Việt Nam bắt đầu sửa luật cho phép thành lập công đoàn độc lập?

Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội vừa công bố Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần đầu tiên bổ sung quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Có phải Việt Nam bắt đầu tiến hành sửa đổi luật để cho phép thành lập công đoàn độc lập?

Một lối mở cho người lao động

Một số công nhân ở Việt Nam chia sẻ với RFA rằng dịp lễ Ngày Lao động Quốc tế năm 2019 đặc biệt vui đối với họ trước thông tin liên quan đến Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) lần đầu tiên bổ sung quy định việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, được đăng tải trên Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 30 tháng 4 qua bài báo có tựa đề “Đề xuất người lao động có quyền thành lập công đoàn độc lập”. Một công nhân cho biết:

“Đây là một tín hiệu vui, bởi vì dù sao cũng có một lối mở cho người lao động.”

Nội dung bài báo vừa nêu cho biết Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở và tổ chức này được tham gia góp ý cũng như giám sát các quy định về lương bổng, nội quy lao động và các quyền lợi của người lao động là thành viên. Thêm vào đó, thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở được bầu chọn phải là người lao động Việt Nam đang làm việc tại cơ sở sử dụng lao động; có quyền thương lượng, đối thoại, tham vấn với chủ lao động tại nơi làm việc theo quy định và được tổ chức, lãnh đạo các cuộc đình công.

<i>Đây là một tín hiệu vui, bởi vì dù sao cũng có một lối mở cho người lao động<br/>-Công nhân</i>

Điều đáng chú ý trong Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là chỉ được hoạt động hợp pháp khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động.

Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội, được Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời rằng dự thảo luật này nhằm nội luật hóa tiêu chuẩn lao động quốc tế, thực hiện những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia. Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cũng cho biết dự thảo sẽ được lấy ý kiến đến 28-6 và được trình Quốc Hội trong kỳ họp tháng 5 và theo lộ trình sẽ đươc thông qua vào kỳ họp tháng 10.

Dự thảo mập mờ nhằm đối phó

Từ Sài Gòn, nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng lên tiếng cần lưu ý thời điểm Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội công bố Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về quy định thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngay sau hai chuyến công du đến Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hồi trung tuần tháng 4.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng ghi nhận Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội đã được chỉ đạo soạn thảo từ năm 2015, nhưng khi công bố thì nội dung quy định trong dự thảo luật này rất dễ gây hiểu lầm cho người lao động qua cụm từ được sử dụng rất mơ hồ là “tổ chức đại diện của người lao động” tại cơ sở. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh rằng Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) được Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội tuyên bố là “nhằm thực hiện những cam kết về lao động trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia”, thế nhưng nội dung dự thảo vừa được công bố có nhiều khác biệt so với các quy định trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc Hội Việt Nam thông qua và có hiệu lực từ ngày 14/01/19.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhắc lại và liệt kê các điều khoản về yêu cầu thành lập công đoàn độc lập trong Hiệp định CPTPP mà Việt Nam đã ký kết:

“-Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động/công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

- Các tổ chức công đoàn của người lao động này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở, thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động VN.

-Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

- Chậm nhất từ 5 đến 7 năm kể từ khi Hiệp định CTTPP có hiệu lực, các tổ chức người lao động/công đoàn có thể gia nhập hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.

Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam như vấn đề đình công: hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp, đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; trong khi đó Hiệp định CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công ‘phản đối chính sách kinh tế -xã hội’…”

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng so với các quy định về thành lập công đoàn trong CPTPP thì Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) về thành lập lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là quá sơ sài, không thể hiện thiện chí và thực tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện cam kết theo tinh thần Hiệp định CPTPP.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn đặc biệt lưu ý về quy định “cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký” là quy định chung chung vì đã không nêu rõ cơ quan có thẩm quyền là cơ quan nào; do đó khi thực hiện sẽ tạo ra bức tường thành về thủ tục hành chính khi người lao động thành lập hồ sơ và đăng ký cho tổ chức của người lao động hoạt động.

