Phản ứng của Việt Nam về đường lưỡi bò: thể hiện tính nhất quán nhưng vẫn cần chiến lược lâu dài

0:00 / 0:00

Vào ngày 16/3 vừa qua, trên trang chủ Facebook và Twitter của Đại sứ quán Trung Quốc tại Italy khi đăng tải bài viết nói về quan hệ hỗ trợ giữa Bắc Kinh và Rome đã đính kèm hình ảnh bản đồ Trung Quốc có vẽ ‘đường đứt khúc 9 đoạn’. Đường lưỡi bò này do Trung Quốc đưa ra nhằm thể hiện yêu sách chủ quyền vô căn cứ và trái luật quốc tế ở Biển Đông.

Trước hành động này của cơ quan đại diện chính phủ Bắc Kinh ở Ý, phóng viên tham gia buổi họp báo Bộ Ngoại giao thường kỳ vào ngày 20/3 đã hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với bản đồ chứa đường đứt khúc 9 đoạn này.

Báo trong nước trích lời phát ngôn nhân Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, và quyền tài phán đối với các vùng biển được xác định phù hợp với quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Do đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ yêu sách biển nào của Trung Quốc dựa trên cái gọi là ‘đường 9 đoạn’ tại Biển Đông.

Nhận xét về lời phát biểu của người đại diện chính phủ Hà Nội, Thạc sĩ Hoàng Việt, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho rằng:

“Về cơ bản không có gì khác vì phía Việt Nam luôn phản đối đường lưỡi bò này ngay từ khi Trung Quốc đưa ra bản đồ đường lưỡi bò vào năm 2009 thì Việt Nam đã có ngay công hàm phản đối rồi. Trong những lần tiếp theo thì Việt Nam luôn luôn phản đối. Nói chung quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn luôn phản đối đường lưỡi bò.”

Còn theo quan điểm cá nhân, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng Nguyên Đại sứ Việt Nam ở Hà Lan, hiện đang là Phó Viện trưởng Viện Các vấn đề Phát triển thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam lại cho rằng:

“Tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao về bề ngoài, tức về câu chữ thì người ta nghe qua không có gì mới, nhưng đằng sau đó có thể thấy được tính bền vững, quan niệm nhất quán của Việt Nam từ xưa đến nay trong vấn đề khẳng định độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam không chỉ ở trên bộ mà còn ở trên biển và đối với các hải đảo.”

Trong thực tế, việc Trung Quốc luôn tìm cách đưa đường lưỡi bò trên bản đồ bằng nhiều hình thức vào Việt Nam đã có từ lâu nay. Điển hình như in bản đồ có đường lưỡi bò trên áo du khách Trung Quốc sang Việt Nam, trong phim ảnh được công chiếu rộng rãi tại các rạp chiếu phim trên toàn cầu, trong bản đồ định vị xe hơi Volkswagen Tourareg trưng bày tại triển lãm ô tô Việt Nam 2019, trong sách giáo khoa từ cấp tiểu học cho đến đại học…

Trước những thực trạng trên, Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng dường như Việt Nam vẫn còn thụ động trong cách ngăn chặn, Trung Quốc làm gì thì Việt Nam mới chạy theo. Vì vậy ông đề nghị điều quan trọng nhất đối với Việt Nam hiện nay là phải có chiến lược dài.

“Có rất nhiều thứ để Trung Quốc cài vào và Việt Nam rất khó để phát hiện được. Vấn đề quan trọng là Việt Nam phải có chiến lược rõ ràng và nhất quán cho việc bảo vệ và thực hiện quyền lợi của Việt Nam trên khu vực Biển Đông thế nào. Đó là vấn đề cần thiết.”

Vẫn theo Thạc sĩ Hoàng Việt, dù tình trạng Trung Quốc cho tàu vào lãnh hải Việt Nam tạm thời dừng lại nhưng tình hình Biển Đông không êm ả mà đang chứa rất nhiều căng thẳng, đầy những sóng ngầm bên trong.

Hình minh họa. Hình do Hải quân Mỹ cung cấp hôm 4/8/2019: Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và đội tàu hộ tống ở Thái Bình Dương hôm 31/7/2019
Hình minh họa. Hình do Hải quân Mỹ cung cấp hôm 4/8/2019: Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) và đội tàu hộ tống ở Thái Bình Dương hôm 31/7/2019 (AFP)

“Gần đây là chuyến thăm cùa tàu sân bay Hoa Kỳ tới Việt Nam thì phía Trung Quốc đã theo dõi rất kỹ chuyện này. Cá nhân tôi đoán không biết là may hay rủi khi vì dịch Covid-19 mà Tổng thống Donald Trump đã hủy bỏ cuộc gặp Thượng đỉnh giữa ông và các lãnh đạo ASEAN tại Las Vegas. Điều đó khiến cho Trung Quốc không có hành động mạnh hơn, nhưng họ luôn luôn theo dõi bởi vì nếu quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ mà phát triển hơn thì Trung Quốc không hài lòng và tìm cách gây cản trở. Một trong những cản trở lớn là họ luôn sử dụng nhưng biện pháp trên Biển Đông, có thể là cho giàn khoan, tàu thăm dò… vào khu vực xung quanh Bãi Tư Chính. Đến bây giờ người ta nghĩ với tình hình dịch bệnh như vậy thì Trung Quốc lo tập trung giải quyết dịch bệnh và tiếp tục sản xuất thì sẽ giảm bớt căng thẳng ở Biển Đông. Nhưng mà không phải vậy, Trung Quốc luôn luôn thể hiện sức mạnh và tham vọng của họ trên Biển Đông.”

Đồng quan điểm với Thạc sĩ Hoàng Việt, Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận định:

“Điều đáng buồn là Trung Quốc vẽ đường đó trong thời buổi hiện nay, khi thế giới đang cần đoàn kết, kết nối lại để đấu tranh chống đại dịch thì Trung Quốc vẫn quay về ‘bổn cũ’. Tiếng Việt gọi là bổn cũ nghĩa là một đĩa hát đã gỉ rồi mà Trung Quốc vẫn kéo đi kéo lại như tuồng cổ không khước từ một ai. Việc này chỉ nói lên bản chất bành trướng bá quyền, bản chất bắt nạt các nước bé của Trung Quốc.”

Tuy nhiên Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cũng cho rằng dù Trung Quốc có thể có tham vọng hay ẩn ý muốn đánh tráo lịch sử để chiếm quyền ở Biển Đông, chính phủ Bắc Kinh cần phải nhớ rằng nếu Trung Quốc có những hành động bạo lực hay vũ lực ở Biển Đông thì Trung Quốc sẽ tự chôn vùi giấc mộng Trung Hoa dưới đáy biển. Ông đưa ra nguyên nhân:

“Bởi vì mọi người Việt Nam, muôn triệu người như một, về vấn đề phát triển sẽ có những quan điểm khác nhau nhưng trong vấn đề bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thì người Việt thống nhất ở một điểm như cụ Hồ đã nói là mỗi khi không hòa hữu được thì người Việt muôn người như một tạo thành một làn sóng nhấn chìm lũ bán nước, cướp nước, lũ muốn bán và cướp biển đảo của Việt Nam. Lòng yêu nước của người Việt sẽ tạo thành cơn đại hồng thủy nhấn chìm lũ đấy.”

Vào tháng 11/2019, tổ chức Operation Smile Việt Nam thông báo sẽ mời diễn viên Thành Long - đại sứ toàn cầu của tổ chức này đến Việt Nam để kỷ niệm 30 tổ chức này hoạt động tại Việt Nam.

Thông tin này nhanh chóng vấp phải những phản đối mạnh mẽ từ người dân cả nước khiến Thành Long không thể đến Việt Nam. Ngoài ra, các hình ảnh của Thành Long cũng đã được gỡ hoàn toàn trên Fanpage của tổ chức này. Nguyên nhân được cho là Thành Long từng chia sẻ trên tài khoản mạng xã hội bản đồ có hình đường lưỡi bò của Trung Quốc vào năm 2016.

Gần đây nhất là trên Facebook của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại Italy có đường lưỡi bò thì phía Việt Nam đã lên tiếng phản đối. Không chỉ những người dân Việt mà còn có các nghệ sĩ như ca sĩ Nathan Lee, ca sĩ Châu Khải Phong và MC Vũ Mạnh Cường cũng đã phản đối mạnh mẽ.

Đường lưỡi bò hay đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ ra đòi chủ quyền vùng nước lịch sử đến gần 90% diện tích Biển Đông. Tòa Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ tính hợp lý của đường đứt khúc này trong một phán quyết năm 2016 nhưng Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết này.