Sau 5 cuối tuần liên tiếp người Việt Nam xuống đường phản đối các hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông, đến Chủ nhật tuần rồi 10-7 công an thành phố Hà Nội đã ra tay ngăn chận và câu lưu hơn chục người, ngay khi cuộc tuần hành mới khởi phát.
Chỉ mời về để giải thích
Trả lời Đài Á Châu Tự Do về lý do bắt giữ những người này, Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Phó tổng cục trưởng Cục An Ninh II, nhấn mạnh:
“Tôi là ông Nhanh đây. Chúng tôi không có bắt ai hết, sau khi xác định nhân thân thì trả tự do hết. Chúng tôi chỉ mời về để giải thích và 12 giờ cho về hết. Còn bà Dương Thị Xuân và ông Ngô Duy Quyền còn liên quan đến nhiều việc khác nữa như khiếu kiện chứ không phải biểu tình không mà thôi…”

Trong khi đó, lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do, ông Ngô Duy Quyền, một trong những người bị công an câu lưu, kể lại sự việc:
“Cách xa Đại sứ quán Trung Quốc, tôi nhập vào đoàn. Từ khi nhập vào đoàn đến khi bị bắt rất nhanh. Tôi thấy trước tôi chị Dương Thị Xuân bị bắt tôi chạy đến muốn ngăn lại nhưng hai mật vụ kèm sát hai bên tôi, rồi có một người chỉ vào mặt tôi nói ‘Bắt thằng này’. Có thêm chừng 10 người đẩy tôi vào một xe nhỏ màu đen. Khi vào xe tôi thấy chị Xuân đang nằm vắt trên ghế như bị choáng. Khi tỉnh lại chị kể cho tôi đầu chị bị đụng vào đâu đó. Khi lên xe có hai mật vụ ngồi phía trước và hai mật vụ ngồi phía sau, đưa thẳng chúng tôi về Hà Đông.”
Không chỉ những người tham gia biểu tình bị bắt đi làm việc, mà tin tức từ các hãng thông tấn quốc tế còn cho biết có những phóng viên của các cơ quan truyền thông nước ngoài như một phóng viên người Việt tên Đinh Hậu làm việc cho AP, một phóng viên đài truyền hình NHK của Nhật và một phóng viên của tờ báo Ashahi Shimbun cũng của Nhật cũng bị công an câu lưu.
Sự kiện 10 tháng 7 vừa qua ở Hà Nội làm cho những người trong cuộc bức xúc, như phát biểu sau đây:
“Tình hình Việt Nam hiện nay theo cảm giác của tôi đang bị khống chế nhiều mặt, chứ không phải là một nước độc lập về chính trị, về kinh tế, về văn hóa… Người Việt Nam giờ hèn lắm không như xưa nữa rồi, mai một và ngu muội. Bản lĩnh dân tộc bị đồng hóa và ngu muội rồi. nếu tôi là người lãnh đạo tôi xuống thì ai dám chỉ trích tôi.”
Chúng tôi không có bắt ai hết, sau khi xác định nhân thân thì trả tự do hết. Chúng tôi chỉ mời về để giải thích và 12 giờ cho về hết.
Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh
Anh Nguyễn Tiến Nam, người từng tham gia vào những cuộc phản đối chống Trung Quốc từ hồi năm 2008 đến những chủ nhật vừa qua cũng nói lên suy nghĩ của bản thân:
“Khi vào Công an Phường Tràng Tiền, các bạn đứng trước hô lớn nói “Thả người vô tội’, ‘Yêu nước không có tội”… Tôi cảm thấy hành động đó là vượt lên sự sợ hãi, Điều này khác với trước đây vào ngày 23 tháng 12 năm 2007 khi tôi bị bắt vào công an phường Quốc Tử Giám vì chống biểu tình cùng bác Nguyễn Xuân Nghĩa, rồi ngày 29 tháng 4 năm 2008 tôi cùng nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa, sinh viên Ngô Quỳnh… biểu tình phản đối rước đuốc Olympic Bắc Kinh; tôi bị đánh rất dã man nhưng không ai lên tiếng gì. Vừa qua thì mọi người đã có ý kiến, như thế đã vượt qua sự sợ hãi của chính họ rồi.”
Trước những hành động của công an Việt Nam, các tổ chức theo dõi nhân quyền như Human Rights Watch và Tổ chức Bảo vệ Ký giả đã lên tiếng chỉ trích việc Việt Nam trấn áp, bắt bớ những người biểu tình ôn hòa để bày tỏ lòng yêu nước.
Cuộc họp bất thành

