Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vào ngày 3/2, yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiếp tục tập trung kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.
Đài RFA ghi nhận thông tin vừa nêu cũng như những người dân đi khiếu kiện nói gì về yêu cầu này của Thủ tướng Việt Nam?
Yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ
Trong công thư gửi đến các cơ quan và văn phòng từ cấp trung ương đến địa phương phụ trách công tác tiếp công dân vào ngày 3 tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương công chức, cán bộ tiếp dân, đặc biệt Ban Tiếp Dân Trung ương và các cơ quan cùng tham gia tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Trước đó, Ban Tiếp Công dân cho biết đã phối hợp với các cơ quan và địa phương tổ chức tiếp gần 20 ngàn lượt người, hơn 500 đoàn khiếu kiện tập thể, tiếp nhận và xử lý hơn 13 ngàn đơn thư. Ban Tiếp Công dân còn cho biết đến ngày 29 Tết, cơ quan này cũng phối hợp với các cơ quan liên quan để vận động 145 công dân về lại địa phương, hỗ trợ tiền tàu xe cho 115 công dân, không còn người dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân trung ương trong dịp Tết Nguyên đán.
<i>Mặc dù Thủ tướng chỉ đạo; cụ thể như vụ đất của ông Vũ Huy Hoàng, tại phường An Khánh mà hiện nay giao cho Công ty GS của Hàn Quốc. Thủ tướng Chính phủ có 14 văn bản chỉ đạo thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phải giải quyết, nhưng TP.HCM đâu chịu giải quyết đâu. Thành ra Thủ tướng nói kệ Thủ tướng, còn TP.HCM cứ làm theo ý của họ. Chừng nào TP.HCM bắt ông Lê Thanh Hải thì lúc đó dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm mới được giải quyết. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo kệ thủ tướng, người ta không coi ra gì đâu<br/>-Dân oan Thủ Thiêm</i>
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong công thư để nâng cao hiệu quả hoạt động tiếp công dân trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ, Bộ Công An phối hợp với các ban , ngành từ địa phương đến trung ương làm tốt công tác tiếp công dân, tập trung kiểm tra, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài, xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự xã hội.
Phản biện của người dân khiếu kiện
Đài RFA liên lạc với cựu tù nhân lương tâm Cấn Thị Thêu, một dân oan từng bị tuyên án tù hai lần với cáo buộc tội “gây rối trật tự công cộng” do phản kháng chính quyền địa phương thu hồi đất bất hợp pháp cũng như cùng với bà con Dương Nội tập trung tại Bộ Tài nguyên-Môi trường gửi đơn đòi giải quyết những khuất tất đất đai của họ, và được bà chia sẻ nhận xét liên quan yêu cầu vừa nêu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
“Trước đây, họ cũng phát ngôn, họ cũng đưa ra những lời nói như thế cách đây mấy năm về trước. Nhưng đến bây giờ thì thực sự lực lượng dân oan ngày càng đông lên. Các quan chức Cộng sản cướp bóc và gây oan trái cho rất nhiều người ở khắp đất nước Việt Nam này. Nhất là gần đây như vụ Thủ Thiêm xảy ra hàng bao nhiêu năm vẫn không giải quyết, rồi Dương Nội, Văn Giang, Đồng Tâm, và mới nhất cận Tết Nguyên đán thì họ tiếp tục gây ra tội ác ủi phá hơn trăm hộ dân ở vườn rau Lộc Hưng.”
Theo số liệu ghi nhận của Bộ Tài nguyên-Môi trường ghi nhận đến hết tháng 6 năm 2012, khiếu kiện về đất đai chiếm hơn 90% trong tổng số các các vụ khiếu kiện, khiếu nại tại Việt Nam. Vào giữa năm 2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cũng cho biết có đến 75% khiếu nại ở thành phố này liên quan nhà đất. Và theo báo cáo của Quốc Hội, công bố vào trung tuần tháng 11 năm 2018 cho thấy số đơn khiếu nại, tố cáo của người dân trong năm 2018 cao hơn năm trước đó, chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức nhà nước.
Trả lời câu hỏi của RFA về công tác giải quyết khiếu kiện, khiếu nại của các cơ quan hữu quan từ địa phương đến trung ương trong 20 năm qua trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ở quận 2, TP.HCM, ông Cao Thăng Ca, một dân oan ở Thủ Thiêm lên tiếng:
“Bản chất của dự án này là một dự án không phải kinh doanh mà là dự án ăn cướp. Thành ra việc chậm trễ giải quyết khiếu nại này là do trách nhiệm của Trung ương là chính, trách nhiệm của Ban Tiếp Công dân, trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ. Họ cứ đùn đẩy, né tránh mà không chịu giải quyết. Bởi vì dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm có lợi rất to lớn. Đền bù chỉ 2,3 triệu/m2 mà bán đến 200,300 triệu/m2. Chính vì lợi ích chênh lệch cao như vậy, cho nên cơ quan này đùn đẩy cơ quan khác.
