chứ không phải riêng gì anh Phạm Bình Minh."
Vẫn theo bài báo vừa nói, trong khi Hoa Kỳ chưa hoàn toàn xóa bỏ nỗi đau chiến tranh thì Việt Nam vốn bị nỗi đau còn nặng hơn, đã sẵn sàng đón nhận cựu thù của mình, đặc biệt là qua hợp tác kinh tế tốt đẹp và giờ, cả hợp tác đáng kể về quân sự - diễn tiến mà theo bài báo, tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh đã tuyên bố rằng hai bên đang thảo luận nâng cấp hợp tác chiến lược lên “tầm cao mới”, “có lợi cho sự ổn định trong khu vực” và phù hợp với đường lối “đa phương” của Việt Nam. Nhưng bài báo không quên lưu ý rằng việc đàm phán đa phương và xúc tiến vai trò của Hoa Kỳ trong việc ổn định khu vực không được Bắc Kinh hoan nghênh – và thực tế cho thấy Hoa Lục từng có phản ứng mạnh mẽ.
Chính người Trung Quốc cũng thừa nhận là từ xưa tới nay không bao giờ họ đắc ý về Phương Nam cả, họ toàn thất bại tại Phương Nam thôi.
Ông Dương Danh Dy
Liên quan mối quan hệ Việt-Trung, chuyên gia Trung Quốc Dương Danh Dy nhận xét: “Theo tôi thì quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đúng là đang trong giai đọan có rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi tin là bằng trí tuệ, bản lĩnh của nhân dân Việt Nam, thì phía Trung Quốc – mà tôi hy vọng những người lãnh đạo Trung Quốc – sẽ rút ra được kinh nghiệm thực tế, đó là gây sự với nước láng giềng Phương Nam này thì từ xưa tới nay, Trung Quốc chưa bao giờ thắng cả.
Họ cần phải rút ra bài học này mà xử lý vấn đề để không ảnh hưởng tới lợi ích chung của nhân dân 2 nước. Chính người Trung Quốc cũng thừa nhận là từ xưa tới nay không bao giờ họ đắc ý về Phương Nam cả, họ toàn thất bại tại Phương Nam thôi.”
Vấn đề chủ quyền biển Đông
Nhắc tới chuyện Trung Quốc chưa bao giờ chinh phục thực sự tại Phương Nam, bài báo “Việt Nam chào đón cựu thù” vừa nói cũng không quên đề cập tới dòng lịch sử, qua đó, Việt Nam đã có “xung đột dài lâu với Trung Quốc” mà gần đây nhất là cuộc hải chiến Hòang Sa giữa Việt Nam CH với Trung Quốc hồi năm 1974, cuộc chiến biên giới Việt-Trung 1979 mà lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình nói là “dạy cho Việt Nam 1 bài học”, và cuộc tấn công hải quân của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam hồi năm 1988. Và đặc biệt là căng thẳng Việt-Trung về vấn đề chủ quyền tại biển Đông ngày càng tiếp diễn đáng ngại.
Theo bài báo thì các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ vốn quan ngại về sự sự gây hấn của một Phương Bắc đầy tự tin, muốn Washington liên minh chặt chẽ hơn với Việt Nam. Họ đặc biệt chú ý tới thế hệ lãnh đạo trẻ mà tiêu biểu là tân Ngoại trưởng Phạm Bình Minh. Chuyên gia Trung Quốc Dương Danh Dy lưu ý về điểm này:
“Trong vấn đề bảo vệ độc lập, chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam giữ vững nguyên tắc độc lập tự chủ của mình. Đó là không đi bên này để chống bên kia cũng như không đi với bên kia để chống bên này. Còn nếu như Mỹ có những trang bị khoa học kỹ thuật tân tiến và Mỹ đồng ý bán, còn Việt Nam có tiền, thì chắc chắn, để bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam, Việt Nam cần và hoan nghênh những thiết bị đó thôi.”
Nhưng bài báo cho rằng Việt Nam không chắc là Hoa Kỳ có cam kết dài lâu với Á Châu hay không giữa lúc ở chỗ riêng tư các viên chức than phiền là đối với Washington, vùng Đông Nam Á này có ưu tiên thấp hơn là Trung Quốc. Bài báo trích dẫn lời Ngoại trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn một “chính sách kiên định hơn” của Mỹ nhằm “quan tâm nhiều hơn” tới vùng Đông Nam Á.
Và, bài báo cũng không quên lưu ý rằng điều rắc rối hơn nữa cho mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là hai nước tiếp tục bất đồng liên quan chính sách của Hà Nội về nhân quyền và quyền chính trị tại Việt Nam.
Theo dòng thời sự:
- Hoa Kỳ quan ngại sức mạnh quốc phòng Trung Quốc
- Những trở ngại của bản Thực hiện Tuyên bố về ứng xử Biển Đông
- Biển Đông: ASEAN cần Mỹ, Mỹ cần can dự
- Thực hiện Tuyên bố về ứng xử Biển Đông
- Mỹ nhấn mạnh với Trung Quốc về các quyền tự do và sự ổn định trên biển Đông
- Thượng nghị sĩ Jim Webb sẽ thăm Việt Nam
- Hải quân Việt - Mỹ bắt đầu diễn tập trên biển
- Mỹ Úc Nhật Trung gằm ghè, Việt Nam đứng đâu?
- Hải quân VN có đủ sức đối đầu TQ?
- VN muốn quốc tế giải quyết tranh chấp Biển Đông