Lạc quan ngành dệt may VN

Theo dự báo kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam có thể đạt 13 tỷ đô la năm nay và hiện đang dẫn đầu về hàng hóa xuất khẩu của cả nước.

Mục tiêu phấn đấu của toàn ngành dệt may là tiếp tục duy trì ở top 5 và tiến lên vị trí top 3 của thế giới, trong tương lai.

Đỗ Hiếu tổng hợp chi tiết cùng với ý kiến đóng góp của ba chuyên gia kinh tế và doanh nhân lãnh đạo ngành dệt may Việt Nam.

Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu

Số liệu do báo chí công bố cho thấy, trong năm 2011, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt tới 13 tỷ đô la, chiếm khoảng 2,5 % thị phần toàn cầu.
Hàng dệt may, thêu đan, may mặc của Việt Nam hiện đứng thứ 5 của thế giới và phấn đấu tiến lên hàng top 3 trong những năm tới. Trong năm 2011, hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ thu về gần 7 tỷ đô la, bán sang EU thu hơn 2 tỷ đô la và xuất qua Nhật Bản chiếm một tỷ rưỡi đô la, kim ngạch trên một tỷ đô la còn lại là tại các thi trường khác khắp các châu lục.

Nhận định về thành quả khả quan này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập phân tích:

“Ngành dệt may Việt Nam có tiến bộ rất đáng khích lệ, tốc độ tăng trưởng nhanh, đạt doanh thu xuất khẩu trên 11 tỷ đô la, hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, tạo được nhiều công ăn việc làm, có đóng góp cho xóa đói giảm nghèo, đó là những thành tựu đáng ghi nhận.”

Hàng dệt may có kim ngạch xuất khẩu cao nhất, tạo được nhiều công ăn việc làm, có đóng góp cho xóa đói giảm nghèo, đó là những thành tựu đáng ghi nhận.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may, Thêu đan TP Hồ Chí Minh cũng góp ý về những hoạt động tích cực của ngành này, nhưng bên cạnh đó cũng có một số khó khăn nhất định:

“Chắc chắn đây là một tin vui cho người làm trong ngành dệt may, nhưng cũng có nhiều băn khoăn, kết quả thật sự mang về cho đất nước chưa đáng kể , vì hầu hết doanh nghiệp dệt may vẫn làm theo cách gia công, tỷ lệ chiếm tới 70%, kế đó là do giá nguyên liêu trên thế giới có xu hướng tăng, vì thế sản phẩm do mình làm ra dù có tăng nhiều, nhưng cũng không tăng nhanh bằng những gì mình phải nhập vào để sản xuất ra thành phẩm.

Nguyên liệu do khách hàng cấp, họ mua giá cao thì cũng tính giá cao với mình, đó là băn khoăn thứ hai. Băn khoăn thứ ba là đất nước hiện theo chủ trương hiện đại hóa, công nghiệp hóa, chúng ta rất kỳ vọng ở những ngành sử dụng chất xám, sẽ là ngành chủ đạo như ngành điện tử, sinh học, công nghệ cao, được đặt vào đó rất nhiều kỳ vọng thì lại chưa đóng được vai trò đó mà ngành dệt may vẫn phải làm nhiệm vụ này.

Theo suy nghĩ của chúng tôi thì dệt may phải đóng vai trò dẫn dầu về xuất khẩu cho đất nước trong vòng từ 5 tới 10 năm nữa."

Nhiều khó khăn và thách thức

Mặc dù đang dẫn dầu về kim ngạch xuất khẩu, ngành dệt may Việt Nam đang phải đối phó với ít nhiều khó khăn, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh giải thích:

det-may-10-afp-200.jpg
Nhân viên KCS Công ty May 10 đang kiểm hàng trước khi xuất khẩu. AFP photo (Nhân viên KCS Công ty May 10 đang kiểm hàng trước khi xuất khẩu. AFP photo)

“Những thách thức trước mắt là dệt may phải vượt qua những biến động của môi trường kinh tế vĩ mô nhất là qua các đợt điều chỉnh tỷ giá, nâng giá điện, hai lần nâng giá xăng. Chi phí đầu vào của ngành dệt may trong nước đã tăng rõ rệt, trong khi đó giá xuất khẩu của hàng dệt may không tăng được, bởi vì giá đó phải cạnh tranh với các đối thủ khác như Bangladesh, Indonesia, dệt may của Việt Nam không thể nào đàm phán lại hoặc nâng giá lên được.

Nền dệt may phải hết sức nỗ lực, tiết kiệm để giải quyết bài toán giữa đầu ra và đầu vào này, phải duy trì một mức độ lợi nhuận có thể chấp nhận được và duy trì công ăn việc làm cho số công nhân đó. Thứ hai là tình hình thiếu điện rất gay gắt, các doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài đã than phiền về tình trạng điện bị cắt, trong không ít trường hợp, bị cắt điện mà không được báo trước.”

Ngoài những khó khăn vừa kể, thiếu lao động cũng là một trong những bài tóan phức tạp của ngành dệt may Việt Nam, thời gian qua đã có trên 10% lao động của ngành chuyển sang làm những công việc khác.

Ngoài yếu tố nhân lực, dệt may cũng gánh chịu những trở ngại về nguồn cung cấp vật liệu thiết yếu, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết thêm điều đó:

“Công nghiệp và dịch vụ trợ giúp cho ngành dệt may như các sản phẩm đầu vào, từ sợi, bông, cúc, chỉ, Việt Nam phải nhập khẩu, tỷ lệ nhập khẩu từ 70 đến 75% giá trị xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam, trong đó một phần rất quan trọng là nhập từ Trung Quốc, nên sự phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc là điều đáng kể. Không dễ dàng gì để có thể nâng cao tỷ lệ nội địa hóa ấy được, cũng không dễ cạnh tranh được, cho nên chỉ có thể phát triển một cách có chọn lọc, chứ không thể phát triển với bất kỳ giá nào.”

Hướng về tương lai ngành dệt may của Việt Nam, ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói:

“Dệt may Việt Nam chưa phải là top 3, đấy là mục tiêu trong 10 năm tới, hiện nay chỉ nằm trong top 5 về xuất khẩu hàng may mặc, xếp vào top 3 kể cả ngành dệt may thì chưa phải là lúc này.”

Những thách thức trước mắt là dệt may phải vượt qua những biến động của môi trường kinh tế vĩ mô nhất là qua các đợt điều chỉnh tỷ giá, nâng giá điện, hai lần nâng giá xăng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng tin tưởng rằng:

“Ngành dệt may với trình độ công nghệ trung bình và thấp vẫn là một nguồn tạo ra lao động và tạo ra thu nhập trong nền kinh tế Việt Nam cho nên vẫn cần phát triển. Trong một tương lai dài hạn hơn thì có thể chuyển sang các ngành công nghiệp khác có giá trị gia tăng cao hơn, có hàm lượng công nghệ cao hơn thì đó là một tương lai xa hơn.”

Theo báo chí trong nước thì được xem là ngành công nghiệp trọng yếu của Việt Nam và đứng đầu về xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, vì ngành dệt may có lực lượng lao động dồi dào, có tay nghề cao, nhiều doanh nghiệp phát triển mạnh, đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính, có thể đảm đương được những đơn đặt mua hàng phức tạp với khối lượng lớn.

Tuy nhiên qua nhận định của các chuyên gia như vừa rồi thì trên thực tế dệt may còn phải phấn đấu hơn nữa hầu vượt qua được những vấn đề nan giải, hầu giữ vững được nồi cơm của hàng triệu lao động sinh sống trong ngành công nghiệp này.

Theo dòng thời sự: