Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa chính thức công bố thuế suất 0% đối với mặt hàng tôm xuất khẩu của 31 doanh nghiệp Việt Nam vào Mỹ sau giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 13 từ ngày 1/2/2017 đến 31/1/2018.
Kết quả đạt được
Hồi tháng 4 năm nay, Bộ Thương mại Mỹ cho hay kết quả sơ bộ của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 – POR13 cho thấy các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta và Công ty Hải sản Nha Trang không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/2/2017 đến ngày 31/1/2018. Do đó, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty trên là 0%.
Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức thuế Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố chứng tỏ các doanh nghiệp tôm Việt trung thực trong hoạt động, khai báo số liệu đầy đủ, chính xác và kịp thời.
Mức thuế 0% này mở ra cơ hội xuất khẩu mạnh hơn cho 31 doanh nghiệp xuất tôm đi Mỹ, bởi Mỹ là một thị trường nhập khẩu tôm lớn của Việt Nam và cũng là thị trường khó tính với những quy tắc khắt khe về chất lượng cũng như quy trình nhập khẩu.
Ông Minh Hùng, chuyên thu mua và xuất khẩu tôm ở tỉnh Khánh Hòa, nêu suy nghĩ của mình khi nghe tin hàng chục doanh nghiệp được hưởng mức thuế ưu đãi trên:
“Nếu thuế suất mà được 0% thì lượng tôm xuất khẩu sẽ nhiều hơn, giá sẽ cao hơn, người nuôi tôm sẽ có lợi. Hai năm nay sự phát triển của ngành tôm chựng lại vì giá thấp, sản lượng thấp, người nuôi bỏ hồ luôn. Bên tôi hai năm qua giao nguyên liệu tươi thẳng cho bên Trung Quốc chứ mấy năm trước thì tôi giao hàng “ngâm” qua các công ty để họ chế biến và xuất khẩu đi các nước khác.”
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp cũng bày tỏ vui mừng khi nghe mức thuế mà các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng khi xuất khẩu tôm qua Mỹ:
“Nếu mức thuế 0 % như thế thì quá tốt cho ngành tôm Việt Nam trong tình hình giá tôm thấp như hiện nay. Việt Nam có năng lực về sản xuất tôm, năm nay lại có sự cải tiến về môi trường và kỹ thuật. Như thế ngành nuôi tôm của Việt Nam có cơ hội phát triển.”
Mỹ là một trong bốn thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam nhiều nhất và có ảnh hưởng tới các thị trường khác về giá cả và quyết định mua hàng của nhà nhập khẩu. Năm 2018, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt hơn 637 triệu đô la.
Gian nan con đường xuất khẩu
Đầu năm 2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề ra mục tiêu là đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam phải đạt 10 tỉ USD, tức là tăng hơn 3 lần với hiện tại và biến ngành tôm thành “ngành đầu não” trong nền nông nghiệp của Việt Nam.
Tuy nhiên theo nhận định của Tiến sĩ Lê Văn Bảnh với RFA lúc bấy giờ thì không dễ gì đạt được mục tiêu đó do có nhiều thách thức khi nuôi tôm:
“Đồng Bằng Sông Cửu Long không phải nơi nào cũng có thể nuôi tôm được thành ra phải có qui hoạch cụ thể. Vừa rồi thủ tướng nói làm sao từ đây tới 2025 phải nâng xuất khẩu đang 3 tỷ lên thành 10 tỷ. Đó là ước vọng nhưng muốn thành hiện thực cũng hết sức khó khó khăn. Bởi vì trồng lúa thì kỹ thuật không cần cao lắm, bây giờ chuyển sang nuôi tôm thì nó để ra nhiều chuyện khác, đất đai môi trường như thế nào là một việc, thứ hai nuôi tôm nuôi cá phải cả chục tỷ mới làm được mà rất là rủi ro về môi trường, có thể thắng hai ba vụ đầu mà thất bại một vụ là bán nhà.”
Hồi ngày 1/8/2017, Bộ Thương Mại Mỹ đưa ra thông báo tôm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế 1,42% thay vì 1,16% như trước đây.
Truyền thông trong nước lúc đó dẫn lời ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nói rằng sở dĩ Bộ thương mại Mỹ tăng thuế vì họ bị các nhà đánh bắt và nuôi tôm ở Mỹ khiếu nại lên Tòa Thương mại Mỹ rằng tòa này đã dùng mức lương ở Bangladesh quá thấp để so sánh tương đồng với Việt Nam là không phù hợp. Quyết định mới của tòa án dựa trên mức lương ở Ấn Độ, cao hơn, làm qui chiếu so sánh với Việt Nam.
Đến tháng 3 năm 2018, Bộ Thương mại Hoa Kỳ thông báo kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá cho tôm Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 12 (từ 1/2/2016- 31/1/2017), mức thuế đối với bị đơn bắt buộc là 25,39% và mức thuế cho các công ty khác cũng là 25,39%. Mức thuế như vậy quá cao so với những lần công bố trước đó. VASEP và các doanh nghiệp Việt Nam tin rằng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có sự nhầm lẫn trong tính toán biên độ và xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại quốc tế Hoa Kỳ.
Việt Nam bắt đầu xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ từ năm 1996 sau khi Hoa Kỳ bãi bỏ lệnh cấm vận kinh tế. Trải qua nhiều lần bị khởi kiện “chống bán phá giá” cũng như nhiều lần bị áp mức thuế chống bán phá giá rất cao, nhưng cuối cùng hàng chục doanh nghiệp Việt Nam đã được hưởng mức thuế 0% khi vào thị trường Mỹ. Với mức thuế như vậy thì có lẽ lượng tôm nhập vào Mỹ từ Việt Nam sẽ tăng lên. Vậy Việt Nam có đủ lượng tôm để vừa cung cấp cho xuất khẩu vừa cung cấp cho thị trường trong nước hay không?
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nêu ý kiến của mình:
" Tôi không nghĩ lượng tôm cho thị trường nội địa sẽ thiếu hụt vì hiện nay mức sản xuất tôm của Việt Nam không quá cao nhưng cũng không thấp. Nếu xuất khẩu nhiều thì giá tôm cao lên, cán cân nhu cầu cũng không thay đổi nhiều. Hiện nay sản xuất lúa cũng có điều chỉnh giảm lại, mở thêm đất cho nuôi tôm và trồng cây ăn trái nên cũng thuận lợi cho việc xuất khẩu tôm tăng. "
Ông Minh Hùng ở Khánh Hòa cũng cùng suy nghĩ nhưng ông chú ý hơn về vấn đề chất lượng:
" Với mức thuế như vậy và chất lượng đạt yêu cầu thì ngành tôm Việt Nam sẽ phát triển mạnh, người nuôi tôm sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng. Tôi nghĩ khi mức thuế được ưu đãi như vậy thì chất lượng cũng phải đi kèm. Phải giữ được chất lượng theo đúng tiêu chuẩn mà Mỹ yêu cầu thì thị trường này mới ổn định. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường Mỹ"