Cũng liên quan đến những tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Việt Nam Tuần Qua chứng kiến cuộc gặp bất thành giữa Bộ Ngoại giao và các nhân sĩ yêu cầu minh bạch thông tin về đồng thuận với Trung Quốc.
Trả lời Đài Á Châu Tự Do, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, một trong những người ký tên vào bản kiến nghị gửi Bộ ngoại giao cho biết:
Họ định thông báo riêng cho tôi và luật sư Trần Vũ Hải nên tôi không nghe, họ không hứa hẹn gì và như thế cuộc họp bất thành.
Giáo sư Nguyễn Huệ Chi
"Cuộc họp hôm nay, cuộc họp không thành vì không có giấy mời. Các vị khác không đến nên tôi không nghe. Họ định thông báo riêng cho tôi và luật sư Trần Vũ Hải nên tôi không nghe, họ không hứa hẹn gì và như thế cuộc họp bất thành."
Được biết, trong bản kiến nghị gửi Bộ Ngoại giao hôm 2-7, giới nhân sĩ trí thức yêu cầu minh bạch thông tin về những đồng thuận với với Trung Quốc, sau chuyến thăm và làm việc mới đây của Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn với phía đối tác Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông.
Thành phần lãnh đạo cấp cao

Và cuối cùng, hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành trung ương đảng khóa 11 vừa kết thúc tại Hà Nội tuần này, đã chuyển sang Quốc hội danh sách thành phần nhân sự lãnh đạo Quốc hội, Nhà nước và Chính phủ nhiệm kỳ tới.
Theo đó ông Trương Tấn Sang sẽ làm Chủ tịch nước, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sang giữ chức Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục giữ chức Thủ tướng chính phủ.
Trong bản danh sách này, thành phần chính phủ nhiệm kỳ tới có một vài thay đổi đáng chú ý như: ông Phạm Bình Minh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng ngoại giao, ông Trần Đại Quang lên giữ chức Bộ trưởng Công an, trong khi đó Đại tướng Phùng Quanh Thanh tiếp tục làm Bộ trưởng quốc phòng.
Các ông Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải tiếp tục giữ chức Phó thủ tướng. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân chuyển sang làm Phó chủ tịch Quốc hội. Trong khi đó ông Đinh La Thăng được cử giữ chức Bộ trưởng Giao thông Vận tải thay cho ông Hồ Nghĩa Dũng, Bí thư tỉnh ủy Lào Cai, ông Bùi Quang Vinh được đưa về giữ chức Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư thay cho ông Võ Hồng Phúc.
Được biết, danh sách này sẽ được thông qua tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 13 nhóm họp vào thứ Năm tuần tới.
Theo dòng thời sự:
- Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội ngày 10-7, một số người bị công an bắt giữ
- Những câu trả lời thích đáng
- Vì sao cuộc biểu tình chống Trung Quốc lần thứ 6 bị trấn áp?
- Cuộc gặp giữa Bộ ngoại giao và các nhân sĩ bất thành
- Tàu quân sự Trung Quốc lại chặn bắt đánh đập ngư dân Việt Nam
- Kiến nghị bảo vệ và phát triển đất nước
- Người bảo vệ luật có quyền vi phạm luật?
- Thành phần nhân sự cấp cao dự kiến
- Bí mật đồng thuận Việt Nam Trung Quốc?