Tiếp tục đối thoại
Đó là kết quả đạt được sau cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt – Trung, nhân chuyến thăm Việt Nam của ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên quốc vụ viện Trung Quốc.
Tường thuật chuyến công du Việt Nam của Ủy viên quốc vụ Trung Quốc phụ trách ngoại giao cũng như nội dung cuộc họp của ông Đới Bỉnh Quốc với Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, báo chí trong nước hôm thứ Năm 8-9 đồng loạt loan tin là hai nước đã đồng ý tăng cường đối thoại nhằm chấm dứt những tranh chấp tại Biển Đông, cũng như đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền nhằm làm giảm căng thẳng trong quan hệ song phương.
Về các vấn đề trên Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hai bên đã có nhận thức khác nhau, nhưng điều quan trọng là cần giải quyết những khác biệt này tinh thần thiện chí và xây dựng.
TT Nguyễn Tấn Dũng
Những thỏa thuận này đạt được sau khi đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong cuộc gặp với ông Đới Bỉnh Quốc hôm thứ Tư đã thẳng thắn nhìn nhận rằng hai bên vẫn còn nhiều khác biệt trên hồ sơ này.
Theo Thủ tướng Việt Nam: "Về các vấn đề trên Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, hai bên đã có nhận thức khác nhau, nhưng điều quan trọng là cần giải quyết những khác biệt này tinh thần thiện chí và xây dựng".
Nhâp dịp này Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng bày tỏ với đại diện Trung Quốc là, hy vọng hai bên sẽ sớm ký kết bản "Thỏa thuận nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển".
Vừa đấm vừa xoa
Về phần mình, ông Đới Bỉnh Quốc đồng tình với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, theo đó hai bên khẩn trương thảo luận để giải tỏa khác biệt về Biển Đông để tìm ra những giải pháp mang tính cơ bản và lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được.
Ông Đới Bỉnh Quốc còn nhấn mạnh tới "tinh thần vừa là đồng chí vừa là anh em" giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Tuy nhiên, trả lời Gia Minh của Đài Á Châu Tự Do, ông Dương Danh Dy, cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Trung Quốc cho rằng những lời hứa của ông Đới Bỉnh Quốc chỉ phản ánh tái độ "vừa đấm, vừa xoa" của Bắc Kinh:
“Đó là cách thường xuyên của Nhà cầm quyền Trung Quốc (tôi buộc phải nói điều này), là thủ đoạn không hay ho gì của họ tức ‘vừa đấm, vừa xoa’.
Trước lúc ông Đới Bỉnh Quốc sang vài ngày, họ cho tàu ngư chính ra hoạt động tại vùng Biển Đông - nơi đang có tranh chấp về chủ quyền giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Nhân dịp này, qua Đài của các ông, tôi cũng muốn nhắn với ông Đới Bỉnh Quốc đừng chơi trò ‘vừa đấm, vừa xoa’ nữa mà phải thành thực giải quyết vấn đề với Việt Nam”.
Quan điểm của ông Dương Danh Dy về chính sách hai mặt của Bắc Kinh cũng nhận được sự đồng tình từ các nhà nghiên cứu ở hải ngoại.
Từ California, ông Trần Bình Nam cho rằng trong lịch sử quan hệ của hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc, Bắc Kinh lúc nào cũng hành xử theo lối vừa anh em đồng chí, lại vừa đe dọa để thao túng, lấn áp Việt Nam.
Không để biểu tình xảy ra
Và cũng theo nhà nghiên cứu sử Trần Bình Nam, để thoát khỏi sự kiềm tỏa của Trung Quốc, Việt Nam không còn cách nào hơn là phải huy động sức mạnh dân tộc đồng thời mở rộng các quan hệ quốc tế để tạo đối trọng với Bắc Kinh. Trả lời Mặc Lâm của RFA, ông nói:
“Việt Nam cần xích lại với Ấn Độ, Nhật Bản, thân thiện với Liên Bang Nga, thân thiện với Cộng Đồng Châu Âu, và quan trọng nhất là cần liên minh chặt chẽ và cụ thể với Hoa Kỳ. Nhưng tựu trung không có chiến lược giữ nước nào mà thành công nếu những người lãnh đạo chưa huy động được nội lực của nhân dân, và không thể huy động được nội lực của nhân dân nếu Đảng CSVN chưa có một chương trình cải tổ chính trị.”
