Đúng một tháng sau khi tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (Global Witness) đưa ra cáo buộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia không tuân thủ pháp luật nước sở tại, VRG có phản ứng.
Cần phải hợp tác để giải quyết
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa phát đi thông báo nói rằng các dự án đầu tư trồng cao su của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và Lào đều nằm trong vùng quy hoạch các chương trình hợp tác về kinh tế giữa chính phủ Việt Nam với hai chính phủ Campuchia, Lào.
VRG cho rằng luôn đảm bảo các nguyên tắc đầu tư trên cơ sở phát triển bền vững có trách nhiệm tại các nước tiếp nhận đầu tư theo đúng tinh thần văn kiện hợp tác giữa hai chính phủ và theo đúng quy định pháp luật của nước sở tại.
Theo VRG, các dự án đều được thực hiện chặt chẽ và đều được các đoàn công tác liên ngành Trung ương của chính phủ Lào và Campuchia khảo sát, đánh giá kỹ lưỡng.
Tổng Giám đốc Tập đòan Công nghiệp Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuận từ chối trả lời RFA nhưng thông báo mà VRG gửi cho chúng tôi cho rằng cáo buộc của Global Witness là không thuyết phục vì những hoạt động đầu tư lấy đất trồng cao su là hợp lệ.
VRG cần phải hợp tác để giải quyết vấn đề còn tồn tại. Vì tất cả các cộng đồng mất đất và rừng đều cho rằng VRG mới đến đầu tư nhưng đã gây nhiều xung đột. <br/> -Bà Megan MacInnes
“Về vấn đề lợi ích của người dân trong vùng dự án trồng cao su, VRG khẳng định các dự án trồng cao su của VRG tại Lào và Campuchia luôn đảm bảo và tôn trọng các lợi ích của người dân trong vùng dự án, không lấn chiếm đất của người dân và không xung đột với quyền lợi của cộng đồng dân cư quanh vùng dự án.”
Mặc dù, VRG phải dành thời gian một tháng để nghiên cứu, đọc báo cáo của Global Witness nhưng trong thông báo phát đi chiều ngày 13/6 không khác gì phản ứng của HAGL trước đó.
Đối với Global Witness, các dẫn chứng được nêu trong báo cáo mang tên “Các ông trùm cao su’ cho thấy VRG là một trong những tập đoàn có liên kết cấp cao với các viên chức chính phủ Campuchia và hợp tác với một nhóm người chặt đốn gỗ bất hợp pháp tại xứ này.
Global Witness nhấn mạnh VRG nên nhìn nhận các bằng chứng đưa ra trong báo cáo và cải thiện cuộc sống cho dân Campuchia và Lào đang bị ảnh hưởng, hơn tìm cách phản bác Global Witness.
Bà Megan MacInnes, người đứng đầu nhóm nghiên cứu vấn đề đất đai của Tổ chưc Global Witness phát biểu:

“Nếu chính phủ Campuchia và Lào không được rà soát, khảo sát đất tô nhượng trước khi cấp cho VRG thì không có nghĩa là VRG không chịu trách nhiệm vi phạm pháp luật. VRG cần phải hợp tác để giải quyết vấn đề còn tồn tại. Vì tất cả các cộng đồng mất đất và rừng mà chúng tôi được nói chuyện, họ đều cho rằng VRG mới đến đầu tư nhưng đã gây nhiều xung đột với quyền lợi của cộng đồng.”
Theo VRG, trong những năm quan, tập đoàn đã tuyển dụng hơn 20.000 lao động địa phương làm việc dài hạn ở các dự án tại Campuchia, còn tại Lào là hơn 10.000 lao động.
Bên cạnh đó, VRG còn đầu tư hơn 3.000 căn nhà cho công nhân địa phương ở Campuchia và ở Lào là hơn 750 căn, cùng công trình trạm xá, trường học, cầu cống phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng dự án, xây dựng mới 2 chùa tại tỉnh Kampong Thom.