Lãnh đạo ngành công thương các nước thành viên chuẩn bị ký kết hiệp CPTPP tại Chile tháng 3/2018.
Lãnh đạo ngành công thương các nước thành viên chuẩn bị ký kết hiệp CPTPP tại Chile tháng 3/2018. (AFP)

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, một đại diện ẩn danh của Liên đoàn Lao động Việt Tự do, tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam nhận xét rằng Chính phủ Việt Nam không sẵn sàng trong việc cho phép công đoàn độc lập được thành lập và hoạt động hợp pháp:

“Cái tựa đề bài báo đã bị sửa đổi thành ‘Lấy ý kiến về Bộ luật Lao động sửa đổi đến ngày 28-6-2019’ sau khi đăng tải. Có lẽ đã được Ban Tuyên giáo hay một cơ quan nào đó nhắc nhở. Qua đó cho thấy một động thái họ phủ nhận vì trong nội dung bài báo không còn từ ‘công đoàn độc lập’ nữa.”

Vị đại diện của Liên đoàn Lao động Việt Tự do còn khẳng định việc thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam sẽ rất khó khăn theo quy định trong dự thảo luật này:

“Dự thảo quy định thứ nhất là muốn hoạt động hợp pháp thì phải gia nhập hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản và là tổ chức của Nhà nước thì không còn là độc lập nữa. Thứ hai, Dự thảo quy định hoặc là được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký thì cũng không biết cơ quan nào có thẩm quyền để làm việc này. Quy định như thế cũng rất mập mờ. Họ ràng buộc vào quy định này thì e rằng việc người lao động đi đăng ký mà không biết thời gian chờ đợi trong bao lâu. Theo tôi được biết, Liên đoàn Lao động Việt Tự do đã hai lần nộp đơn gửi đến một số cơ quan có thẩm quyền gồm Bộ Công Thương và Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội cùng một số bộ khác nhưng tất cả các cơ quan cấp bộ đó không hề trả lời cho Liên đoàn Lao động Việt Tự do liên quan việc nộp đơn này.”

<i>Dự thảo quy định thứ nhất là muốn hoạt động hợp pháp thì phải gia nhập hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản và là tổ chức của Nhà nước thì không còn là độc lập nữa. Thứ hai, Dự thảo quy định hoặc là được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký thì cũng không biết cơ quan nào có thẩm quyền để làm việc này. Quy định như thế cũng rất mập mờ. Họ ràng buộc vào quy định này thì e rằng việc người lao động đi đăng ký mà không biết thời gian chờ đợi trong bao lâu<br/>-Liên đoàn Lao động Việt Tự do</i>

Còn theo nhận định của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) được gấp rút hoàn chỉnh và được Quốc Hội thông qua trong kỳ họp tháng 10 là cách để Chính phủ Việt Nam đối phó với Châu Âu trong mong muốn nhanh chóng ký kết và tham gia vào Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Châu Âu (EVFTA).

Vào hạ tuần tháng 1 năm 2019, hai thành viên Nghị viện Châu Âu chính thức thông báo về việc hoãn phê chuẩn Hiệp định EVFTA và lý do hoãn được viện dẫn là bởi vấn đề kỹ thuật. Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, ông Bruno Angelet, trong một cuộc phỏng vấn với BBC Việt ngữ hồi trung tuần tháng 3 vừa qua, cho biết ông hy vọng đại diện của Hội đồng Châu Âu sẽ đến Hà Nội ký các hiệp định trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 năm 2019 và ông dự đoán Nghị viện Châu Âu mới sẽ xem xét và phê chuẩn EVFTA sau mùa hè hoặc đầu tháng 10 tới đây, sau khi được tổ chức bầu cử vào hạ tuần tháng 5.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng kêu gọi Liên minh Châu Âu và Nghị viện Châu Âu không nên quá vội vã thông qua văn bản pháp quy liên quan quy định thành lập công đoàn độc lập của Việt Nam, mà cần phải rà soát kỹ nội dung có đảm bảo quyền lợi của người lao động Việt Nam hay không rồi hẳn phê chuẩn.

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận trong những năm vừa qua, hàng trăm cuộc đình công lớn nhỏ nổ ra một cách tự phát tại Việt Nam với sự tham gia của hàng ngàn công nhân nhằm phản đối chính sách của công ty, như công nhân không đủ sức làm việc vì bị ép tăng sản lượng, không được nghỉ phép khi bị đau ốm, hay chính sách lương được cải cách không phù hợp…Phần đông trong số công nhân tham gia đình công từ Bắc đến Nam cho RFA biết thông thường Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đứng về phía chủ doanh nghiệp, thậm chí còn lên tiếng đe dọa những ai tổ chức đình công tập thể. Trong khi đó, một số nhà hoạt động vì quyền lợi của công nhân, kêu gọi Việt Nam cho phép công đoàn độc lập hoạt động hợp pháp nhưng lại bị chính quyền bắt bỏ tù như Đoàn Huy Chương, Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng…