Thất thoát quá nhiều
Tổn thất sau thu hoạch làm nhiều người giật mình, tỷ lệ phần trăm được TS Phạm Văn Tấn đại diện Viện Cơ điện và Công nghệ sau Thu hoạch đưa ra tại cuộc hội thảo hai ngày kết thúc hôm 1/7 tại Cần Thơ. Các nhà báo dự hội thảo ước tính trị giá tổn thất sau thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long với các con số cách biệt nhau rất lớn.
Theo tính toán của báo điện tử Saigon Tiếp Thị thì tổn thất sau thu họach mỗi năm khoảng 235 triệu USD, con số của báo Dân Việt là 365 triệu USD còn báo Cần Thơ điện tử có con số lớn nhất lên tới 635 triệu USD/năm. Thất thoát trong và sau thu hoạch ở đồng bằng sông Cửu Long bao gồm cả chất lượng và khối lượng, từ cắt lúa bằng máy hay bằng tay, tới phơi sấy, xay xát, bảo quản và vận chuyển.
Qua cuộc hội thảo, nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề bảo quản lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long được thể hiện từ các chuyên gia Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI), cũng như các Viện và Trường đại học của Việt Nam. Công nghệ sau thu họach tân tiến như các nước phương tây với hệ thống tháp bảo quản Silo và tự động hóa đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, khoảng 300-400USD/tấn sức chứa. Giả dụ với một vụ đông xuân 10 triệu tấn lúa thì đồng bằng sông Cửu Long cần số vốn đầu tư lý thuyết là khoảng 4 tỷ USD, để thiết lập hàng ngàn các hệ thống silo bảo quản lúa gạo với dây chuyền tự động hóa. Lúa gạo trữ trong các tháp silo sẽ có độ ẩm nhất định trữ lâu được vài năm.
Sgtt.vn trích lời ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết: “Tổng Công ty Lương thực Miền Nam từng đầu tư silo, kể cả hệ thống sấy lạnh, sức chứa 12.000 tấn đến 48.000 tấn. Những silo của Trung Quốc, Châu Âu được giới thiệu đều có ở miền Nam, nhưng ai sẽ chọn silo khi mức đầu tư tự động hóa quá cao so với thủ công.”
Một khi đã đầu tư cho khâu bảo quản bằng hệ thống silo thì có nghĩa gạo thành phẩm không thể bán ở thị trường giá rẻ. Silo chỉ có thể đắc dụng có hiệu quả khi nông dân sản xuất tập trung trên diện tích lớn, giống lúa đồng nhất. Cần nhắc lại Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng chủ yếu về gạo trắng và giá rẻ.
Giải pháp mới...
Sau cuộc hội thảo 1/7, TS Lê Văn Bảnh Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu với chúng tôi:

“Vừa rồi hội thảo người ta định hướng sử dụng silo hiện đại, theo tôi cái này rất tốt nhưng ứng dụng được nó chắc phải vài chục năm nữa, bởi vì hiện nay ở đồng bằng sông Cửu Long điều quan trọng là gồm các nông hộ nhỏ. Dạng này làm silo rất là khó, với nông hộ nhỏ thì sắp tới đây sẽ tiến hành liên kết hợp tác, là hợp tác xã hoặc các cánh đồng chuyên canh. Nếu sử dụng silo thì sẽ do các doanh nghiệp làm, các doanh nghiệp thu mua lúa mới vừa thu hoạch của dân về xử lý và bảo quản.
Hiện nay khâu thu hoạch và sau thu hoạch bảo quản tồn trữ thất thoát rất nhiều về số lượng và chất lượng, làm được việc này thì rất hiệu quả nhưng vốn đầu tư chi phí cho silo quá cao. Hơn nữa đồng bằng sông Cửu Long nền đất yếu trong khi chiều cao silo quá cao, điều này không phải là tốt.”
Vậy thì Việt Nam sẽ chọn lựa công nghệ sau thu hoạch như thế nào cho vựa lúa xuất khẩu chủ yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long. Phó giáo sư Phan Thanh Tịnh, Viện trưởng Viện Cơ điện và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN-PTNT) từ Hà Nội phát biểu:
“Xuất khẩu gạo thì công nghệ sau thu hoạch là bước tiếp theo, nhưng biện pháp đầu tiên là phải có giống cho phù hợp, thứ hai là qui hoạch đúng thời vụ. Công nghệ sau thu hoạch thì chúng tôi đang cố gắng triển khai hệ thống sơ chế và bảo quản lúa gạo, bao gồm các hệ thống máy sấy, hệ thống silo, nếu mà triển khai được đồng bộ các biện pháp này thì tổn thất sau thu hoạch sẽ giảm xuống rất nhiều.”
Như vậy trong 10 năm sắp tới, Việt Nam hay nói cách khác đồng bằng sông Cửu Long sẽ chọn giải pháp nào cho vấn đề bảo quản lúa gạo sau thu hoạch. TS Lê Văn Bảnh nhận định:
Hiện nay khâu thu hoạch và sau thu hoạch bảo quản tồn trữ thất thoát rất nhiều về số lượng và chất lượng, làm được việc này thì rất hiệu quả nhưng vốn đầu tư chi phí cho silo quá cao.
TS Lê Văn Bảnh
“Nhìn chung trong 10 năm sắp tới có mấy vấn đề, thứ nhất ngành nông nghiệp Việt Nam khuyến cáo làm ‘cánh đồng mẫu lớn’, thứ hai là cánh đồng chuyên canh, thứ ba là nông dân liên kết hợp tác, liên kết vùng, liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) để sản xuất sản phẩm đạt chất lượng và với số lượng lớn. Như vậy sẽ có một số kho tàng tồn trữ ở các hợp tác xã hoặc các liên kết hợp tác để đảm bảo chất lượng và tồn trữ khi giá lúa xuống quá thấp, để khi phù hợp mới bán đem lại hiệu quả cao.
Ngoài ra các doanh nghiệp cũng tự đầu tư một số kho tồn trữ để thu mua lúa của bà con nông dân về tự phơi sấy xay xát tồn trữ, hướng chung là như vậy. Hiện nay việc xây dựng các kho tàng tồn trữ hiện đại như hệ thống silo đề ra trong hội thảo thì các doanh nghiệp cần nghiên cứu cho phù hợp hơn, chứ nếu sao chép y nguyên mẫu bên kia về bên này thực hiện thì tôi thấy là chưa hợp lý.”
...liệu có phù hợp?
Đáp câu hỏi của chúng tôi, phải chăng Việt Nam thiên về hướng tự sáng tạo cho mình một công nghệ sau thu hoạch phù hợp với sản xuất và nguồn lực tài chánh thực tế. Giáo sư Phan Thanh Tịnh nhấn mạnh:

“Cơ bản thế giới họ ứng dụng thì mình cũng phải học hỏi theo kinh nghiệm của thế giới. Chỉ có điều về thiết bị nếu nhập khẩu nguyên toàn bộ hệ thống silo, hệ thống sấy và các thiết bị khác thì giá thành sẽ đắt và mình sẽ sợ. Thế nhưng vẫn với những công nghệ đó nhưng do thiết kế ở trong nước thì vẫn có thể ứng dụng những công nghệ đó, chứ không phải bây giờ lại nghĩ ra một thứ công nghệ hoàn toàn khác với thế giới thì điều ấy là hoàn toàn không có.”
Viện trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long TS Lê Văn Bảnh giải thích thêm về quan điểm của các nhà khoa học đối với việc áp dụng công nghệ sau thu họach tiên tiến của thế giới:
“Chúng tôi thống nhất với nhau, bây giờ người ta định hướng như thế nhưng mình cải tạo silo thế nào cho phù hợp với vùng đồng bằng. Ngoài ra hệ thống phơi sấy thông gió để bảo quản trong kho đúng kỹ thuật, nhập kho xuất kho tự động cũng cần nghiên cứu cho phù hợp. Tôi biết quốc tế đã làm cả trăm năm nay nhưng đồng bằng sông Cửu Long nếu muốn làm vậy thì nên bắt đầu một số các doanh nghiệp thôi còn nông dân không thể làm chuyện này được.”
Hiện nay nông dân đồng bằng sông Cửu Long ít người có phương tiện để tồn trữ lúa dù chỉ là vô bao cất trong nơi có mái che. Với lúa đông xuân thu hoạch trong mùa khô, những hộ nông dân khá giả có thể tự phơi sấy rồi chờ bán lúa khô cho được giá, đa số bán lúa ướt ngay tại chân ruộng. Trong vụ hè thu hiện nay, nông dân chọn giải pháp bán lúa ướt vì nếu vô bao chở lúa đến lò sấy sau đó lại vô bao để bán thì hiệu quả thu nhập không bằng bán lúa ướt ngay sau khi gặt. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Ít có ai đầu tư để trữ lúa, bán lúa ướt ngay sau khi máy cắt xong là bán luôn, nó chênh lệch so với bán lúa khô từ 800đ-1.000đ/kg. Theo mình tính mùa mưa bão bán như thế có lợi hơn, vừa khỏe vừa tiện lợi cho người dân.”
Ít có ai đầu tư để trữ lúa, bán lúa ướt ngay sau khi máy cắt xong là bán luôn. Theo mình tính mùa mưa bão bán như thế có lợi hơn, vừa khỏe vừa tiện lợi cho người dân.
Nông dân ĐBSCL
Để tiến tới đổi mới trong sản xuất lúa gạo đem lại hiệu quả cho cả chuỗi giá trị, Việt Nam sẽ phải xác định mục tiêu rõ ràng, duy trì thị trường giá rẻ xuất khẩu khối lượng lớn mỗi năm hay chuyển đổi sang gạo chất lượng cao hơn, nhưng sẽ khó cạnh tranh hơn vì giá thành cao.
Tuy nhiên ngay cả kế hoạch thực hiện ‘cánh đồng mẫu lớn’ sản xuất tập trung diện tích lớn, nếu thành công thì theo các chuyên gia đến năm 2020 có lẽ cũng chỉ giải quyết được nhiều lắm là 20% tổng diện tích trồng lúa khoảng 1.600.000 ha cho mỗi vụ ở đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân đời cha sang đời con có thể khá hơn một chút nhưng để làm giàu thì vô phương, làm giàu được với cây lúa chỉ có các thương gia hay cá biệt những đại gia nông dân tích tụ được trăm héc-ta ruộng đất.