Tuy nhiên, những gì đã và đang diễn ra cho thấy chính phủ Việt Nam dường như cho đến nay vẫn chưa huy động được sức mạnh dân tộc trong việc đối phó với Bắc Kinh. Điều này thể hiện qua việc chính quyền vẫn nhất quyết ngăn cản việc người Việt Nam lên tiếng bày tỏ lòng yêu nước.
Thậm chí lãnh đạo Việt Nam, mà cụ thể là Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, tướng Nguyễn Chí Vịnh trong chuyến thăm Trung Quốc mới đây, đã cam kết với lãnh đạo Bắc Kinh là sẽ không để tái diễn các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Lời hứa của tướng Vịnh đã ngay lập tức gây phẫn nộ cho dư luận người Việt Nam trong cũng như ngoài nước.
Trả lời Thanh Trúc của Đài Á Châu Tự Do, từ Sài Gòn ông Lê Hiếu Đằng, cựu Phó chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng:
“Ông Vịnh đã phát biểu những ý kiến tôi cho là vượt thẩm quyền. Nội dung gây phẫn nộ nhất đối với nhiều tầng lớp nhân dân trong đó có những anh em sinh viên học sinh đã từng đấu tranh. Chúng tôi đấu tranh để dành độc lập tự do cho tổ quốc, bảo vệ cái danh dự cái lòng tự tôn của dân tộc. Nhưng bây giờ một vị tướng lãnh mà lại đi tự cam kết với Trung Quốc rằng sẽ cấm biểu tình, hứa rằng không để tái diễn việc đó nữa thì tôi cho là không được. Cái đó là tướng Vịnh hoàn toàn không có quyền phát biểu như vậy.
Chúng tôi đặt vấn đề trách nhiệm của các vị lãnh đạo cao cấp đảng và nhà nước là phải chăng đã có ai chỉ đạo vấn đề này, các vị có đồng ý với những ý kiến đó hay không thì phải trả lời minh bạch trước nhân dân Việt Nam. Bởi vì đây là công việc hoàn toàn nội bộ của một nước độc lập và tự chủ, do đó khi anh nói với Trung Quốc như vậy chứng tỏ anh không còn độc lập nữa.”
Nhưng bây giờ một vị tướng lãnh mà lại đi tự cam kết với Trung Quốc rằng sẽ cấm biểu tình, hứa rằng không để tái diễn việc đó nữa thì tôi cho là không được.
Ô. Lê Hiếu Đằng
Tại Hà Nội nhiều nhân sĩ trí thức cũng lên tiếng chỉ trích việc chính quyền ngăn cấm người dân bày tỏ lòng yêu nước qua các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.
Lên tiếng trên Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải cho biết ông không thể nào làm ngơ trước những thái độ hung hăng của Trung Quốc:
“Tôi từng gặp nhiều ngư dân ở Đà Nẵng- phố Hoàng Sa, ở Nha Trang phố Trường Sa, tôi thấy họ rất khổ. Đến ngày 19 tháng 8, một thuyền ở Quảng Trị lại bị bắt. Trước đó vào ngày 8 tháng 8, một tàu khác của ngư dân Việt Nam bị tàu Nhà nước Trung Quốc bắt.
Kiểu bắt của Trung Quốc là kiểu ăn cắp, ăn cướp nên tôi không thể để ai bắn giết, cướp phá bà con ngư dân Việt Nam.
Tôi không thể ngồi yên ở Hà Nội trước cảnh bà con khổ như thế.”
Kính thưa quý khán thính giả, trở lại với chuyến công du Việt Nam của nhân vật phụ trách đối ngoại và an ninh của đảng cộng sản Trung Quốc: đến Hà Nội tuần này, một mặt ông Đới Bỉnh Quốc đồng chủ trì các cuộc thảo luận giữa hai nước về các vấn đề song phương; mặt khác ông còn có nhiệm vụ chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vào cuối năm nay.