Mặc dù Thủ tướng chỉ đạo; cụ thể như vụ đất của ông Vũ Huy Hoàng, tại phường An Khánh mà hiện nay giao cho Công ty GS của Hàn Quốc. Thủ tướng Chính phủ có 14 văn bản chỉ đạo thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) phải giải quyết, nhưng TP.HCM đâu chịu giải quyết đâu. Thành ra Thủ tướng nói kệ Thủ tướng, còn TP.HCM cứ làm theo ý của họ. Chừng nào TP.HCM bắt ông Lê Thanh Hải thì lúc đó dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm mới được giải quyết. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo kệ thủ tướng, người ta không coi ra gì đâu.”
Một số những người dân bị buộc vào hoàn cảnh phải lê la khắp các cơ quan pháp luật từ địa phương đến tận trung ương để khiếu nại, khiếu kiện mà Đài RFA tiếp xúc, khẳng định rằng yêu cầu mới nhất của Thủ tướng Chính phủ không thắp thêm chút hy vọng nào cho họ, mà trái lại còn khiến cho họ lo lắng nhiều hơn với sự chỉ đạo của ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng “xử lý nghiêm những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự xã hội”.
<i>Khiếu kiện là hệ quả của việc địa phương giải quyết không thấu đáo nên người ta mới khiếu kiện vượt cấp, hoặc khiếu kiện kéo dài lên đến cấp trung ương. Nếu địa phương giải quyết chu đáo, đúng pháp luật thì không nhất thiết phải bắt ép, họ sẽ tự giải tán về lại địa phương<br/>-Luật sư Trần Thu Nam</i>
Các dân oan dẫn chứng trường hợp điển hình trong vụ cưỡng chế mới nhất ở vườn rau Lộc Hưng, tại quận Tân Bình, TP.HCM, văn phòng Thành ủy TP.HCM đã không tiếp và từ chối nhận đơn của hơn 100 cư dân Lộc Hưng khi họ đi nộp đơn kêu cứu vào sáng ngày 17 tháng 1. Các cư dân Lộc Hưng có mặt tại văn phòng Thành ủy TP.HCM sáng hôm đó còn cho biết chính quyền điều động một lực lượng hàng chục người tới bao vây họ như là một nhóm tội phạm. Bên cạnh đó, truyền thông nhà nước loan tin Công an quận Tân Bình, TPHCM đang củng cố hồ sơ xử lý với gần 20 người có hành vi gây rối trật tự công cộng, chống đối lực lượng và chống người thi hành công vụ ở khu đất vườn rau Lộc Hưng.
Bà Cấn Thị Thêu quả quyết công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân được cơ quan chức năng giải quyết rốt ráo và hiệu quả hay không thì:
“Bà con thấy rằng phải nhìn thấy thực tế, chứ còn những lời hứa suông thì bà con vẫn chưa thể tin tưởng được và tất cả dân oan vẫn sẽ đấu tranh đến cùng để đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.”
Trong khi đó, giới luật sư tại Việt Nam cho rằng công tác giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của người dân ở Việt Nam càng ngày càng quá tải vì các cơ quan địa phương không làm tròn chức trách. Luật sư Trần Thu Nam từng nhận định với RFA:
"Khiếu kiện là hệ quả của việc địa phương giải quyết không thấu đáo nên người ta mới khiếu kiện vượt cấp, hoặc khiếu kiện kéo dài lên đến cấp trung ương. Nếu địa phương giải quyết chu đáo, đúng pháp luật thì không nhất thiết phải bắt ép, họ sẽ tự giải tán về lại địa phương."
Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cũng lên tiếng với RFA rằng những bất cập trong chính sách, đặc biệt liên quan đến lãnh vực đất đai, biến Việt Nam thành cường quốc dân oan và để tình trạng khiếu nại, khiếu kiện không bị tồn đọng, kéo dài thì Chính phủ phải giải quyết cái gốc của vấn đề bao gồm phải hoàn thiện và minh bạch trong các chính sách pháp luật và phải nghiêm minh trong việc xử lý những sai phạm của cán bộ nhà nước.