Thông báo của VRG còn khẳng định việc đầu tư vào các dự án ở Campuchia đang bị người dân xứ này lấn chiếm trái phép vào ở vùng dự án đầu tư là khá phổ biến, mức độ và tính chất ngày càng trầm trọng làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Người dân Campuchia phản đối
Chỉ sau thông báo của VRG được công bố hai ngày, đã có gần 200 người dân bị ảnh hưởng bởi dự án của công ty Phát triển Cao su Chư Sê-Kampong Thom (CRCK) tổ chức biểu tình phản đối. Công ty CRCK là một thành viên của VRG tại huyện Sandan của tỉnh Kampong Thom.
Những người tham gia biểu tình chống công ty CRCK cho biết cộng đồng không hài lòng với công ty này vì nhiều đất ruộng, khu rừng của dân gần dự án đã và đang bị công ty phá hoại. Mục đích biểu tình là không để CRCK tiếp tục đốn gỗ, khai hoang rừng khi chưa có đền bù thỏa đáng.

Ông Hoeun Sopheap phát biểu: "Thông báo của VRG đã cáo buộc dân trắng trợn vì cộng đồng làm ruộng và sống trong rừng từ thập niên 70 hay 80. Dân không bao giờ lấn chiếm đất của dự án. Ngược lại, công ty Việt Nam không tôn trọng thỏa thuận để giải quyết cho dân."
Theo Sopheap, các diện tích thuộc khu vực công viên rừng quốc gia, rừng bảo tồn, rừng dày và bán rừng dày, diện tích rừng cộng đồng, diện tích rừng canh tác của người dân đang bị các công ty thành viên của VRG và HAGL chặt đốn gỗ bất hợp pháp.
Phó Thủ tướng Campuchia Yim Chhay Ly đã bác bỏ cáo buộc của tổ chức Global Witness. Ông nói các công ty trồng cao su của Việt Nam chấp hành tốt luật pháp của Campuchia.
Còn Tỉnh trưởng tỉnh Kampong Thom là ông Ouch Sam On cho biết công ty Việt Nam không hề chặt gỗ bán. Các công ty Việt Nam có nhiệm vụ khai triển dự án nhưng có một công ty khác mua gỗ từ chính phủ. Ông thừa nhận chặt rừng sẽ ảnh hưởng đến môi trường, biến đổi khí hậu tuy nhiên nếu không có đầu tư, không phát triển thì làm gì dân có công ăn việc làm, cải thiện đời sống, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Ông nói những cáo buộc của Global Witness đối với VRG là sai sự thật.
Đối với cuộc biểu tình, ông Ouch Sam On nói:
“Một số gia đình chịu ảnh hưởng bởi dự án CRCK được chính phủ giải quyết. Những người biểu tình hôm nay là người sống ở khu vực lân cận và đến từ các tổ chức bảo vệ môi trường.
Nhiều công ty bị dân lấn chiếm vào ở vùng dự án giống thông báo của VRG. Chính phủ sẽ làm việc với chính quyền tỉnh, huyện, xã và dân để phản ánh về quyền lợi, đất đai canh tác và để dân biết rõ vùng dự án đầu tư.”
Bà Megan cho rằng chính phủ Campuchia và Lào là thành phần then chốt trong vấn đề này. Global Witness hoan nghênh chính phủ có thiện chí giải quyết xung đột với quyền lợi của cộng đồng. Bà Megan khẳng định lý do mà Global Witness tập trung vào Tập đoàn HAGL và VRG vì đây là hai doanh nghiệp quan trọng nhất trồng cao su tại Campuchia và Lào. Và Chính hai doanh nghiệp này đã có những hoạt động vi phạm pháp luật địa phương nghiêm trọng.
Tính đến nay, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai có 5 dự án hoạt động trồng cao su và một dự án cọ dầu tại Campuchia trên tổng diện tích 50.000 hécta đất. Ở Lào có 8 dự án với tổng diện tích 40.000ha.
Còn Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có 21 dự án trồng cao su đang được triển khai tại Campuchia với diện tích trồng được trên 70.000 ha. Tại Lào có 8 dự án và diện tích trồng đạt 27.096 ha.